Tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết số 103/2023/QH15 về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024. Nghị quyết đã nêu các mục tiêu tổng quát, các chỉ tiêu chủ yếu và đề nghị Chính phủ và các cơ quan liên quan thực hiện tốt 12 nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu. Chia sẻ với Cổng Thông tin điện tử Quốc hội, đại biểu Nguyễn Tuấn Thịnh – Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội cho rằng, để đạt được chỉ tiêu tăng trưởng GDP 6,0-6,5% trong năm 2024 như Nghị quyết số 103/2023/QH15 của Quốc hội đề ra, cần đẩy mạnh đầu tư công; quyết liệt tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, giải quyết các điểm nghẽn để thu hút mạnh mẽ vốn đầu tư xã hội; đồng thời tăng cường đầu tư cho nông nghiệp – lĩnh vực có tiềm năng và còn rất nhiều dự địa để phát triển.
Tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết số 103/2023/QH15 về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024
Phóng viên: Thưa đại biểu, tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 103/2023/QH15 về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, trong đó đã nêu ra các mục tiêu tổng quát và các chỉ tiêu chủ yếu cần đạt được, theo đại biểu, đâu là mục tiêu, chỉ tiêu quan trọng mà Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương cần phấn đấu đạt được?
Đại biểu Nguyễn Tuấn Thịnh – Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội: Nghị quyết 103/2023/QH15 của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 xác định mục tiêu tổng quát và 15 chỉ tiêu chủ yếu. Những nội dung này có mối liên hệ chặt chẽ, gắn kết, thúc đẩy lẫn nhau và đều là những nội dung quan trọng. Cá nhân tôi rất quan tâm mục tiêu: ưu tiên tăng trưởng gắn với củng cố, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Gắn với mục tiêu này là các chỉ tiêu Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) từ 6,0-6,5%; Tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 4,0-4,5%; Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân 4,8-5,3%; và các chỉ tiêu về thu, chi ngân sách nhà nước và mức bội chi ngân sách nhà nước là 3,6% GDP.
Chỉ tiêu tốc độ tăng trưởng GDP từ 6,0-6,5% so với mức tăng năm 2023 là 5,05% đã thể hiện ưu tiên tăng trưởng để tiếp tục phục hồi phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời không đề ra mục tiêu tăng trưởng nóng trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều khó khăn, thách thức. Cùng với đó, cần quan tâm đến chỉ tiêu tăng năng suất lao động để đảm bảo tăng trưởng bền vững, trên cơ sở nâng cao năng suất lao động và chất lượng tăng trưởng.
Chỉ tiêu chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng bình quân 4,0-4,5%; và các chỉ tiêu về thu, chi ngân sách nhà nước và mức bội chi ngân sách nhà nước 3,6% GDP của năm 2024 so với mức tăng CPI năm 2023 là 3,5% và bội chi ngân sách nhà nước năm 2023 ước đạt 4% cho thấy mục tiêu năm 2024 cần đảm bảo đồng bộ giữa ưu tiên tăng trưởng phải gắn với củng cố ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
Phóng viên: Theo đánh giá của đại biểu, để đạt được chỉ tiêu tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) từ 6,0 - 6,5%, cần có những giải pháp nào triển khai ngay từ những tháng đầu của năm 2024?
Đại biểu Nguyễn Tuấn Thịnh – Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội: Chỉ tiêu tăng trưởng GDP năm 2024 đề ra 6,0-6,5% là mức tăng trưởng cao ở khu vực và trên thế giới. Đây là chỉ tiêu rất thách thức trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều khó khăn, xung đột và khủng hoảng chính trị ở một số quốc gia, khu vực diễn biến phức tạp và tiềm ẩn nguy cơ lan rộng, đe doạ đến các chuỗi cung ứng và tăng trưởng thương mại toàn cầu. Trong nước, chúng ta cần đảm bảo tăng trưởng bền vững, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Vì vậy, để đạt đạt chỉ tiêu này, cần có sư nỗ lực rất lớn của các cấp, các ngành, người dân và doanh nghiệp.
