Error

Web Part Error: A Web Part or Web Form Control on this Page cannot be displayed or imported. The type TVPortal.Publishing.Category.wpMenuLeftDaiBieuQuocHoi2, TVPortal.Publishing.Category, Version=1.0.0.0, Culture=neutral, PublicKeyToken=616514c961de576d could not be found or it is not registered as safe. Correlation ID: f0a166a1-b9a7-90f0-c4c5-0b65b211e271.

Error Details:
[UnsafeControlException: A Web Part or Web Form Control on this Page cannot be displayed or imported. The type TVPortal.Publishing.Category.wpMenuLeftDaiBieuQuocHoi2, TVPortal.Publishing.Category, Version=1.0.0.0, Culture=neutral, PublicKeyToken=616514c961de576d could not be found or it is not registered as safe.]
  at Microsoft.SharePoint.ApplicationRuntime.SafeControls.GetTypeFromGuid(Boolean isAppWeb, Guid guid, Guid solutionId, Nullable`1 solutionWebId, String assemblyFullName, String typeFullName, Boolean throwIfNotSafe)
  at Microsoft.SharePoint.WebPartPages.SPWebPartManager.CreateWebPartsFromRowSetData(Boolean onlyInitializeClosedWebParts)

ĐBQH VŨ TIẾN LỘC: TĂNG CƯỜNG HỢP TÁC NGHỊ VIỆN VIỆT NAM - VƯƠNG QUỐC ANH, TẠO ĐỘNG LỰC PHÁT TRIỂN MỚI TRÊN NHIỀU LĨNH VỰC

29/06/2022

Đại biểu Vũ Tiến Lộc – Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội, thành viên Nhóm nghị sĩ hữu nghị Việt Nam – Anh khẳng định, hợp tác nghị viện Việt Nam – Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-len có vai trò quan trọng, góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật, thúc đẩy hợp tác trên nhiều lĩnh vực giữa hai nước.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thăm Đại sứ quán và gặp gỡ cộng đồng người Việt Nam tại Anh

Nhận lời mời của Chủ tịch Thượng viện John Mcfall và Chủ tịch Hạ viện Linsay Hoyle, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dẫn đầu Đoàn Đại biểu cấp cao Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam thăm chính thức Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-len từ ngày 28 - 30/6/2022.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Đoàn Đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam thăm Đại sứ quán và gặp gỡ cộng đồng người Việt Nam tại Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-len

Theo chương trình, từ ngày 28-30/6 Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Đoàn Đại biểu cấp cao Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam sẽ có các cuộc gặp song phương với lãnh đạo cấp cao Anh, trong đó hội đàm với Chủ tịch Hạ viện Lindsay Hoyle và Chủ tịch Thượng viện Anh John McFall; gặp và trao đổi với nhiều quan chức cấp cao của Chính phủ, Quốc hội Anh; gặp gỡ cộng đồng doanh nghiệp Anh, các tập đoàn lớn về kinh tế, tài chính, giáo dục; tổ chức Tọa đàm kinh tế-thương mại, Tọa đàm giáo dục... Phóng viên Cổng Thông tin điện tử Quốc hội đã có cuộc trao đổi với đại biểu Quốc hội Vũ Tiến Lộc – Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội, thành viên Nhóm nghị sĩ hữu nghị Việt Nam – Anh về ý nghĩa và kỳ vọng về chuyến thăm này.

Phóng viên: Từ ngày 28-30/6, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam sang thăm chính thức Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-len, là đại biểu Quốc hội và là thành viên Nhóm nghị sỹ hữu nghị Việt – Anh, ông có có đánh giá như thế nào về tiềm năng hợp tác nghị viện giữa hai nước?

Đại biểu Vũ Tiến Lộc – Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội, thành viên Nhóm nghị sĩ hữu nghị Việt Nam – Anh: Tôi cho rằng, chuyến thăm lần này của Chủ tịch Quốc hội và Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam với lãnh đạo Nghị viện, Hạ viện Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-len sẽ tạo xung lực mới thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước. Đặc biệt, góp phần đẩy nhanh thực hiện Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA) đã được ký kết ngày 29/12/2020, được áp dụng tạm thời từ ngày 1/1/2021 và chính thức có hiệu lực từ ngày 1/5/2021.  

