ĐBQH NGUYỄN LÂM THÀNH: CẦN THIẾT LẬP MỘT BẢNG GIÁ ĐIỆN PHÙ HỢP VỚI CÁC NGÀNH VÀ PHÙ HỢP VÀO CÁC THỜI ĐIỂM

22/12/2023

Đóng góp ý kiến về việc quản lý, điều hành giá điện, đại biểu Nguyễn Lâm Thành- Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội cho rằng, cần thiết lập một bảng giá điện phù hợp với các ngành và phù hợp vào các thời điểm; đồng thời vẫn phải có chính sách thu hút đầu tư các doanh nghiệp, người dân vào việc tăng nguồn cung cấp điện...

GIẢI BÀI TOÁN TÍNH GIÁ ĐIỆN THEO NGUYÊN TẮC THỊ TRƯỜNG: CẦN TĂNG CƯỜNG SỰ CÔNG KHAI VÀ GIÁM SÁT XÃ HỘI

NGHIÊN CỨU CÁCH TÍNH GIÁ ĐIỆN HỢP LÝ ĐỂ VỪA ĐẢM BẢO AN NINH NĂNG LƯỢNG NHƯNG VẪN THÚC ĐẨY DOANH NGHIỆP PHÁT TRIỂN

Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII) được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định 500/QĐ-TTg ngày 15/5/2023. Quy hoạch điện VIII nhấn mạnh đến việc ưu tiên phát triển mạnh các nguồn năng lượng tái tạo phục vụ sản xuất điện; Khuyến khích tư nhân tham gia đầu tư các dự án điện. Đặc biệt, Quy hoạch điện VIII đề cập đến việc tiếp tục hoàn thiện cơ chế điều hành giá điện theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước, bảo đảm kết hợp hài hòa giữa các mục tiêu chính trị - kinh tế - xã hội của Nhà nước và mục tiêu sản xuất kinh doanh, tự chủ tài chính của các doanh nghiệp ngành điện.

Đại biểu Nguyễn Lâm Thành- Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên.

Để triển khai hiệu quả các nhiệm vụ nêu trên trong Quy hoạch điện VIII, đại biểu Nguyễn Lâm Thành - Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên đã có cuộc trả lời phỏng vấn báo chí bên hành lang kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV.

Phóng viên: Đại biểu có thể cho biết nhận định về công tác điều hành, sản xuất, thiết lập giá điện hiện nay?

ĐBQH Nguyễn Lâm Thành: Tôi cho rằng, chúng ta đang hướng tới xây dựng giá điện theo cơ chế thị trường tương đối tốt. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn những vấn đề nảy sinh liên quan đến bảng giá điện, bậc thang điện, các chính sách ưu tiên đối với ngành cũng có thể chưa hài hòa và chưa thực sự hợp lý, đổi mới. Tất nhiên là việc đổi mới đó theo cả tập quán sản xuất, sự quản lý cũng như liên quan đến cả việc thay đổi các khung giờ hoạt động sản xuất của nền kinh tế.

Ở nhiều nước trên thế giới, khung giá điện gắn rất chặt với các loại hình và các biểu thời gian làm việc. Còn nền sản xuất của Việt Nam chưa đạt được như vậy nên việc cung cấp điện phải phụ thuộc nhiều yếu tố. Do đó, quy chuẩn giá điện chưa thực sự hợp lý với các yêu cầu, kỳ vọng của người dân.

Đoàn công tác ở các Ủy ban của Quốc hội khảo sát thực tế tại Nhà máy Nhiệt điện BOT Mông Dương 2.

Ngoài ra, giờ giảm tải điện của nhiều nước cũng có sự khác biệt so với Việt Nam. Mặc dù chúng ta đã có sự điều chỉnh về giờ giảm tải điện nhưng chưa thực sự phù hợp.

Phóng viên: Ngoài việc xây dựng giá điện theo cơ chế thị trường thì cũng cần nghiên cứu chính sách giảm giá điện ở một số ngành, lĩnh vực, vùng miền. Đại biểu có ý kiến như thế nào đối với vấn đề này?

ĐBQH Nguyễn Lâm Thành: Theo tôi, việc xây dựng giá điện theo cơ chế thị trường thì cũng cần nghiên cứu chính sách giảm giá điện ở một số ngành, lĩnh vực, vùng miền.

Đối với một số ngành kinh doanh dịch vụ cần phải có những chính sách khuyến khích giảm giá so với các ngành khác. Ví dụ như ngành Du lịch thu hút lượng lớn lao động và góp phần tăng trưởng kinh tế thì cần có cơ chế định giá điện một cách khuyến khích giảm so với những ngành nghề sản xuất xi măng, thép tiêu thụ rất nhiều điện. Trong khi nguồn cung cấp điện của nước ta còn hạn chế thì cần cơ chế về giá điện một cách rõ ràng.

Mặt khác, hiện nay, chúng ta đang thực hiện áp dụng giá điện chung cho tất cả các vùng miền. Tuy nhiên, nếu áp dụng cách tính điện như này thì việc thu hút đầu tư vào các vùng sâu, vùng xa gặp khó khăn. Vì vậy, đối với những vùng miền cần cơ chế thu hút đầu tư cho sự phát triển kinh tế-xã hội thì cũng cần chính sách khuyến khích giảm giá điện. Đây là bài toán cần được xem xét nhằm thu hút đầu tư vào các vùng khó khăn.

Phóng viên: Vậy theo đại biểu, giải pháp nào để quản lý, điều hành giá điện sát với thị trường sao cho phù hợp với người dân và doanh nghiệp?

ĐBQH Nguyễn Lâm Thành: Tôi cho rằng, còn rất nhiều giải pháp đi kèm theo để quản lý, điều hành giá điện sát với thị trường. Thứ nhất, chúng ta phải bảo đảm có được một nguồn sản xuất điện ổn định. Đặc biệt là hiện nay, chúng ta đang hướng tới giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 theo cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP-26. Theo đó, việc tăng tỷ trọng năng lượng tái tạo lên rất nhiều nên để bảo đảm nguồn năng lượng tái tạo so với các nguồn điện khác như thủy điện, nhiệt điện cũng cần được tính toán nhằm bảo đảm nguồn cung, ổn định thời gian tải điện.

Cần thiết lập một bảng giá điện phù hợp với các ngành và phù hợp vào các thời điểm; đồng thời vẫn phải có chính sách thu hút đầu tư các doanh nghiệp, người dân vào việc tăng nguồn cung cấp điện (ảnh minh họa).

Thứ hai, việc các thành phần kinh tế tham gia vào việc tăng nguồn lực đầu tư để đảm bảo vận tải điện cũng cần được nghiên cứu kỹ lưỡng. Ngoài ra, chúng ta cũng phải xử lý vấn đề về truyền tải và phân phối điện một cách linh hoạt, đồng bộ, thông suốt.

Câu chuyện truyền tải điện vừa phải giải quyết được vđáp ứng được nhu cầu phát triển và thu hút các thành phần kinh tế tham gia nhưng cũng bảo đảm an ninh năng lượng dưới sự kiểm soát của Nhà nước.

Thứ ba, chúng ta cần thiết lập một bảng giá điện phù hợp với các ngành và phù hợp vào các thời điểm; đồng thời vẫn phải có chính sách thu hút đầu tư các doanh nghiệp, người dân vào việc tăng nguồn cung cấp điện, đáp ứng được nhu cầu sử dụng và đảm bảo về tài chính. Theo đó, lợi ích cần đảm bảo cho tất cả các bên.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn đại biểu!

Bích Lan

Các bài viết khác