Góp ý vào dự thảo Luật Sở hữu trí tuệ (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Thị Lan, Đoàn ĐBQH TP. Hà Nội khẳng định, Luật Sở hữu trí tuệ là một trong những bộ luật rất quan trọng của bất kỳ một quốc gia nào, đặc biệt trong thời đại ngày nay với một thế giới ngày càng mở và phẳng hơn thì sở hữu trí tuệ thực sự đã trở thành động lực chuyển giao và ứng dụng công nghệ, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, đồng thời cũng là một yếu tố rất quan trọng để thúc đẩy tiến trình hội nhập quốc tế của các quốc gia.
Đại biểu nhấn mạnh, đối với Việt Nam chúng ta, trước bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, sự chuyển đổi số mạnh mẽ và hội nhập quốc tế sâu rộng thì việc phải nghiên cứu kỹ lưỡng, sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ để kịp thời cập nhật, bổ sung, lấp đầy khoảng trống pháp lý của các vấn đề mới phát sinh, phù hợp với bối cảnh mới và điều kiện mới.
Bên cạnh đó, đại biểu cũng cho rằng Dự thảo luật sửa đổi, bổ sung Luật Sở hữu trí tuệ lần này trình ra Quốc hội đã phần lớn giải quyết được những khó khăn, vướng mắc phát sinh về vấn đề sở hữu trí tuệ, thúc đẩy hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Ngoài ra, Dự thảo luật sau khi được tiếp thu, chỉnh sửa đã đáp ứng, phù hợp với các cam kết quốc tế theo Hiệp định CPTPP, Hiệp định EVFTA và các điều ước quốc tế khác có liên quan mà Việt Nam là thành viên. Ngoài ra, dự thảo luật sửa đổi, bổ sung cũng đã điều chỉnh, đảm bảo tính đồng bộ với một số điều của Luật Giá, Luật Hải quan, Luật Khoa học, Công nghệ, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công để đáp ứng yêu cầu thực tiễn, đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật.
"Đặc biệt, dự thảo luật đã tiếp thu, chỉnh sửa nhiều nội dung quan trọng như giao quyền cho tổ chức, cá nhân đăng ký sở hữu trí tuệ đối với tài sản trí tuệ, giống cây trồng được tạo ra có sử dụng một phần hoặc toàn bộ từ ngân sách nhà nước một cách tự động và không bồi hoàn... Đây là một bước tiến lớn trong việc tháo gỡ vướng mắc để các cơ sở nghiên cứu, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ tạo ra từ nghiên cứu khoa học", ĐBQH Nguyễn Thị Lan nêu rõ.
Để góp phần hoàn thiện hơn dự thảo luật sửa đổi, bổ sung, ĐBQH Nguyễn Thị Lan cho rằng cần xem xét việc bổ sung các đối tượng khác như giống vật nuôi, công nghệ sinh học, thủy sản, các loại tảo, nấm, vi sinh vật, côn trùng, ong vào luật, vì hiện nay chúng ta mới chỉ đề cập đến giống cây trồng. Đồng thời, cần xem xét lại hợp lý giữa thời gian nghiên cứu và thời gian cấp bằng bảo hộ các quyền. Đáng chú ý, mặc dù luật mới đã bổ sung, đề cập nhiều hơn đến chế tài xử lý các hành vi vi phạm, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, nhưng đại biểu vẫn đề nghị Quốc hội rà soát, nghiên cứu để xây dựng được một hệ thống cơ chế giám sát, kiểm soát mang tính liên ngành, rõ ràng, không chồng chéo nhằm phòng, chống một cách hiệu quả hơn, triệt để hơn các hành vi này.
"Luật mới cũng cần xây dựng cơ sở pháp lý cho việc thiết lập và cơ chế vận hành minh bạch các liên kết, hợp tác sáng tạo giữa doanh nghiệp, người sản xuất, viện nghiên cứu, trường đại học và Nhà nước. Đây là một giải pháp quan trọng để giúp tạo dựng, bảo vệ và khai thác hiệu quả hơn các tài sản trí tuệ", ĐBQH Nguyễn Thị Lan lưu ý./.