Thu thập thông tin sinh trắc học là cần thiết
Bày tỏ thống nhất cao với Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi), ĐBQH Nguyễn Tiến Nam – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình cho rằng, đây là dự thảo Luật có vai trò đặc biệt quan trọng, ảnh hưởng đến rất nhiều lĩnh vực đời sống xã hội của công dân, nhất là liên quan đến quyền con người, quyền công dân theo quy định của Hiến pháp năm 2013.
Liên quan về việc thu thập thông tin sinh trắc học trong Cơ sở dữ liệu căn cước, đại biểu cho biết, dự thảo Luật Căn cước công dân quy định thông tin sinh trắc học (gồm ảnh khuôn mặt, vân tay, mống mắt, ADN, giọng nói), so với Luật Căn cước công dân năm 2014 bổ sung thêm mống mắt, ADN, giọng nói, ảnh chân dung thay bằng ảnh khuôn mặt… Đại biểu cho rằng, đây là những thông tin đặc trưng của mỗi người, có tính cá biệt, ổn định rất cao.
ĐBQH Nguyễn Tiến Nam – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình
Đại biểu Nam cho biết, có ý kiến lo ngại về việc thu thập các thông tin sinh trắc học này ảnh hưởng đến quyền con người, quyền công dân, có thể làm lộ lọt thông tin cá nhân liên quan đến các lĩnh vực bảo mật, có thể bị tội phạm lợi dụng lừa đảo chiếm đoạt tài sản (đối tượng sử dụng công nghệ tạo ra các sản phẩm có giọng nói, hình ảnh khuôn mặt làm giả người quen với độ chính xác rất cao để lừa đảo) hay tội phạm làm giả giấy tờ tài liệu của công dân (thẻ căn cước, thẻ ngân hàng, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất...).
Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Tiến Nam cho rằng, việc thu thập thông tin sinh trắc học là cần thiết để truy nguyên trực tiếp ra cá thể người, giúp quá trình quản lý công dân được chính xác, khoa học, dễ dàng, phù hợp với xu hướng phát triển của công nghệ hiện nay và của các nước phát triển trên thế giới. Đặc biệt, có vai trò quan trọng trong công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm.
Đại biểu Nguyễn Tiến Nam cho biết, thực tiễn có nhiều vụ án, vụ việc không xác định được đối tượng nhưng qua công tác điều tra thu được các dấu vết sinh trắc học, như dấu vết đường vân, tế bào người (có ADN) hay hình ảnh có khuôn mặt sẽ giúp truy tìm được đối tượng thông qua giám định hoặc đối sánh trên cơ sở dữ liệu về sinh trắc học,… Đại biểu nhấn mạnh, đây là đòi hỏi tất yếu của thực tiễn công tác quản lý nhà nước, quản lý xã hội và phù hợp với quy định (tại khoản 2, Điều 14 Hiến pháp năm 2013).
ĐBQH Nguyễn Tiến Nam – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình cho rằng, việc thu thập thông tin sinh trắc học là cần thiết để truy nguyên trực tiếp ra cá thể người, giúp quá trình quản lý công dân được chính xác, khoa học, dễ dàng, phù hợp với xu hướng phát triển của công nghệ hiện nay…
Theo đại biểu Nguyễn Tiến Nam, việc thu thập vân tay, ảnh mặt, mống mắt, giọng nói có thể làm ngay, cùng lúc với việc thu thập thông tin công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; còn ADN có thể tính toán làm từng bước theo lộ trình vì để thu thập, phân tích, lưu giữ kiểu gen, khai thác, sử dụng thông tin ADN cần phải đầu tư phòng thí nghiệm, thiết bị phân tích và hóa chất, vật tư tiêu hao với kinh phí và nhân lực rất lớn.
Dẫn số liệu thống kê của Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế (Interpol), đại biểu Nguyễn Tiến Nam cho biết, năm 2019, có 70 quốc gia thành viên INTERPOL đã xây dựng cơ sở dữ liệu ADN (Châu Á: 13 quốc gia, Châu Âu: 40 quốc gia, Châu Mỹ: 10 quốc gia và Châu Phi: 7 quốc gia), 31 quốc gia có cơ sở dữ liệu ADN chuyên dùng tìm kiếm người mất tích, nhưng tỷ lệ thu thập dữ liệu còn thấp (nước nhiều nhất chiếm 4,9% tổng dân số; nước ít nhất chiếm 0,2% tổng dân số)… Hiện nay, Viện Khoa học hình sự, Bộ Công an đã xây dựng và từng bước bổ sung hệ thống cơ sở dữ liệu AND thông qua công tác chuyên môn.
Tạo điều kiện cho công dân tra cứu, cung cấp thông tin để thực hiện thủ tục hành chính và giao dịch dân sự
Liên quan đến khoản 1 Điều 5 dự thảo Luật này, đại biểu Nguyễn Tiến Nam đề nghị bổ sung nội dung công dân có quyền yêu cầu cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu cung cấp thông tin của cá nhân trong Cơ sở dữ liệu căn cước công dân, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư nhằm tạo điều kiện cho công dân trong việc tra cứu, cung cấp thông tin để thực hiện thủ tục hành chính và giao dịch dân sự khi không tự khai thác được thông tin của mình theo quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 5; đồng thời phù hợp với quy định tại khoản 4 Điều 6 của dự thảo Luật này.
Về quy định “Luật này áp dụng đối với công dân Việt Nam; người gốc Việt Nam đang sinh sống tại Việt Nam nhưng chưa xác định được quốc tịch; cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan” tại Điều 2, đại biểu cho rằng, hiện nay, pháp luật về quốc tịch và dự thảo Luật này không có quy định trường hợp nào được xem là chưa xác định quốc tịch... Do đó, để thống nhất trong xác định đối tượng áp dụng, đồng thời để có cơ sở phân biệt với các đối tượng áp dụng khác như người không quốc tịch… đề nghị bổ sung quy định giải thích cụ thể trường hợp người gốc Việt Nam đang sinh sống tại Việt Nam nhưng chưa xác định được quốc tịch.
Dẫn quy định tại Điều 22, thẻ căn cước phải được đổi khi công dân đủ 14 tuổi, 25 tuổi, 40 tuổi và 60 tuổi, đại biểu Nguyễn Tiến Nam bày tỏ băn khoăn, trường hợp đến các độ tuổi nêu trên mà công dân vì lý do nào đó chưa thực hiện cấp đổi thẻ căn cước thì thẻ căn cước đó có còn giá trị sử dụng hoặc có giá trị để thực hiện thủ tục hành chính và giao dịch dân sự hay không? Do vậy, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu có quy định hoặc giao Chính phủ quy định chế tài cụ thể nội dung này./.