QUỐC HỘI BẾ MẠC KỲ HỌP THỨ 5, QUỐC HỘI KHOÁ XV
Thảo luận ở hội trường về việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng, đại biểu Ma Thị Thúy - Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang cơ bản nhất trí với báo cáo của Đoàn giám sát tối cao của Quốc hội, đại biểu cũng đồng tình và đánh giá rất cao về sự cố gắng, nỗ lực của ngành y tế trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 trong thời gian vừa qua.
Bàn về tình hình chưa thống nhất giữa các tỉnh về mô hình hoạt động và công tác quản lý tại trung tâm y tế huyện, đại biểu cho biết, về mô hình hoạt động, hiện nay có nơi trung tâm y tế huyện tổ chức theo mô hình hoạt động của bệnh viện để khám, chữa bệnh nội, ngoại trú, tức là sáp nhập bệnh viện huyện. Có nơi thì tổ chức phòng khám đa khoa để khám, chữa bệnh ngoại trú, không sáp nhập bệnh viện. Cả nước vẫn còn 2/63 tỉnh vẫn giữ mô hình Trung tâm dân số kế hoạch hóa gia đình. Về công tác quản lý theo Thông tư số 37 năm 2021 quy định thẩm quyền quản lý trung tâm y tế huyện gồm có sở y tế và Ủy ban nhân dân cấp huyện. Tuy nhiên, những quy định mang tính quy phạm, quy định mẫu hướng dẫn thực hiện các mô hình này cũng còn những điểm chưa rõ ràng để địa phương có căn cứ áp dụng thực hiện.
Đại biểu Ma Thị Thúy - Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang
Theo đại biểu, việc giao trung tâm y tế huyện cho sở y tế quản lý đã phát huy được sự thống nhất trong chỉ đạo, quản lý của một đầu mối trong tỉnh, giúp nâng cao chất lượng hoạt động thuận lợi trong điều hành, bố trí nhân lực. Trong khi nếu giao trung tâm y tế cho Ủy ban nhân dân huyện quản lý sẽ thuận lợi trong việc huy động các nguồn lực của địa phương để đầu tư nâng cấp y tế cơ sở nhưng lại không đảm bảo trong việc quản lý chuyên môn, linh hoạt trong công tác tổ chức, bố trí cán bộ trên địa bàn tỉnh. Do đó, đại biểu đề nghị sửa đổi, bổ sung mục 9 Điều 2 của dự thảo nghị quyết theo hướng thực hiện việc giao Ủy ban nhân dân cấp huyện quản lý cơ sở y tế trên địa bàn về tài chính và cơ sở vật chất, đồng thời giao sở y tế quản lý về chuyên môn tổ chức. Đại biểu cũng đề nghị Chính phủ cần quan tâm có những quy định, hướng dẫn đồng bộ cụ thể và căn cơ, tạo sự thống nhất về quản lý và hoạt động trong cả nước.
Đối với trạm y tế xã và công tác y tế dự phòng tuyến cơ sở, về nhân lực, theo thống kê tính đến năm 2022 toàn quốc có 78,9% trạm y tế xã có bác sĩ làm việc cơ hữu, năm 2020 giảm 1.114 bác sĩ làm việc ở trạm y tế so với năm 2019. Đại biểu cho rằng, có 2 nguyên nhân, nguyên nhân thứ nhất là môi trường làm việc tại trạm y tế xã chưa thuận lợi. Mô hình bệnh tật thường là bệnh thông thường, tình trạng thiếu trang thiết bị y tế làm hạn chế việc phát huy năng lực của bác sĩ. Quy định về thực hiện dịch vụ kỹ thuật áp dụng theo phân tuyến mà không phải theo năng lực và trình độ của bác sĩ, dẫn đến việc bác sĩ tay nghề cao mong muốn làm việc ở tuyến trên để phát huy và nâng cao trình độ của bản thân.
Đại biểu cho rằng, nguyên nhân thứ hai là chưa có chính sách thu hút bác sĩ về làm việc tại tuyến xã do tiền lương và chế độ phụ cấp còn thấp. Đơn cử như chế độ tiền trực theo Quyết định 73 năm 2011, tiền trực tại trạm y tế xã quy định ca 24/24 giờ là 40 nghìn đồng, trong khi đó các trạm y tế xã hoạt động chủ yếu từ nguồn phân bổ ngân sách nhà nước. Do đó, mức thu nhập chưa hấp dẫn là một trong những nguyên nhân không thu hút được nhân lực, nhất là thời gian qua khi phải chịu rất nhiều áp lực trong phòng, chống dịch COVID-19 dẫn đến thực trạng số lượng cán bộ y tế xã chuyển công tác, chuyển vùng, xin nghỉ việc có xu hướng tăng.
Tại khoản 9 Điều 2 của dự thảo nghị quyết có ghi thực hiện việc giao Ủy ban nhân dân cấp huyện trực tiếp quản lý Trung tâm y tế huyện, đồng thời phát huy vai trò và trách nhiệm quản lý chuyên môn của ngành y tế. Đại biểu Nguyễn Quốc Luận – Đoàn ĐBQH tỉnh Yên Bái đồng tình với ý kiến phát biểu của đại biểu Ma Thị Thúy, Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang và đại biểu Nguyễn Văn Mạnh của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc. Đại biểu đề nghị Quốc hội nghiên cứu, xem xét lại quy định này vì các lý do sau.
