SỬA ĐỔI LUẬT GIÁ: ĐẢM BẢO QUẢN LÝ GIÁ CHẶT CHẼ, HIỆU QUẢ, VẬN HÀNH THÔNG SUỐT NỀN KINH TẾ
Dự án Luật Giá (sửa đổi) là một trong 07 dự án luật được Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 4 này. Đóng góp ý kiến vào dự án Luật này, đại biểu Hoàng Ngọc Định- Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Giang bày tỏ đồng tình cao đối với Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính, ngân sách về dự thảo Luật Giá.
Có thể nói rằng, qua hơn 9 năm thực hiện Luật Giá số 11/2012/QH13 được Quốc hội thông qua từ kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIII, đã đạt được những kết quả tích cực trong công tác quản lý điều hành giá và công tác tổng hợp, phân tích dự báo thị trường giá cả; đồng thời góp phần vào công tác ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và sự phát triển kinh tế - xã hội trong nước.
Đại biểu Hoàng Ngọc Định - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Giang.
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, Luật Giá cũng đã phát sinh những tồn tại, hạn chế, bất cập cần phải nghiên cứu sửa đổi để phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập kinh tế quốc tế. Để góp phần hoàn thiện vào dự án Luật, đại biểu Hoàng Ngọc Định xin tham gia một số ý kiến như sau:
Một là: Tại khoản 1 Điều 3 dự thảo Luật quy định: “Trường hợp có quy định khác nhau giữa Luật giá và Luật khác được ban hành trước ngày Luật Giá có hiệu lực thì thực hiện theo Luật Giá, trừ trường hợp sau:
a) Thẩm quyền, hình thức, căn cứ, phương pháp và việc ban hành quyết định giá đất thực hiện theo Luật đất đai;
b) Căn cứ, phương pháp định giá và việc ban hành quyết định giá điện thực hiện theo quy định tại Luật Điện lực; dịch vụ khám chữa bệnh thực hiện theo quy định tại Luật khám bệnh, chữa bệnh; dịch vụ giáo dục thực hiện theo quy định tại Luật Giáo dục, Luật Giáo dục nghề nghiệp”.
Đại biểu Hoàng Ngọc Định đề nghị Ban soạn thảo dự án Luật Giá (sửa đổi) cần phối hợp chặt chẽ với các Ban soạn thảo dự án Luật Đất đai (sửa đổi), dự án Luật khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) để quy định một số vấn đề nêu trên nhằm bảo đảm tính đồng bộ, tính thống nhất giữa các luật.
Hai là: Chương III đề cập nội dung quản lý Nhà nước về giá, thẩm định giá và nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan Nhà nước. Theo như dự án Luật, tên chương III vừa dài, vừa không chính xác, vì vậy đề nghị Ban soạn thảo chỉnh sửa lại cho phù hợp, cụ thể là:
Thứ nhất, không nên quy định quản lý Nhà nước về giá, thẩm định giá” mà nên quy định chung là “quản lý nhà nước về giá”, vì tên gọi của luật là Luật Giá, trong đó việc thẩm định giá chỉ là một trong những nội dung liên quan đến giá; hơn nữa quy định như dự thảo sẽ hiểu lầm là giá và thẩm định giá là 02 vấn đề khác nhau. Vì vậy, đại biểu Hoàng Ngọc Định đề nghị đổi tên Chương III thành “Quản lý nhà nước về giá” hoặc “Trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước về giá”, để khái quát hơn và ngắn gọn, chính xác.
Thứ hai, tại khoản 2 Điều 12 dự thảo quy định: “Nội dung khác theo quy định pháp luật có liên quan”. Đại biểu Hoàng Ngọc Định cho rằng, quy định như dự án Luật là không rõ ràng nên đề nghị cần chỉ rõ theo quy định của pháp luật nào, phải làm gì để khi Luật có hiệu lực thì mới thực hiện được.
Ba là: Điều 42 về kinh phí bảo đảm công tác tổng hợp, phân tích, dự báo giá thị trường. Tại khoản 1 dự thảo quy định: “Kinh phí hỗ trợ hoạt động tổng hợp, phân tích, dự báo giá thị trường và hoạt động quản lý, điều hành giá được bố trí trong dự toán ngân sách Nhà nước của các cơ quan, đơn vị được giao thực hiện nhiệm vụ. Bộ Tài chính quy định về nội dung, định mức chi, dự toán và quyết toán theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước”.
Hiện nay, các hoạt động tổng hợp, phân tích, dự báo giá thị trường và hoạt động quản lý, điều hành giá do các cán bộ, công chức thuộc cơ quan quản lý, cơ quan chức năng thực hiện và được hưởng lương, phụ cấp từ ngân sách Nhà nước theo quy định. Nếu nay quy định thêm kinh phí hỗ trợ cho các hoạt động này như dự án Luật sẽ dẫn đến tình trạng khi Luật có hiệu lực, các cơ quan chức năng sẽ hiểu khác nhau là có 2 nguồn kinh phí cho các hoạt động, sẽ tạo nên sự bất hợp lý, không công bằng. Vì vậy, đại biểu Hoàng Ngọc Định đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc không quy định kinh phí hỗ trợ cho các hoạt động nêu trên như quy định của dự án Luật.
Bốn là: Kiến nghị về xử lý vi phạm pháp luật. Dự án Luật Giá quy định về quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân, người tiêu dùng trong lĩnh vực giá; hoạt động quản lý, điều tiết giá của nhà nước; hoạt động tổng hợp, phân tích, dự báo giá thị trường; hoạt động thẩm định giá; kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá và các hoạt động khác có liên quan. Do đó, trong quá trình thực hiện Luật Giá không thể không có vi phạm pháp luật về giá, như vi phạm các hành vi bị nghiêm cấm (Điều 7), vi phạm trong việc quản lý, điều tiết giá, kê khai giá, niêm yết giá, tham chiếu giá, thẩm định giá, định giá...Vì vậy, đại biểu Hoàng Ngọc Định đề nghị cần bổ sung một điều về xử lý vi phạm pháp luật về giá với nội dung như: Tổ chức, cá nhân vi phạm quy định của pháp luật về giá thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường, đối với cá nhân có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
Năm là: Kiến nghị về khiếu nại, tố cáo và giải quyết khiếu nại, tố cáo. Đại biểu Hoàng Ngọc Định nhận thấy, các hoạt động trong lĩnh vực về giá như hoạt động quản lý, điều tiết giá của Nhà nước; hoạt động tổng hợp, phân tích, dự báo giá thị trường, xe khai giá, niêm yết giá, tham chiếu giá, thẩm định giá; kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá và các hoạt động khác có liên quan đến giá đều có thể phát sinh các khiếu nại, tố cáo. Vì vậy, đại biểu Hoàng Ngọc Định đề nghị Ban soạn thảo bổ sung vào dự án Luật các quy định về khiếu nại, tố cáo và quy định về thẩm quyền, quy trình giải quyết khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực giá để làm cơ sở cho việc thực hiện khi có phát sinh khiếu nại, tố cáo./.