Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến nay, các chủ trương, chính sách xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã được hiện thực hóa và đi vào thực tế cuộc sống.
Nhìn lại chặng đường nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng trong lĩnh vực văn hóa đã có nhiều chuyển biến tích cực. Văn hóa đã trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc như Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đề ra.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị giữa nhiệm kỳ Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII
Tại Hội nghị giữa nhiệm kỳ Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ, trong khó khăn, các lĩnh vực văn hoá, xã hội vẫn tiếp tục được quan tâm chăm lo, đầu tư phát triển, đạt được nhiều kết quả quan trọng, rõ rệt. Hội nghị Văn hoá toàn quốc lần đầu tiên được tổ chức rất thành công, đã tạo ra một nguồn sinh lực mới, khí thế mới cho sự nghiệp xây dựng, chấn hưng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, được dư luận rộng rãi trong cả nước hoan nghênh và đồng tình, ủng hộ cao. Qua đó, các cấp, các ngành và toàn hệ thống chính trị ngày càng nhận thức đúng đắn hơn và hành động tích cực, có hiệu quả hơn đối với vấn đề phát triển văn hoá, xã hội theo đúng tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng: Phát triển toàn diện, đồng bộ kinh tế và xã hội; kết hợp chặt chẽ, hài hoà giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hoá, xã hội; thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng chính sách, từng bước đi.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu bế mạc Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV
Tại phiên bế mạc Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng nhấn mạnh: Hội nghị giữa nhiệm kỳ Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII vừa qua đã đề ra những phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm trong nửa cuối của nhiệm kỳ. Trên cơ sở kết quả của hội nghị, được tiếp nối và phát huy qua thành công tốt đẹp của Kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XV, chúng ta tin tưởng rằng, dưới sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt của Đảng ta, sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng và vào cuộc tích cực, chủ động của các cấp, các ngành và cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ, đồng lòng, nỗ lực và tâm huyết của nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, nhất định chúng ta sẽ vượt qua được mọi khó khăn, thách thức, nắm bắt được thời cơ, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội năm 2023 ở mức cao nhất và giai đoạn 2021-2025, từng bước hiện thực hóa các mục tiêu đề ra trong Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng.
Phóng viên: Triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 và Hội thảo Văn hóa 2022 do Quốc hội tổ chức đã cho thấy sự quan tâm thực sự của cả hệ thống chính trị với sự nghiệp phát triển văn hóa. Ông có đánh giá như thế nào về ý nghĩa của 2 sự kiện này đối với đời sống văn hóa nước nhà, đặc biệt là công nghiệp văn hóa?
PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội: Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng thể hiện sự quan tâm đặc biệt đối với phát triển văn hóa, có sự kế thừa, bổ sung và phát triển các quan điểm trước đó theo hướng ngày càng hoàn thiện, toàn diện và sâu sắc hơn. Đảng ta khẳng định: Nền văn hóa mà chúng ta xây dựng là nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; phát triển văn hóa, xây dựng con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự nghiệp đổi mới; Trọng tâm xây dựng và phát triển văn hóa là xây dựng con người có nhân cách và xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh; chú trọng mối quan hệ giữa văn hóa và chính trị, văn hóa và kinh tế; xây dựng văn hóa trong Đảng và trong hệ thống chính trị; xây dựng văn hóa công chức, văn hóa công vụ, đặc biệt là đạo đức công vụ, chú trọng sự nêu gương của cán bộ, đảng viên; Chủ thể xây dựng và phát triển văn hóa là Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân là chủ thể sáng tạo; đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ đóng vai trò quan trọng; nhấn mạnh đến phát huy tối đa các nguồn lực từ Nhà nước và xã hội, từ trong nước và nước ngoài để phát triển văn hóa.
PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội đề xuất các giải pháp cần tập trung để thực hiện thắng lợi các mục tiêu văn hóa theo tinh thần Đại hội XIII
Điều quan trọng nữa là việc chúng ta đã thực sự quan tâm nhiều hơn đến triển khai Nghị quyết. Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021 được xem như hội nghị Diên Hồng về văn hóa không chỉ ở việc theo nghĩa tổ chức ở Hội trường Diên Hồng của Quốc hội, mà còn bởi tính chất hiệu triệu lòng người trong các thông điệp của hội nghị, ở đó, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhắc đến câu nói sâu sắc, ngắn gọn của Bác Hồ là: "Văn hóa soi đường cho quốc dân đi", và nhấn mạnh “văn hóa là hồn cốt của dân tộc, nói lên bản sắc của dân tộc. Văn hóa còn thì dân tộc còn.”
