TỔNG THUẬT SÁNG 24/10: QUỐC HỘI THẢO LUẬN VỀ LUẬT KHÁM BỆNH, CHỮA BỆNH (SỬA ĐỔI)
DỰ ÁN LUẬT KHÁM BỆNH, CHỮA BỆNH (SỬA ĐỔI): NHIỀU NỘI DUNG CÒN Ý KIẾN KHÁC NHAU CHỜ ĐỢI CÁC PHÂN TÍCH, QUYẾT ĐỊNH CỦA ĐBQH
Đại biểu Nguyễn Văn An- Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình phát biểu
Tham gia thảo luận tại Hội trường, đại biểu Nguyễn Văn An bày tỏ sự nhất trí cao với nhiều nội dung trong Báo cáo số 350/BC-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo về việc tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) cũng như dự thảo Luật.
Để góp phần hoàn thiện dự thảo Luật trước khi trình Quốc hội thông qua, đại biểu quan tâm cho ý kiến về một số nội dung chính như sau:
Đối với vấn đề chế độ, chính sách đối với người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh, đại biểu chỉ rõ, Báo cáo số 350/BC-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đề cập rằng, “Có ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị bổ sung chính sách thu hút nhân tài, chuyên gia, chế độ đãi ngộ, cơ chế, chính sách tiền lương phù hợp, xứng đáng cho cán bộ, y, bác sĩ và nhân viên ngành y tế.”. Giải trình về nội dung này trongBáo cáo số 350/BC-UBTVQH15như sau:“Nghị quyết số 27-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp đã chỉ rõ các nội dung về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang khu vực công trong đó bao gồm cả các cán bộ, y, bác sỹ ngành y tế. Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin phép giữ như dự thảo Luật”.
Theo đại biểu, giải trình như vậy chưa thực sự thuyết phục. Bởi lẽ:
Thứ nhất, theo quy định tại khoản 2 Điều 4 của dự thảo Luật về Chính sách của Nhà nước về khám bệnh, chữa bệnhthì Nhà nước “có chính sách đãi ngộ đặc biệt đối với người hành nghề”. Đại biểu cho rằng, đây mới chỉ là quy định về chính sách chung, cần được cụ thể hóa trong các điều luật cụ thể quy định về quyền của người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh. Tuy nhiên, trong dự thảo Luật, tại các quy định về quyền của người hành nghề từ Điều 36 đến Điều 40 của Mục 4 Chương III chưa thấy thể hiện chính sách đãi ngộ đặc biệt đối với người hành nghề.
Thứ hai, thời gian qua, nhất là trong điều kiện dịch COVID-19 bùng phát, tất cả chúng ta đều thừa nhận, ghi nhận và tôn vinh công lao to lớn của lực lượng y tế trong công tác phòng, chống dịch, nhất là những người hành nghề khám chữa bệnh. Đồng thời, qua các phương tiện thông tin đại chúng, chúng ta cũng biết rằng, thời gian gần đây có tình trạng nhân viên y tế xin nghỉ việc do đời sống khó khăn và những lý do khác, v.v… Do đó, cần có sự quan tâm, đầu tư của Nhà nước cả về vật chất và tinh thần cho lực lượng này.
Từ phân tích trên, đại biểu đề nghị bổ sung quy định trong dự thảo Luật để cụ thể hóa chính sách đãi ngộ đặc biệt đối với người hành nghề; trên cơ sở đó giao Chính phủ quy định về chế độ, chính sách, tiền lương, phụ cấp, trang phục và chế độ đặc thù đối với người hành nghề tại các cơ sở y tế công lập.
Liên quan đến nội dung chức năng đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh của Hội đồng Y khoa Quốc gia, đại biểu chỉ ra rằng, theo quy định tại khoản 1 Điều 24 của dự thảo Luật thì Hội đồng Y khoa Quốc gia là tổ chức độc lập do Chính phủ thành lập có chức năng đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh. Khoản 2 Điều 24 quy định các nhiệm vụ của Hội đồng Y khoa Quốc gia. Theo đó, chức năng chính của Hội đồng này là thực hiện đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh. Tuy nhiên, theo khoản 1 Điều 118 của dự thảo Luật thì Hội đồng Y khoa Quốc gia thực hiện nhiệm vụ kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh theo lộ trình.
Đại biểu nhận thấy có sự bất cập: Báo cáo giải trình chưa lý giải căn cứ quy định lộ trình lấy mốc thời gian là năm 2029, 2032, có nghĩa chậm nhất là 05 năm sau khi Luật có hiệu lực thì việc kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh đối với chức danh bác sỹ mới được thực hiện; chậm nhất là 08 năm sau khi Luật có hiệu lực thì việc kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh đối với chức danh y sỹ, điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật y, dinh dưỡng, cấp cứu viên ngoại viện và tâm lý trị liệu mới được thực hiện.Với thời gian quá dài như vậy, e rằng tình hình thực tế lúc đó đã thay đổi. Do đó, đại biểu đề nghị cân nhắc quy định cho sát thực hơn hoặc giao Chính phủ quy định lộ trình thực hiện cho phù hợp với điều kiện thực tiễn.
Ngoài ra, về quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành, đại biểu nhận thấy, quy định như trong Điều 121 vừa thừa, vừa thiếu. Thừa vì việc giao Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Y tế quy định chi tiết đã được quy định cụ thể tại các điều luật liên quan trong dự thảo Luật. Thiếu vì nếu liệt kê Bộ trưởng Bộ Y tế thì còn thiếu Bộ trưởng Bộ Tài chính đã được quy định tại khoản 6 Điều 22 của dự thảo Luật. Do đó, đại biểu đề nghị nên bỏ Điều này.