ĐBQH TRẦN VĂN KHẢI: CẦN QUY ĐỊNH LỘ TRÌNH ĐỂ LAO ĐỘNG TỪ ĐỦ 15 TUỔI TRỞ LÊN CÓ THU NHẬP VỀ TIỀN LƯƠNG ĐỀU PHẢI THAM GIA BHXH

02/11/2023

Đóng góp vào dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), ĐBQH Trần Văn Khải nêu quan điểm: Cần quy định lộ trình để tất cả lao động từ đủ 15 tuổi trở lên có tham gia lao động, có thu nhập về tiền lương đều phải tham gia BHXH (bắt buộc hoặc tự nguyên) trên cơ sở quản trị nhân lực và thống kê đầy đủ lực lượng lao động trên thị trường.

THẢO LUẬN TẠI TỔ 1: ĐỀ XUẤT GIẢM LỢI ÍCH TỪ VIỆC RÚT BẢO HIỂM XÃ HỘI 1 LẦN THEO PHƯƠNG ÁN 2

DỰ ÁN LUẬT BẢO HIỂM XÃ HỘI (SỬA ĐỔI): CẦN DỰ LIỆU CÁC TÌNH HUỐNG PHÁT SINH TRONG QUÁ TRÌNH TRIỂN KHAI CHÍNH SÁCH

Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) được kết cấu gồm 10 chương và 136 điều (Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 gồm 09 chương và 125 điều). Dự án luật được xây dựng dựa trên quan điểm: Bảo đảm quyền an sinh xã hội theo quy định của Hiến pháp; thể chế hóa quan điểm, đường lối, nội dung cải cách trong Nghị quyết số 28-NQ/TW và các văn kiện, nghị quyết có liên quan; Kế thừa, phát triển những quy định hiện hành phù hợp, sửa đổi các quy định chưa phù hợp, bổ sung những quy định mới; Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH); Xây dựng các chế độ BHXH theo nguyên tắc đóng - hưởng, công bằng, bình đẳng, chia sẻ và bền vững; Tham khảo và tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm của các quốc gia trên thế giới.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh.

Thay mặt cơ quan thẩm tra dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, Ủy ban Xã hội cơ bản nhất trí với mục tiêu và các quan điểm chỉ đạo xây dựng dự án Luật đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ. Tuy nhiên, đề nghị Cơ quan soạn thảo lưu ý: Luật Bảo hiểm xã hội phải phản ánh được tính lịch sử phát triển chính sách bảo hiểm xã hội, tâm lý xã hội, dân số, sức khỏe nhân dân, dựa trên những căn cứ khoa học, tính thực tiễn, đánh giá kỹ lưỡng, tính toán cụ thể, tính dự báo cao và pháp điển hóa những quy định về chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội. Các chính sách và tác động chính sách phải hướng đến thực hiện các mục tiêu trong Nghị quyết số 28 của Ban chấp hành Trung ương khóa XII về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội  (Nghị quyết số 28) đã xác định, phù hợp với thực tiễn phát triển của quan hệ lao động, thị trường lao động ở nước ta, khả năng bảo đảm của ngân sách nhà nước, khả năng cân đối quỹ bảo hiểm xã hội trong dài hạn và bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa trong các chính sách xã hội như yêu cầu tại Văn kiện Đại hội XIII của Đảng.

Đóng góp vào dự án Luật, đại biểu Trần Văn Khải - Ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam nhận định: Về cơ bản dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đã thể chế hóa được quan điểm của Đảng về phát triển hệ thống bảo hiểm xã hội linh hoạt, đa dạng, đa tầng, hiện đại, hội nhập quốc tế theo hướng bao phủ toàn bộ lực lượng lao động; đẩy mạnh cải cách hệ thống bảo hiểm xã hội, mở rộng, gia tăng quyền lợi của đối tượng, thu hút người lao động tham gia bảo hiểm xã hội, nhằm bảo đảm an sinh xã hội, BHXH dựa trên quyền con người theo tinh thần Hiến pháp 2013.

Bên cạnh đó, cần phân tích rõ tính ưu việt của các chính sách, dự liệu những tình huống phát sinh trong quá trình triển khai thực hiện chính sách từ người lao động và người sử dụng lao động; đẩy mạnh công tác tham vấn công chúng, thông tin kịp thời, đầy đủ, tạo sự đồng thuận cao, củng cố niềm tin và tăng mức độ tuân thủ, sự hài lòng của người dân cũng như các chủ thể tham gia bảo hiểm xã hội.

