ĐBQH TRẦN VĂN KHẢI: BỔ SUNG QUY ĐỊNH NGHIÊM CẤM NGƯỜI KHÔNG CÓ ĐỦ TÀI CHÍNH HAY SỬ DỤNG NGUỒN VỐN KHÔNG MINH BẠCH ĐỂ THAM GIA ĐẤU GIÁ
Thực hiện chương trình kỳ họp thứ 6, sáng ngày 28/11, Quốc hội thảo luận ở Hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản. Để góp phần hoàn thiện dự thảo Luật, đại biểu Phạm Văn Hòa - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp góp ý một số nội dung về việc liệt kê những tài sản phải đấu giá, vấn đề Cổng đấu giá tài sản quốc gia, về quy định sửa đổi, bổ sung liên quan đến trình tự, thủ tục đấu giá, về quyền và nghĩa vụ của người trúng đấu giá,…
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản.
Thứ nhất, về việc liệt kê những tài sản phải đấu giá. Đại biểu Phạm Văn Hòa cho biết tại điểm o khoản 1 về nợ xấu và tài sản đảm bảo của các tổ chức ngân hàng cũng thuộc loại tài sản đấu giá. Theo Đại biểu Phạm Văn Hòa cần có sự cân nhắc loại tài sản này không nên đấu giá mà giao cho tổ chức hoặc cá nhân muốn có sở hữu thì bán hoặc thỏa thuận với chủ sở hữu và nhà đầu tư, vì loại tài sản này rất khó có người tham gia đấu giá, bán chưa chắc đã có người mua, mất thời gian và tốn kém.
Thứ hai, cần thiết quan tâm đến vấn đề Cổng đấu giá tài sản quốc gia. Đại biểu Phạm Văn Hòa đề nghị nghiên cứu nhằm tăng cường tính cạnh tranh, minh bạch và chất lượng dịch vụ cũng như sự lựa chọn của người có tài sản đấu giá. Đồng thời, đề nghị Bộ Tư pháp giữ vững vai trò trong việc hướng dẫn và tổ chức thực hiện việc thông báo công khai trên trang thông tin điện tử chuyên ngành về đấu giá tài sản ở khoản 2 Điều 77.
Thứ ba, về quy định sửa đổi, bổ sung liên quan đến trình tự, thủ tục đấu giá. Theo Đại biểu Phạm Văn Hòa nên giữ quy định của luật hiện hành, vì cuộc đấu giá được tổ chức tại trụ sở của các tổ chức đấu giá tài sản, nơi có tài sản đấu giá hoặc các địa điểm khác theo thỏa thuận của người có tài sản đấu giá và tổ chức đấu giá tài sản, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Đại biểu Phạm Văn Hòa cho biết, tại khoản 2 Điều 37 quy định thời gian thông báo thay đổi địa điểm đấu giá chỉ có 01 ngày là chưa hợp lý, sẽ bất lợi cho người tham gia đấu giá, nhất là những trường hợp cách xa địa điểm đấu giá. Cho nên Đại biểu Phạm Văn Hòa đề nghị quy định 03 ngày. Khoản 2 Điều 38 thông báo người đủ điều kiện tham gia đấu giá trước ngày mở đấu giá chỉ 01 ngày làm việc. Đề nghị nâng lên 03 ngày để họ có đủ thời gian để khiếu nại. Nếu có quy định thời gian thông báo cho người đủ điều kiện tham gia đấu giá để họ biết và chuẩn bị công tác đấu giá.
Đại biểu Phạm Văn Hòa - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp
Thứ tư, về quyền và nghĩa vụ của người trúng đấu giá. Đại biểu Phạm Văn Hòa cho biết thực tiễn có rất nhiều trường hợp người đã trúng đấu giá chấp nhận bỏ tiền cọc mà không thực hiện nghĩa vụ tài chính khi đã trúng đấu giá, tạo ra sự lũng đoạn, rối rắm thị trường, làm lu mờ đi hình ảnh của cuộc đấu giá, gây dư luận xã hội không tốt, ví dụ như vụ án Tân Hoàng Minh, hoặc là khai thác các mỏ cát ở Hà Nội,… Để hạn chế và chấm dứt tình trạng trên, Đại biểu Phạm Văn Hòa đề nghị có biện pháp, chế tài xử lý trường hợp này như vi phạm hành chính đặt tiền cọc cao hơn so với quy định hiện hành, không cho đối tượng này tham gia đấu giá các lần sau.
Thứ năm, về việc đào tạo đấu giá viên. Đại biểu Phạm Văn Hòa chia sẻ việc miễn đào tạo nghề đấu giá đối với một số đối tượng như luật sư, công chứng viên, thừa phát lại, quản tài viên có hành nghề từ 02 năm trở lên là chưa phù hợp. Vì thực tiễn, có một bộ phận đấu giá viên còn hạn chế về trình độ chuyên môn, kỹ năng hành nghề, đấu giá viên thực hiện chuyên ngành đấu giá có mang dấu vết tài chính, tiền tệ là nhiều nhất, cho nên không phải chỉ am hiểu luật mà được miễn đào tạo. Cho nên Đại biểu Phạm Văn Hòa đề nghị các đối tượng này cần phải được đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn chuyên ngành đấu giá viên để mang tính chuyên nghiệp hơn.
Thứ sáu, về quy định tiêu chuẩn, điều kiện của đấu giá viên theo Đại biểu Phạm Văn Hòa là rất cần thiết, nhằm tạo điều kiện cho những đối tượng có nhu cầu đào tạo để trở thành đấu giá viên và cũng đề nghị không cấm đấu giá viên kiêm các chức danh bổ trợ tư pháp khác. Ngoài ra, theo Đại biểu Phạm Văn Hòa, việc bãi bỏ thẩm quyền Ủy ban nhân dân cấp tỉnh miễn nhiệm, bổ nhiệm giám đốc trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản cần phải có giải trình cụ thể. Nếu bỏ thẩm quyền thì phải xác định rõ cơ quan nào có thẩm quyền về nhiệm vụ này để bổ nhiệm, bố trí giám đốc trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản hoặc nếu bỏ thẩm quyền thì phải xác định rõ việc thuê giám đốc thuộc thẩm quyền của cơ quan quản lý nào/.