BỘ TÀI NGUYÊN MÔI TRƯỞNG TRẢ LỜI CHẤT VẤN ĐẠI BIỂU NGUYỄN PHƯỚC LỘC VỀ GIẢI PHÁP XỬ LÝ CHẤT THẢI NHỰA
Thời gian qua, để quản lý rác thải nhựa có hiệu quả, thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã xây dựng, ban hành nhiều chính sách pháp luật liên quan. Trong đó có các nghị quyết, chiến lược, kế hoạch hành động quốc gia,... đặc biệt là Luật Bảo vệ môi trường.
Điều 73 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 quy định cụ thể về giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế và xử lý chất thải nhựa, phòng, chống ô nhiễm rác thải nhựa đại dương. Theo đó, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm hạn chế sử dụng, giảm thiểu, phân loại, thải bỏ chất thải là sản phẩm nhựa sử dụng một lần và bao bì nhựa khó phân hủy sinh học theo quy định; không thải bỏ chất thải nhựa trực tiếp vào hệ thống thoát nước, ao, hồ, kênh, rạch, sông và đại dương. Nhà nước khuyến khích việc tái sử dụng, tái chế chất thải nhựa phục vụ hoạt động sản xuất hàng hóa, vật liệu xây dựng, công trình giao thông; khuyến khích nghiên cứu, phát triển hệ thống thu gom và xử lý rác thải nhựa trôi nổi trên biển và đại dương; có chính sách thúc đẩy tái sử dụng, tái chế chất thải nhựa.
Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã có các quy định nhằm giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế và xử lý chất thải nhựa, phòng, chống ô nhiễm rác thải nhựa đại dương
Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo tổ chức thu gom, xử lý chất thải nhựa trên địa bàn; tuyên truyền, vận động việc hạn chế sử dụng bao bì nhựa khó phân hủy sinh học và sản phẩm nhựa sử dụng một lần; tuyên truyền về tác hại của việc thải bỏ ngư cụ trực tiếp xuống biển, rác thải nhựa đối với hệ sinh thái. Chính phủ quy định lộ trình hạn chế sản xuất, nhập khẩu sản phẩm nhựa sử dụng một lần, bao bì nhựa khó phân hủy sinh học và sản phẩm, hàng hóa chứa vi nhựa…
Bên cạnh đó, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 quy định rõ 2 trách nhiệm của nhà sản xuất, nhà nhập khẩu gồm: trách nhiệm tái chế (Điều 54) và trách nhiệm xử lý rác thải (Điều 55). Theo đó, nhà sản xuất, nhà nhập khẩu có trách nhiệm tái chế sản phẩm, bao bì do mình sản xuất, nhập khẩu theo một tỷ lệ tái chế bắt buộc và theo quy cách tái chế bắt buộc.
Luật Thuế bảo vệ môi trường 2010 cũng quy định túi ni lông là đối tượng thuộc diện chịu thuế với mức thuế là 30.000 - 50.000 đồng/kg. Nghị quyết số 579/2018/UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 26/9/2018 về biểu thuế môi trường quy định áp dụng mức thuế môi trường đối với bao bì ni lông 50.000 VND/kg và có hiệu lực bắt đầu từ ngày 01/01/2019.
Đại biểu Trương Xuân Cừ - Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam
Cơ chế, chính sách tương đối hoàn thiện, nhưng trên thực tế các quy định của pháp luật về giảm thiểu rác thải nhựa vẫn chưa có hiệu quả cao, vì vậy, để các quy định của Luật đi vào cuộc sống, đại biểu Trương Xuân Cừ - Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam cho rằng, đây là vấn đề lớn cần sự chung tay, góp sức, đồng lòng của người dân với lộ trình triển khai phù hợp, bài bản.