Theo tôi, để Hiệp định UKVFTA phát huy hết tiềm năng, hoàn thiện hệ thống pháp luật của Việt Nam vươn tới chuẩn mực cao là một trong những yêu cầu thực hiện các hiệp định thương mại tự do nói chung và Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - Vương quốc Anh nói riêng. Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-len là một trong những quốc gia đi đầu trong việc xây dựng hệ thống pháp luật về thể chế kinh tế thị trường, trong đó Việt Nam đang trong quá trình tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường. Khung khổ pháp luật liên quan đến lĩnh vực này tại Liên hiệp Vương Quốc Anh và Bắc Ai-len có ý nghĩa và giá trị tham khảo rất lớn đối với Việt Nam để xây dựng hệ thống pháp luật ngày càng minh bạch hơn. Việt Nam đang trong quá trình hoàn thiện hệ thống pháp luật trong khi đó hệ thống pháp luật Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland đảm bảo sự minh bạch và phòng ngừa tham nhũng rất hiệu quả.

Đại biểu Vũ Tiến Lộc - Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội, thành viên Nhóm nghị sỹ hữu nghị Việt Nam - Anh

Ngoài ra, tôi cho rằng, sự liêm chính là trái tim của hoạt động kinh doanh, những năm qua, một trong những nội dung hợp tác của cộng đồng doanh nghiệp hai nước là xây dựng môi trường kinh doanh minh bạch và đảm bảo sự liêm chính trong kinh doanh. Vì vậy, tôi tin tưởng, chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Đoàn Đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam tại Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-len sẽ góp phần tăng cường hợp tác giữa hai nghị viện nhằm xây dựng hệ thống pháp luật minh bạch, nghiêm minh phù hợp với yêu cầu thực tiễn, nhất là hiện nay Việt Nam đang đẩy mạnh công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Việt Nam cũng đang trong quá trình cải cách và chuyển đổi mô hình tăng trưởng, việc chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, trong khi đó Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-len là một trong những quốc gia đi đầu trong lĩnh vực này. Vì vậy, sự hỗ trợ và việc thu hút đầu tư từ Chính phủ và các doanh nghiệp của Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-len rất quan trọng đối với nền kinh tế của Việt Nam. Tôi hy vọng, chuyến đi của Đoàn Đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam sẽ thúc đẩy xu hướng này, đặc biệt trong quá trình thực hiện cuộc cách mạng 4.0, xu hướng chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và phát triển bền vững. Tôi tin rằng, các doanh nghiệp cũng như chính phủ Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-len cũng mong muốn hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực phát triển bền vững.

Để hợp tác trong lĩnh vực này, tôi cho rằng việc hoàn thiện khung khổ pháp luật cho chuyển đổi số là rất quan trọng. Do vậy, việc hợp tác giữa nghị viện hai nước trong việc hoàn thiện hệ thống pháp luật để thúc đẩy chuyển đổi số, thúc đẩy các mô hình kinh doanh mới, có chính sách khuyến khích các hoạt động phát triển bền vững cũng sẽ giúp cộng đồng doanh nghiệp hai nước dễ dàng tìm kiếm cơ hội hợp tác, đầu tư lâu dài.

Ngoài ra, tôi cũng mong muốn thông qua các chuyến thăm của lãnh đạo hai nước sẽ có cơ chế, chính sách để các doanh nghiệp vừa và nhỏ của hai bên có thể tham gia vào quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư. Đây cũng là một trong những tiêu chuẩn để đánh giá sự thành công của hiệp định thương mại tự do, đó là không chỉ riêng các doanh nghiệp lớn được hưởng lợi từ các hiệp định thương mại tự do, mà các doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp siêu nhỏ của hai bên cũng có thể tham gia và được hưởng lợi từ các hiệp định này.

Phóng viên: Ông đánh giá như thế nào về tiềm năng hợp tác giữa Việt Nam và Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-len sau khi Hiệp định UKVFTA chính thức có hiệu lực từ ngày 1/5/2021?

Đại biểu Vũ Tiến Lộc – Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội, thành viên Nhóm nghị sĩ hữu nghị Việt Nam – Anh: UKVFTA là một trong những hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam đã và đang tham gia, được xây dựng trên cơ sở các chuẩn mực cao, có nhiều tiềm năng phát triển. Trong đó, 65% thuế quan đã được xóa bỏ đối với thương mại Việt Nam – Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-len. Trong 6 năm đầu tiên sau khi UKVFTA có hiệu lực, Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-len sẽ xóa bỏ thuế quan đối với 99,2% số dòng thuế liên quan đến hàng hóa nhập khẩu của Việt Nam. Việt Nam cam kết xóa bỏ 48,5% thuế quan, phù hợp với các nước EU khác trong khuôn khổ Hiệp định thương mại Việt Nam-Liên minh châu Âu.

Từ khi Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-len rời khỏi Liên minh Châu Âu, quốc gia này không còn là thành viên để thực hiện các hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU nữa. Vì vậy, việc Việt Nam ký Hiệp định UKVFTA để thiết lập một nền tảng mới cho quan hệ Việt Nam - Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-len, với những điều khoản tương đồng với Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam – EU. Điều này cũng chứng tỏ Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-len là một trong những đối tác quan trọng của Việt Nam và ngược lại Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-len coi Việt Nam là thị trường có nhiều tiềm năng để hợp tác, đầu tư.

