TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP CHIỀU 24/5: QUỐC HỘI THẢO LUẬN MỘT SỐ NỘI DUNG CÒN Ý KIẾN KHÁC NHAU CỦA DỰ ÁN LUẬT PHÒNG THỦ DÂN SỰ
Đảm bảo kỷ luật, kỷ cương trong công tác xây dựng pháp luật
Góp ý tại Phiên thảo luận, đại biểu Hoàng Đức Thắng – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị phân tích, lập pháp là một trong những chức năng cơ bản và quan trọng của Quốc hội được hiến định trong nhiều khóa Quốc hội, nhất là các khóa gần đây Quốc hội đã dành nhiều thời gian và công sức để tổ chức thực hiện trách nhiệm, quyền lập pháp này và chúng ta đã đạt được nhiều thành tựu tiến bộ. Hệ thống pháp luật của chúng ta ngày càng được bổ sung, hoàn thiện, đáp ứng đòi hỏi yêu cầu quản lý xã hội và phát triển đất nước. Đó là những đóng góp và ưu điểm to lớn đã được báo cáo đánh giá của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thể hiện khá rõ nét.
Tuy nhiên, vẫn còn những hạn chế, bất cập trong việc thực hiện lập pháp, thực hiện chương trình xây dựng pháp luật đã được nhiều đại biểu Quốc hội phát biểu tại phiên họp. Đại biểu Hoàng Đức Thắng nêu rõ, phương châm chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và của Chủ tịch Quốc hội là phải chủ động từ sớm, từ xa nhưng trong thực tế đang còn rất nhiều bất cập. Việc thay đổi, bổ sung, điều chỉnh đưa vào, rút ra còn nhiều so với chương trình chính thức thì số lượng này có lúc còn cao hơn và việc này diễn ra nhiều năm và khá phổ biến.
Đại biểu Hoàng Đức Thắng – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị
Lý giải tình trạng này, đại biểu đưa quan điểm, phải chăng ngoài yếu tố dự báo chưa cao, yêu cầu thực tiễn cuộc sống đòi hỏi phải có những điều chỉnh, bổ sung thì có phải là do kỷ luật, kỷ cương không được thực hiện một cách nghiêm túc? Việc một số dự án luật chuẩn bị gửi đến đại biểu Quốc hội còn thường rất chậm, không bảo đảm quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và quy chế hoạt động của Quốc hội, làm hạn chế rất lớn đến việc nghiên cứu tham gia của đại biểu Quốc hội và các đoàn đại biểu Quốc hội. Dường như câu chuyện làm luật của chúng ta vẫn có vấn đề gì đó còn cập rập, vội vàng và thiếu chắc chắn.
Cùng với đó, tuổi thọ của các dự án luật ngày càng được trẻ hóa, một số dự án luật mới ban hành 2 đến 3 năm lại đem ra để sửa đổi, bổ sung. Đó là những vấn đề tồn tại nhiều năm mà chưa có liệu pháp chữa trị một cách dứt khoát, căn bệnh này ngày càng trầm kha. Đây là vấn đề mà đại biểu Quốc hội, cử tri và Nhân dân quan tâm và yêu cầu phải được mổ xẻ và có giải pháp khắc phục dứt khoát, căn cơ, không né tránh, không nể nang.
Cần xem xét thấu đáo, lý giải rõ cơ sở, nhất là những điểm mới của một số Dự án Luật
Cũng tại Phiên thảo luận, đại biểu Hoàng Đức Thắng đã đưa ra quan điểm về 3 dự án luật được đề nghị bổ sung vào Kỳ họp thứ 5, Kỳ họp thứ 6, Kỳ họp thứ 7, đó là Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, Luật Giao thông đường bộ được tách ra từ Luật Giao thông đường bộ.
Toàn cảnh phiên họp
Đại biểu đánh giá đây là các dự án luật mà Quốc hội khóa XIV đã thảo luận nhưng chưa đạt đến sự thống nhất. Bởi vì còn rất nhiều vấn đề còn băn khoăn. Dư luận xã hội còn có nhiều luồng ý kiến đa chiều về vấn đề này. Kỳ này, Chính phủ tiếp tục đề nghị Quốc hội khóa XV xem xét. Vì vậy, đại biểu đề nghị Chính phủ, Quốc hội cần xem xét thấu đáo, lý giải rõ cơ sở, nhất là những điểm mới, những điểm khác so với trước đây trên cơ sở phải thực sự khoa học và thuyết phục cả về cơ sở chính trị, cơ sở lý luận, cơ sở thực tiễn và nội hàm của các điều luật mới có sự đồng thuận cao ngay trong đại biểu Quốc hội, dư luận xã hội cũng như sự ủng hộ, đồng thuận của Nhân dân.
Về dự án Luật Lực lượng tham gia bảo đảm an ninh trật tự ở cơ sở, đại biểu cho rằng, đây cũng là một dự án luật mới, đã được thảo luận trong Quốc hội khóa XIV, cũng có nhiều băn khoăn khác nhau. Thực tế, chúng ta chưa có những đánh giá tác động đầy đủ, thực tế như quan điểm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong báo cáo có nói là những vấn đề cấp bách, đã chín, đã rõ, được thực tiễn chứng minh và có sự thống nhất cao thì mới xây dựng, ban hành, điều chỉnh để đảm bảo tính ổn định của hệ thống pháp luật. Những vấn đề tuy cấp bách, cần thiết nhưng là vấn đề mới, chưa được kiểm nghiệm trong thực tiễn, chưa đạt được sự đồng thuận cao thì tiếp tục nghiên cứu làm rõ để đề xuất hoặc thực hiện thí điểm.
Từ phân tích trên, đại biểu đề nghị Quốc hội cần cân nhắc có thể cho thực hiện thí điểm việc tổ chức lại lực lượng tham gia bảo đảm an ninh trật tự cơ sở trước, sau đó chúng ta có đánh giá đầy đủ về tác động, lúc đó mới tính đến việc luật hóa nó thì sẽ bảo đảm chắc chắn hơn và chín chắn hơn.