ĐBQH LƯU BÁ MẠC: CẦN CÓ QUY ĐỊNH ĐỐI VỚI CÁC LOẠI ĐẤT ĐỂ XÂY DỰNG CÔNG TRÌNH VIỄN THÔNG

02/10/2023

Đóng góp vào việc hoàn thiện dự án Luật Viễn thông (sửa đổi), ĐBQH Lưu Bá Mạc – Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn đề nghị cơ quan soạn thảo dự án Luật nghiên cứu khuyến khích doanh nghiệp viễn thông phát triển hạ tầng tại khu vực khó khăn, biên giới hải đảo cần có quy định đối với các loại đất để xây dựng công trình viễn thông...

GIẢI TRÌNH, TIẾP THU, CHỈNH LÝ ĐỐI VỚI DỰ ÁN LUẬT VIỄN THÔNG (SỬA ĐỔI)

ĐỀ XUẤT CÓ CHÍNH SÁCH ƯU ĐÃI CHO CÁC DOANH NGHIỆP TRONG VIỆC CHIA SẺ HẠ TẦNG VIỄN THÔNG ĐỂ ĐẢM BẢO AN NINH QUỐC PHÒNG

Phiên họp thứ 7 về giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Viễn thông (sửa đổi).

Luật Viễn thông (sửa đổi) sẽ tiếp tục được Quốc hội cho ý kiến, xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 6 tới. Tại Phiên họp lần thứ 7 về giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Viễn thông (sửa đổi) do Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường tổ chức mới đây, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Phương Tuấn cho biết: Tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Viễn thông (sửa đổi), có 92 lượt đại biểu Quốc hội (ĐBQH) phát biểu ý kiến tại Tổ, 21 lượt ĐBQH phát biểu ý kiến tại Hội trường và 01 ý kiến của ĐBQH góp ý bằng văn bản. Đa số ý kiến ĐBQH tán thành về sự cần thiết ban hành Luật Viễn thông (sửa đổi) cơ bản nhất trí với nhiều nội dung của dự thảo Luật.

Ngay sau kỳ họp, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đã chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông và Thường trực Uỷ ban Pháp luật, các cơ quan hữu quan quán triệt, bám sát các mục tiêu chính sách, quan điểm và yêu cầu đối với dự án Luật đã trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5, tiếp tục tổ chức khảo sát, hội thảo, tọa đàm để có thêm cơ sở lý luận và thực tiễn cho việc hoàn thiện dự thảo Luật.

Ngày 24/8/2023, tại Phiên họp tháng 8/2023, Ủy ban Thường vụ Quốc hội  đã cho ý kiến về một số vấn đề lớn trong việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Viễn thông (sửa đổi). Tiếp đó, ngày 29/8/2023, Thường trực Ủy ban đã báo cáo về nội dung này tại Hội nghị ĐBQH chuyên trách.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Phương Tuấn.

Sau khi tiếp thu, chỉnh lý, dự thảo Luật gồm 10 Chương, 73 Điều, trong đó: sửa đổi, bổ sung 53 Điều về nội dung; sửa đổi, bổ sung 06 Điều về kỹ thuật; bãi bỏ một số quy định tại 08 Điều. Hiện nay, dự thảo Luật đang được gửi xin ý kiến 63 Đoàn ĐBQH, cho đến thời điểm này, Ủy ban đã nhận được ý kiến góp ý của 23 Đoàn ĐBQH.

Về điều chỉnh và quản lý dịch vụ viễn thông cơ bản trên Internet (OTT viễn thông), dịch vụ trung tâm dữ liệu, điện toán đám mây (Điều 1, 28 và 29), Thường trực Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường thấy rằng, dự thảo Luật điều chỉnh đối với 03 dịch vụ mới so với Luật Viễn thông năm 2009 (gồm dịch vụ OTT viễn thông, trung tâm dữ liệu và điện toán đám mây) là cần thiết.

Chia sẻ hạ tầng viễn thông cần sự đồng thuận của các doanh nghiệp với sự khuyến khích của cơ quan quản lý Nhà nước

Thay mặt Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn, đại biểu Lưu Bá Mạc khẳng định: Luật Viễn thông năm 2009 sau hơn 13 năm thi hành đã bộc lộ những hạn chế nên việc sửa đổi Luật là cần thiết để thể chế hóa các chủ trương của Đảng về phát triển kinh tế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước trong hoạt động viễn thông như: Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng; Nghị quyết số 52/NQ-TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 17/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đồng thời, phát triển hạ tầng viễn thông và các hạ tầng khác tạo nền tảng cho phát triển kinh tế số, xã hội số; đáp ứng kịp thời những yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, thực hiện các cam kết quốc tế; bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ với các quy định của pháp luật, khắc phục những bất cập, khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thực hiện Luật trong thời gian qua.