Hơn nữa, Việt Nam đang đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, đây cũng là cơ hội vô cùng lớn cho các doanh nghiệp Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-len đầu tư vào Việt Nam, đặc biệt khi Việt Nam cam kết đưa lượng phát thải ròng về 0 đến năm 2050 của Việt Nam tại COP26. Việt Nam đang cần các giải pháp công nghệ giúp xây dựng nền tảng năng lượng tái tạo, trong khi đó đây lại là lĩnh vực mà Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland những năm gần đây đã tập trung phát triển, có thế mạnh…

Ở chiều ngược lại, tôi cho rằng, việc quan hệ ngoại giao, kinh tế, thương mại hai nước ngày càng được nâng cao trong thời gian gần đây với hàng loạt các chuyến thăm cấp cao, các hợp đồng kinh tế lớn được ký kết và việc đầu tư kinh doanh bài bản của các doanh nghiệp Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-len vào Việt Nam, các doanh nghiệp Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn để hợp tác, thu hút đầu tư, chuyển giao công nghệ từ quốc gia này; đồng thời tham gia vào chuỗi cung ứng ngành công nghiệp, năng lượng của Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-len, cũng như xuất khẩu sản phẩm công nghiệp, tận dụng lợi thế sẵn có của Hiệp định UKVFTA.

Việt Nam hiện là đối tác quan trọng của Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-len, với nhiều mặt hàng có lợi thế cạnh tranh, giá cả hợp lý, có khả năng xuất khẩu, nhất là các mặt hàng nông sản nhiệt đới, sản phẩm dệt may, giày dép, hàng tiêu dùng… Tôi kỳ vọng, chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam sẽ bàn thảo những vấn đề hai bên cùng quan tâm, mang lại cho cái lợi ích cho Nhân dân hai nước.

Phóng viên: Giáo dục đào tạo là một trong những lĩnh vực được Việt Nam và Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland ưu tiên hợp tác. Quan điểm của đại biểu về vấn đề này như thế nào?

Đại biểu Vũ Tiến Lộc – Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội, thành viên Nhóm nghị sĩ hữu nghị Việt Nam – Anh: Đào tạo nguồn nhân lực cũng là một ưu tiên quan trọng hàng đầu cho sự phát triển của Việt Nam trong thời gian tới. Như tôi đã phân tích, để phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, cách mạng 4.0 cần đào tạo nguồn nhân lực cho quá trình phát triển theo hướng hiện đại và nguồn nhân lực cho quá trình hội nhập quốc tế.

Lễ ký Bản ghi nhớ về Hợp tác giáo dục giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam và Hội đồng Anh.

Giáo dục là lĩnh vực hợp tác quan trọng giữa hai nước Việt Nam và Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-len. Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-len vẫn là điểm đến được lựa chọn yêu thích hàng đầu của thế hệ trẻ Việt Nam. Đây cũng là quốc gia có số lượng nhiều nhất các trường đại học có quan hệ đối tác với các trường đại học tại Việt Nam. Vì vậy, theo tôi, tiềm năng hợp tác giáo dục giữa hai nước còn rất lớn, đặc biệt trong dạy và học tiếng Anh, đào tạo kỹ năng, giáo dục bậc phổ thông và đại học. Việt Nam là quốc gia với dân số trẻ, ham học và các bậc phụ huynh sẵn sàng đầu tư vào giáo dục. Thời gian qua, hợp tác giáo dục song phương ghi nhận những dấu hiệu tích cực. Không chỉ các trường đại học, mà gần đây nhiều trường phổ thông của Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-len đã ký thỏa thuận hợp tác với các trường Việt Nam nhằm nâng cao chất lượng giáo dục ngay tại Việt Nam…. Đây là cơ hội rất lớn để hai nước tiếp tục hợp tác sâu rộng hơn nữa trong thời gian tới.

Tôi được biết, trong khuôn khổ chuyến thăm Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-len của Chủ tịch Quốc hội và Đoàn Đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam sẽ có Tọa đàm về hợp tác giáo dục được tổ chức, với sự tham gia của các trường đại học hàng đầu, các tập đoàn, tổ chức giáo dục của Việt Nam và Anh. Tôi kỳ vọng, qua cuộc tọa đàm này sẽ thúc đẩy hợp tác mạnh mẽ trong lĩnh vực giáo dục-đào tạo, đặc biệt là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ công cuộc phát triển và hội nhập quốc tế của Việt Nam trong giai đoạn mới.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn đại biểu!

Lan Hương

Các bài viết khác