Thứ nhất là thực tế thời gian qua cho thấy việc thực hiện quy định Trung tâm y tế huyện là đơn vị sự nghiệp, y tế công lập trực thuộc sở y tế được đa số tỉnh áp dụng. Theo Báo cáo của Đoàn giám sát thì có 60/63 tỉnh, thành phố đang áp dụng và được đánh giá là mô hình có hiệu quả, thuận lợi trong quản lý hệ thống chỉ đạo xuyên suốt theo ngành dọc.
Đại biểu Nguyễn Quốc Luận – Đoàn ĐBQH tỉnh Yên Bái
Thứ hai là có sự linh hoạt trong điều phối nhân lực, nguồn lực giữa các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh, giữa tuyến tỉnh với tuyến huyện, giữa huyện nọ với huyện kia, giải quyết kịp thời các nhiệm vụ cấp bách, nhờ đó đáp ứng tốt hơn yêu cầu phòng chống dịch, đảm bảo hiệu quả trong công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân.
Thứ ba, thuận lợi trong việc thực hiện luân phiên, luân chuyển cán bộ chuyên môn y tế từ tỉnh đến huyện thuận lợi và thống nhất trong đào tạo chuyển giao kỹ thuật giữa tuyến tỉnh, tuyến huyện và tuyến xã nhằm nâng cao năng lực tuyến y tế cơ sở, thống nhất được việc triển khai các chương trình đào tạo, nâng cao năng lực đội ngũ y tế trên toàn tỉnh.
Thứ tư, có sự đồng nhất về chủng loại trang thiết bị y tế được đầu tư, sở y tế có thể thực hiện dễ dàng việc điều chuyển trang thiết bị giữa các đơn vị, giữa các huyện phù hợp với khả năng, nhu cầu sử dụng cũng như phân tuyến kỹ thuật của mỗi đơn vị ở từng giai đoạn khác nhau, tránh lãng phí nguồn nhân lực, nguồn lực.
Thứ năm, công cuộc chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ trong cả nước, trong đó chuyển đổi số y tế cũng đang được quan tâm triển khai. Việc ứng dụng công nghệ thông tin để người dân vùng sâu, vùng xa tiếp cận thuận lợi hơn với các dịch vụ y tế chất lượng cao là một trong những ưu tiên cụ chuyển đổi số y tế, như khám chữa bệnh, rồi hội chẩn từ xa, sổ sức khỏe điện tử. Muốn vậy thì cần có sự thống nhất trong chỉ đạo, điều hành để đảm bảo liên thông hệ thống dữ liệu. Do vậy, chỉ có thể thống nhất mô hình quản lý theo ngành dọc mới đảm bảo được các điều kiện nêu trên.
Thứ sáu, nếu thực hiện giao Ủy ban nhân dân huyện quản lý trung tâm y tế huyện sẽ khó khăn trong công tác chỉ đạo, điều hành quản lý nhà nước, việc chỉ đạo về chuyên môn sẽ không sát sao, thuận lợi như khi trung tâm y tế trực thuộc sở y tế, khó khăn trong điều động, luân chuyển nhân sự y tế và đội ngũ lãnh đạo quản lý giữa các trung tâm y tế, rồi khó khăn trong điều phối huy động nguồn lực giữa các huyện khi giải quyết nhiệm vụ cấp bách, không điều tiết được trang thiết bị, vật tư hóa chất, đặc biệt khi cần thiết phải dự phòng để đáp ứng nhiệm vụ đột xuất, cấp bách. Nếu đơn vị trung tâm y tế thuộc Ủy ban nhân dân huyện thì đơn vị nào cũng phải dự phòng và có nơi không sử dụng đến hoặc dự phòng thiếu, trong khi đó việc điều tiết giữa các đơn vị cực kỳ khó khăn vì ở 2 địa bàn khác nhau, 2 đơn vị quản lý hành chính khác nhau, nhưng nếu trực thuộc sở y tế thì việc điều tiết sẽ rất thuận lợi.
Mặt khác, việc đầu tư nguồn lực giữa các trung tâm y tế huyện không đồng nhất giữa huyện có điều kiện và huyện không có điều kiện dẫn đến việc mất công bằng cho người dân trong việc tiếp cận dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe. Ngoài ra, việc đấu thầu mua sắm tập trung trang thiết bị vật tư y tế, thuốc, sinh phẩm, kit test mà sở y tế là chủ đầu tư để phân bổ cho các trung tâm y tế cũng gặp khó khăn nhiều so với mô hình hiện nay.
Do vậy, đại biểu đề nghị Quốc hội xem xét sửa đổi nội dung này trong dự thảo Nghị quyết theo hướng giữ nguyên mô hình trung tâm y tế huyện là đơn vị sự nghiệp y tế công lập trực thuộc sở y tế như hiện nay, không giao cho Ủy ban nhân dân cấp huyện trực tiếp quản lý trung tâm y tế huyện như trong dự thảo Nghị quyết. Trường hợp cần thống nhất mô hình tổ chức trong cả nước, đại biểu đề nghị quy định trong nghị quyết theo hướng Quốc hội giao Chính phủ chỉ đạo, sắp xếp, tổ chức thống nhất mô hình ngành y tế tại địa phương trong phạm vi cả nước để đảm bảo phù hợp về thẩm quyền theo quy định của Luật Tổ chức Chính phủ.