 Đại biểu Lưu Bá Mạc - Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn.

Theo đại biểu Lưu Bá Mạc, qua nghiên cứu và tổ chức lấy ý kiến góp ý của các cơ quan chuyên môn, Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn cơ bản nhất trí với bố cục gồm 10 chương; 73 điều và các quy định trong dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi) đã được cơ quan soạn thảo tiếp thu, chỉnh lý để trình Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV. Tuy nhiên, qua rà soát còn có một số nội dung cần xem xét sửa đổi, bổ sung nhằm hoàn thiện các quy định của luật và bảo đảm tính khả thi khi thi hành Luật. Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn tổng hợp một số ý kiến góp ý đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét.

Về hình thức kinh doanh viễn thông (Điều 10), tại điểm a, điểm b, khoản 1 có quy định: Kinh doanh viễn thông bao gồm kinh doanh dịch vụ viễn thông và kinh doanh hàng hoá viễn thông. Kinh doanh dịch vụ viễn thông là hoạt động đầu tư cơ sở hạ tầng viễn thông công cộng, cung cấp dịch vụ viễn thông nhằm mục đích sinh lợi. Kinh doanh hàng hoá viễn thông là hoạt động đầu tư, sản xuất, mua bán, cho thuê phần mềm và vật tư, thiết bị viễn thông nhằm mục đích sinh lợi".

Đây là quy định mang tính chất giải thích khái niệm về "kinh doanh dịch vụ viễn thông" và "kinh doanh hàng hóa viễn thông". Vì vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét chuyển quy định này về Điều 3 giải thích từ ngữ cho phù hợp.

Về quyền, nghĩa vụ của thuê bao viễn thông và người sử dụng dịch vụ viễn thông (Điều 15), đại biểu Lưu Bá Mạc đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét sắp xếp lại hình thức bố cục của các  khoản 1, khoản 2, khoản 3 và khoản 4 cho phù hợp với tên của Điều Luật, cụ thể sắp xếp lại như sau:

- Khoản 1. Quyền của thuê bao viễn thông

- Khoản 2. Nghĩa vụ của thuê bao viễn thông

- Khoản 3. Quyền của người sử dụng dịch vụ viễn thông

- Khoản 4. Nghĩa vụ của người sử dụng dịch vụ viễn thông

Về Gia hạn, cấp lại, sửa đổi, bổ sung giấy phép viễn thông (Điều 39), tại khoản 3, dự thảo quy định “Việc cấp lại giấy phép viễn thông cho tổ chức khi giấy phép đã cấp hết hạn hoặc khi trúng đấu giá băng tần số vô tuyến điện được thực hiện theo quy định tại điểm a, b, c, đ, e, g, h Điều 34, Điều 36, Điều 37 Luật này có xem xét việc thực hiện nội dung quy định trong giấy phép viễn thông đã cấp và quyền lợi của người sử dụng dịch vụ viễn thông”.

Tại điểm b, khoản 4 quy định: "Thực hiện dựa trên điều kiện cấp phép quy định tại điểm a, b, c, đ, e Điều 34, Điều 37 Luật này tương ứng đề nghị sửa đổi, bổ sung giấy phép".

Tuy nhiên, Điều 34 chỉ có 03 khoản, không có điểm; Điều 37 không có khoản, điểm nên đề nghị cơ quan soạn thảo trích dẫn chính xác. Rà soát sửa tương tự tại Khoản 4 Điều 39 dự thảo.

Về chia sẻ cơ sở hạ tầng viễn thông (Điều 47), tại khoản 3 đề nghị bổ sung cụm từ "tại trung ương" và cụm từ "quy định cụ thể", viết lại cụ thể như sau: “Cơ quan quản lý Nhà nước chuyên ngành về viễn thông tại trung ương quyết định và quy định cụ thể việc chia sẻ cơ sở hạ tầng viễn thông trong các trường hợp sau đây:…”.

