ĐBQH ĐỖ ĐỨC HỒNG HÀ: NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG, SỐ LƯỢNG GIÁO VIÊN TẠI VÙNG NÚI, VÙNG DÂN TỘC THIỂU SỐ

06/03/2024

Thực hiện hoạt động giám sát thông qua hình thức chất vấn bằng văn bản, đại biểu Quốc hội Đỗ Đức Hồng Hà - Đoàn ĐBQH Tp. Hà Nội đã gửi phiếu chất vấn đối với Thủ tướng Chính phủ về chính sách, giải pháp để nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, bảo đảm số lượng giáo viên tại vùng núi, dân tộc thiểu số.

ĐBQH ĐỖ ĐỨC HỒNG HÀ: GIẢM THIỂU Ô NHIỄM MÔI TRƯỜNG CÁC DÒNG SÔNG TẠI ĐÔ THỊ LỚN

 Đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà - Đoàn ĐBQH Tp. Hà Nội 

Tại phiếu chất vấn, đại biểu Quốc hội Đỗ Đức Hồng Hà đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho biết về chính sách và giải pháp để nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, bảo đảm số lượng giáo viên tại vùng núi, dân tộc thiểu số.

Trả lời nội dung chất vấn của Đại biểu, Thủ tướng Chính phủ đã có Văn bản số 574/TTg-QHĐP nêu rõ:

Công tác dân tộc và việc thực hiện các chính sách dân tộc đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm. Trong thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật quy định các chính sách hỗ trợ nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, đảm bảo số lượng giáo viên tại vùng núi, vùng dân tộc thiểu số. Cụ thể:

Nhà giáo công tác tại miền núi, vùng kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn ngoài lương và các chế độ chính sách được hưởng chung như đối với nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục công tác các vùng, miền khác như: Phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp khu vực, phụ cấp thâm niên và một số chính sách khác, còn được hưởng một số ưu đãi như sau:

Về tuyển dụng: Cộng điểm ưu tiên cao nhất vào kết quả điểm vòng 2 trong tuyển dụng viên chức đối với người dân tộc thiểu số (Khoản 2, Điều 6 Nghị định số 115/2020/NĐ-CP ngày 25/9/2020).

Về tập sự: Người tập sự được hưởng 100% mức lương và phụ cấp của chức danh nghề nghiệp tương ứng với vị trí việc làm tuyển dụng khi làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn (Khoản 2 Điều 23 Nghị định số 115/2020/NĐ-CP ngày 25/9/2020).

Về phụ cấp ưu đãi: Nhà giáo giảng dạy tại các trường trung học cơ sở, trung học phổ thông ở miền núi, vùng cao hưởng mức phụ cấp 35% hoặc 40%; riêng nhà giáo công tác tại các trường phổ thông dân tộc bán trú hưởng mức 50%; nhà giáo công tác tại các trường phổ thông dân tộc nội trú hưởng mức 70%; nhà giáo công tác tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được hưởng mức 70%.

Ngoài ra, nhà giáo vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn còn được hưởng thêm một số chế độ phụ cấp, trợ cấp: phụ cấp thu hút, phụ cấp công tác lâu năm, trợ cấp lần đầu, trợ cấp 1 lần khi chuyển công tác ra khỏi vùng; thanh toán tiền tàu xe khi nghỉ phép hoặc nghỉ tết hàng năm, phụ cấp tiền mua và vận chuyển nước ngọt và sạch, phụ cấp lưu động, trợ cấp tham quan, học tập, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ. Trong đó:

. Mức phụ cấp thu hút: 70% mức lương hiện hưởng cộng với phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có) áp dụng đối với thời gian thực tế làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn không quá 05 năm. Sau thời gian này, nhà giáo tiếp tục được hưởng phụ cấp lâu năm (mức phụ cấp từ 0,5 đến 1,0).

. Nhà giáo ở các trường phổ thông dân tộc nội trú, phổ thông dân tộc bán trú được hưởng phụ cấp trách nhiệm bằng 0,3 so với mức lương tối thiểu chung.

. Nhà giáo dạy lớp ghép ở tiểu học được hưởng phụ cấp dạy lớp ghép từ 50% -75%.

. Giáo viên dạy tiếng dân tộc thiểu số được hưởng phụ cấp trách nhiệm công việc bằng 0,3 so với mức lương tối thiểu chung.

. Giáo viên mầm non trực tiếp chăm sóc, giáo dục trẻ em dân tộc thiểu số thuộc vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; dạy 02 buổi/ngày tại các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo ghép ở các điểm lẻ hoặc trực tiếp dạy tăng cường tiếng Việt tại các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo có trẻ em là người dân tộc thiểu số tại các điểm lẻ ở các cơ sở giáo dục mầm non công lập ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn: được thanh toán tiền mua tài liệu học tập tiếng nói và chữ viết của người dân tộc thiểu số; hằng tháng được hỗ trợ thêm một khoản bằng tiền là 450.000 đồng/tháng.

Từ năm 2019 đến nay, Quốc hội, Chính phủ đã ban hành các Đề án, Nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đang tích cực chỉ đạo các Bộ/ngành và các địa phương tích cực triển khai Chương trình nhằm phát huy tiềm năng thế mạnh và phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, thúc đẩy mô hình các trường chuyên biệt vùng dân tộc thiểu số, miền núi trong thời gian tới./.

Lê Anh

Các bài viết khác