ĐBQH PHAN THỊ MỸ DUNG: CẦN THỰC HIỆN ĐỒNG BỘ, TOÀN DIỆN CÁC GIẢI PHÁP, KHẮC PHỤC KỊP THỜI CÁC HẠN CHẾ TRONG TỪNG LĨNH VỰC, NGÀNH

06/06/2024

Qua 2,5 ngày chất vấn, Phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV đã thành công tốt đẹp. Đánh giá Phiên chất vấn tại Kỳ họp này, đại biểu Phan Thị Mỹ Dung - Đoàn ĐBQH tỉnh Long An nhận thấy, các đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi chất vấn rõ ràng, sâu sắc, đi thẳng vào vấn đề, thể hiện ý kiến, nguyện vọng của cử tri về các nội dung chất vấn được quan tâm. Đồng thời Phó Thủ tướng và các thành viên Chính phủ, Trưởng ngành nắm chắc thực trạng lĩnh vực mình phụ trách, giải trình nghiêm túc, làm rõ nhiều vấn đề và cũng đề ra nhiều giải pháp đồng bộ, toàn diện.

TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP SÁNG 06/6: PHÓ THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ TRẦN HỒNG HÀ TRẢ LỜI CHẤT VẤN CỦA ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI

Đại biểu Phan Thị Mỹ Dung - Đoàn ĐBQH tỉnh Long An

Chất vấn rõ ràng, sâu sắc, đi thẳng vấn đề

Phóng viên: Qua 2,5 ngày chất vấn, đại biểu đánh giá thế nào về Phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV?

Đại biểu Phan Thị Mỹ Dung - Đoàn ĐBQH tỉnh Long An: Với 04 nhóm vấn đề chất vấn có phạm vi rất rộng, điều chỉnh trên các mặt đời sống xã hội và phát triển kinh tế, tôi nhận thấy, các đại biểu Quốc hội đã rất tích cực nghiên cứu các báo cáo, đặt câu hỏi chất vấn rõ ràng, sâu sắc, đi thẳng vào vấn đề cần chất vấn, thể hiện ý kiến, nguyện vọng của cử tri về các nội dung chất vấn được quan tâm. Các ý kiến tranh luận thẳng thắn, thiết thực, làm cho phiên chất vấn thêm sinh động, dân chủ.

Cùng với đó, qua phần trả lời của Phó Thủ tướng và các thành viên Chính phủ, Trưởng ngành cho thấy, Chính phủ, các Tư lệnh ngành nắm rất chắc thực trạng của ngành, lĩnh vực mình phụ trách, giải trình nghiêm túc, làm rõ nhiều vấn đề và cũng đề ra nhiều giải pháp để khắc phục, đặc biệt rất cầu thị nhìn nhận trách nhiệm, tiếp thu tối đa ý kiến của các đại biểu Quốc hội, quyết tâm tiếp tục thực hiện quyết liệt, đồng bộ và toàn diện các giải pháp, tập trung vào việc khắc phục kịp thời, đầy đủ, hiệu quả những tồn tại, hạn chế trong từng lĩnh vực ngành.

Tôi cho rằng, Quốc hội tại Kỳ họp này đã lựa chọn các nhóm vấn đề chất vấn rất đúng, trúng, đáp ứng được sự quan tâm, kỳ vọng của cử tri về kết quả giám sát của Quốc hội qua hoạt động chất vấn.

Hoàn thiện pháp luật liên quan đến thương mại điện tử, bảo vệ người tiêu dùng

Phóng viên: Chất vấn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực công thương, nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm đến vấn đề bảo vệ người tiêu dùng trên thương mại điện tử. Đại biểu đánh giá thế nào về phần trả lời của Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên về nội dung này và đại biểu có đề xuất giải pháp gì để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên thương mại điện tử?

Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV

Đại biểu Phan Thị Mỹ Dung - Đoàn ĐBQH tỉnh Long An: Công Thương là lĩnh vực quan trọng, có tác động rất lớn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội và đời sống của người dân, doanh nghiệp. Đặc biệt thương mại điện tử nước ta đã phát triển mạnh mẽ sau đại dịch Covid-19, với doanh thu năm 2023 đạt 20,5 tỷ USD và hơn 2,2 tỷ đơn vị sản phẩm được giao thành công trên 5 sàn thương mại điện tử. Kết quả này đã đưa Việt Nam vào nhóm 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử hàng đầu thế giới.

