Phân cấp tối đa cho địa phương khi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa
Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa: Cơ sở pháp lý và một số khuyến nghị
Nhà nước điều tiết, dẫn dắt bằng thể chế, chính sách
PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa Giáo dục Quốc hội
Phóng viên: Tại Phiên họp thứ 38 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa qua, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đã đề cập việc phát triển văn hóa bằng cách “lấy văn hóa nuôi văn hóa”- Đây cũng là khái niệm nhận đang nhận được rất nhiều sự quan tâm. Đại biểu có thể giải thích rõ hơn về khái niệm này?
PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa Giáo dục Quốc hội: Trong ngành văn hóa, “lấy văn hóa nuôi văn hóa” không phải là một chủ trương mới. Từ những năm 90 của thế kỷ trước, trong xu thế thích ứng với sự phát triển của kinh tế thị trường, ngành văn hóa nhiều lần đề ra chủ trương “lấy văn hóa nuôi văn hóa”, “lấy di tích nuôi di tích”, “lấy lễ hội nuôi lễ hội”. Tuy nhiên, đúng là việc triển khai của chúng ta chưa tốt nên chủ trường này vẫn chưa được cụ thể hóa thành những bài học kinh nghiệm cụ thể.
Ở đây, khái niệm “lấy văn hóa nuôi văn hóa” là việc sử dụng chính các giá trị văn hóa, di sản và nghệ thuật để tạo ra nguồn lực nuôi dưỡng, phát triển thêm cho văn hóa. Thay vì chỉ dựa vào ngân sách nhà nước hay sự hỗ trợ từ bên ngoài, văn hóa tự tạo ra giá trị kinh tế, từ đó tái đầu tư vào chính nó, đảm bảo sự phát triển bền vững, liên tục và không phụ thuộc.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh, cần tập trung vào công nghiệp văn hóa để tăng nguồn thu, lấy văn hóa nuôi văn hóa (Phiên họp thứ 38 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội)
Ví dụ như việc khai thác di sản văn hóa thông qua du lịch, các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, hay sáng tạo các sản phẩm văn hóa (phim ảnh, âm nhạc, sách, biểu diễn) để tạo ra doanh thu. Doanh thu này lại được sử dụng để bảo tồn, phục dựng, và phát huy giá trị di sản hoặc tiếp tục thúc đẩy sáng tạo văn hóa mới. Điều này không chỉ tạo nên lợi ích kinh tế mà còn giúp nền văn hóa trở nên sống động, gần gũi với cộng đồng và thúc đẩy quá trình hội nhập quốc tế.
Nói cách khác, “lấy văn hóa nuôi văn hóa” là cách tiếp cận theo hướng kinh tế hóa văn hóa, nhưng ở đây không chỉ vì lợi ích tài chính mà còn để bảo tồn và phát triển văn hóa một cách bền vững.
Phóng viên: Vai trò của nhà nước sẽ thay đổi như thế nào trong mô hình này thưa đại biểu?
PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa Giáo dục Quốc hội: Tôi nghĩ, vai trò của nhà nước trong mô hình này sẽ có những thay đổi quan trọng, chuyển từ vai trò trực tiếp cung cấp tài chính sang hỗ trợ, định hướng và điều tiết phát triển. Trước hết, nhà nước sẽ đóng vai trò tạo hành lang pháp lý và chính sách, hoàn thiện các cơ chế để khuyến khích phát triển các hoạt động kinh tế văn hóa. Các chính sách thuế ưu đãi, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, hay hỗ trợ các doanh nghiệp và cá nhân tham gia vào lĩnh vực văn hóa, sáng tạo sẽ trở nên rất quan trọng.
Bên cạnh đó, nhà nước sẽ khuyến khích xã hội hóa hoạt động văn hóa và hợp tác công tư (PPP). Thay vì nhà nước phải gánh vác toàn bộ tài chính cho việc bảo tồn và phát triển văn hóa, giờ đây các tổ chức tư nhân, cộng đồng sẽ được khuyến khích tham gia một cách chủ động và sáng tạo hơn. Điều này không chỉ giảm bớt áp lực ngân sách nhà nước mà còn mang lại sự đa dạng và phong phú về nguồn lực, từ tài chính đến nhân lực.
Nhà nước sẽ chuyển từ vai trò tài trợ trực tiếp sang vai trò kiến tạo môi trường thuận lợi, điều tiết và đảm bảo văn hóa phát triển bền vững trong bối cảnh kinh tế hóa
Một vai trò quan trọng nữa là định hướng chiến lược phát triển. Nhà nước cần đảm bảo rằng các hoạt động kinh tế văn hóa không chỉ vì mục đích lợi nhuận ngắn hạn mà phải hướng đến sự bền vững và giá trị lâu dài. Các chiến lược về bảo tồn di sản, phát triển công nghiệp văn hóa, hay thúc đẩy sáng tạo cần được xây dựng cụ thể và dài hạn.
