Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa- Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn tham gia thảo luận
Phát biểu tại hội trường, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa cho biết, trong thời gian qua, mặc dù Đảng, Nhà nước và xã hội đã có nhiều chính sách hỗ trợ nhưng một bộ phận lớn công nhân lao động rơi vào hoàn cảnh rất khó khăn trong và sau đại dịch. Điều tra năm 2021 của Viện Công nhân và Công đoàn cho thấy có 5% người được hỏi chỉ được ăn thịt, cá khoảng 1-2 lần/tuần; 34% chỉ ăn thịt, cá 3 lần/tuần; 41% chỉ đủ tiền để mua một số loại thuốc cơ bản. Càng xót xa khi còn nhiều người lao động không dám đi khám bệnh vì không có khả năng chi trả.
Dẫn lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong tác phẩm “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”: “Chúng ta cần một xã hội mà trong đó sự phát triển là thực sự vì con người, chứ không phải vì lợi nhuận mà bóc lột và chà đạp lên phẩm giá con người…. Chúng ta cần sự phát triển về kinh tế đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội, chứ không phải gia tăng khoảng cách giàu nghèo và bất bình đẳng xã hội”. Đại biểu cho rằng, người lao động là tài sản quý giá, người lao động cần phải được đãi ngộ xứng đáng, phải phải được đặt vào trung tâm của các chính sách để được hưởng thành quả từ sự phát triển của đất nước, của dân tộc.
Đại biểu phân tích, Khoản 1 Điều 91 Bộ luật Lao động quy định: Mức lương tối thiểu là mức lương thấp nhất được trả cho người lao động làm công việc giản đơn nhất trong điều kiện lao động bình thường nhằm bảo đảm mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội. Nhưng trên thực tế, Khảo sát của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam vào tháng 4/2022 cho thấy chỉ có khoảng 55% người lao động cho biết có tiền lương và thu nhập đủ sống; khoảng 25% phải chi tiêu tằn tiện, 13% không đủ sống ở mức tối thiểu.
Trong hai năm 2020 và 2021, để chia sẻ với khó khăn với cộng đồng doanh nghiệp và nền kinh tế, lương tối thiểu của người lao động không tăng. Từ ngày 01/7/2022, Theo đề xuất của Hội đồng tiền lương quốc gia, mức lương tối thiểu này sẽ được tăng thêm 6%. Tuy nhiên, tỷ lệ lạm phát từ năm 2020 đến nay là hơn 6%, do đó, thực chất việc tăng lương không đủ bù đắp. Với tốc độ tăng giá tiêu dùng trong thời gian gần đây, mức tăng lương tối thiểu khó bù đắp được chi phí sinh hoạt mà người lao động phải chi trả. Thực tiễn là Người lao động giờ đây không chỉ phải làm thêm giờ mà phải làm thêm việc. Nhiều người lao động, sau giờ làm công việc chính thức, phải làm thêm công việc khác tại nơi làm việc khác với số giờ làm việc dài, vắt kiệt sức khỏe và vượt ra khỏi sự kiểm soát của cơ quan nhà nước.
Theo đại biểu, với mức tăng 6%, tiền lương tối thiểu ở Vùng 1 - cao nhất là 4.680.000đ tương đương 200 USD thì tiền lương tối thiểu ở nước ta vẫn còn thấp so với các quốc gia khác trong khu vực. Ví dụ như: Indonesia có 274 triệu dân - mức lương tối thiểu hàng tháng ở Jakarta là 323 USD, Philipin có 110 triệu dân - mức lương tối thiểu là 10,24 USD/ngày tương đương 226 USD/tháng, Thái Lan có dân số là 70 triệu dân - lương tối thiểu hiện nay là 260 USD và sẽ tăng lên 379 USD hay Malaysia có dân số 33 triệu dân thì mức lương tối thiểu ở 57 thành phố lớn là 282 USD. Ở Trung Quốc, mức lương tối thiểu tại Bắc Kinh từ 1/8/2021 là khoảng 360 USD.
Với mức lương tối thiểu và cơ cấu nguồn nhân lực trong khu vực như vậy thì việc tăng tiền lương tối thiểu sẽ không tác động nhiều đến lợi thế cạnh tranh của Việt Nam. Ngược lại, tăng lương tối thiểu, một mặt, cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng giảm dần các ngành, lĩnh vực có giá trị gia tăng thấp, thâm hụt lao động cao; mặt khác, góp phần bảo đảm đời sống của người lao động và gia đình họ và đây cũng là giải pháp kích thích tiêu dùng, kích thích kinh tế.
Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa cho biết, ngày 26/5 vừa qua, Tổ chức Standard & Poor's (S&P), một trong 3 tổ chức đánh giá uy tín nhất trên thế giới đã dự báo trong vòng 12-24 tháng tới đây kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục phục hồi, tăng trưởng GDP năm 2022 của Việt Nam khoảng 6,9% với xu hướng dài hạn là 6,5% - 7% từ năm 2023. Đây là dư địa, là tiền đề quan trọng cho việc nâng cao điều kiện sống cho người lao động.
Trên cơ sở các phân tích trên, đại biểu chỉ ra một số vấn đề và đề xuất giải pháp để bảo vệ và phát triển tài sản quý giá này:
Thứ nhất, Chính phủ chỉ đạo Hội đồng tiền lương quốc gia sớm thương lượng tăng lương tối thiểu năm 2023 để bảo đảm mức sống của người lao động và gia đình họ như quy định của Bộ luật Lao động. Đại biểu mong muốn nhận được sự thấu hiểu và chia sẻ của cộng đồng doanh nghiệp với người lao động.
Thứ hai, Chính phủ nghiên cứu giao cơ quan độc lập - có thể là cơ sở nghiên cứu - để công bố hoặc phản biện mức sống tối thiểu do cơ quan thống kê công bố nhằm tăng cường tính khách quan, khoa học. Đây cũng là kinh nghiệm của nhiều quốc gia trên thế giới.
Thứ ba, người lao động làm việc không trọn ngày, không trọn giờ là người lao động yếu thế, dễ tổn thương, ít được hưởng các phúc lợi xã hội. Theo dự kiến, mức lương tối thiểu giờ theo vùng dao động từ 15.600 tới 22.500 đồng là quá thấp. Do đó, đề nghị Chính phủ nghiên cứu, điều chỉnh mức lương tối thiểu giờ phải cao hơn mức trung bình của lương tối thiểu tháng.
Thứ tư, đề nghị Thủ tướng Chính phủ khẩn trương ban hành Chiến lược phát triển nhân lực giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2045 nhằm thực hiện đột phá chiến lược về nguồn nhân lực. Trước đây, chúng ta đã có Chiến lược phát triển nhân lực Việt Nam thời kỳ 2011-2020 được phê duyệt bằng Quyết định số 579/QĐ-TTg ngày 19/4/2011. Tuy đến nay đã hết thười gian thực hiện. Chiến lược nhân lực mới cần có giải pháp để để phát triển và phát huy thế mạnh của nguồn nhân lực, chú trọng nguồn nhân lực đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Việt Nam đã trải qua gần một nửa thời gian của thời kỳ dân số vàng, dự kiến sẽ kết thúc vào năm 2040. Chúng ta sẽ không để lỗi với thế hệ mai sau về giải pháp để phát huy tối đa lợi thế này./.