Điều đó đã truyền cảm hứng cho tất cả chúng ta về quyết tâm xây dựng văn hóa trong thời kỳ mới. Tiếp theo Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021, các cấp, các ngành, các địa phương đã có sự triển khai quyết liệt, hiệu quả như Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam đến năm 2030 ngay tại Hội nghị. Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức hội thảo về hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam, các sự kiện tổ chức 80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam, các địa phương như Hà Nội, Hà Tĩnh, Bắc Ninh... cũng ban hành nghị quyết chuyên đề về văn hóa, công nghiệp văn hóa.
Đặc biệt, Quốc hội của chúng ta đã tổ chức rất thành công Hội thảo Văn hóa 2022 với chủ đề thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa, với mục đích là khai thông nguồn lực, tháo gỡ điểm nghẽn cho văn hóa từ cách tiếp cận của Quốc hội.
Đây là những tín hiệu rất đáng mừng đối với những người yêu văn hóa và nhân dân cả nước. Điều này có ý ngĩa đặc biệt trong việc khai thông nhận thức hơn nữa về vị trí, vai trò của văn hóa trong phát triển bền vững đất nước, từ đó hình thành nên các hành động cụ thể, thực tiễn phù hợp để tạo điều kiện phát triển văn hóa cũng như để văn hóa góp phần tích cực hơn cho sự phát triển đất nước.
Văn hóa chính là nền tảng tinh thần, vừa là mục tiêu, vừa là động lực, đồng thời là hệ điều tiết cho sự phát triển đất nước. Sự phát triển văn hóa giúp chúng ta kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Phóng viên: Sau nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, theo ông văn hóa nước ta đã có những thay đổi gì? Đâu là những kết quả mà ông ấn tượng?
PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội: Xuất phát từ nhận thức đúng đắn và đầy đủ hơn và sự vào cuộc quyết liệt và hiệu quả của các cấp, các ngành và các địa phương, chúng ta đã chứng kiến những hiệu quả thực sự đối với văn hóa. Giờ đây, văn hóa không còn được hiểu theo nghĩa chung chung, chỉ có giá trị tinh thần, mà thực sự là những lĩnh vực hết sức cụ thể, có thể mang lại lợi ích kinh tế, chính trị, xã hội, và có tác động lan tỏa đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Tôi cho rằng, nhìn nhận văn hóa một cách khách quan, biện chứng và toàn diện như vậy sẽ tạo điều kiện để văn hóa được quan tâm đầu tư nhiều hơn, được khai thác tốt hơn và đem lại lợi ích cho đất nước. Chính từ đây, chúng ta thấy những chuyển biến trên thực tiễn khi vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chương trình tổng thể về phát triển văn hóa giai đoạn 2023 – 2025 như một tiền đề để triển khai các chương trình, dự án về văn hóa. Như là kết quả của việc triển khai Kết luận của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tại Hội thảo Văn hóa 2022, trong Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù cho Thành phố Hồ Chí Minh, lĩnh vực văn hóa cũng được ưu tiên trong hợp tác theo phương thức đối tác công – tư (PPP). Thành phố Hà Nội thì luôn đi đầu trong việc xây dựng văn hóa, trong đó có Chương trình số 06-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về phát triển văn hóa; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021-2025, và Nghị quyết 09-NQ/TU về phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn tới năm 2045…
Những hướng đi tiên phong này chắc chắn sẽ giúp văn hóa được vận hành tốt hơn, trở thành những điểm sáng từ đó lan tỏa đi các địa phương trên cả nước, xây dựng nên sức mạnh và sự tự hào từ văn hóa Việt Nam trên trường quốc tế. Trên cơ sở này, so với bình quân trong 5 năm giai đoạn trước, nguồn chi đầu tư cho văn hóa chiếm 1,57% tổng chi thường xuyên của ngân sách nhà nước thì sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, sự chuyển biến này diễn ra mạnh mẽ hơn, kể cả ở Trung ương và địa phương, tiệm cận được khoảng 1,8% tổng chi thường xuyên của ngân sách nhà nước, chưa kể trên thực tế đã bổ sung thêm nhiều khoản chi cho văn hóa.