Nhà nước cũng sẽ đóng vai trò giám sát và điều tiết. Đây là yếu tố cần thiết để đảm bảo rằng các hoạt động kinh tế hóa văn hóa không làm mất đi giá trị gốc rễ của văn hóa, tránh việc khai thác quá mức di sản văn hóa chỉ để kiếm lời. Nhà nước sẽ đảm bảo sự cân bằng giữa phát triển kinh tế và bảo tồn văn hóa, tránh những hệ quả tiêu cực.
Cùng với đó, nhà nước cần đầu tư vào việc đào tạo và nâng cao năng lực cho nguồn nhân lực trong lĩnh vực văn hóa. Chúng ta cần những người làm văn hóa có đủ trình độ và kỹ năng để phát triển nền văn hóa theo hướng sáng tạo và bền vững, và đây là một phần quan trọng mà nhà nước phải đảm bảo.
Như vậy, ở đây, tôi muốn nhấn mạnh là, nhà nước sẽ chuyển từ vai trò tài trợ trực tiếp sang vai trò kiến tạo môi trường thuận lợi, điều tiết và đảm bảo văn hóa phát triển bền vững trong bối cảnh kinh tế hóa.
"Lấy văn hoá nuôi văn hoá" sẽ mang lại nhiều lợi ích
Phóng viên: Đại biểu có đánh giá như thế nào về đề xuất của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định liên quan đến việc tập trung phát triển công nghiệp văn hóa và “lấy văn hóa nuôi văn hóa”?
PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa Giáo dục Quốc hội: Tôi cho rằng, đề xuất của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định về việc tập trung phát triển công nghiệp văn hóa và “lấy văn hóa nuôi văn hóa” là một ý tưởng rất phù hợp và kịp thời trong bối cảnh hiện nay, cho thấy tầm nhìn chiến lược về việc làm cho văn hóa không chỉ là nền tảng tinh thần của xã hội mà còn là động lực phát triển kinh tế.
Đầu tiên, tôi cho rằng đề xuất này hoàn toàn khả thi, nhưng cần được triển khai một cách có lộ trình và với các điều kiện cần thiết. Việc phát triển công nghiệp văn hóa, tức là biến các giá trị văn hóa thành các sản phẩm, dịch vụ có giá trị kinh tế, không chỉ giúp bảo tồn văn hóa mà còn tạo ra nguồn lực để đầu tư trở lại cho văn hóa. Chúng ta đã có những ví dụ thành công như ngành công nghiệp điện ảnh, âm nhạc, thời trang và du lịch di sản – tất cả đều có tiềm năng lớn để "nuôi" văn hóa.
Thứ hai, để đạt được điều này, chúng ta cần đầu tư vào cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực văn hóa. Công nghiệp văn hóa không chỉ yêu cầu sự sáng tạo mà còn cần đến kỹ năng quản lý, marketing, công nghệ và tư duy kinh doanh. Việc xây dựng một hệ sinh thái để hỗ trợ các ngành công nghiệp này phát triển là vô cùng cần thiết, từ việc đào tạo nguồn nhân lực cho đến việc thúc đẩy khởi nghiệp trong lĩnh vực văn hóa.
Thứ ba, việc “lấy văn hóa nuôi văn hóa” không chỉ dừng lại ở việc khai thác các sản phẩm văn hóa hiện có, mà còn phải đầu tư mạnh mẽ vào sáng tạo. Để cạnh tranh và phát triển trong một thế giới toàn cầu hóa, văn hóa Việt Nam cần tiếp tục đổi mới, sáng tạo không ngừng, và từ đó tạo ra những sản phẩm văn hóa mang tính độc đáo và hấp dẫn trên thị trường quốc tế.
Tập trung phát triển công nghiệp văn hóa và “lấy văn hóa nuôi văn hóa” là một ý tưởng rất phù hợp và kịp thời trong bối cảnh hiện nay
Thứ tư, sự phối hợp giữa nhà nước và tư nhân là yếu tố then chốt. Nhà nước cần tạo điều kiện về chính sách, tài chính và pháp lý, trong khi đó khu vực tư nhân và cộng đồng có thể đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển các sản phẩm và dịch vụ văn hóa. Hợp tác công tư sẽ là mô hình hiệu quả để biến tầm nhìn này thành hiện thực.
