ĐBQH TRẦN VĂN KHẢI: BIẾN ĐỘNG CỦA THỊ TRƯỜNG BẤT ĐỘNG SẢN NẾU KHÔNG ĐƯỢC ĐIỀU TIẾT KỊP THỜI SẼ TIỀM ẨN, GÂY RA NHIỀU HỆ LỤY KHÓ LƯỜNG
ĐBQH TRẦN HOÀNG NGÂN: CẦN CHÚ TRỌNG HƠN CÔNG TÁC GIÁM SÁT TỪ KHI CÓ CHỦ TRƯƠNG THU HỒI ĐẤT
Sau 23 ngày làm việc với tinh thần đổi mới, đoàn kết, dân chủ, trí tuệ và trách nhiệm cao, kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XV sẽ được bế mạc vào cuối ngày 24/6/2023. Có thể khẳng định, kế hoạch của Kỳ họp này được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội chuẩn bị kỹ lưỡng, xây dựng công phu, hợp lý và hiệu quả. Thời gian Kỳ họp đã được cân nhắc kỹ, rút ngắn tối đa để tiết kiệm thời gian, chi phí và đồng thời vẫn đảm bảo chất lượng các nội dung của kỳ họp và phù hợp với điều kiện, tình hình công việc chung của đất nước.
Bên hành lang Quốc hội, phóng viên Cổng Thông tin điện tử Quốc hội phỏng vấn PGS.TS Nguyễn Công Hoàng – Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Thái Nguyên xung quanh việc đánh giá và có những đề xuất sau khi kết thúc kỳ họp.
PGS.TS Nguyễn Công Hoàng – Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên.
Phóng viên: Đại biểu đánh giá như thế nào về kỳ họp thứ 5 này khi Quốc hội xem xét, biểu quyết thông qua và cho ý kiến đối với 17 dự án luật, 17 dự thảo nghị quyết?
PGS.TS Nguyễn Công Hoàng - ĐBQH tỉnh Thái Nguyên: Kỳ họp thứ 5 có thể nói là một trong những kỳ họp hết sức đặc biệt đối với Quốc hội và các đại biểu Quốc hội. Nhiều nội dung được cho ý kiến, biểu quyết thông qua cũng như được giám sát bởi các đại biểu Quốc hội.
Có thể nói, tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội đã giải quyết một khối lượng công việc lớn nhất trong tất cả các kỳ họp Quốc hội từ trước đến nay. Với sự đổi mới trong phương thức làm việc nên từ cơ quan soạn thảo đến thẩm tra đã tiếp thu tối đa các ý kiến đóng góp của các ĐBQH để chỉnh sửa, bổ sung các dự án luật, nghị quyết một cách tối ưu nhất sao cho sát thực với cuộc sống.
Phóng viên: Kỳ họp này cũng có những đổi mới về hình thức chất vấn, trả lời chất vấn cũng như sự điều hành của Quốc hội. Đại biểu nhìn nhận sự đổi mới này như thế nào?
PGS.TS Nguyễn Công Hoàng - ĐBQH tỉnh Thái Nguyên: Có thể nói, những diễn biến của các kỳ họp Quốc hội trước tương đối giống nhau. Còn kỳ họp thứ 5 này có sự thay đổi là các ĐBQH có thêm thời gian ở giữa 2 đợt họp để nghiên cứu tài liệu, đồng thời cơ quan soạn thảo cũng có thời gian để chỉnh sửa, bổ sung cho các dự thảo luật, nghị quyết. Việc sắp xếp này cũng giúp cho Quốc hội cũng có thêm những nhận định về các ý kiến của ĐBQH để khi các luật đã được biểu quyết được sát thực và tiếp tục thu hết các ý kiến của các ĐBQH một cách tối ưu.
Toàn cảnh kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.
Tại kỳ họp này, tại mỗi phiên họp, số lượng ĐBQH đăng ký góp ý đối với các dự án Luật đều rất đông với tinh thần tâm huyết và trách nhiệm cao. Các thành viên Chính phủ đã tập trung trả lời đúng và trúng các vấn đề mà các ĐBQH chất vấn. Chủ tọa điều hành các phiên họp, chất vấn cũng rất linh hoạt trong việc điều phối thời gian chất vấn của ĐBQH và trả lời của các Bộ trưởng một cách khoa học. Ngoài ra, người tranh luận cũng rất sâu sát với những vấn đề mà Bộ trưởng trả lời để làm rõ và đi đến cùng những vấn đề cần được sáng tỏ, giải quyết trong thời gian tới.
Phóng viên: Để các luật, nghị quyết áp dụng vào cuộc sống được hiệu quả, đại biểu có kỳ vọng như thế nào sau khi kỳ họp này kết thúc?
PGS.TS Nguyễn Công Hoàng - ĐBQH tỉnh Thái Nguyên: Tôi mong rằng, sau khi kết thúc kỳ họp, các luật, nghị quyết đã được Quốc hội thông qua thì các Bộ ngành có trách nhiệm sớm ban hành Thông tư, nghị định hướng dẫn thực hiện để có thể áp dụng luật vào thực tiễn cuộc sống một cách hiệu quả.
Đối với những luật mà được Quốc hội chưa thông qua, tôi cho rằng, cơ quan soạn thảo và thẩm tra dự án Luật cần tiếp tục rà soát, lắng nghe, tiếp thu những thông tin từ những người thực tiễn và đặc biệt là nhân dân cho kiến trong quá trình hoàn thiện dự án luật.
Các đại biểu tham dự kỳ họp thứ 5.
Ngoài ra, trong kỳ họp này, Quốc hội đã thông qua 2 chuyên đề giám sát năm 2024. Đó là Nghị quyết thành lập Đoàn giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023”; Nghị quyết thành lập Đoàn giám sát chuyên đề “Việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023”. Tôi kỳ vọng, thông qua giám sát, Quốc hội và Chính phủ sẽ đưa ra những giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế-xã cũng như quản lý tốt hơn thị trường bất động sản và nhà ở trong thời gian tới.
Trong kỳ họp này, nhiều ĐBQH đặc biệt dành sự quan tâm đối với Luật Đất đai (sửa đổi) nên tôi mong rằng, cơ quan soạn thảo và thẩm tra tiếp tục lắng nghe, tiếp thu tối đa các ý kiến trong quá trình hoàn thiện dự án Luật này. Đặc biệt là vấn đề thu hồi đất, giải phóng mặt bằng, tái định cư cho người dân khi đia phương thực hiện các dự án.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn đại biểu!