Ngoài ra, nguồn lực từ xã hội hóa, doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực văn hóa cũng được tăng cường. Các chính sách xã hội hóa, chính sách ưu đãi đầu tư, thuế, tín dụng... trong lĩnh vực văn hóa đã được quan tâm, chú trọng…
Phóng viên: Đại hội lần thứ XIII, Đảng ta đặt ra mục tiêu phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hoá thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Theo ông, để thực hiện thắng lợi mục tiêu này, chúng ta cần tập trung vào những công việc gì trong nửa nhiệm kỳ còn lại?
PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội: Dù có rất nhiều nỗ lực trong thời gian vừa qua nhưng chúng ta còn có rất nhiều việc phải làm để sự phát triển văn hóa đáp ứng sự kỳ vọng của đất nước. Trong nữa nhiệm kỳ còn lại, ngoài nhiệm vụ lập pháp, chúng ta cần kiên trì sửa đổi và hoàn thiện các quy định pháp luật về văn hóa cũng như các quy định gián tiếp nhưng có tác động rất lớn đối với sự phát triển văn hóa, theo tôi, chúng ta cần tập trung vào mấy nhiệm vụ chính như sau:
Thứ nhất, bên cạnh việc triển khai có hiệu quả Chương trình tổng thể về phát triển văn hóa giai đoạn 2023 – 2025, chúng ta cần tập trung xây dựng và ban hành Chương trình mục tiêu Quốc gia về phát triển văn hóa. Đây là chương trình lớn, có ý nghĩa quan trọng trong việc tạo ra nguồn lực và định hướng và làm tiền đề cho phát triển văn hóa trong giai đoạn tới.
Thứ hai, tập trung xây dựng môi trường văn hóa, nhất là môi trường văn hóa trên không gian mạng để ứng phó với văn hóa số, cũng như tập trung triển khai có hiệu quả đề án về xây dựng văn hóa công sở, văn hóa học đường, văn hóa doanh nghiệp, ngoại giao văn hóa.
Thứ ba, là cần rà soát, đổi mới cơ chế hoạt động, nhất là cơ chế tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc lĩnh vực văn hóa để thu hút, sử dụng nguồn lực hiệu quả hơn, phù hợp với kinh tế thị trường và những đặc điểm riêng của lĩnh vực văn hóa.
Thứ tư, là tập trung cho xây dựng các thương hiệu quốc gia, thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp văn hóa để tạo điều kiện phát triển thị trường văn hóa, nghệ thuật Việt Nam theo đúng xu hướng phát triển thế giới. Cuối cùng, tôi nghĩ, chúng ta cũng cần phải bắt tay ngay vào việc xây dựng các kế hoạch và chương trình cụ thể để đầu tư các công trình văn hóa mang tính biểu tượng quốc gia và thời đại Hồ Chí Minh để chuẩn bị cho các sự kiện kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Đảng và 100 năm ngày thành lập Nước Việt Nam Dân chủ, Cộng hòa (nay là Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam).
Phóng viên: Từ nay đến hết nhiệm kỳ Đại hội khoá XIII, dự báo còn rất nhiều khó khăn, thách thức cho văn hóa, ông có thể chia sẻ cụ thể về những thách thức này và đề xuất giải pháp để thực hiện thắng lợi các mục tiêu văn hóa theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng?
PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội: Theo tôi, bên cạnh những cơ hội thuận lợi, giai đoạn sắp tới sẽ còn rất nhiều khó khăn, thách thức đối với sự phát triển văn hóa, vì thế, chúng ta cần có những giải pháp tổng thể, khả thi để tận dựng cơ hội, ứng phó với thách thức.
Tôi cho rằng, những vấn đề lớn nhất giờ đây là chúng ta không chỉ đối phó với những thách thức an ninh phi truyền thống mà còn có cả những thách thức văn hóa phi truyền thống. Đó có thể là sự mất cân bằng giữa văn hóa truyền thống và văn hóa hiện đại, ở đó, với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin và truyền thông, đặc biệt là mạng xã hội, văn hóa hiện đại, của nước ngoài, đang lan truyền mạnh mẽ và gây ảnh hưởng đến văn hóa truyền thống. Sự phát triển của văn hóa số, thế giới ảo, với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ, sắp tới là trí tuệ nhân tạo (AI) đã tạo ra những thách thức mới mà chúng ta chưa có kinh nghiệm ứng phó.
