THẢO LUẬN Ở TỔ 1: CẦN CƠ CHẾ GIÁM SÁT, TRÁNH ĐỂ XẢY RA VI PHẠM KHI ĐẨY NHANH TIẾN ĐỘ THỰC HIỆN CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
Sáng ngày 16/01/2024, theo chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại Tổ về hai nội dung: (1) Dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia; (2) Việc bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 từ nguồn dự phòng chung tương ứng với nguồn tăng thu ngân sách trung ương năm 2022 cho các nhiệm vụ, dự án đầu tư công và bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn cho Tập đoàn điện lực Việt Nam từ nguồn dự phòng của Kế hoạch đầu tư công trung hạn.
Tham gia thảo luận tại Tổ 09 (gồm các đoàn ĐBQH tỉnh: Quảng Ninh, Phú Yên, Nam Định, Bến Tre), Đại biểu Nguyễn Trúc Sơn, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre đồng tình cao với việc Chính phủ trình Quốc hội ban hành Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.
Toàn cảnh phiên thảo luận tại Tổ 09
Về sự cần thiết ban hành Nghị quyết, đại biểu Nguyễn Trúc Sơn cho rằng 63 tỉnh, thành phố đều có những khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, cần có những cơ chế, chính sách để tháo gỡ, từ đó triển khai thực hiện được hiệu quả hơn, tuy nhiên, không phải tỉnh, thành nào cũng có khó khăn, vướng mắc giống nhau.
Lấy ví dụ ở tỉnh Bến Tre chỉ thực hiện hai chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, tỷ lệ giải ngân nguồn vốn thuộc hai chương trình này của tỉnh đạt khá cao, khoảng 95%, không có nhiều vướng mắc trong giải ngân. Qua thực tế triển khai của tỉnh, đại biểu thấy có khó khăn là các văn bản hướng dẫn của Trung ương phân cấp cho HĐND địa phương ban hành là khá nhiều, mất nhiều thời gian chuẩn bị. Hiện tại Bến Tre thực hiện hai chương trình mục tiêu quốc gia nhưng có đến 55 văn bản phải thông qua Hội đồng nhân dân, tốn rất nhiều thời gian xây dựng theo quy trình thủ tục quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Khó khăn thứ hai là nguồn vốn các chương trình mục tiêu quốc gia do Trung ương phân bổ thường chậm, đầu giai đoạn 2021 chưa có, bắt đầu từ tháng 6 năm 2022 mới được phân bổ vốn để thực hiện, hoặc thẩm quyền điều chỉnh vốn. Đối với các tỉnh, thành phố thực hiện ba chương trình mục tiêu quốc gia thì còn vướng mắc nhiều hơn.
Đại biểu Nguyễn Trúc Sơn kiến nghị Quốc hội cho phép các địa phương được quyền lựa chọn việc áp dụng cơ chế, chính sách đặc thù để thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.
Từ thực tiễn trên, đại biểu Nguyễn Trúc Sơn đề xuất Quốc hội nên cho phép các địa phương được quyền lựa chọn áp dụng hoặc không áp dụng các cơ chế, chính sách đặc thù được quy định trong dự thảo Nghị quyết để phù hợp với đặc điểm tình hình triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia của địa phương mình. Cụ thể, đại biểu đề xuất: Nếu địa phương đang có nhiều khó khăn, vướng mắc thì áp dụng các cơ chế, chính sách theo dự thảo Nghị quyết để kịp thời tháo gỡ, còn nếu không có khó khăn, vướng mắc lớn, các cấp đủ năng lực, kinh nghiệm thực hiện thì triển khai theo quy trình bình thường để không phải mất thời gian do chờ văn bản hướng dẫn thực hiện Nghị quyết của Quốc hội.
Về quy định ủy thác vốn tự cân đối của ngân sách địa phương qua hệ thống ngân hàng chính sách xã hội, theo Luật Đầu tư công thì nguồn vốn này phải sử dụng nguồn đầu tư công. Tuy nhiên, nguồn vốn đầu tư công ngay từ đầu năm chưa có nên hàng năm, nếu địa phương có nguồn tăng thu ngân sách hoặc nguồn dự phòng kết dư được thì nên cho ủy thác qua Ngân hàng chính sách xã hội để cho vay thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia sẽ thuận lợi hơn. Thời gian qua, tỉnh Bến Tre cân đối ngân sách địa phương ủy thác qua hệ thống ngân hàng chính sách xã hội từ nguồn kinh phí chi thường xuyên nhưng Kiểm toán nhà nước khuyến nghị chỉ sử dụng nguồn đầu tư công. Dự thảo Nghị quyết đưa ra 03 nguồn để ủy thác: đầu tư công, chi thường xuyên và nguồn vốn khác, đại biểu cho rằng việc quy định đa dạng nguồn vốn ủy thác như vậy là rất hợp lý, nhằm tăng cường nguồn lực của địa phương ủy thác qua Ngân hàng chính sách xã hội để cho vay thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, đáp ứng nhu cầu vay vốn của người dân.
Về bổ sung vốn đầu tư công trung hạn: Với 63.000 tỷ đồng, đại biểu Nguyễn Trúc Sơn bày tỏ đồng ý phân bổ 33.000 tỷ đồng cho các dự án đã hoàn chỉnh thủ tục đầu tư từ nguồn tăng thu ngân sách của năm 2022. Đối với các dự án chưa hoàn thành hồ sơ, thủ tục, đại biểu đề nghị các dự án nào đã có trong Danh mục kèm theo Nghị quyết số 106/2023/QH15 ngày 28/11/2023 của Quốc hội thí điểm một số chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình đường bộ, tức là đã có chủ trương đầu tư rồi thì thực hiện bố trí vốn; còn nếu chưa có trong Danh mục kèm theo Nghị quyết này thì đề nghị nên cân nhắc vì chưa đủ hồ sơ. Nếu bố trí trước khi dự án hoàn thành hồ sơ có thể vốn không chính xác vì khi lập hồ sơ vốn có thể thay đổi do các khâu chi phí giải phóng mặt bằng, phương án thiết kế khác ban đầu.
Vì vậy, Đại biểu đề nghị đối với 30.000 tỷ còn lại nên phân thành hai loại: những dự án nào đã có chủ trương đầu tư, đủ điều kiện thì Quốc hội ủy quyền cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội phân bổ vốn, còn các dự án chưa nằm trong NQ 106/2023/QH15 thì Quốc hội sẽ xem xét phân bổ vốn tại Kỳ họp thứ 7 của Quốc hội (tháng 5 năm 2024) khi đủ hồ sơ. Đối với nhóm dự án thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh, đại biểu tán thành cao về mặt chủ trương và xem xét bố trí phù hợp giữa vốn chuẩn bị đầu tư và vốn thực hiện (1 số dự án chưa rõ cơ cấu vốn). Do đó, đại biểu đề nghị Chính phủ cần làm rõ cơ cấu vốn, bố trí phù hợp để đảm bảo tính khả thi trong thực hiện, góp phần thúc đẩy kinh tế, tăng trưởng năm 2024./.