ĐBQH HỒ THỊ KIM NGÂN: NÊN GIAO CHO CƠ QUAN CÓ ĐỦ NHÂN LỰC XÉT DUYỆT ĐIỀU KIỆN CỦA NGƯỜI THAM GIA ĐẤU GIÁ
Thực hiện chương trình kỳ họp thứ 6, sáng ngày 28/11, Quốc hội thảo luận ở Hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản. Đóng góp ý kiến vào dự án Luật, đại biểu Trần Thị Hồng Thanh – Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình đồng ý với việc sửa đổi, bổ sung Luật Đấu giá tài sản lần này là hết sức cần thiết và cấp thiết, dự thảo luật về cơ bản đã thể chế hóa được chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về xã hội hóa, chuyển đổi số, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, khắc phục những hạn chế, bất cập về thể chế, tạo cơ sở pháp lý thúc đẩy tính chuyên nghiệp, công khai, minh bạch, khách quan, tính bền vững của hoạt động đấu giá, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hoạt động đấu giá tài sản cũng như công tác quản lý nhà nước về đấu giá tài sản.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản.
Thứ nhất, bổ sung quy định về trình tự, thủ tục đấu giá tài sản thi hành án.
Đại biểu Trần Thị Hồng Thanh cho biết, theo quy định tại khoản 1 Điều 4 luật hiện hành và dự thảo luật thì tài sản thi hành án thuộc trường hợp phải bán thông qua đấu giá. Tuy nhiên, Luật Đấu giá tài sản hiện hành và dự thảo luật hiện nay chưa có quy định thủ tục riêng cho việc đấu giá tài sản thi hành án.
Thực tiễn cho thấy để đưa tài sản thi hành án ra bán đấu giá thì thời gian thường kéo dài từ lúc kê biên, thỏa thuận giá, lựa chọn tổ chức thẩm định giá, lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản, ký kết hợp đồng dịch vụ đấu giá. Trường hợp bán đấu giá không thành thì giảm giá tài sản để tiếp tục bán. Mỗi hành vi, công việc nêu trên của chấp hành viên, của các tổ chức, cơ quan đều có thể bị chủ tài sản, người phải thi hành án khởi kiện, tố cáo và quá trình giải quyết khiếu nại, tố cáo mất rất nhiều thời gian. Nhiều trường hợp người dân sợ rủi ro khi mua tài sản thi hành án nên việc bán đấu giá tài sản thi hành án thường tổ chức rất nhiều lần mà chưa có người mua, đến khi bán đấu giá thành thì không ít trường hợp người phải thi hành án, chủ tài sản chống đối bằng nhiều hình thức nên dẫn đến chậm bàn giao tài sản cho người mua, từ đó dẫn đến quyền lợi của người được thi hành án, người trúng đấu giá bị ảnh hưởng, cơ quan thi hành án đối mặt với nguy cơ khiếu nại, tố cáo và bồi thường nhà nước.
Đại biểu Trần Thị Hồng Thanh đề nghị cần nghiên cứu bổ sung các quy định riêng về trình tự, thủ tục đấu giá tài sản thi hành án trong dự thảo luật. Đồng thời bổ sung quy định về điều kiện cá nhân người được ủy quyền tham gia đấu giá và bổ sung quy định rõ các trường hợp căn cứ và thủ tục để hoãn phiên đấu giá.
Thứ hai, đối với quy định về việc thay đổi địa chỉ trụ sở doanh nghiệp đấu giá tài sản từ tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương này sang tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khác (tại khoản 6 Điều 1 dự thảo), đại biểu Trần Thị Hồng Thanh đề nghị nghiên cứu bổ sung thêm quy định nghĩa vụ mà doanh nghiệp đấu giá tài sản phải thực hiện đối với cơ quan thuế khi thực hiện chuyển địa điểm trụ sở để đảm bảo phù hợp thống nhất với quy định của pháp luật về thuế và pháp luật doanh nghiệp. Bên cạnh đó đề nghị quy định cụ thể đối với trường hợp doanh nghiệp đấu giá tài sản khi chưa hoàn tất xong hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản thì có được thay đổi địa chỉ trụ sở hay không.
Đại biểu Trần Thị Hồng Thanh - Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình
Thứ ba, về quy định thời hạn ký hợp đồng mua bán tài sản đấu giá sau khi cuộc đấu giá kết thúc phải được thể hiện trong nội dung quy chế cuộc đấu giá (tại điểm m khoản 8 Điều 1 dự thảo), đại biểu Trần Thị Hồng Thanh đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung thêm thời hạn cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt kết quả trúng đấu giá sau khi cuộc đấu giá kết thúc. Vì bên cạnh các tài sản được chuyển giao thông qua ký hợp đồng mua bán thì có tài sản không thông qua ký hợp đồng mua bán mà do cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt kết quả trúng đấu giá.
