ĐBQH TRẦN VĂN KHẢI: CẦN KHẨN TRƯƠNG CÓ GIÁM SÁT CHUYÊN ĐỀ “VIỆC THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH PHÁP LUẬT VỀ LAO ĐỘNG, PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC VÀ NĂNG SUẤT LAO ĐỘNG”

31/10/2023

ĐBQH Trần Văn Khải- Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam nêu quan điểm: Quốc hội cần khẩn trương có giám sát chuyên đề “việc thực hiện chính sách pháp luật về lao động, phát triển nguồn nhân lực và năng suất lao động”. Trên cơ sở đó, ban hành Nghị quyết chuyên đề của Quốc hội về các chính sách đặc thù, đột phá, định hướng...

QUỐC HỘI THẢO LUẬN VỀ TÌNH HÌNH KINH TẾ - XÃ HỘI

DỰ BÁO KINH TẾ VẪN CÒN NHIỀU KHÓ KHĂN, CẦN THỰC HIỆN GIẢI PHÁP CĂN CƠ HƠN ĐỂ THỰC HIỆN KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ XÃ HỘI 2024

Chiều 31/10, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội thảo luận ở hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 và nhiều nội dung quan trọng khác.

Tại Hội trường, đại biểu Trần Văn Khải – Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam đã có những ý kiến đóng góp về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và năng suất lao động cho đất nước.

Quốc hội thảo luận ở hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 và nhiều nội dung quan trọng khác.

Qua nghiên cứu Báo cáo của Chính phủ đánh giá giữa kỳ về kết quả triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 – 2025 và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế, đại biểu Trần Văn Khải nhất trí với nội dung của các báo cáo. Tuy nhiên, đại biểu Trần Văn Khải nhận thấy nội dung báo cáo của Chính phủ về phát triển nguồn nhân lực và năng suất lao động còn mờ nhạt.

Thứ nhất, Đại hội XIII của Đảng tiếp tục xác định phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao là một đột phá chiến lược, là yếu tố quyết định đẩy mạnh phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ, cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng và là lợi thế cạnh tranh quan trọng nhất, bảo đảm cho phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững.

Thứ hai, dưới sự lãnh đạo của Đảng, trong thời gian qua, việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đạt được những kết quả nhất định. Việt Nam đã xây dựng các chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài, các chuyên gia, lao động có trình độ chuyên môn cao bằng các chính sách tiền lương, thưởng, phúc lợi hấp dẫn... Công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao đã được quan tâm. Các tầng lớp doanh nhân giỏi, lao động có trình độ kỹ thuật cao xuất hiện ngày càng nhiều trong xã hội, đóng góp đáng kể cho sự phát triển đất nước. Nhờ đó, trong giai đoạn vừa qua, dù còn nhiều khó khăn, nhưng tốc độ tăng trưởng GDP bình quân vẫn đạt khoảng 6%năm. Chất lượng tăng trưởng được cải thiện, năng suất lao động tăng từ 4,3%/năm giai đoạn 2011 - 2015 lên khoảng 6%/năm giai đoạn 2016 - 2020.

Tuy nhiên, thực trạng về nguồn nhân lực và năng suất lao động ở nước ta sau nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội đảng XIII còn nhiều tồn tại, hạn chế. Theo Báo cáo của Chính phủ: "Chất lượng nguồn nhân lực còn hạn chế, vẫn chưa có chuyển biến rõ nét, chưa thực sự là động lực, là đột phá để phát triển kinh tế- xã hội. Cơ cấu ngành nghề đào tạo chưa bám sát vào nhu cầu của thị trường lao động, nhất là lao động trong các ngành kinh tế mới; thiếu nhân lực trong các ngành kinh tế mũi nhọn, các ngành phục vụ kinh tế số…".

Đại biểu Trần Văn Khải – Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam.

Theo đánh giá của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), năng suất lao động của Việt Nam năm 2022 chỉ bằng 12,2% mức năng suất lao động của Singapore, bằng 24,4% của Hàn Quốc, bằng 58,9% của Trung Quốc, bằng 63,9% của Thái Lan và bằng 94,2 của Philippines. Trong khi đó, Tổ chức Năng suất châu Á (APO) đánh giá năng suất lao động của Việt Nam tụt hậu so với Nhật Bản 60 năm, so với Malaysia 40 năm và Thái Lan 10 năm.

