Qua tổng kết việc thi hành pháp luật, đánh giá thực trạng quan hệ xã hội liên quan đến bản dạng giới, chuyển đổi giới tính, đại biểu Nguyễn Anh Trí, Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội đã tổ chức lập Hồ sơ đề nghị xây dựng dự án Luật Bản dạng giới.
Theo Tờ trình đề nghị xây dựng luật của đại biểu Nguyễn Anh Trí, bản dạng giới là một cảm nhận tự thân của cá thể về giới tính của mình mà chỉ tự họ nhận ra trong quá trình sống, không phụ thuộc vào giới tính bên ngoài khi mới sinh ra của họ. Nhận thức giới tính của một người không nhất thiết dựa trên giới tính sinh học hoặc giới tính được người khác cảm nhận và cũng không phải là thiên hướng tình dục.
Đại biểu Nguyễn Anh Trí, Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội
Bản dạng giới có thể là nữ hoặc nam hoặc không phải nam không phải nữ. Người chuyển giới là người có bản dạng giới không trùng với giới tính sinh học khi sinh ra. Nhiều người chuyển giới có nhu cầu được công nhận bản dạng giới khác với giới tính khi sinh bằng các thủ tục pháp lý hoặc hành chính, một số người còn có thêm nhu cầu chuyển đổi giới tính bằng cách thay đổi cơ thể thông qua can thiệp y tế.
Đại biểu Nguyễn Anh Trí cho biết, nghiên cứu trên thế giới chỉ ra rằng LGBT là cộng đồng người chiếm tỷ lệ từ 3 đến 7% dân số thế giới, trong đó tỷ lệ người chuyển giới (đã phẫu thuật hay sử dụng hoóc-môn) chiếm từ 0,3% đến 0,5% dân số. Hiện nay, 72 quốc gia đã thừa nhận quyền thay đổi giới tính hợp pháp; trong đó: châu Âu có 41/50 quốc gia và vùng lãnh thổ; châu Á có 13/50 quốc gia và vùng lãnh thổ, châu Mỹ và Mỹ latin có 15/35 nước và vùng lãnh thổ, châu Phi có 01/54 quốc gia và vùng lãnh thổ; châu Đại dương có 02/14 quốc gia và vùng lãnh thổ có pháp luật điều chỉnh về chuyển đổi giới tính; 45/72 quốc gia cho phép chuyển đổi giới tính mà không cần phải phẫu thuật; độ tuổi được phép chuyển đổi giới tính phổ biến là 16 đến 18 tuổi.
Đại biểu Nguyễn Anh Trí cho rằng, từ sau khi Bộ luật Dân sự 2015 quy định nguyên tắc “việc chuyển đổi giới tính được thực hiện theo quy định của luật” (Điều 37), đến nay, chưa có quy định hướng dẫn cụ thể để cá nhân có thể chính thức hiện thực hóa quyền này trên thực tế. Cũng không có văn bản pháp luật nào quy định về cơ quan có thẩm quyền xác định quy trình, thủ tục công nhận và tiến hành chuyển đổi giới tính; thủ tục, thẩm quyền thực hiện thủ tục và thay đổi giấy tờ, hộ tịch liên quan đối với người chuyển giới...
Tại Việt Nam, do chưa có văn bản luật chuyên ngành quy định cụ thể về chuyển đổi giới tính nên chưa có nghiên cứu, khảo sát một cách toàn diện, đầy đủ về bản dạng giới và người chuyển giới. Ngoài ra chưa có bộ tiêu chí để thống kê số liệu chính xác về người chuyển giới dẫn đến việc thu thập số liệu về tỷ lệ người chuyển giới tại Việt Nam gặp khó khăn.
Đại biểu Nguyễn Anh Trí nhấn mạnh, những khó khăn, hạn chế, bất cập nêu trên đặt ra yêu cầu phải xây dựng Luật Bản dạng giới nhằm thể chế hóa đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về bảo đảm và thực thi quyền con người, quyền công dân, bao gồm quyền chuyển đổi giới tính trong bối cảnh hội nhập ngày càng cao của Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam. Bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ và nâng cao hiệu quả pháp lý của hệ thống pháp luật có liên quan đến quyền con người nói chung, quyền chuyển đổi giới tính nói riêng.
