ĐBQH LÊ THỊ THANH LAM: KỲ VỌNG QUYẾT SÁCH CỦA QUỐC HỘI SẼ ĐÁP ỨNG ĐƯỢC YÊU CẦU CỦA THỰC TIỄN, MONG MỎI CỦA CỬ TRI

21/10/2023

Theo Chương trình dự kiến, Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV sẽ diễn ra từ ngày 23/10 đến ngày 28/11/2023. Chia sẻ trước thềm Phiên khai mạc, Phó Đoàn chuyên trách phụ trách Đoàn ĐBQH Hậu Giang Lê Thị Thanh Lam kỳ vọng, những quyết sách của Quốc hội tại Kỳ họp sẽ đáp ứng yêu cầu của thực tiễn cuộc sống cũng như mong mỏi của Nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp.

DỰ KIẾN CHƯƠNG TRÌNH KỲ HỌP THỨ 6, QUỐC HỘI KHÓA XV

Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV sẽ chính thức khai mạc vào ngày 23/10 tới đây. Theo dự kiến, tổng thời gian làm việc của Quốc hội là 22 ngày, tiến hành theo 02 đợt (đợt 1 từ ngày 23/10 - 10/11/2023; đợt 2 từ ngày 20/11- 28/11/2023). Tại Kỳ họp này, Quốc hội sẽ được tổ chức theo hình thức họp tập trung tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội.

Đại biểu Lê Thị Thanh Lam - Phó Đoàn chuyên trách phụ trách Đoàn ĐBQH Hậu Giang

Phóng viên: Theo Chương trình dự kiến, Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV sẽ chính thức khai mạc vào ngày 23/10 tới đây tại Thủ đô Hà Nội. Vậy, đại biểu đánh giá thế nào về nội dung cũng như công tác chuẩn bị của Kỳ họp lần này?

Đại biểu Lê Thị Thanh Lam - Phó Đoàn chuyên trách phụ trách Đoàn ĐBQH Hậu Giang: Tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 09 dự án luật; xem xét thông qua 01 dự thảo nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách tháo gỡ vướng mắc quy định tại một số luật liên quan tới đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ. Bên cạnh đó, Quốc hội sẽ xem xét, cho ý kiến 08 dự án Luật, bao gồm: Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi); Luật Lưu trữ (sửa đổi); Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp; Luật Đường bộ;…

Quốc hội cũng sẽ tiến hành đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2023 và xem xét, quyết định kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2024. Xem xét các báo cáo đánh giá giữa nhiệm kỳ: kết quả triển khai thực hiện các kế hoạch 05 năm giai đoạn 2021 - 2025 về phát triển kinh tế - xã hội, cơ cấu lại nền kinh tế, đầu tư công trung hạn, tài chính quốc gia và vay, trả nợ công;..

Đặc biệt, tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về trách nhiệm của các thành viên Chính phủ, Trưởng ngành trong việc thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội khóa XIV về giám sát chuyên đề, chất vấn và nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết kỳ họp thứ 4; tiến hành giám sát chuyên đề; lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn.

Như vậy, có thể thấy, tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV sẽ xem xét, quyết định cũng như cho ý kiến một khối lượng công việc rất lớn, với nhiều nội dung quan trọng về xây dựng pháp luật, giám sát cũng như quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.

Thời gian qua, Văn phòng Quốc hội đã chủ động phối hợp với các cơ quan hữu quan chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng các điều kiện về cơ sở vật chất, kỹ thuật, an ninh, an toàn, lễ tân, tổ chức công tác thông tin, báo chí, tuyên truyền, các tài liệu phục vụ cho Kỳ họp,… Công tác phục vụ kỳ họp ngày càng được đổi mới, nâng cao chất lượng, đảm bảo điều kiện tốt nhất cho các vị đại biểu Quốc hội tham dự kỳ họp. Đặc biệt, tại Kỳ họp lần này, Chính phủ, các cơ quan có liên quan và các cơ quan của Quốc hội đã rất tích cực, chủ động để gửi tài liệu, nội dung cho ý kiến tại kỳ họp để các đại biểu Quốc hội sớm tiếp cận, đảm bảo thời gian nghiên cứu trước thảo luận. Đến nay, có thể thấy, công tác chuẩn bị kỳ họp về các phương diện đã hoàn tất sẵn sàng cho kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV.

Phóng viên:.Qua thực tiễn tiếp xúc cử tri của Đoàn Đại biểu Quốc hội tại địa phương, theo đại biểu đâu là nội dung trọng tâm cử tri mong muốn gửi gắm tới Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV?