Thứ ba, báo cáo kinh tế- xã hội của Chính Phủ chưa làm rõ được điểm cốt yếu trong phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao và tăng năng suất lao động trở thành đột phá chiến lược, là yếu tố quyết định đẩy mạnh phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ, cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng và là lợi thế cạnh tranh quan trọng nhất, bảo đảm cho phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững của nước ta trong thời gian tới.

Thứ tư, khi nguồn nhân lực chất lượng cao là chìa khóa cho phát triển kinh tế - xã hội, cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng và là lợi thế cạnh tranh thì hiện nay chúng ta có gì? Hay mới chỉ bắt đầu? Theo Báo cáo mới nhất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Chỉ riêng lĩnh vực Chip, bán dẫn dự báo nước ta cần đào tạo 50-100 nghìn nhân lực chất lượng cao cho ngành công nghiệp bán dẫn giai đoạn 2025 – 2030. Điều này cho thấy sự “khát” nguồn nhân lực chất lượng cao như thế nào!  

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp chiều 31/10.

Vậy chúng ta sẽ làm gì để phát triển nguồn nhân lực và tăng năng suất lao động cho bước đi tiếp theo ngay trong kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội 2023-2025? Khi quan hệ kinh tế Việt - Mỹ được nâng cấp sẽ mở ra cơ hội lớn phát triển ngành sản xuất quan trọng, sản phẩm cốt lõi của công nghệ cao, sống còn của thế giới hiện đại như: chất bán dẫn, chip, kim loại hiếm… Tuy nhiên, cho dù chúng ta thiện chí đến đâu, đầu tư hạ tầng, nhà xưởng sẵn sàng thế nào… nhưng nếu chưa có “ổ lót” là lao động chất lượng cao, chuyên sâu, chuyển đổi và năng suất lao động không được cải thiện thì làm sao “đại bàng công nghệ hạ cánh đẻ trứng vàng” cho chúng ta.

Rõ ràng, nhiệm vụ lớn, cấp thiết nhất của chúng ta lúc này là phải có chính sách đột phá, khắc phục cho được những tồn tại, hạn chế đang là rào cản, nút thắt cản trở sự phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao và năng suất lao động.

Trong tuyên bố chung về quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện Việt – Mỹ hôm 10/9/2023, hai bên ghi nhận tiềm năng của Việt Nam trong việc trở thành quốc gia chủ chốt trong ngành công nghiệp bán dẫn, đồng thời “ủng hộ sự phát triển nhanh chóng của hệ sinh thái bán dẫn tại Việt Nam”. Vì sao trong một tuyên bố chung trọng đại, bước ngoặt trong quan hệ hai quốc gia, công nghiệp bán dẫn lại được quan tâm đặc biệt như vậy?

Cơ hội cho một Việt Nam khác biệt và thịnh vượng đã đến và như nhà hiền triết người Mỹ Jackson Brown đã nói: “Không có gì đắt hơn một lần bỏ lỡ cơ hội”. Chính vì vậy, chúng ta không được phép bỏ lỡ cơ hội quý giá này.

Các đại biểu Quốc hội tham dự kỳ họp thứ 6.

Đại biểu Trần Văn Khải bày tỏ sự tin rằng: “Việt Nam sẽ trở lên khác biệt và thịnh vượng trong kỷ nguyên số nếu chúng ta kịp thời có chính sách đột phá phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao”.  Trên cơ sở đặt vấn đề như vậy, đại biểu Trần Văn Khải có 03 kiến nghị:

Một là: Báo cáo của Chính phủ cần phân tích, làm rõ hơn nữa thực trạng, khó khăn vướng mắc, nguyên nhân, trách nhiệm và đề xuất các giải pháp hết sức cụ thể, khả thi đối với việc phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, cải thiện rõ rệt năng suất lao động, tạo ra chuyển biến rõ rệt trong thời gian tới. Những nội dung vượt thẩm quyền, đề nghị Chính phủ sớm báo cáo Quốc hội xem xét quyết định kịp thời.

Hai là: Đề nghị Quốc hội cần khẩn trương có giám sát chuyên đề “việc thực hiện chính sách pháp luật về lao động, phát triển nguồn nhân lực và năng suất lao động”. Trên cơ sở đó, ban hành Nghị quyết chuyên đề của Quốc hội về các chính sách đặc thù, đột phá, định hướng, đặt mục tiêu, lộ trình, lĩnh vực, nguồn vốn đầu tư nhằm thực hiện thành công chủ trương của Đảng.

Ba là: Kính đề nghị Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng tiếp tục quan tâm chỉ đạo, định hướng kịp thời các chính sách đột phá, nhằm phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao./.

Bích Lan

Các bài viết khác