Không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát trong nhiệm kỳ mới
Phóng viên: Ông có đánh giá thế nào về vai trò và những đổi mới trong hoạt động giám sát gần đây của Quốc hội?
PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội: Cùng với công tác lập pháp, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước, rõ ràng những đổi mới, cải tiến và kết quả quan trọng đã đạt được trong công tác giám sát của Quốc hội thời gian qua càng khẳng định giám sát là khâu trọng tâm, then chốt trong đổi mới, đảm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội. Trong thời gian gần đây, đặc biệt là trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV này, tôi cho rằng, Quốc hội đã có sự đổi mới mạnh mẽ về hoạt động lập pháp, giám sát và cả các quyết định quan trọng. Riêng hoạt động giám sát được Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đặc biệt quan tâm, tập trung thực hiện ngay từ đầu nhiệm kỳ, có tính hệ thống, tính liên tục và quyết liệt.
Ngay từ đầu nhiệm kỳ XV, tôi nhận thấy rằng, hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội thời gian qua được thực hiện có hiệu quả với nhiều đổi mới mạnh mẽ về tư duy, phương pháp và phương thức thực hiện, triển khai toàn diện, đồng bộ, đảm bảo tiến độ, hoàn thành toàn bộ các nội dung theo kế hoạch, ngày càng đi vào thực chất, góp phần đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của cử tri và nhân dân, đáp ứng thực tiễn đòi hỏi của đời sống kinh tế - xã hội đang diễn ra sôi động, mau lẹ, vừa là yêu cầu nội tại để khẳng định vị thế, vai trò của Quốc hội, thể hiện quyền lực của cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
PGS.TS Bùi Hoài Sơn cho rằng, những đổi mới và kết quả quan trọng đã đạt được trong công tác giám sát của Quốc hội thời gian qua khẳng định giám sát là khâu trọng tâm, then chốt trong đổi mới, đảm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội
Tiêu biểu như tại Kỳ họp thứ 6 vừa qua, tôi đặc biệt ấn tượng với việc lần đầu tiên, Quốc hội tiến hành giám sát tối cao đồng thời 3 Chương trình mục tiêu quốc gia trong giai đoạn các chương trình bắt đầu triển khai thực hiện. Tôi cho rằng, hoạt động giám sát này có ý nghĩa rất lớn trong việc thúc đẩy Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương đẩy nhanh tiến độ hoàn thành; qua đó, thể hiện rõ quan điểm, sự nỗ lực, đồng hành của Quốc hội cùng với Chính phủ để tháo gỡ, giải quyết những khó khăn, vướng mắc, những điểm nghẽn trong việc triển khai thực hiện các chương trình.
Cùng cách làm tương tự, hoạt động giám sát Nghị quyết 88 và Nghị quyết 51 về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông đã cung cấp bức tranh tổng thể, toàn diện, sâu sắc về tình hình đổi mới giáo dục phổ thông, với nhiều nội dung, giải pháp, kiến nghị có giá trị cả về lý luận và thực tiễn. Chuyên đề giám sát đã nhận được sự quan tâm rộng rãi của các cấp, các ngành và cử tri, Nhân dân. Kết quả của cuộc giám sát là cơ sở để hoàn thiện hơn việc triển khai chương trình giáo dục đặc biệt quan trọng này.
Tôi nhận thấy, các hoạt động giám sát của Quốc hội trong thời gian gần đây thực sự đã có tác động rất thực chất, góp phần tháo gỡ những vướng mắc, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội và xác định rõ trách nhiệm của các chủ thể liên quan. Tất cả những đổi mới này giúp chúng ta tin tưởng hơn vào việc hoạt động giám sát giúp đưa pháp luật vào cuộc sống, bảo đảm cho luật pháp được thi hành nghiêm và thống nhất từ đó đề cao trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước, góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân.
Chất vấn ngày càng đúng tầm, quyết liệt theo đến cùng việc thực hiện lời hứa
Phóng viên: Qua theo dõi, trực tiếp chất vấn các bộ trưởng, trưởng ngành, ông nhận thấy những chuyển biến tích cực nào từ phía Chính phủ từ những chất vấn, giám sát của các đại biểu Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội? Ông đánh giá thế nào về việc thực hiện lời hứa của những người được chất vấn?
PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội: Tôi nhận thấy nhiều chuyển biến tích cực nào từ phía Chính phủ từ những chất vấn, giám sát của các đại biểu Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội. Chất vấn và trả lời chất vấn sẽ phản ánh chất lượng của cả người chất vấn và người trả lời chất vấn. Khi các chất vấn đúng tầm, thuộc chức năng, nhiệm vụ của các bộ trưởng, trưởng ngành, qua đó phản ánh được năng lực của các “tư lệnh” ngành; hoạt động giám sát đã cũng cấp cách nhìn tổng quan và đề xuất những giải pháp cụ thể để tháo gỡ khó khăn, thì Chính phủ, các bộ, ngành đã tích cực, chủ động triển khai nhiều giải pháp để thực hiện nghiêm các nghị quyết của Quốc hội, tạo sự chuyển biến tích cực trong một số lĩnh vực, được đại biểu Quốc hội, cử tri, Nhân dân, dư luận xã hội ghi nhận, đánh giá cao.