Theo đề xuất lập pháp của đại biểu Nguyễn Anh Trí, đạo luật cần khẳng định quyền tự xác lập bản dạng giới, chuyển đổi giới tính là một quyền nhân thân cơ bản của công dân; khẳng định sự tôn trọng quyền tự xác lập bản dạng giới của một công dân; đảm bảo cho họ được sống bình đẳng trong xã hội như mọi công dân với các dạng giới truyền thống thông thường khác.
Quan điểm khi xây dựng dự luật này là thể chế hóa các chủ trương của Đảng và Nhà nước về bảo đảm quyền con người. Ghi nhận đầy đủ, toàn diện các quyền con người; cụ thể hóa Điều 16, Điều 20, Điều 38 của Hiến pháp năm 2013 về quyền không bị phân biệt đối xử trong xã hội, được pháp luật bảo hộ về sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm và có quyền được bảo vệ, chăm sóc sức khỏe, bình đẳng trong việc sử dụng các dịch vụ y tế và có nghĩa vụ thực hiện các quy định về phòng bệnh, khám bệnh, chữa bệnh.
Dự luật cần bảo đảm xây dựng điều kiện pháp lý minh bạch, khả thi, thuận tiện cho người có nhận diện giới khác giới tính hiện có; bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật có liên quan; phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên liên quan đến quyền con người; phù hợp với điều kiện thực tiễn kinh tế - xã hội của Việt Nam. Bảo đảm cho người có nhận diện giới khác giới tính khi sinh được sống đúng với giới tính mà họ mong muốn; thực hiện, bảo vệ tốt nhất quyền, lợi ích hợp pháp của người chuyển đổi giới tính; chống phân biệt đối xử và bảo đảm hiệu quả quản lý nhà nước.
Theo dự thảo đề cương chi tiết, luật có 5 chương và 27 điều. Phạm vi điều chỉnh của luật này quy định về bản dạng giới; việc thực hiện quyền được công nhận bản dạng giới của công dân; điều kiện và trình tự, thủ tục để thực hiện quyền này; việc can thiệp y học đối với người chuyển giới. Luật điều chỉnh đối với cá nhân có yêu cầu xác nhận bản dạng giới, chuyển đổi giới tính, người chuyển đổi giới tính, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thực hiện can thiệp y học để chuyển đổi giới tính; cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc chuyển đổi giới tính.
Trong đó, điều kiện để cá nhân được đề nghị công nhận bản dạng giới gồm: Từ đủ 18 tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, độc thân và không phải là người đang trong thời gian chấp hành hình phạt hoặc chưa được xóa án tích hoặc đang trong thời gian bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật nước ngoài hoặc pháp luật Việt Nam.
Tờ trình nêu rõ, Luật sẽ thể hiện cụ thể các nội dung đáng chú ý như: Khẳng định quyền tự xác lập bản dạng giới, chuyển đổi giới tính là một quyền nhân thân cơ bản của công dân; Khẳng định sự tôn trọng quyền tự xác lập bản dạng giới của công dân; đảm bảo cho họ được sống bình đẳng trong xã hội như mọi công dân khác; Nhà nước ban hành thủ tục công nhận giới tính mới của công dân để tôn trọng quyền tự quyết định giới tính của công dân; Thủ tục công nhận giới tính cho công dân phải được thực hiện chặt chẽ, đơn giản, không gây phiền toái cho công dân, không gây phức tạp cho cơ quan nhà nước nhưng không dễ dàng nhằm tránh lợi dụng việc công nhận quyền công dân có thể ảnh hưởng tới an ninh trật tự, an toàn xã hội.
Ngoài ra, Luật cũng sẽ có các nội dung nảo đảm người đã được Nhà nước công nhận giới tính mới khác với giới tính khi sinh được tư vấn đầy đủ trước khi thực hiện can thiệp y học để thay đổi cơ thể phù hợp với giới tính mới; bảo đảm an toàn về sức khỏe, tính mạng cho người chuyển giới có thực hiện can thiệp y học; bảo đảm cơ sở pháp lý cho các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thực hiện can thiệp y học cho người chuyển giới.