Đại biểu Lê Thị Thanh Lam - Phó Đoàn chuyên trách phụ trách Đoàn ĐBQH Hậu Giang: Qua thực tiễn tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, cử tri mong muốn thời gian tới, Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương tiếp tục quan tâm, sớm có giải pháp giải quyết tình trạng hiện nay một số Luật đã được ban hành nhưng các văn bản hướng dẫn thi hành như Nghị định, Thông tư ban hành chậm, gây khó khăn trong quá trình áp dụng thực hiện ở cơ sở.

Bên cạnh đó, cử tri cũng mong muốn Chính phủ quan tâm hơn đến việc đầu tư xây dựng hạ tầng cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long, nhất là giao thông kết nối vùng và Chính phủ nên đầu tư cho tỉnh, để tỉnh đầu tư cho địa phương có nguồn vốn xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao.

Chính phủ có chính sách kiềm chế lạm phát, bảo đảm tốt an sinh xã hội, tìm đầu ra cho nông sản, khắc phục triệt để tình trạng được mùa mất giá; có giải pháp bình ổn kìm chế giá cả đối với một số mặt hàng thiết yếu phục vụ trực tiếp nhu cầu đời sống Nhân dân.

Phóng viên: Liên quan đến công tác lập pháp, tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội dự kiến xem xét thông qua 9 luật và 01 dự thảo nghị quyết có chứa quy phạm pháp luật. Qua nghiên cứu tài liệu cũng như thực tiễn hoạt động, đại biểu có đánh giá như thế nào về chất lượng các dự án luật sau khi tiếp thu, chỉnh lý lần này?

Đại biểu Lê Thị Thanh Lam - Phó Đoàn chuyên trách phụ trách Đoàn ĐBQH Hậu Giang: Thời gian qua, các cơ quan của Quốc hội đã tích cực phối hợp với các cơ quan hữu quan nhằm hoàn tất các báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý và các báo cáo thẩm tra, cũng như đôn đốc các cơ quan nhằm hoàn thiện hồ sơ các dự án Luật, Nghị quyết bảo đảm đáp ứng các điều kiện, chất lượng trước khi trình ra Quốc hội. Đồng thời, các Ủy ban của Quốc hội rất sâu sát trong việc thẩm tra các nội dung của dự án Luật, có nhiều đổi mới, đột phá hơn trong việc tiếp thu, chỉnh lý các dự án Luật.

Đồng thời, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng thường xuyên đôn đốc Chính phủ, các Bộ, ngành khẩn trương gửi các báo cáo, hồ sơ, tài liệu để đại biểu Quốc hội có thời gian nghiên cứu góp ý vào dự thảo các dự án Luật và Nghị quyết. Do đó, chất lượng các dự án Luật sau khi tiếp thu, chỉnh lý đều được nâng cao, nhiều ý kiến góp ý của đại biểu Quốc hội được tiếp thu, các ý kiến khác được giải trình đầy đủ.

Phóng viên: Là kỳ họp cuối năm đồng thời là kỳ họp giữa nhiệm kỳ, tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội sẽ thực hiện khối lượng công việc rất lớn với nhiều nội dung quan trọng. Vậy, đại biểu có kỳ vọng gì trước thềm phiên khai mạc kỳ họp?

Đại biểu Lê Thị Thanh Lam - Phó Đoàn chuyên trách phụ trách Đoàn ĐBQH Hậu Giang: Tôi kỳ vọng các vị đại biểu Quốc hội sẽ tiếp tục phát huy tốt tinh thần trách nhiệm cao, tham gia đóng góp các ý kiến thật sự chất lượng nhằm hoàn thiện các báo cáo, các dự án Luật, nghị quyết, đặc biệt là những dự án Luật sẽ được Quốc hội bấm nút biểu quyết thông qua trong kỳ họp này; nhất là từng đại biểu phải công tâm, khách quan trong việc xem xét, đánh giá nhân sự của công tác lấy phiếu tín nhiệm người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn;

Đồng thời, các vị đại biểu Quốc hội tiếp tục có những ý kiến đóng góp quan trọng vào những dự án Luật trình Quốc hội xem xét cho ý kiến lần này đang được cử tri và Nhân dân quan tâm, tham gia chất lượng các giải pháp về phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội của đất nước, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn cuộc sống cũng như sự kỳ vọng của Nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp.

Tôi cũng tin tưởng với sự chuẩn bị kỹ lưỡng, tâm huyết, trách nhiệm, các đại biểu sẽ tập trung trí tuệ để thảo luận và đưa ra được những quyết sách căn cơ, đúng đắn, sáng suốt đối với những vấn đề trọng đại của đất nước thuộc phạm vi, thẩm quyền của Quốc hội.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Đại biểu!

Lê Anh

Các bài viết khác