Vì vậy, tôi tin rằng với sự đầu tư hợp lý, chiến lược dài hạn và sự phối hợp đồng bộ, đề xuất này không chỉ khả thi mà còn có tiềm năng mang lại nhiều lợi ích cho cả nền kinh tế và văn hóa của đất nước.
Phóng viên: Theo đại biểu, những lĩnh vực cụ thể nào trong văn hóa có tiềm năng tự nuôi dưỡng cũng như phát triển và có thể mang lại lợi nhuận để tái đầu tư vào các hoạt động văn hóa khác?
PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa Giáo dục Quốc hội: Theo tôi, có rất nhiều lĩnh vực trong văn hóa có tiềm năng tự nuôi dưỡng và mang lại lợi nhuận để tái đầu tư vào các hoạt động văn hóa khác. Đầu tiên, ngành du lịch văn hóa và di sản là một lĩnh vực điển hình. Việt Nam có rất nhiều di sản văn hóa thế giới, di tích lịch sử - văn hóa được xếp hạng cấp quốc gia đặc biệt, cấp quốc gia, cấp tỉnh/thành phố, và các lễ hội truyền thống phong phú. Việc khai thác du lịch văn hóa không chỉ mang lại nguồn thu lớn mà còn giúp bảo tồn, tôn vinh và quảng bá các giá trị di sản. Các hoạt động du lịch gắn liền với di sản như tham quan, trải nghiệm văn hóa, nghệ thuật truyền thống, hay sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ có thể tạo ra nguồn tài chính dồi dào để nuôi dưỡng và bảo tồn di sản. Các lễ hội và sự kiện văn hóa có thể được tổ chức dưới hình thức thương mại hóa một cách hợp lý, vẫn giữ nguyên được giá trị văn hóa mà còn tạo ra lợi nhuận. Những sự kiện này không chỉ thu hút du khách mà còn tạo ra các cơ hội kinh doanh liên quan đến dịch vụ, giải trí, và bán hàng thủ công mỹ nghệ.
Bên cạnh đó, ngành công nghiệp văn hóa - sáng tạo bao gồm điện ảnh, âm nhạc, thời trang, xuất bản, và nghệ thuật biểu diễn cũng có tiềm năng rất lớn. Điện ảnh Việt Nam, chẳng hạn, đang có sự phát triển mạnh mẽ cả về chất lượng và số lượng, không chỉ phục vụ khán giả trong nước mà còn có tiềm năng xuất khẩu ra quốc tế. Ngành âm nhạc cũng có thể tạo ra lợi nhuận từ các buổi biểu diễn, bản quyền âm nhạc và sự phát triển của thị trường trực tuyến. Những sản phẩm văn hóa này không chỉ mang tính thương mại mà còn là công cụ hữu hiệu để quảng bá hình ảnh đất nước và văn hóa Việt Nam ra thế giới.
Phóng viên: Với tổng nguồn lực dự kiến của Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa là rất lớn cho giai đoạn 2025-2030, theo đại biểu, nên ưu tiên phân bổ cho những lĩnh vực nào trong phát triển văn hóa?
PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa Giáo dục Quốc hội: Với tổng nguồn lực dự kiến rất lớn cho giai đoạn 2025-2030, tôi cho rằng, việc phân bổ ưu tiên, có trọng tâm, trọng điểm cho các lĩnh vực phát triển văn hóa là rất quan trọng để đảm bảo hiệu quả sử dụng nguồn lực và đạt được mục tiêu phát triển bền vững.
Tôi nghĩ rằng, bảo tồn và phát huy di sản văn hóa cần được chọn là một trong những ưu tiên hàng đầu. Di sản văn hóa, cả vật thể và phi vật thể đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành bản sắc dân tộc và là nguồn tài nguyên quý giá cho du lịch. Đầu tư vào các dự án bảo tồn, phục hồi các di sản, cùng với việc tổ chức các hoạt động giáo dục và truyền thông về giá trị của chúng sẽ giúp nâng cao nhận thức cộng đồng và khuyến khích sự tham gia bảo tồn.
Bên cạnh đó, phát triển công nghiệp văn hóa cũng cần được chú trọng, bao gồm việc đầu tư vào các lĩnh vực như điện ảnh, âm nhạc, nghệ thuật biểu diễn và thiết kế. Những ngành này không chỉ tạo ra giá trị kinh tế mà còn góp phần quảng bá văn hóa Việt Nam ra thế giới.