Bên cạnh đó là hệ lụy, mặt trái của nền kinh tế thị trường với sự đề cao lợi ích vật chất, cá nhân,.... hay mâu thuẫn giữa bảo tồn và phát triển dưới nhiều hình thức khác nhau, nhất là sự xuống cấp đạo đức của một bộ phận xã hội đã khiến cho chúng ta phải suy nghĩ nhiều hơn về những giải pháp toàn diện cho phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.
Như vậy, về giải pháp, đầu tiên, tôi cho rằng, chúng ta vẫn cần nâng cao hơn nữa nhận thức của toàn xã hội với vai trò, ý nghĩa và tầm quan trọng của phát triển văn hóa cũng như tình hình văn hóa trong giai đoạn hiện nay. Trên cơ sở đó, chúng ta cần sửa đổi, hoàn thiện chính sách, pháp luật về văn hóa và có liên quan đến văn hóa. Không chỉ là sửa đổi các luật như điện ảnh vừa qua, hay sắp tới đây là di sản văn hóa, quảng cáo, báo chí... mà những văn bản pháp luật khác như luật đất đai, luật thuế, luật quản lý sử dụng tài sản công hay luật về đối tác công tư… cũng cần phải xây dựng, sửa đổi theo hướng chú ý nhiều hơn đến tính đặc thù của văn hóa.
Từ đó, chúng ta tạo ra môi trường thuận lợi cho sự phát triển văn hóa. Bên cạnh đó, chúng ta cần chú ý nhiều hơn đến tăng cường đầu tư vào lĩnh vực văn hóa, bao gồm xây dựng và nâng cấp cơ sở hạ tầng văn hóa, tài trợ cho các hoạt động nghệ thuật và văn hóa, hỗ trợ tài chính cho các nghệ sĩ và những người hoạt động trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật; cần xây dựng chính sách để khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tham gia chủ động và tích cực hơn vào các hoạt động văn hóa, như tham gia vào các câu lạc bộ nghệ thuật, tham gia sự kiện văn hóa, và tổ chức các hoạt động văn hóa cộng đồng.
Trong bối cảnh hiện nay, việc tập trung phát triển các ngành công nghiệp văn hóa rất cần thiết để gắn kết văn hóa với kinh tế, tạo ra sự chuyên nghiệp của văn hóa trong nền kinh tế thị trường. Như vậy, chúng ta cần xây dựng những sản phẩm, sự kiện văn hóa, nghệ thuật có thương hiệu quốc gia và quốc tế, với những tên tuổi của các nghệ sĩ, tổ chức nghệ thuật để dẫn dắt, định hướng phát triển côgn nghiệp văn hóa, lan tỏa tác động tích cực sang các lĩnh vực kinh tế - xã hội khác của đất nước.
Văn hóa truyền thống đóng vai trò quan trọng trong bản sắc và nhận diện của một quốc gia. Vì thế, chúng ta cần tăng cường công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống thông qua việc tạo điều kiện thuận lợi để nghiên cứu, bảo tồn và phát triển các hình thức văn hóa truyền thống.
Bên cạnh đó, sự phát triển của công nghệ số đã tạo ra nhiều cơ hội mới cho lĩnh vực văn hóa. Chúng ta cần đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ số trong việc quảng bá, bảo tồn và phát triển văn hóa. Đồng thời, cần tạo điều kiện thuận lợi cho các nghệ sĩ và nhà sáng tạo để sử dụng công nghệ số để sáng tạo và phát triển các tác phẩm văn hóa mới.
Thêm vào đó, hợp tác quốc tế về văn hóa đóng vai trò quan trọng trong việc trao đổi kiến thức, kinh nghiệm và tạo cơ hội cho sự phát triển văn hóa. Do vậy, chúng ta cần tăng cường hợp tác với các quốc gia khác trong lĩnh vực văn hóa, bao gồm trao đổi nghệ thuật, biểu diễn và xuất bản tác phẩm văn hóa để quảng bá hình ảnh đẹp, câu chuyện hay, ví dụ truyền cảm hướng về đất nước, con người Việt Nam đến bạn bè quốc tế, giúp xây dựng thương hiện cho các sản phẩm văn hóa, nghệ thuật, hình thành nên sức mạnh mềm cho đất nước…
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn ông!