ĐBQH TRẦN VĂN KHẢI: BỔ SUNG QUY ĐỊNH NGHIÊM CẤM NGƯỜI KHÔNG CÓ ĐỦ TÀI CHÍNH HAY SỬ DỤNG NGUỒN VỐN KHÔNG MINH BẠCH ĐỂ THAM GIA ĐẤU GIÁ

28/11/2023

Theo đại biểu Trần Văn Khải – Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam, cần bổ sung vào dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản quy định nghiêm cấm tổ chức đấu giá tài sản và Hội đồng đấu giá tài sản để người không có đủ năng lực tài chính tham gia đấu giá tài sản; Nghiêm cấm người tham giá đấu giá tài sản không đủ nguồn lực tài chính hay sử dụng nguồn vốn không minh bạch để tham gia đấu giá...

GÓC NHÌN: SỬA ĐỔI, BỔ SUNG LUẬT ĐẤU GIÁ TÀI SẢN SẼ THÁO GỠ NHỮNG KHÓ KHĂN, VƯỚNG MẮC VỀ BÁN ĐẤU GIÁ TÀI SẢN THI HÀNH ÁN DÂN SỰ

TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP SÁNG 28/11: QUỐC HỘI THẢO LUẬN VỀ DỰ ÁN LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT ĐẤU GIÁ TÀI SẢN

Thực hiện chương trình kỳ họp thứ 6, sáng ngày 28/11, Quốc hội thảo luận ở Hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản. Đóng góp ý kiến vào dự án Luật, đại biểu Trần Văn Khải - Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam đồng tình với việc sửa đổi, bổ sung Luật Đấu giá tài sản lần này là hết sức cần thiết và cấp thiết, góp phần ngăn chặn nhũng nhiễu, lạm dụng gây mất an ninh trật tự và thất thoát ngân sách trong lĩnh vực này.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản. 

Đại biểu Trần Văn Khải quan tâm đến đấu giá tải sản có giá trị lớn, khó định giá hay tài sản dạng "phi vật thể" như: quyền sử dụng đất, quyền khai thác khoáng sản, quyền sử dụng rừng, cho thuê rừng… Việc đấu giá tài sản này rất khác biệt, có nhiều bất cập cần nghiên cứu bổ sung quy định chặt chẽ hơn. Đặc biệt là các hành vi nghiêm cấm đối với người tham gia đấu giá tài sản như đấu giá quyền sử dụng đất... Đại biểu Trần Văn Khải cho rằng, tình trạng người tham gia đấu giá không đủ năng lực tài chính đang là phổ biến.

Trong Luật đấu giá tài sản hiện hành, Khoản 5 Điều 9 quy định các hành vi bị nghiêm cấm đối với người tham gia đấu giá tài sản không có quy định xác định nguồn lực tài chính của người tham gia đấu giá. Việc này dẫn đến tình trạng lợi dụng đấu giá làm rối loạn thị trường đất đai hay “đấu giá hộ” do không đủ nguồn lực tài chính, nhiều trường hợp "dựa hoàn toàn" vào ngân hàng bảo lãnh. Hay trường hợp bỏ cọc xảy ra không dễ thu tiền cọc. Hay trúng đấu giá xong triển khai dự án trì trễ… Đây là vấn để rất nghiêm trọng đã xảy ra phổ biến, đặc biệt là đấu giá quyền sử dụng đất.

Đại biểu Trần Văn Khải - Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam.

Trong thực tiễn đấu giá quyền sử dụng đất vừa qua, vấn đề vướng mắc nhất hiện nay cũng là lỗ hổng pháp lý lớn nhất là xác định năng lực tài chính  “vốn thực có” của người tham gia đấu giá quyền sử dụng đất. Làm sao kiểm soát nguồn tài chính, “nguồn vốn” công khai, minh bạch của người tham gia đấu giá có đủ năng lực tài chính để tham gia đấu giá? Đây là câu chuyện không chỉ của Luật Đất đai mà còn là chuyện đầu cơ phức tạp, họ có thể lợi dụng từ giai đoạn đấu giá, bị can thiệp bởi nguồn "vốn đen" chiếm dụng hay rửa tiền... dẫn đến tính khả thi của tài sản đấu giá chậm trễ, kéo dài, bị khai thác sử dụng theo ý đồ doanh nghiệp hay thế lực khác, kìm hãm sự phát triển kinh tế xã hội hay tác động đến an ninh xã hội như quyền sử dụng rừng, quyền khai thác khoáng sản, quyền sử dụng đất vàng, đất ven biển, đất tiếp giáp khu vực an ninh quốc phòng... trong khi doanh nghiệp thì bị thao túng bởi các nhà đầu tư nước ngoài ngày càng nhiều hơn.