Các đại biểu Quốc hội Tp.Hà Nội tham gia thảo luận ở Tổ về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).

Dự án Luật cơ bản phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, phù hợp với quy định và tinh thần của Hiến pháp, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật, tính tương thích với các điều ước quốc tế có liên quan, Ủy ban Xã hội đề nghị Cơ quan soạn thảo: Đánh giá cụ thể, đầy đủ về mối quan hệ giữa Luật Bảo hiểm xã hội và các luật có điều chỉnh về các chính sách về bảo hiểm xã hội (Luật Việc làm, Luật An toàn, vệ sinh lao động, Luật Người cao tuổi…); Giải trình rõ hơn sự tương thích với Công ước 102 của Tổ chức lao động quốc tế về an sinh xã hội dự kiến sẽ trình Quốc hội phê chuẩn trong thời gian tới, tương thích với các quy định có liên quan trong các hiệp định song phương, các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội cho biết, cơ quan soạn thảo đã tuân thủ thủ tục, quy trình xây dựng pháp luật, đã tiến hành lồng ghép vấn đề bình đẳng giới, thể hiện nguyên tắc bình đẳng giới. Ủy ban Xã hội đề nghị Cơ quan soạn thảo đánh giá cụ thể hơn đối với từng chính sách để bảo đảm tính khả thi của việc giải quyết vấn đề giới trong dự thảo Luật, đồng thời nghiên cứu quy định mang tính nguyên tắc, nội dung liên quan đến đồng bào dân tộc thiểu số về các chính sách bảo hiểm xã hội đặc thù.

Hồ sơ dự án Luật cơ bản đáp ứng yêu cầu theo quy định tại Điều 64 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, tuy nhiên, chưa có giải trình, thuyết minh, thông tin dữ liệu đầy đủ liên quan đến các chính sách, nhất là quy định mới phát sinh so với đề xuất xây dựng dự án Luật như: quy định trách nhiệm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (khoản 6 Điều 3); quy định thêm hành vi chậm đóng (Điều 36); bổ sung quy định quyền khởi kiện của cơ quan bảo hiểm xã hội (Điều 37); bỏ quy định sử dụng quỹ bảo hiểm xã hội đóng bảo hiểm y tế đối với người lao động tiếp tục bảo lưu thời gian đóng sau một năm nghỉ việc...

Cùng với đó, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội cũng nhận định, hồ sơ dự án luật chưa đánh giá cụ thể về số lượng, chất lượng nguồn nhân lực và phương thức bảo đảm thực hiện cũng như dự kiến nguồn lực mà ngân sách nhà nước phải bảo đảm để thực hiện chính sách làm cơ sở để Quốc hội xem xét, quyết định. Dự thảo các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành chưa được rà soát, cập nhật theo dự thảo Luật trình Quốc hội.

Về việc bổ sung “trợ cấp hưu trí xã hội”, Ủy ban Xã hội nhất trí việc bổ sung tầng trợ cấp hưu trí xã hội như đề xuất của Chính phủ, thể hiện đúng tinh thần của Nghị quyết số 28, là một trong những giải pháp góp phần mở rộng diện bao phủ đối tượng hưởng các chế độ hưu trí đa dạng, không chỉ dựa trên cơ sở đóng góp của cá nhân mà còn dựa trên sự hỗ trợ của Nhà nước (phi đóng góp) nhằm hướng tới mục tiêu bao phủ bảo hiểm xã hội toàn dân.

Tuy nhiên, Ủy ban Xã hội đề nghị Cơ quan soạn thảo Đánh giá kỹ các tác động của việc quy định trợ cấp hưu trí xã hội đối với ngân sách nhà nước, việc đưa các đối tượng thuộc phạm vi điều chỉnh và áp dụng của Luật Người cao tuổi sang dự án Luật này và đối với chính sách khuyến khích người lao động tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện; Quy định rõ phương thức chuyển kinh phí và việc thanh toán, quyết toán, trong đó xác định rõ nội dung chi trả bảo hiểm y tế; Nghiên cứu bổ sung quy định linh hoạt việc huy động các nguồn lực xã hội đối với vấn đề này.

Dự thảo Luật đã đáp ứng yêu cầu cần thiết là mở rộng đối tượng, bảo đảm tốt nhất quyền, lợi ích cho người lao động đang làm việc và người hưởng lương hưu. Hỗ trợ kinh phí từ ngân sách Nhà nước cho người lao động tham gia BHXH tự nguyện và tăng thêm chế độ thai sản cho lao động nữ tham gia BHXH tự nguyện. Bổ sung quyền lợi ốm đau, thai sản cho lao động bán chuyên trách. Giảm thời gian tham gia BHXH xuống 15 năm. Đồng thời, xây dựng cơ sở dữ liệu Quốc gia về BHXH, áp dụng công nghệ thông tin, đẩy mạnh cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục, tạo sự công khai, minh bạch và thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.

