QUỐC HỘI THẢO LUẬN VỀ TÌNH HÌNH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI, NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC
Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 5, ngày 31/5, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2023.
Đóng góp ý kiến về nội dung trên, đại biểu Hoàng Đức Thắng – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị cho rằng, nhìn lại những kết quả kinh tế - xã hội năm 2022 là rất đáng phấn khởi, nhưng những kết quả đạt được đầu năm 2023 thì lại rất đáng quan ngại. Khi GDP tăng trưởng quý 1 chỉ đạt 3,32%, thấp hơn với cùng kỳ 5,03%. Nhiều địa phương có vị trí quan trọng trong bản đồ kinh tế đất nước ở tốp đầu lại sụt giảm tăng trưởng, có địa phương tăng trưởng âm, mà nguyên nhân chính là do doanh nghiệp ở các địa phương đó đang gặp những khó khăn. Do đó, điều đáng quan ngại lớn nhất hiện nay là hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp đang gặp vô vàn khó khăn, nhiều doanh nghiệp đang cố thoi thóp để tồn tại khi khó khăn đang bủa vây. Tổng số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động giảm, số doanh nghiệp tạm ngừng, giải thể tăng lên. Doanh nghiệp nội địa đang đứng trước nguy cơ giải thể, phá sản hoặc bị thâu tóm. Ví dụ như hiện nay, các tập đoàn Thái Lan đã sở hữu rất nhiều doanh nghiệp đầu ngành của Việt Nam và thu hàng tỷ USD tiền cổ tức từ các doanh nghiệp đứng đầu này khiến cho nền kinh tế, nền sản xuất vốn đã ốm yếu của doanh nghiệp Việt Nam trở nên rất mong manh.
Đại biểu Hoàng Đức Thắng – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị.
Cùng với đó, vòng kim cô của các quy định pháp luật càng siết chặt. Sau một thời gian thực hiện chủ trương của Chính phủ giảm tối đa các cuộc thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp trên năm thì nay đang có dấu hiệu gia tăng trở lại. Những quy định chưa hợp lý, siết chặt quá mức trong phòng cháy, chữa cháy, những ách tắc trong các kiểm định phương tiện giao thông đường bộ, lãi suất tiền cho vay ở mức cao như là những “cú bồi” khiến cho doanh nghiệp “knock out” ngay trên sân nhà của chính mình. Doanh nghiệp khát vốn để phục hồi phát triển nhưng rất khó tiếp cận, kể cả gói tín dụng giảm lãi suất 2% cũng không thực sự hấp dẫn và rất rườm rà về thủ tục tiếp cận.
Tất cả những vấn đề trên đây chỉ là những mảnh ghép đơn lẻ trong bức tranh kinh tế, còn màu xám càng thấy doanh nghiệp đang đứng trước vô vàn khó khăn mà Quốc hội cần biết, Chính phủ cần thấy rõ để có giải pháp tháo gỡ ngay điểm nghẽn này. Doanh nghiệp ví như xương sống của nền kinh tế, doanh nghiệp phát triển thì đất nước hưng thịnh, doanh nghiệp suy yếu thì nền kinh tế khó khăn.
Đại biểu Hoàng Đức Thắng đề nghị Chính phủ cần chọn khâu đột phá trong thời gian tới là tập trung mọi nỗ lực tháo gỡ khó khăn, tạo môi trường, điều kiện tốt nhất để phục hồi, vực dậy phát triển doanh nghiệp, doanh nghiệp phải sống thật, sống khỏe, cường tráng thì đất nước mới cường thịnh. Trước tiên, rà soát, tháo gỡ ngay những rào cản về thể chế, về các quy định cứng nhắc, siết chặt quá mức, hạn chế tối đa các cuộc thanh tra, kiểm tra với doanh nghiệp, khơi thông dòng vốn tín dụng, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh và tiếp giảm chi phí tối đa cho doanh nghiệp. Khi và chỉ khi chúng ta thực sự quyết liệt, tháo gỡ khó khăn, tạo môi trường thuận lợi, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh thì doanh nghiệp mới có cơ may phục hồi và phát triển. Do đó, đất nước cũng như các địa phương mới có cơ sở để đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng.
