GÓP Ý DỰ THẢO LUẬT ĐẤT ĐAI (SỬA ĐỔI): RÀ SOÁT KỸ LƯỠNG, ĐẢM BẢO SỰ PHÙ HỢP, KHẢ THI CÁC QUY ĐỊNH ĐƯỢC SỬA ĐỔI
SỬA ĐỔI LUẬT ĐẤT ĐAI: ĐẢM BẢO ĐỒNG BỘ, THỐNG NHẤT VỚI CÁC LUẬT CÓ LIÊN QUAN
Hiện Điều 126 của Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) về giao đất, cho thuê đất thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, quy định cụ thể các trường hợp đấu giá quyền sử dụng đất khi Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất trả tiền một lần cho cả thời gian thuê; điều kiện để tiến hành đấu giá quyền sử dụng đất; trách nhiệm của cá nhân và tổ chức cũng như trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện nhưng lại không quy định các nguyên tắc đấu giá hoặc chế tài, trách nhiệm cá nhân khi tham gia đấu giá nhưng không thực hiện nghĩa vụ tài chính và bỏ đấu giá.
Đại biểu Ma Thị Thúy, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang
Phóng viên: Thưa đại biểu, với những quy định tại Điều 126 của Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi quy định các trường hợp đấu giá, điều kiện đấu giá như vậy. Theo đại biểu, dự thảo Luật có cần quy định hoặc bổ sung năng lực kinh nghiệm của nhà đầu tư thực hiện các dự án tương tự, các nguyên tắc chính như đặt cọc và chế tài phạt đối với tổ chức cá nhân khi không thực hiện nghĩa vụ tài chính sau đấu giá nhằm hạn chế việc giá đất tăng như trường hợp xảy ra tại Khu đô thị Thủ Thiêm hay không?
Đại biểu Ma Thị Thúy, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang: Tôi đồng tình với việc Luật Đất đai cần quy định về năng lực kinh nghiệm của nhà đầu tư thực hiện các dự án tương tự, các nguyên tắc chính, như đặt cọc và chế tài phạt đối với tổ chức cá nhân khi không thực hiện nghĩa vụ tài chính sau cuộc đấu giá nhằm hạn chế việc giá đất tăng cao tại khu vực xung quanh khu vực đấu giá như trường hợp xảy ra tại Khu đô thị Thủ Thiêm.
Để khắc phục tình trạng khi đấu giá xong nhà đầu tư không thực hiện được dự án dẫn đến bỏ hoang, bán lại cho nhà đầu tư khác hoặc bỏ cọc thì luật cần quy định chặt chẽ điều kiện, tiêu chí trước, trong và sau khi tham gia đấu giá. Ngoài ra, cần có thêm các chế tài đủ mạnh, có hình thức răn đe với các nhà đầu tư vi phạm, ví dụ như cấm thực hiện các dự án trong 01 hoặc 03 năm.
Phóng viên: Thưa đại biểu, hiện nhiều chuyên gia đã chỉ ra bất cập khi lựa chọn nhà đầu tư dự án du lịch bằng hình thức đấu giá. Trong khi, nếu lựa chọn nhà đầu tư thông qua đấu thầu sẽ bảo đảm chọn được nhà đầu tư có năng lực kinh nghiệm lẫn năng lực tài chính; góp phần thúc đấy kinh tế-xã hội của địa phương phát triển. Đại biểu đánh giá như thế nào về hai hình thức lựa chọn nhà đầu tư này? Đâu là hình thức ưu việt hơn?
Đại biểu Ma Thị Thúy, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang: Tôi được biết pháp luật hiện hành không quy định đấu thầu thực hiện các dự án du lịch, dịch vụ và thương mại. Việc quy định cách lựa chọn nhà đầu tư thông qua hình thức đấu giá đối với các dự án hỗn hợp thì dẫn đến không lựa chọn được nhà đầu tư có cả năng lực về tài chính và kinh nghiệm. Đấu giá quyền sử dụng đất đối với các dự án du lịch có thể lựa chọn được nhà đầu tư có năng lực về tài chính nhưng hiệu quả sử dụng đất mang lại không cao. Trong khi đó hình thức lựa chọn nhà đầu tư thông qua đấu thầu sẽ bảo đảm lựa chọn được nhà đầu tư có năng lực kinh nghiệm thực hiện dự án tương tự và có năng lực về tài chính; góp phần thúc đấy kinh tế-xã hội của địa phương phát triển.
Việc lựa chọn nhà đầu tư triển khai dự án du lịch được thực hiện thông qua hình thức đấu giá là khó khả thi nếu tuân thủ theo các quy định hiện hành do ngân sách địa phương cũng không có khả năng chi trả để thực hiện giải phóng mặt bằng và thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất. Việc cho phép thực hiện giao đất, cho thuê đất thông qua đấu thầu đối với các dự án kết hợp giữa nhà ở thương mại/khu đô thị với du lịch nghỉ dưỡng, khu vui chơi giải trí với dự án du lịch là một trong những chính sách quan trọng nhằm thúc đẩy là hình thành các khu đô thị sinh thái, nghỉ dưỡng có quy mô lớn tương tự như mô hình của một số quốc gia trên thế giới, như Malaysia, Thái Lan… các nước láng giềng xung quanh chúng ta.
Điều này sẽ góp phần thu hút đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, nơi có lợi thế về du lịch nghỉ dưỡng; góp phần thúc đẩy kinh tế du lịch phát triển, từng bước hiện thực hóa Nghị quyết số 08/NQ-TW của Bộ Chính trị về chiến lược phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Đặc biệt, các dự án trong các Khu Kinh tế hoặc địa bàn kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn cần có quy định để hỗ trợ và thúc đẩy phát triển thông qua cơ chế thu hồi đất và thực hiện đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư.
Phóng viên: Xin cảm ơn đại biểu.