Vì vậy, theo đại biểu Trần Văn Khải, một mặt nghiên cứu hoàn thiện quy định về 8 trường hợp đấu giá tại Điều 118 Luật Đất đai. Mặt khác cần nghiên cứu bổ sung thêm quy định: Nghiêm cấm người tham giá đấu giá tài sản không đủ nguồn lực tài chính hay sử dụng nguồn vốn không minh bạch để tham gia đấu giá hay việc liên kết nhận uỷ quyền tham gia đấu giá, trả giá cho bên thứ 2, thứ 3 vào điểm 5, Điều 9, Luật Đấu giá tài sản sửa đổi lần này. Từ đó, khắc phục tình trạng nhũng nhiễu trong đấu giá quyền sử dụng đất bằng nguồn vốn thiếu minh bạch, người tham gia đấu giá có thể trả giá "cao ngất" rồi bỏ cọc bóp méo thị trường đất đai hoặc giành giật quyền mua tài sản "phi vật thể" giá trị kinh tế, thương mại, an ninh, xã hội... rất lớn tuy không "bỏ cọc" nhưng không có đủ nguồn lực tài chính, nguồn vốn mua rồi "để đấy" chờ thời cơ sang nhượng, liên kết hay chuyển đổi.

Các đại biểu tham dự phiên họp thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản. 

Về hiện tượng “cò đấu giá”, “quân xanh-quân đỏ” lộng hành, đại biểu Trần Văn Khải nêu quan điểm: Để ngăn chặn hiện tượng “cò đấu giá”, “quân xanh-quân đỏ” lộng hành, thông đồng, dìm giá, làm sai lệch kết quả đấu giá hay đe dọa người tham gia đấu giá để “dìm giá”; bỏ giá rất cao một số lô đất, rồi "bỏ cọc", tạo mặt bằng giá ảo" để thao túng thị trường... thì ngoài việc xử lý nghiêm việc để “lộ lọt thông tin” như dự thảo là cần thiết. Tuy nhiên, cần nghiên cứu bổ sung ở điểm 2, điểm 3, Điều 9, Luật Đấu giá tài sản quy định nghiêm cấm về tổ chức đấu giá tài sản và Hội đồng đấu giá tài sản để người không có đủ năng lực tài chính, “nguồn vốn” tham gia đấu giá tài sản.

Bên cạnh đó, về trình tự, thủ tục đấu giá tài sản tại Chương 3, Điều 38 quy định Đăng ký đấu giá tài sản, tại điểm 4 những người không được tham gia đăng ký đấu giá tài sản cần bổ sung quy định không đủ năng lực tài chính (nhằm xác định lý lịch tài chính người tham gia đấu giá vào hồ sơ, trong đó xác định rõ ngành nghề, công việc, nguồn vốn, lịch sử tham gia đấu giá, việc đóng thuế, vi phạm hành chính, kinh tế…). Những bổ sung này rất cần thiết, nhất là người tham gia đấu giá những tài sản có giá trị rất lớn, tài sản "phi vật thể" là quyền sử dụng đất, quyền khai thác khoáng sản hay quyền sử dụng rừng. Quyền sử dụng đất trong nhiều trường hợp là tài sản rất lớn, có ý nghĩa phát triển kinh tế- xã hội, sử dụng lâu dài liên quan đến an ninh kinh tế, quốc phòng... Vì vậy, không phải ai có đủ năng lực tài chính để tham gia đấu giá./.

Bích Lan

Các bài viết khác