Đại biểu Nguyễn Tuấn Thịnh – Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội
Tôi cho rằng, để đạt được chỉ tiêu tăng trưởng GDP 6,0-6,5% trong năm 2024 thì ngay từ đầu năm cần tập trung thực hiện quyết liệt một số nhiệm vụ, giải pháp sau:
Thứ nhất, đẩy mạnh đầu tư công, nhất là các công trình hạ tầng giao thong, hạ tầng năng lượng, hạ tầng kỹ thuật số... Cùng với đó là khắc phục tình trạng "đầu năm đủng đỉnh" trong giải ngân vốn đầu tư công.
Thứ hai, quyết liệt tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, giải quyết các điểm nghẽn để thu hút mạnh mẽ vốn đầu tư xã hội, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào các lĩnh vực, dự án ưu tiên.
Thứ ba, tăng cường đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp, đây là lĩnh vực mà chúng ta có lợi thế, có tiềm năng và còn rất nhiều dự địa để phát triển. Tập trung đầu tư chuyên sâu để làm chủ toàn bộ quy trình sản xuất đến chế biến và tiêu thụ sản phẩm, mở rộng thị trường xuất khẩu, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; thông qua đó nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực này và nâng cao thu nhập cho người lao động trong khu vực nông nghiệp và nông dân.
Phóng viên: Theo đại biểu, những luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua trong năm 2023 có ý nghĩa như thế nào trong việc khơi thông nguồn lực, tháo gỡ điểm nghẽn về cơ chế, chính sách để năm 2024 đất nước phát triển bứt phá, tạo tiền đề hoàn thành mục tiêu của cả nhiệm kỳ?
Đại biểu Nguyễn Tuấn Thịnh – Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội: Trong năm 2023 và tháng 1/2024, Quốc hội khoá XV đã tổ chức các kỳ họp thường kỳ và bất thường để thông qua nhiều luật và nghị quyết nhằm kịp thời tháo gỡ các điểm nghẽn, khơi thông nguồn lực, quyết định các chính sách để đất nước phát triển bứt phá trong năm 2024 và những năm tiếp theo. Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã luôn sát cánh, đồng hành cùng Chính phủ để kịp thời thể chế hoá chủ trương, đường lối của Đảng, thông qua các quyết sách để đáp ứng yêu cầu và đòi hỏi của thực tiễn.
Trong năm 2023, tại kỳ họp bất thường lần thứ 2, Quốc hội đã thông quan Luật khám bệnh, chữa bệnh; Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội đã thông qua nhiều luật, nghị quyết quan trong như: Luật Đấu thầu, Luật Hợp tác xã, Luật Giá, Luật Giao dịch điện tử, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh.
Tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội đã thông qua nhiều luật, nghị quyết quan trọng, cụ thể như: Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Viễn thông, Luật Tài nguyên nước, Luật Căn cước, Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự; các nghị quyết về kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2024, Nghị quyết Về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu, Nghị quyết Thí điểm một số chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình đường bộ. Đặc biệt, tại kỳ họp bất thường lần thứ 5 vào tháng 1 năm 2024, Quốc hội đã xem xét thông qua Luật Đất đai, Luật Các tổ chức tín dụng; Nghị quyết Về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.
Theo đại biểu Nguyễn Tuấn Thịnh, công tác lập pháp của Quốc hội đã thực hiện trong năm 2023 sẽ tạo cú hích mạnh mẽ để thúc đẩy phát triển đất nước trong năm 2024 và những năm tiếp theo.
Có thể thấy, trong năm 2023, Quốc hội đã thực hiện công tác với khối lượng rất lớn, số luật, dự thảo nghị quyết về chính sách pháp luật được quốc hội xem xét, thông qua là lớn nhất từ đầu nhiệm kỳ đến nay. Nhất là việc tổ chức kỳ họp bất thường lần thứ 5 vào tháng 1 năm 2024 để xem xét, thông qua Luật Đất đai, Luật Các tổ chức tín dụng để đảm bảo đồng bộ với các luật đã được Quốc hội thông qua trong năm 2023, góp phần hoàn thiện thể chế pháp luật; đồng thời Quốc hội cũng đã thông qua Nghị quyết để tháo gỡ những vướng mắc trong thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu đề ra.
Với ý nghĩa đó, công tác lập pháp của Quốc hội đã thực hiện trong năm qua sẽ tạo cú hích mạnh mẽ để thúc đẩy phát triển đất nước trong năm 2024 và những năm tiếp theo.
