ĐBQH LÝ TIẾT HẠNH: CẦN CÓ PHƯƠNG ÁN HỢP LÝ, HỢP TÌNH ĐỂ BẢO VỆ QUYỀN LỢI NGƯỜI LAO ĐỘNG

31/03/2024

Cho ý kiến đối với dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định Lý Tiết Hạnh bày tỏ trăn trở trước thực tế còn có những trường hợp người lao động không được hưởng chế độ tương xứng với phần đã đóng. Do đó, đại biểu đề nghị rà soát để có phương án hợp lý, hợp tình, vừa đảm bảo quyền lợi cho người lao động có đóng bảo hiểm trên nguyên tắc "có đóng, có hưởng" và đảm bảo vấn đề an sinh xã hội.

Toàn cảnh Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ 5

Tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội đã thảo luận tại Tổ và Hội trường về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi). Ngay sau Kỳ họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Thường trực Ủy ban Xã hội chủ trì, phối hợp với Cơ quan chủ trì soạn thảo, một số cơ quan, tổ chức có liên quan tổng hợp, nghiên cứu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội để tiếp thu, giải trình, chỉnh lý hoàn thiện dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi). Trong đó, nột trong những nội dung của dự thảo Luật được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm đến nay còn ý kiến khác nhau là vấn đề hưởng bảo hiểm xã hội một lần đối với người chưa đủ tuổi hưởng lương hưu, không tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội, chưa đủ hai mươi năm đóng bảo hiểm xã hội và có yêu cầu nhận bảo hiểm xã hội một lần (điểm đ khoản 1 Điều 74 và điểm đ khoản 1 Điều 107 dự thảo Luật).

(1) Ngoài các trường hợp giải quyết hưởng bảo hiểm xã hội một lần tương tự quy định tại Điều 60 của Luật Bảo hiểm xã hội hiện hành (đủ tuổi hưởng lương hưu mà chưa đủ năm đóng để hưởng lương hưu; ra nước ngoài để định cư hoặc bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng như ung thư, bại liệt, xơ gan cổ chướng, lao nặng, AIDS), đối với người chưa đủ tuổi hưởng lương hưu, không tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội mà chưa đủ hai mươi năm đóng bảo hiểm xã hội và có yêu cầu nhận bảo hiểm xã hội một lần, dự thảo Luật do Chính phủ trình Quốc hội hai Phương án:

Phương án 1: Người lao động được chia làm hai nhóm:

- Nhóm 1 tiếp tục được áp dụng hưởng bảo hiểm xã hội một lần như quy định tại Nghị quyết số 93/2015/QH13 ngày 22/6/2015 của Quốc hội về việc thực hiện chính sách hưởng bảo hiểm xã hội một lần đối với người lao động: Người lao động tham gia bảo hiểm xã hội trước khi Luật có hiệu lực (dự kiến 01/7/2025), sau 12 tháng không thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, không tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.

Khác với quy định hiện hành là, dự thảo Luật có quy định quyền lợi bổ sung nếu người lao động lựa chọn bảo lưu, không nhận bảo hiểm xã hội một lần.

- Nhóm 2: Người lao động tham gia bảo hiểm xã hội từ ngày Luật có hiệu lực trở đi thì không được áp dụng quy định này.

Phương án 2: Người lao động được giải quyết một phần nhưng tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Thời gian đóng bảo hiểm xã hội còn lại được bảo lưu để người lao động tiếp tục tham gia và hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội.

Do vấn đề này được sự quan tâm rất lớn của người lao động và xã hội, ý kiến còn rất khác nhau. Do đó, vấn đề này tiếp tục được trình xin ý kiến đại biểu Quốc hội tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách.

Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định Lý Tiết Hạnh

Phát biểu tại hội nghị, đại biểu Lý Tiết Hạnh – Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định nhấn mạnh quy định rút bảo hiểm xã hội một lần là vấn đề rất lớn. Đại biểu bản ủng hộ phương án 1 nhưng đề nghị bổ sung làm rõ một số vấn đề liên quan.

Theo đó, kiến nghị khi xem xét các trường hợp rút bảo hiểm xã hội chúng ta cần có quy trình đánh giá thêm việc rút bảo hiểm xã hội một lần theo các phương án này đã thực sự đáp ứng được nhu cầu tài chính trước mắt của người lao động hay chưa. Nếu thấy thực sự không còn con đường nào khác thì sẽ quyết định chuyện cho hay không cho rút bảo hiểm. Đại biểu bày tỏ mong muốn việc này phải làm thế nào để cho người lao động có thêm một cơ hội để cân nhắc việc có rút bảo hiểm xã hội một lần hay không. Nếu trong trường hợp bất khả kháng không thể nào khác được nữa Nhà nước cũng phải tính toán các phương án để hỗ trợ cho người lao động như chính sách hỗ trợ về tín dụng cho người lao động có thời gian đóng bảo hiểm xã hội tại khoản 2 Điều 7 của dự thảo. Như vậy cũng bảo đảm tính nhân văn của chính sách.

