TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP CHIỀU 31/5: QUỐC HỘI TIẾP TỤC THẢO LUẬN VỀ TÌNH HÌNH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI, NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC
Đại biểu Bế Minh Đức – Đoàn ĐBQH tỉnh Cao Bằng bày tỏ cơ bản nhất trí với Báo cáo của Chính phủ, Báo cáo thẩm tra của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022, tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2023.
Đại biểu nhận định, cuối năm 2022 và những tháng đầu năm 2023, trong bối cảnh thế giới và khu vực có nhiều bất ổn đã có tác động tiêu cực nhất định cả trực tiếp và gián tiếp đến tình hình kinh tế nước ta. Nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng, Quốc hội và Chính phủ, với những quyết sách đúng đắn, kịp thời, kinh tế nước ta có bước phục hồi khả quan, đạt được những kết quả khá toàn diện, tích cực trên nhiều lĩnh vực. Những kết quả ấy đã thể hiện sự nỗ lực, cố gắng của Chính phủ, các bộ, ngành trung ương và các địa phương cũng như cả hệ thống chính trị, đã được cử tri và Nhân dân ghi nhận.
Phối hợp trong việc ban hành các văn bản hướng dẫn
Quan tâm về các chương trình mục tiêu quốc gia, đại biểu nêu rõ, từ năm 2020 Quốc hội đã thông qua chủ trương đầu tư 3 chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó có Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, chương trình được cụ thể hóa bằng Quyết định 1719 ngày 14/10/2022 của Thủ tướng Chính phủ.
Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để các cấp, các ngành tập trung phát huy mọi nguồn lực, góp phần thực hiện thắng lợi các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác dân tộc và chính sách dân tộc. Năm 2023, bước sang năm thứ hai các địa phương được Trung ương giao nguồn vốn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Đại biểu Bế Minh Đức – Đoàn ĐBQH tỉnh Cao Bằng
Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện các dự án thuộc chương trình mục tiêu quốc gia này vẫn còn gặp một số khó khăn, vướng mắc, cũng là nguyên nhân dẫn đến tiến độ giải ngân vốn chưa đạt được yêu cầu đề ra. Cụ thể:
Một là, nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia năm 2022 giao chậm. Vì vậy, số vốn phải chuyển nguồn kéo dài sang giải ngân năm 2023 là khá lớn nên khối lượng công việc nhiều, gây áp lực lớn cho việc triển khai thực hiện và giải ngân vốn năm 2023.
Hai là, phạm vi, nội dung thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia rất lớn, nhất là đối với Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Vì vậy, khi thực hiện cần có hướng dẫn, phối hợp của nhiều ngành, nhiều cấp nên mất nhiều thời gian.
Ba là, các văn bản hướng dẫn của Trung ương chưa đồng bộ, chưa đầy đủ, nhất là các văn bản hướng dẫn thực hiện vốn sự nghiệp, thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia. Đến nay, các bộ, ngành trung ương vẫn chưa có hướng dẫn đầy đủ hoặc một số hướng dẫn chưa rõ ràng, chưa đủ cơ sở để các địa phương thực hiện. Có thể kể đến một số nội dung cụ thể như nội dung hỗ trợ về nhà ở thuộc dự án 1 giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt. Hiện nay còn thiếu quy định về mức hỗ trợ quy trình lập dự án quản lý chất lượng, công tác nghiệm thu, thanh quyết toán vốn hay tiểu dự án 4 thuộc dự án 5, tiểu dự án 1 thuộc dự án 9, v.v. vẫn thiếu các văn bản hướng dẫn cụ thể của các bộ, ngành chủ quản.
Mặt khác, một số văn bản hướng dẫn còn khó thực hiện, chưa phân cấp triệt để cho các địa phương chủ động như theo quy định tại điểm a khoản 4 Điều 40 Nghị định 27 ngày 19/4/2022 của Chính phủ thì việc ban hành danh mục các dự án được áp dụng cơ chế đặc thù quy định tại Điều 14 Nghị định 27 phải lấy ý kiến các bộ, ngành, cơ quan trung ương quản lý ngành, lĩnh vực. Do vậy, việc ban hành danh mục dự án của Ủy ban tỉnh phải xin ý kiến của bộ, ngành liên quan, dẫn đến mất nhiều thời gian để thực hiện. Vì vậy, các địa phương, đơn vị gặp nhiều khó khăn trong công tác giải ngân vốn được giao.
Để các chương trình mục tiêu quốc gia sớm phát huy được hiệu quả theo đúng chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước, tạo thuận lợi cho các địa phương thực hiện thắng lợi các mục tiêu đề ra, đại biểu đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành trung ương khẩn trương tháo gỡ những khó khăn cho địa phương khi thực hiện và đặc biệt cần có sự phối hợp thống nhất giữa các bộ, ngành liên quan trong việc ban hành các văn bản hướng dẫn các tiêu chí, định mức, các nội dung mang tính chất lồng ghép để các địa phương triển khai thực hiện đảm bảo tiến độ, đúng quy định và hiệu quả.
Tạo điều kiện để Cao Bằng chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên
Liên quan đến một số vấn đề phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh nhà, đại biểu cho biết, Cao Bằng có đặc thù là tỉnh có diện tích rừng tự nhiên chiếm 90% diện tích đất có rừng. Phần lớn các dự án phát triển kinh tế - xã hội, các dự án giao thông cấp thiết, dự án thuộc chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh đều ảnh hưởng đến diện tích rừng tự nhiên, trong số đó có nhiều dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của cấp tỉnh nhưng chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ.
Đối với các dự án này, thủ tục chuyển mục đích sử dụng rừng cần xin ý kiến nhiều bộ, ngành trước khi trình Thủ tướng Chính phủ tốn nhiều thời gian, ảnh hưởng đến tiến độ triển khai, thực hiện dự án và sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đặc biệt là các dự án phát triển hạ tầng giao thông cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.
Trong thời gian qua, tỉnh Cao Bằng đã có một số dự án giao thông cần trình Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác theo quy định của Luật Lâm nghiệp. Hiện nay, các dự án đang trong quá trình thực hiện thủ tục chờ được chấp chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác, phần nào ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện và kết quả giải ngân kế hoạch đầu tư công.
Từ thực tế trên, cử tri tỉnh Cao Bằng đề nghị Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, phân cấp cho Hội đồng nhân dân cấp tỉnh được quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên sang mục đích khác với diện tích chuyển đổi dưới 20 hecta, đối với các dự án cấp thiết, dự án phát triển kinh tế - xã hội quan trọng có tác động liên vùng thực hiện tại địa phương thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của tỉnh.