Phóng viên: Để thực hiện đạt và vượt chỉ tiêu nêu ra trong Nghị quyết 103/2023/QH15, theo đại biểu cần triển khai những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu nào?
Đại biểu Nguyễn Tuấn Thịnh – Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội: Nghị quyết 103/2023/QH15 đã đề ra 12 nhóm nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu. Chúng ta thấy rằng, mục tiêu tổng quát, 15 chỉ tiêu chủ yếu và 12 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu có mối quan hệ chặt chẽ, hữu cơ và thúc đẩy lẫn nhau. Các mục tiêu, chỉ tiêu cũng là những nhiệm vụ quan trọng cần thực hiện và các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đề ra cũng là những chỉ tiêu, mục tiêu cần đạt được. Đồng thời cần đặt mục tiêu và chỉ tiêu của năm 2024 trong tổng thể kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 và trong thực hiện Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (được Quốc hội khoá XV thông qua tại Nghị quyết số 81/2023/QH15).
Để thực hiện các chỉ tiêu được xác định trong Nghị quyết 103/2023/QH15 thì cần thực hiện đồng bộ 12 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đã đề ra trong Nghị quyết 103/2023/QH15. Bên cạnh đó, trong những nhiệm vụ, giải pháp này có những nhiệm vụ, giải pháp cần tập trung triển khai quyết liệt trước mắt và có những nhiệm vụ, giải pháp cần kiên trì thực hiện trong dài hạn, không chỉ trong năm 2024 mà cả trong những năm tiếp theo. Nhất là những nhiệm vụ, giải pháp về phát triển bền vững, nâng cao chất lượng tăng trưởng, đảm bảo an sinh xã hội, đảm bảo môi trường hoà bình và an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Phóng viên: Hà Nội là trung tâm của Vùng Đồng bằng sông Hồng, địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng là đầu tàu dẫn dắt, kết nối sự phát triển về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của cả vùng. Theo đại biểu, thành phố cần có những giải pháp gì để phát triển kinh tế-xã hội, đóng góp chung vào sự phát triển kinh tế đất nước, góp phần hoàn thành chỉ tiêu Quốc hội đề ra?
Đại biểu Nguyễn Tuấn Thịnh – Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội: Thành phố Hà Nội không chỉ là trung tâm của Vùng Đồng bằng sông Hồng mà còn là Thủ đô của cả nước, là trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trái tim của cả nước; trung tâm lớn về kinh tế, văn hoá, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ và hội nhập quốc tế như đã nêu trong Nghị quyết 15 ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2023, tầm nhìn đến năm 2045.
Thành phố Hà Nội đã thực hiện tốt vai trò trung tâm, động lực, đầu tàu dẫn dắt phát triển của Vùng và cả nước.
Trong những năm qua, Thành phố Hà Nội luôn có tốc độ tăng trưởng cao hơn mức bình quân của cả nước, tỷ trọng đóng góp của Hà Nội vào tổng sản phẩm trong nước (GDP) và thu ngân sách nhà nước hang năm liên tục tăng. Thành phố Hà Nội đã thực hiện tốt vai trò trung tâm, động lực, đầu tàu dẫn dắt phát triển của Vùng và cả nước.
Thực hiện Nghị quyết của Quốc hội và Nghị quyết của Chính phủ, Thành phố Hà Nội đã xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và kế hoạch thu, chi ngân sách nhà nước năm 2024 với 24 chỉ tiêu/nhóm chỉ tiêu chủ yếu và 11 nhóm nhiệm vụ, giải pháp cụ thể. Trong đó, xác định tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) là 6,5-7%; tốc độ tăng vốn đầu tư thực hiện: 10,5-11,5%; chỉ số giá tiêu dung (CPI) dưới 4%. Một trong những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu là tập trung đầu tư, hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông, đẩy mạnh triển khai thực hiện đầu tư tuyến đường Vành đai 4 vùng Thủ đô theo tiến độ, đảm bảo chất lượng, nhằm tạo thêm một hành lang kết nối thành phố Hà Nội với các tỉnh Hưng Yên và Bắc Ninh; nghiên cứu triển khai đầu tư tuyến đường Vành đai 5 vùng Thủ đô để tạo thêm một hành lang phát triển giữa các tỉnh, thành phố trong Vùng Thủ đô.
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn đại biểu!