Liên quan đến khoản 2 Điều 7 dự thảo Luật về chính sách của Nhà nước đối với bảo hiểm xã hội, đại biểu Lý Tiết Hạnh đề nghị cân nhắc thêm một nội dung, đó là có chính sách hỗ trợ về tín dụng cho người lao động. Hiện nay trong dự thảo Luật mới quy định có chính sách hỗ trợ về tín dụng cho người lao động có thời gian đóng bảo hiểm xã hội bị mất việc làm. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy nhiều người lao động rất cần tiếp cận chính sách tín dụng. Mục đích của chính sách tín dụng trong luật này là để đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân tham gia bảo hiểm xã hội cho nên theo tôi không nhất thiết phải chờ đến lúc người lao động mất việc làm chúng ta mới có chính sách hỗ trợ về tín dụng cho họ. Ngay cả khi người lao động phát sinh nhiều vấn đề cấp bách khác trong thực tiễn như bản thân đau ốm đột xuất, có những nhu cầu cần phải giải quyết đột xuất trước mắt nếu như không có hỗ trợ bắt buộc phải rút bảo hiểm xã hội, chúng ta có thể tính toán chính sách tín dụng để hỗ trợ cho họ, không nhất thiết phải đẩy họ đến với con đường phải rút bảo hiểm xã hội hoặc mất việc làm thì chúng ta mới có chính sách tín dụng cho họ.

Điều 41 về cơ chế đặc thù để bảo vệ cho người lao động, đại biểu Lý Tiết Hạnh cho rằng về dự thảo Luật quy định cụ thể và rõ về quyền, trách nhiệm của người lao động, người sử dụng lao động và của cơ quan quản lý nhà nước. Bên cạnh đó, đại biểu Lý Tiết Hạnh cũng bày tỏ trăn trở trước thực tiễn. Thứ nhất, có những trường hợp doanh nghiệp giải thể và phá sản thì người lao động gặp nhiều khó khăn, nhưng quy trình, điều kiện để hưởng quyền lợi và chính sách bảo hiểm thì chặt chẽ, phức tạp và người lao động không được ưu tiên trong việc chi trả. Trong thực tế có những doanh nghiệp bị phá sản, làm thủ tục phá sản thì sau khi bán hết tài sản đấu giá số tiền đó không đủ để chi trả sổ bảo hiểm xã hội cho người lao động, dẫn đến người lao động phải theo đuổi kiện cáo rất dài, nhưng cuối cùng vẫn không được hưởng chế độ này.

Thứ hai, một trường hợp cũng khá phổ biến, đó là người lao động đang làm việc, công tác bình thường và không nằm trong diện có thể rút bảo hiểm xã hội một lần theo Điều 74, nhưng chẳng may họ gặp tai nạn hay bị đột tử chết, họ không nằm trong trường hợp được hưởng trợ cấp tuất hàng tháng theo Điều 89, cũng không phải bị bệnh nghề nghiệp hay bị tai nạn lao động mà họ bị đột tử chết. Trong số những người đó có nhiều người có thời gian đóng bảo hiểm xã hội rất lâu, có nhiều người là trụ cột trong gia đình, bây giờ rơi vào trường hợp đó theo luật họ chỉ được hưởng chế độ tử tuất. Trong trường hợp này gánh nặng về phía gia đình và xã hội. Nhưng theo nguyên tắc đóng hưởng thì có những người họ đóng bảo hiểm xã hội rất lâu nhưng khi họ rơi vào trường hợp này thì họ không được hưởng chế độ tương xứng.

Từ thực tiễn trên, đại biểu Lý Tiết Hạnh quan tâm đến quy định tại Điều 41 về cơ chế đặc thù để bảo vệ người lao động; đề nghị trong Luật lưu ý đến thực tế như đã phản ánh ở trên để có phương án hợp lý, hợp tình, vừa đảm bảo quyền lợi cho người lao động có đóng bảo hiểm trên nguyên tắc "có đóng, có hưởng" và đảm bảo vấn đề an sinh xã hội, đồng thời cũng kiểm soát được nguy cơ các doanh nghiệp hoặc người lao động lạm dụng chính sách này để lợi dụng hoặc gian lận, gây thiệt hại hoặc gây áp lực đối với ngân sách nhà nước trong vấn đề an sinh xã hội.

Bảo Yến

Các bài viết khác