Nhiều chuyển biến tích cực nào từ phía Chính phủ từ những chất vấn, giám sát của các đại biểu Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội
Chúng ta cũng biết rằng, dù không phải lời hứa, cam kết, nhiệm vụ nào cũng có thể giải quyết nhanh chóng, có thể làm được ngay, nhưng cử tri và nhân dân đã nắm biết về tình hình, tiến độ thực hiện và quan trọng nhất là những gì đã được các bộ trưởng, trưởng ngành hứa trước Quốc hội, cử tri và nhân dân và Quốc hội, đại biểu Quốc hội luôn theo dõi việc thực hiện những lời hứa này.
Phóng viên: Theo ông, các đại biểu Quốc hội nên thể hiện trách nhiệm và giám sát như thế nào với những chất vấn của mình?
PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội: Tôi nghĩ rằng, đại biểu Quốc hội đại diện cho ý chí, nguyện vọng của cử tri nên phải thể hiện trách nhiệm của mình trong các chất vấn. Để làm tốt nhiệm vụ ấy, các đại biểu cần phải thực sự hiểu rõ vấn đề. Trước khi đặt câu hỏi hoặc đưa ra chất vấn, đại biểu cần nghiên cứu kỹ về vấn đề, từ đó, đặt câu hỏi chất vấn để không chỉ yêu cầu thông tin cơ bản mà còn làm rõ các khía cạnh khác nhau của vấn đề.
Thêm vào đó, đại biểu Quốc hội cũng cần theo dõi việc triển khai các biện pháp hoặc giải pháp sau khi chất vấn, đánh giá kết quả và thông báo cho cử tri. Thông tin từ các cuộc chất vấn cần được chia sẻ với cử tri, giúp cử tri hiểu rõ về các vấn đề quan trọng và từ đó cũng giúp đánh giá hoạt động của đại biểu.
Cần tiếp tục tăng cường năng lực của đại biểu Quốc hội, tối ưu hóa việc theo dõi thực hiện chính sách
Phóng viên: Để hoạt động giám sát tại các kỳ họp Quốc hội có chất lượng và hiệu quả, theo ông, cần chú ý những vấn đề gì?
PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội: Tôi cho rằng, để nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội, bên cạnh những giải pháp chúng ta đã biết, tôi xin nhấn mạnh thêm hai giải pháp cụ thể như sau.
Thứ nhất là song song với tiêu chuẩn về phẩm chất, đạo đức, lối sống, cần trang bị kiến thức cho các đại biểu Quốc hội về các vấn đề quốc gia, chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và pháp luật để tăng cường năng lực đánh giá những vấn đề quan trọng của đất nước. Bởi trên thực tế, chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội phụ thuộc chủ yếu và được quyết định bởi chất lượng hoạt động của đại biểu Quốc hội. Để Quốc hội thực sự đại diện cho Nhân dân và làm tốt vai trò lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước cũng như giám sát, phải bắt đầu từ năng lực, trách nhiệm và bản lĩnh của từng đại biểu Quốc hội.
PGS.TS Bùi Hoài Sơn cho rằng, để tiếp tục nâng cao hoạt động này trong thời gian tới, cần đồng thời tăng cường năng lực của đại biểu Quốc hội và tối ưu hóa việc theo dõi thực hiện chính sách
Để làm được điều đó, chúng ta cần tạo điều kiện để đại biểu Quốc hội có thể dễ dàng truy cập và nắm được thông tin liên quan đến các dự thảo luật, chính sách, và quyết định quan trọng qua các hội thảo, lớp tập huấn, tài liệu tham khảo và thông tin từ truyền thông; tạo điều kiện để đại biểu Quốc hội có thể tiến hành các nghiên cứu độc lập hoặc tham gia vào nhóm nghiên cứu với các chuyên gia và các tổ chức nghiên cứu, tham gia các sự kiện, hội thảo, và diễn đàn quốc tế để cập nhật thông tin, chia sẻ kinh nghiệm, và xây dựng mạng lưới với các đồng nghiệp quốc tế; tạo cơ hội cho đại biểu trải nghiệm thực tế thông qua các chuyến thăm và làm việc trực tiếp với cộng đồng, doanh nghiệp, và tổ chức xã hội, cũng như khuyến khích đại biểu tham gia vào các sự kiện văn hóa nghệ thuật để hiểu rõ hơn về bối cảnh xã hội và văn hóa.
Thứ hai là sử dụng công nghệ thông tin để tối ưu hóa quản lý thông tin, theo dõi thực hiện chính sách và tăng cường khả năng truyền thông chính sách. Điều này cần thực hiện bằng cách triển khai hiệu quả hơn nữa hệ thống quản lý thông tin lưu trữ, quản lý, và truy xuất thông tin về các dự thảo luật, quyết định và hoạt động của Quốc hội. Tích hợp hệ thống báo cáo và thống kê để cung cấp thông tin tổng hợp và minh họa trực quan về hiệu suất và tiến triển của các chính sách nói chung, chính sách được giám sát nói riêng. Bên cạnh đó, với sự phát triển của khoa học công nghệ, chúng ta cần nghĩ nhiều hơn đến việc sử dụng công nghệ phân tích dữ liệu và trí tuệ nhân tạo để xác định xu hướng, dự đoán thách thức, và đưa ra đề xuất cải tiến dựa trên dữ liệu thống kê để hoạt động giám sát tại các kỳ họp Quốc hội có chất lượng và hiệu quả hơn.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn ông!