Đại biểu Hoàng Đức Thắng – Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị phát biểu góp ý tại hội trường
Tháo gỡ khó khăn trong đầu tư các tuyến cao tốc
Đại biểu Hoàng Đức Thắng phân tích, hiện nay, nhiều tỉnh miền Trung và khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long đang đồng loạt triển khai nhiều dự án cao tốc đều đang gặp nhiều khó khăn về đất, cát đắp nền, nguy cơ ảnh hưởng đến tiến độ các công trình trọng điểm quốc gia. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, trong đó việc cấp phép khai thác vật liệu từ các địa phương tốn quá nhiều thời gian, ngay cả những khu vực mỏ vật liệu quy hoạch được giao cho nhà thầu để thực hiện thủ tục cấp phép khai thác cũng chưa có hướng dẫn cụ thể các bước thực hiện; trong khi những mỏ vật liệu thương mại trữ lượng ít, công suất khai thác thấp không đáp ứng so với nhu cầu, tiến độ dự án; tình trạng găm hàng, nâng giá, ép giá vật liệu xây dựng vẫn còn diễn ra…
Đại biểu đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, xây dựng, điều chỉnh các định mức phù hợp, đảm bảo việc tính đúng, tính đủ; chỉ đạo các địa phương nơi có dự án hạ tầng giao thông đi qua cần phải có văn bản hướng dẫn cụ thể trình tự thực hiện, thành phần hồ sơ, thời gian xử lý thủ tục cấp phép khai thác mỏ vật liệu đã quy hoạch; thúc đẩy việc nghiên cứu, đánh giá tác động, xác định chỉ tiêu kỹ thuật để sớm đưa vào ứng dụng thực hiện việc sử dụng các vật liệu mới vì nguồn tài nguyên cát sông thiên nhiên sẽ đến lúc cạn kiệt và không thể quá lạm dụng vì tác động xấu đến môi trường, gây ra tình trạng sạt lỡ nhiều bờ sông đang diễn ra rất phức tạp ở khu vực Đồng Bằng Sông Cửu Long hiện nay.
Theo đại biểu, chúng ta không nên chạy theo thành tích làm được bao nhiêu km đường cao tốc mà phải làm sao thực hiện đúng quy chuẩn của đường cao tốc đúng nghĩa (ít nhất có 4 làn xe và có giải phân cách), bởi nếu khi làm giai đoạn 2 thì phải phá dỡ một số hạng mục giải đoạn 1 đã làm như rãnh thoát nước, lan can, bảng hiểu…sẽ tốn kém và lãng phí hơn rất nhiều. Bên cạnh đó, việc quản lý, khai thác, bảo trì, sửa chữa đường cao tốc đang còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế, chưa phát huy hết hiệu quả sử dụng do chưa có hành lang pháp lý về quản lý, khai thác. Cả nước hiện có hơn 1.700 km đường cao tốc đang vận hành, tuy nhiên mỗi tuyến cao tốc lại có thiết kế khác nhau, quản lý vận hành khác nhau, chưa tuân thủ một quy chuẩn chung, thống nhất và đồng bộ trên toàn quốc, một số tuyến chưa triển khai đầu tư trạm dừng nghỉ, trạm xăng nên gây bất tiện cho tài xế lái xe đường dài. Đường cao tốc là công trình giao thông cấp đặc biệt quốc gia, yêu cầu về xây dựng, quản lý và khai thác cũng khác biệt, vì vậy đề nghị Chính phủ sớm ban hành các quy định về quản lý, khai thác nhằm phát huy hiệu quả đầu tư, phục vụ tốt nhất cho phát triển kinh tế xã hội.
Đẩy nhanh tốc độ xây nhà ở xã hội
Theo đại biểu Hoàng Đức Thắng, sau vụ cháy chung cư mini ở quận Thanh Xuân (Hà Nội), bên cạnh những nỗi day dứt, xót xa, điều kiện để người thu nhập thấp được mua nhà ở xã hội ở những thành phố lớn lại càng trở nên nan giải, nhất là trong bối cảnh hiện nay, người đủ điều kiện được mua nhà ở xã hội cũng chưa thực sự mặn mà, bởi mức giá chưa phù hợp, lãi suất ngân hàng còn quá cao, đặc biệt là vướng quá nhiều thủ tục hành chính.
Đại biểu Hoàng Đức Thắng chia sẻ bên hành lang kỳ họp
Đại biểu chỉ ra, dù đã có nhiều chính sách ưu đãi như miễn tiền sử dụng đất; miễn giảm thuế; được lợi nhuận định mức 10% toàn bộ dự án… nhưng đến nay vẫn rất ít doanh nghiệp mặn mà đầu tư các dự án nhà ở xã hội. Cụ thể, tại Hà Nội, giai đoạn 2016-2020, nhà ở xã hội dành cho người thu nhập thấp, công nhân, sinh viên chỉ đạt 1,25 triệu m2 sàn, chỉ đạt 20% so với mục tiêu phát triển 6,22 triệu m2 sàn. Tại TP.Hồ Chí Minh, giai đoạn 2016-2020, lượng nhà ở xã hội chỉ tăng thêm 1,23 triệu m2 sàn, đến nay thành phố chỉ mới đáp ứng chưa đến 5% chỗ ở cho người lao động.
Cũng theo đại biểu Hoàng Đức Thắng, Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) dự kiến thông qua tại kỳ 6 này đã bổ sung nhiều hỗ trợ cho nhà đầu tư dự án nhà ở xã hội như ngoài các ưu đãi về thuế, được vay vốn ưu đãi, dự thảo luật quy định cho phép doanh nghiệp dành 20% quỹ đất để phát triển các khu thương mại dịch vụ; địa phương hỗ trợ đầu tư hạ tầng kỹ thuật; nới rộng đối tượng được mua nhà ở xã hội… Tuy nhiên, vấn đề mà các doanh nghiệp đầu tư nhà ở xã hội quan tâm nhất đó là thủ tục hành chính, cần phải giảm thiểu các thủ tục rườm rà, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nhà đầu tư; địa phương phải cùng đồng hành với doanh nghiệp trong xử lý các vấn đề liên quan quy hoạch, đất đai… thì mới thu hút được nhiều doanh nghiệp tham gia đầu tư vào loại hình này, đẩy nhanh thực hiện đạt mục tiêu Đề án phát triển 1 triệu căn nhà ở xã hội vào 2030.