Thứ tư, tại khoản 11 Điều 1 dự thảo quy định "Trường hợp trước khi hết hạn nộp hồ sơ tham gia đấu giá và nộp tiền đặt trước theo quy chế cuộc đấu giá mà thay đổi địa điểm tổ chức cuộc đấu giá thì tổ chức hành nghề đấu giá tài sản phải niêm yết nội dung thay đổi theo đúng thời gian quy định tại khoản 1 Điều 35 của luật này và thông báo theo đúng thời gian quy định tại Điều 57 của luật này", đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét lại quy định trên, vì khoản 1 Điều 35 Luật Đấu giá tài sản năm 2016 quy định thời gian thực hiện niêm yết cụ thể như sau:
"a. Đối với tài sản là động sản thì tổ chức đấu giá tài sản phải niêm yết việc đấu giá tài sản tại trụ sở của tổ chức mình, nơi trưng bày tài sản (nếu có) và nơi tổ chức cuộc đấu giá ít nhất là 7 ngày làm việc trước ngày mở cuộc đấu giá.
b. Đối với tài sản là bất động sản thì tổ chức đấu giá tài sản phải niêm yết việc đấu giá tài sản tại trụ sở của tổ chức mình, nơi tổ chức cuộc đấu giá và Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có bất động sản đấu giá ít nhất là 15 ngày trước ngày mở cuộc đấu giá."
Đồng thời, việc quy định thông báo theo đúng thời gian quy định tại Điều 57 Luật Đấu giá tài sản năm 2016 đó là "phải thông báo ít nhất 02 lần trên báo in hoặc báo hình của trung ương hoặc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi có tài sản đấu giá và trang thông tin điện tử chuyên ngành về đấu giá tài sản, mỗi lần thông báo công khai cách nhau chậm nhất là 02 ngày làm việc".
Thực tế có trường hợp người có tài sản đề nghị thay đổi địa điểm tổ chức vào những ngày cuối của thời hạn nộp hồ sơ đăng ký tham gia đấu giá, tương ứng trước ngày mở cuộc đấu giá khoảng 02 ngày làm việc. Như vậy, yêu cầu niêm yết ít nhất là 7 ngày làm việc trước ngày mở cuộc đấu giá đối với động sản và ít nhất là 15 ngày trước ngày mở cuộc đấu giá đối với bất động sản. Đồng thời thực hiện việc đăng thông báo công khai ít nhất 02 lần và mỗi lần đăng thông báo công khai cách nhau ít nhất là 02 ngày làm việc thì sẽ không thực hiện được. Do đó, trường hợp này chỉ nên yêu cầu niêm yết, đăng thông báo công khai trên báo in hoặc báo hình của trung ương hoặc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi có tài sản đấu giá và trang thông tin điện tử chuyên ngành về đấu giá tài sản 01 lần trước ngày mở cuộc đấu giá 02 ngày làm việc thì có tính khả thi.
Thứ năm, về chế tài xử lý vi phạm trong hoạt động đấu giá tài sản. Đại biểu Trần Thị Hồng Thanh cho biết dự thảo Luật đấu giá tài sản chưa quy định rõ ràng và đầy đủ các chế tài, mức bồi thường. Trong đó, thực tiễn thi hành pháp luật về đấu giá tài sản cho thấy, bên cạnh những mặt tích cực vẫn còn có những biểu hiện tiêu cực, vi phạm xảy ra.
Đại biểu Trần Thị Hồng Thanh đề nghị xem xét quy định việc xử lý vi phạm đối với hành vi vi phạm việc công bố đăng tải thông báo về việc đấu giá tài sản trên Cổng đấu giá tài sản Quốc gia, như thông đồng, cố ý, cố tình không công bố của các tổ chức, cá nhân liên quan đến công tác đấu giá tài sản. Bởi điều này sẽ ảnh hưởng đến việc thống kê đầy đủ, chính xác giá giao dịch thị trường của tài sản, bao gồm giá đất, giá bất động sản, từ đó ảnh hưởng đến việc đưa thị trường tài sản vận hành theo cơ chế thị trường.
Đồng thời Đại biểu Trần Thị Hồng Thanh cũng đề xuất nghiên cứu bổ sung chế tài nghiêm khắc hơn, như mức bồi thường cụ thể bằng tiền có giá trị cao đối với tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định về đấu giá tài sản, vi phạm quy tắc đạo đức nghề nghiệp của đấu giá viên như: Thông đồng, móc nối, dìm giá để trục lợi, phục vụ lợi ích nhóm dẫn đến sai lệch thông tin kết quả đấu giá tài sản cùng với quy định về việc hủy kết quả đấu giá, truy cứu trách nhiệm hình sự (nếu có).