Thêm vào đó, du lịch văn hóa là lĩnh vực có tiềm năng lớn để phát triển và đóng góp vào ngân sách quốc gia. Đầu tư vào cơ sở hạ tầng du lịch, phát triển các tour du lịch văn hóa, tổ chức các lễ hội và sự kiện lớn sẽ không chỉ thu hút du khách mà còn tạo ra việc làm cho cộng đồng địa phương. Ngoài ra, chúng ta cũng cần chú ý đầy đủ đến việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cho các ngành văn hóa, đầu tư vào công nghệ để bảo tồn, quảng bá và phát triển các giá trị văn hóa.
Không đầu tư nếu không thể khai thác hiệu quả!
Phóng viên: Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho rằng, không nên tiếp tục đầu tư vào các công trình văn hóa hoành tráng nếu không thể khai thác hiệu quả. Quan điểm của đại biểu như thế nào? Làm sao để có thể cân bằng giữa nhu cầu xây dựng cơ sở vật chất và đảm bảo hiệu quả sử dụng lâu dài của các công trình văn hóa, thưa đại biểu?
PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa Giáo dục Quốc hội: Tôi nghĩ, đề xuất của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định về việc không tiếp tục đầu tư vào các công trình văn hóa hoành tráng nếu không thể khai thác hiệu quả là một ý kiến rất đáng quan tâm. Việc này có thể dẫn đến lo ngại rằng các khu vực khó khăn sẽ không nhận được cơ hội phát triển hạ tầng văn hóa cần thiết. Tuy nhiên, có một số cách để cân bằng giữa nhu cầu xây dựng cơ sở vật chất và đảm bảo hiệu quả sử dụng lâu dài.
Thứ nhất, cần tập trung vào các dự án có tính khả thi và bền vững. Thay vì đầu tư vào các công trình lớn mà không có kế hoạch khai thác rõ ràng, các cơ quan quản lý nên ưu tiên phát triển những dự án nhỏ hơn, dễ quản lý và có thể tạo ra nguồn thu ngay từ đầu. Việc này không chỉ giúp giảm rủi ro lãng phí mà còn đảm bảo rằng những dự án này có thể được duy trì và phát triển lâu dài.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho rằng, không nên tiếp tục đầu tư vào các công trình văn hóa hoành tráng nếu không thể khai thác hiệu quả
Thứ hai, thực hiện khảo sát và nghiên cứu thị trường để đánh giá nhu cầu thực tế của cộng đồng và du khách trước khi quyết định đầu tư. Sự tham gia của cộng đồng trong việc xác định các nhu cầu và ưu tiên sẽ giúp tạo ra các công trình văn hóa thực sự phục vụ cho lợi ích của người dân. Việc này cũng giúp tăng cường tính khả thi và hiệu quả của các dự án được triển khai.
Thứ ba, khuyến khích mô hình quản lý công tư (PPP) trong việc phát triển hạ tầng văn hóa. Sự kết hợp giữa nhà nước và khu vực tư nhân có thể mang lại nhiều lợi ích, bao gồm việc chia sẻ rủi ro, tối ưu hóa nguồn lực và đảm bảo hiệu quả sử dụng. Các nhà đầu tư tư nhân có thể được khuyến khích tham gia vào việc xây dựng, quản lý và khai thác các công trình văn hóa, từ đó tạo ra lợi ích kinh tế cho cả hai bên.
Thứ tư, tạo điều kiện cho các hình thức tổ chức sự kiện và hoạt động văn hóa tại các công trình văn hóa. Thay vì chỉ xây dựng cơ sở vật chất, cần phát triển các chương trình sự kiện, hội thảo, và hoạt động giao lưu văn hóa để thu hút cộng đồng và du khách, giúp nâng cao giá trị của các công trình văn hóa, đồng thời tạo ra nguồn thu cho việc duy trì và phát triển.
Thứ năm, cần có các chính sách hỗ trợ cụ thể cho các khu vực khó khăn để đảm bảo rằng họ vẫn có cơ hội tiếp cận các dịch vụ văn hóa và cơ sở hạ tầng cần thiết, gồm các khoản hỗ trợ tài chính, các chương trình đào tạo và sự hỗ trợ từ các tổ chức phi lợi nhuận.
Như vậy, việc không tiếp tục đầu tư vào các công trình văn hóa hoành tráng nếu không thể khai thác hiệu quả sẽ là một bước đi đúng đắn, nhưng cần có những chính sách và biện pháp cụ thể để đảm bảo rằng các khu vực khó khăn vẫn nhận được sự hỗ trợ cần thiết cho phát triển hạ tầng văn hóa. Sự cân bằng này không chỉ đảm bảo hiệu quả sử dụng lâu dài mà còn thúc đẩy sự phát triển bền vững của văn hóa trong cộng đồng.
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn đại biểu!