Việc thu bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với chủ hộ kinh doanh cá thể đang có nhiều ý kiến khác nhau
Liên quan đến lĩnh vực bảo hiểm, đại biểu Hoàng Đức Thắng nhấn mạnh: Với phương châm hành động đoàn kết, kỷ cương, linh hoạt, sáng tạo, chuyên nghiệp và hiệu quả, ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã có những nỗ lực, cố gắng và đã đạt được những kết quả tiến bộ mới. Năm 2022, số người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế toàn dân đã vượt kế hoạch năm 2022 được Quốc hội và Chính phủ giao. Tuy vậy, câu chuyện về nội dung chủ hộ kinh doanh cá thể đã đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc vừa qua cũng làm xôn xao dư luận, rất cần được xem xét và có biện pháp giải quyết kịp thời thỏa đáng. Qua tìm hiểu, tính đến ngày 30/9/2016 đã có 54 bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố thực hiện thu bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với 4.240 cá nhân là chủ hộ kinh doanh cá thể và đến hết tháng 12/2021 vẫn còn 35 bảo hiểm xã hội tỉnh, thành phố tiếp tục thu bảo hiểm xã hội bắt buộc với 779 chủ hộ kinh doanh cá thể. Việc thu bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với chủ hộ kinh doanh cá thể đang có cách hiểu và nhiều ý kiến khác nhau.
Các đại biểu tham dự thảo luận về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2023.
Để thống nhất nhận thức thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội với các chủ hộ kinh doanh, cá thể nhằm đảm bảo quyền lợi cho người tham gia theo đúng quy định của pháp luật, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã chỉ đạo bảo hiểm các địa phương dừng thu bảo hiểm xã hội đối với chủ kinh doanh cá thể. Đồng thời, có văn bản báo cáo đề xuất gửi Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Mặt khác, phê bình nghiêm khắc, nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm với các lãnh đạo, tập thể, cá nhân có liên quan.
Việc chủ hộ kinh doanh cá thể đăng ký tham gia bảo hiểm bắt buộc xuất phát từ một số nguyên nhân chủ yếu do khi triển khai thực hiện Nghị quyết 01 năm 2003 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Điều lệ bảo hiểm xã hội. Bên cạnh đó là do nhận thức chưa đầy đủ và áp lực của nhiệm vụ mở rộng độ bao phủ nên bảo hiểm xã hội một số tỉnh, thành đã thực hiện thu bảo hiểm xã hội bắt buộc và giải quyết chính sách đối với các chủ hộ kinh doanh cá thể. Số đông chủ hộ tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc là người trực tiếp sản xuất, kinh doanh. Chủ hộ vừa là người sử dụng lao động, vừa là người lao động nên nhu cầu tham gia hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế như người lao động là chính đáng.
Mặt khác, thời gian này chưa có chính sách cho người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện nên việc tham gia đóng bảo hiểm xã hội của chủ hộ cũng không phải thuộc điều cấm của các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan. Việc chủ hộ kinh doanh cá thể tham gia đóng bảo hiểm xã hội về bản chất là tích cực, góp phần tăng thêm diện bao phủ bảo hiểm xã hội, phù hợp với Nghị quyết của Hội nghị thứ 7, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay, các quy định có liên quan chưa theo kịp đòi hỏi của thực tiễn, do đó mới nảy sinh câu chuyện trên đây. Hay nói cách khác, thực tiễn luôn vận động, phát triển tiến về phía trước, nhưng khung thể chế chưa theo kịp nên dẫn đến sai quy định này.
Như vậy, biện chứng của sự phát triển là chúng ta cần sửa đổi, bổ sung quy định pháp lý cho phù hợp. Suy cho cùng, quy định pháp luật cũng từ chúng ta mà ra, thay vì chúng ta dừng xu thế vận động tất yếu này, đó là cách tiếp cận đúng đắn, tất cả vì lợi ích của người dân.
Đại biểu Hoàng Đức Thắng đề nghị Chính phủ, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bảo hiểm Xã hội cần khẩn trương tháo gỡ điểm nghẽn này theo hướng căn cứ nguyên tắc cơ bản của bảo hiểm xã hội là đóng hưởng để đảm bảo sự bình đẳng khi tham gia bảo hiểm xã hội, góp phần đảm bảo an sinh xã hội của quốc gia.
Từ thực tiễn này, đại biểu Hoàng Đức Thắng kiến nghị cần đề xuất bổ sung, sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Bảo hiểm y tế để đảm bảo hành lang pháp lý phù hợp với chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế nhà nước, bảo vệ quyền lợi chính đáng, hợp pháp của công dân, người lao động. "Đó là cách xử lý tối ưu nhất, hợp tình, hợp lý nhất" - đại biểu bày tỏ./.