Song song đó, Bộ Công Thương đã xây dựng và triển khai mạnh mẽ đồng bộ các nhóm giải pháp để nâng cao hiệu quả bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong thương mại điện tử. Tuy nhiên, thời gian qua, tình trạng vi phạm pháp luật trong thương mại điện tử ngày càng nhiều làm cho người tiêu dùng không an tâm, lo lắng, quan ngại. Do đó, bản thân tôi và các đại biểu Quốc hội khác cũng rất quan tâm, mong muốn có một môi trường giao thương điện tử an toàn, hiệu quả. 

Tôi đánh giá cao phần trả lời của Bộ trưởng Bộ Công Thương, Bộ trưởng đã trả lời cơ bản sát sao, đầy đủ, nắm chắc vấn đề, thẳng thắn các vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. Tôi cũng thống nhất với các giải pháp mà ngành công thương đề ra, trong đó tập trung vào hai giải pháp trọng tâm là: tiếp tục hoàn thiện pháp luật liên quan đến thương mại điện tử, bảo vệ người tiêu dùng. Đồng thời tăng cường mạnh mẽ thanh tra, kiểm tra, rà soát cùng với các cơ quan chức năng xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trong giao dịch, thương mại diện tử. Liên quan đến vấn đề này, tôi đề nghị sự vào cuộc sâu sát của Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, trong đó cần tăng cường trách nhiệm quản lý Nhà nước về công nghệ thông tin, truyền thông, sỡ hữu trí tuệ và quảng cáo...

Tập trung phát triển thương hiệu du lịch quốc gia gắn với lịch sử truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc

Phóng viên: Liên quan đến nhóm vấn đề chất vấn thuộc lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, cần có giải pháp phát triển du lịch gắn với sản phẩm và văn hóa truyền thống, phát huy du lịch nội địa. Quan điểm của đại biểu về vấn đề này như thế nào? Và phần trả lời của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về nội dung này đã đáp ứng được hay chưa, thưa đại biểu?

Đại biểu Phan Thị Mỹ Dung - Đoàn ĐBQH tỉnh Long An: Tôi cho rằng, phát triển du lịch gắn với các hoạt động văn hóa, lễ hội, giải trí, sản phẩm truyền thống vừa góp phần quảng bá và bảo tồn văn hóa truyền thống, vừa tạo không gian độc đáo, ấn tượng thu hút du khách, nhất là khách quốc tế. Đồng thời góp phần vào phát triển kinh tế của những địa phương trọng điểm du lịch cũng như các địa phương vùng núi, vùng đồng bào dân tộc có những nét văn hóa, sản phẩm bản địa độc đáo.

Tuy nhiên, thời gian qua, tôi nhận thấy, việc triển khai này còn gặp phải nhiều khó khăn như: hành lang pháp lý chưa đồng bộ, chính sách cho đầu tư về du lịch chưa thật sự thu hút doanh nghiệp, điều này dẫn đến các tồn tại, hạn chế như thiếu đầu tư tập trung, quy mô nhỏ lẻ, thiếu kết nối, hiệu quả thấp, khó duy trì bền vững… Vì vậy, tôi cũng như nhiều đại biểu Quốc hội rất quan tâm và chất vấn nội dung này.

Đại biểu Phan Thị Mỹ Dung - Đoàn ĐBQH tỉnh Long An tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV

Tôi cũng đánh giá cao phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng. Bộ trưởng đã chuẩn bị kỹ nội dung, nắm chắc vấn đề, trả lời lưu loát, rất trách nhiệm, tâm huyết; có nhiều thông tin, dữ kiện liên quan đã được cung cấp, giải trình thêm với Quốc hội. Qua đây, tôi kỳ vọng, tin tưởng trong thời gian tới với các giải pháp đồng bộ mà Chính phủ đề ra, cùng với sự chủ động, tập trung đầu tư, sáng tạo khai thác lợi thế của các địa phương, những “hiến kế” của nhân dân thì việc phát triển du lịch gắn với sản phẩm và văn hóa truyền thống, phát huy du lịch nội địa sẽ đạt được kết quả như mong muốn và có bước phát triển bền vững.

Do đó, tôi cho rằng, thời gian tới, Chính phủ và các Bộ trưởng, Trưởng ngành liên quan cần tập trung phát triển thương hiệu du lịch quốc gia gắn với lịch sử truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc; thực hiện tốt chính sách, nhiệm vụ về phát triển sản phẩm du lịch mới. Đồng thời đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao hiệu quả xúc tiến quảng bá du lịch, chú trọng phát triển khai thác phân khúc thị trường theo sản phẩm mà Việt Nam có thế mạnh; đẩy mạnh truyền thông về chính sách thị thực mới của Việt Nam. Ngoài ra, cần thực hiện tốt công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn đại biểu./.

Bích Ngọc - Nghĩa Đức

Các bài viết khác