Quan tâm khuyến khích và có chính sách cho 02 nhóm hộ kinh doanh

Nhằm hoàn thiện dự thảo luật, đại biểu Trần Văn Khải đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu kỹ lưỡng, đề xuất sửa đổi các chính sách, đảm bảo thể chế hoá đầy đủ chủ trương của Đảng đã nêu: "Sửa Luật lần này làm sao để BHXH thực sự trở thành trụ cột bền vững của an sinh - xã hội, bảo đảm quyền con người theo Hiến pháp 2013".

Về Điều 3 quy định đối tượng tham gia BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện, dự thảo Luật đã quy định chi tiết và bao phủ đầy đủ các đối tượng. Tuy nhiên, mục tiêu của Nghị quyết 28/TW là mở rộng đối tương tham gia BHXH, tiến tới BHXH toàn dân, do đó việc quy định đối tượng phải linh hoạt. Trước hết, phải quan tâm khuyến khích và có chính sách cho 02 nhóm hộ kinh doanh: (i) Hộ kinh doanh phải đăng ký hộ kinh doanh; và (ii) Hộ không phải đăng ký hộ kinh doanh; trong đó, đặc thù của hộ không phải đăng ký kinh doanh là các hộ hoạt động nhỏ lẻ, không ổn định, có thu nhập thấp.

Theo số liệu thống kê, có khoảng trên 5 triệu hộ kinh doanh, trong đó có gần 2 triệu hộ có đăng ký kinh doanh. Theo quy định của Luật BHXH năm 2014 thì chủ hộ kinh doanh không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc. Lần này, quan điểm bổ sung nhóm hộ có đăng ký kinh doanh là hợp lý, nhưng nên quy định tham gia BHXH bắt buộc theo hộ kinh doanh tương tự như BHYT hộ gia đình bắt buộc và nên có chính sách khuyến khích hỗ trợ như đã thực hiện BHYT hộ gia đình theo lũy tiến; đồng thời hỗ trợ nhóm hộ chưa đăng ký kinh doanh để họ cũng tham gia BHXH tự nguyện theo các thành viên của hộ kinh doanh và từng bước chuyển sang hộ kinh doanh có dăng ký kinh doanh và tham gia BHXH bắt buộc (lưu ý cả 2 nhóm hộ này đều bao gồm tất cả người lao động tham gia làm công ăn lương trong hộ kinh doanh). Đây là giải pháp rất quan trọng để đẩy nhanh độ bao phủ BHXH toàn dân.

Đại biểu Trần Văn Khải - Ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam.

Theo đó, quan điểm của đại biểu Trần Văn Khải là dự thảo Luật cần quy định lộ trình để tất cả lao động từ đủ 15 tuổi trở lên có tham gia lao động có thu nhập về tiền lương đều phải tham gia BHXH (bắt buộc hoặc tự nguyên) trên cơ sở quản trị nhân lực và thống kê đầy đủ lực lượng lao động trên thị trường. Từng bước chuyển dần thu BHXH qua thuế và công nghệ thông tin, như chương trình VSSID mà ngành BHXH đang thực hiện. Đồng thời, xây dựng cơ sở dữ liệu Quốc gia về bảo hiểm, áp dụng công nghệ thông tin, thực hiện BHXH số, đẩy mạnh cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tăng mức độ hài lòng, tạo minh bạch, công khai và thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.

Về căn cứ đóng BHXH tại Điều 30, Mục b, Khoản 1, theo đại biểu Trần Văn Khải, nên bỏ “các khoản bổ sung khác” vì lâu nay quy định nhưng không thực hiện được và gây tranh cãi. Mà nên quy định tiền lương làm căn cứ đóng BHXH, là tiền lương tháng, bao gồm mức lương, phụ cấp lương trả thường xuyên, được hạch toán vào giá thành sản phẩm và trả ổn định trong mỗi kỳ trả lương (ít nhất bằng 70% tổng thu nhập tiền lương).