Vì nếu có quy định từ cơ quan quản lý Nhà nước chuyên ngành về viễn thông tại Trung ương trong việc chia sẻ dùng chung các cơ sở hạ tầng viễn thông là một bước tiến nữa của việc dùng chung hạ tầng thụ động trong Chỉ thị số 52/CT-BTTTT ngày 11/11/2019 của Bộ Thông tin và Truyền thông về tăng cường chia sẻ, sử dụng chung cơ sở hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động giữa các doanh nghiệp viễn thông cũng như pháp luật về viễn thông. Điều này cần dựa trên cơ sở hợp tác, đồng thuận của các doanh nghiệp viễn thông với sự hỗ trợ, khuyến khích của cơ quan quản lý Nhà nước. Như vậy, sẽ đảm bảo thống nhất giữa các địa phương trong việc chia sẻ cơ sở hạ tầng viễn thông.

Về đất sử dụng cho công trình viễn thông (Điều 64), tại khoản 1 dự thảo Luật có quy định: "Căn cứ quy hoạch hạ tầng thông tin và truyền thông quốc gia, quy hoạch hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động và quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền có trách nhiệm giao đất cho việc xây dựng công trình viễn thông vì lợi ích quốc gia, công cộng trên địa bàn". Tuy nhiên, hiện tại nước ta đang triển khai thực hiện công cuộc chuyển đổi số, việc phải phủ sóng di động và cáp quang băng rộng tại các vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, khu vực khó khăn là hết sức cần thiết. Trong khi việc triển khai cáp quang đến các thôn bản vùng sâu, xa rất khó khăn do địa hình hiểm trở, dân cư thưa thớt và sinh sống không tập trung và hiệu quả đầu tư rất thấp. Chính vì vậy, đại biểu Lưu Bá Mạc đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu bổ sung các cụm từ sau: "Tại các vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, khu vực khó khăn chưa có dịch vụ băng rộng"; "Khuyến khích và hỗ trợ các doanh nghiệp viễn thông trong việc triển khai xây dựng công trình viễn thông tại vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, khu vực khó khăn có sóng yếu hoặc trắng sóng" vào quy định của dự thảo Luật.

Theo đó, việc viết lại cụ thể như sau: "Căn cứ quy hoạch hạ tầng thông tin và truyền thông ..., Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền có trách nhiệm giao đất cho việc xây dựng công trình viễn thông quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia hoặc tại các vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, khu vực khó khăn chưa có dịch vụ băng rộng hoặc được sử dụng làm điểm cung cấp dịch vụ viễn thông công cộng trên địa bàn. Khuyến khích và hỗ trợ các doanh nghiệp viễn thông trong việc triển khai xây dựng công trình viễn thông tại vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, khu vực khó khăn có sóng yếu hoặc trắng sóng".

Đại biểu Lưu Bá Mạc đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu bổ sung thêm quy định đối với đất để xây dựng các công trình viễn thông vào Điều 64 vì hiện nay, các công trình viễn thông (trạm BTS) tại khu vực vùng sâu, vùng xa, biên giới, khu vực khó khăn đa số xây trên đất rừng, đất nông nghiệp... Các doanh nghiệp muốn xây dựng công trình phải chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Do đó, để khuyến khích doanh nghiệp viễn thông phát triển hạ tầng tại khu vực vùng sâu, vùng xa, biên giới hải đảo, khu vực khó khăn cần có quy định đối với các loại đất để xây dựng công trình viễn thông.

Về sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật có liên quan (Điều 71), tại khoản 1, dự thảo quy định “Thay thế cụm từ “Giấy phép thiết lập mạng viễn thông” thành “Giấy phép cung cấp dịch vụ viễn thông có hạ tầng mạng” tại Luật Tần số vô tuyến điện số 42/2009/QH12 ngày 23/11/2009 được sửa đổi bổ sung tại Luật số 09/2022/QH15 ngày 09/11/2022”.

Để bảo đảm tính đầy đủ, chính xác đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung cụm từ "của Quốc hội" và "bởi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện", viết lại cụ thể như sau: “Thay thế cụm từ “Giấy phép thiết lập mạng viễn thông” thành “Giấy phép cung cấp dịch vụ viễn thông có hạ tầng mạng” tại Luật Tần số vô tuyến điện số 42/2009/QH12 ngày 23/11/2009 của Quốc hội, được sửa đổi bổ sung bởi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện số 09/2022/QH15 ngày 09/11/2022 của Quốc hội”./.

Bích Lan

Các bài viết khác