Hướng tới một hệ thống trợ cấp thai sản phổ cập tại Việt Nam

Đóng góp về chế độ thai sản được quy định trong dự án Luật BHXH (sửa đổi), đại biểu Trần Văn Khải nêu quan điểm: Chúng ta phải “hướng tới một hệ thống trợ cấp thai sản phổ cập tại Việt Nam”. Mức hưởng chế độ thai sản phải tối thiểu bằng mức chuẩn nghèo, đảm bảo không có phụ nữ nào ở Việt Nam rơi vào cảnh nghèo đói vì có con. Nếu quy định như dự thảo Luật “người lao động tham gia BHXH tự nguyện (bao gồm cả lao động nữ và lao động nam) khi sinh con nếu đáp ứng đủ điều kiện (đóng BHXH từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con) thì được hưởng trợ cấp bằng 2.000.000 đồng/con” thì mức này là rất thấp, chưa thực sự hỗ trợ cho phụ nữ bảo vệ thai sản và không có ý nghĩa theo chế độ thai sản, vì thai sản là quỹ ngắn hạn thực hiện theo nguyên tắc chia sẻ. Theo tiêu chuẩn quốc tế, phụ nữ cần được nghỉ thai sản ít nhất 14 tuần thì mức này chỉ tương đương 145.000 đồng/tuần, tức là khoảng 600.000 đồng/tháng, chỉ bằng 40% mức chuẩn nghèo khu vực nông thôn.

Thực tiễn thời gian qua, Nhà nước đã có chính sách hỗ trợ cho phụ nữ là người dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo, cư trú tại các đơn vị hành chính thuộc vùng khó khăn khi sinh con đúng chính sách dân số. Do đó, tôi đề xuất mức hưởng chế độ thai sản tối thiểu cho người lao động tham gia BHXH tự nguyện (bao gồm cả lao động nữ và lao động nam) là 1,5 triệu đồng/tháng (mức chuẩn nghèo nông thôn) trong 14 tuần (3,5 tháng) là phù hợp và vẫn giữ chính sách hỗ trợ cho phụ nữ thuộc hộ nghèo là người dân tộc thiểu số khi sinh con đúng chính sách dân số. Chi phí hưởng chế độ thai sản do ngân sách nhà nước chi trả tại tầng 1 và có sự chia sẻ quỹ thai sản của chính sách BHXH, nhằm đạt được mục tiêu bao phủ toàn dân cho tất cả các bà mẹ sinh con tại Việt Nam, cần chi từ NSNN cho các chương trình trợ giúp xã hội khoảng 4.900 tỷ/năm, tương đương 0,05% GDP cả nước năm 2022.

Hệ thống trợ cấp thai sản phổ cập tại Việt Nam có thể giảm gánh nặng tài chính từ việc đóng BHXH đối với các hộ gia đình không có khả năng đóng góp, góp phần tăng mức độ bảo vệ thai sản cho người lao động, đặc biệt là lao động nữ, qua đó tăng diện bao phủ của BHXH. Mục tiêu của trợ cấp gia đình/trợ cấp trẻ em là góp phần đảm bảo không một phụ nữ Việt Nam nào (hoặc gia đình) bị rơi vào tình trạng nghèo vì sinh con.

Về việc ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa công tác thu, nộp BHXH, dự thảo Luật quy định giao Chính phủ: “bổ sung quy định về việc ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa công tác thu, nộp BHXH”. Theo đại biểu Trần Văn Khải, nội dung về ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý BHXH đã được thể hiện trong Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 và lộ trình đến năm 2020 phải hoàn tất, nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thành. Điều này không nên giao Chính phủ, mà cần thiết quy định ngay trong luật để bảo đảm tính khả thi.

 Về giảm thời gian đóng BHXH xuống 15 năm, thậm chí 10 năm được hưởng lương hưu là phù hợp, rất tốt cho người lao động; nhưng thời gian tham gia ngắn chắc chắn là lương hưu thấp vì nguyên tắc của BHXH là đóng - hưởng. Mục tiêu BHXH toàn dân, nhưng giảm thời gian đóng không phải là dành cho lao động trẻ; mà chủ yếu là là tạo cơ hội cho người cao tuổi (như nam 45 và nữ 47) và những người thay đổi phương thức làm việc, luân chuyển, hoặc làm việc gián đọan có cơ hội tham gia vào hệ thống BHXH để có lương hưu khi về già. Tuy nhiên, dự thảo luật cần tính đến mức đóng và mức hưởng, nếu như quy định trong dự thảo thì mức hưởng sẽ thấp hơn mức sống tối thiểu dẫn đến sức hấp dẫn thấp; cần có quy định cụ thể để người lao động thấy được tham gia BHXH là có thu nhập bảo đảm mức sống tối thiểu./.

Bích Lan

Các bài viết khác