Theo số liệu thống kê từ Bộ Tài nguyên và Môi trường, mỗi năm tại Việt Nam có khoảng 1,8 triệu tấn rác thải nhựa thải ra môi trường, 0,28 triệu đến 0,73 triệu tấn trong số đó bị thải ra biển - nhưng chỉ 27% trong số đó được tái chế, tận dụng bởi các cơ sở, doanh nghiệp. Điều đáng nói là việc xử lý và tái chế rác thải nhựa còn nhiều hạn chế khi có đến 90% rác thải nhựa được xử lý theo cách chôn, lấp, đốt và chỉ có 10% còn lại là được tái chế.
Việt Nam có hơn 3.260 km đường bờ biển (chưa kể bờ các đảo) trải dài từ Bắc vào Nam. Dọc bờ biển còn có hàng trăm cửa sông và vịnh, đầm phá. Đây là điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế xã hội, song cũng là nơi làm gia tăng ô nhiễm rác thải đại dương. Tuy nhiên, tình trạng ô nhiễm rác thải đại dương có xu hướng gia tăng đáng báo động. Tại khu vực miền Trung, rác thải nhựa đại dương đang trở thành “gánh nặng”; thậm chí có thể dẫn tới thảm họa cho môi trường, tác động đến đời sống, sức khỏe của người dân.
Các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước, với nhiều giải pháp đã được đưa ra nhằm hạn chế, quản lý rác thải nhựa, tuy nhiên, việc triển khai thực thi trong thực tế vẫn chưa hiệu quả. Thời gian qua, Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam đã phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường hàng năm tập huấn cho người cao tuổi tham gia tích cực vào hoạt động bảo vệ môi trường, chống rác thải nhựa.
“Tôi cho rằng, với tình trạng ô nhiễm rác thải nhựa như hiện nay, chúng ta không kỳ vọng sẽ giải quyết được trong một sớm một chiều, cần kiên trì, kiên quyết, có bước đi phù hợp để hạn chế rác thải nhựa, từng bước thay thế túi đựng thực phẩm bằng bao bì giấy; đồng thời nâng cao ý thức, trách nhiệm của cộng đồng trong việc phân loại rác tái chế”, đại biểu Trương Xuân Cừ nói.
Theo thống kê, mỗi năm tại Việt Nam có khoảng 1,8 triệu tấn rác thải nhựa thải ra môi trường
Theo đại biểu Trương Xuân Cừ, mặc dù chính sách thuế ở Việt Nam đã có đầy đủ, nhưng do việc sử dụng túi nilong tiện lợi và chi phí rẻ nên việc thực thi vẫn chưa nghiêm. Do vậy, cần nghiên cứu có chính sách hỗ trợ người thu nhập thấp, gia đình có hoàn cảnh có khăn có thể hỗ trợ miễn phí túi đựng thân thiện với môi trường. Cùng với đó, thực hiện đồng bộ các biện pháp tuyên truyền, hỗ trợ, giáo dục, xã hội hóa hoạt động bảo vệ môi trường để có nguồn quỹ bảo vệ môi trường.
Hoàn thiện hành lang pháp lý phục vụ cho phát triển nền kinh tế tuần hoàn. Cần quy định trách nhiệm cụ thể của nhà sản xuất, nhà phân phối trong việc thu hồi, phân loại và tái chế hoặc chi trả chi phí xử lý các sản phẩm thải bỏ dựa trên số lượng sản phẩm bán ra trên thị trường; quản lý dự án theo vòng đời, thiết lập lộ trình xây dựng và áp dụng quy chuẩn, tiêu chuẩn về môi trường tương đương với nhóm các nước tiên tiến trong khu vực.
Đẩy nhanh việc hoàn thiện và ban hành các cơ chế chính sách ưu đãi, hỗ trợ thúc đẩy công nghiệp môi trường, trong đó có công nghiệp tái chế. Ban hành các quy chuẩn, tiêu chuẩn về công nghệ, thúc đẩy phát triển thị trường trao đổi sản phẩm phụ, sản phẩm thải bỏ để kết nối chuỗi giữa thải bỏ - tái chế - tái sử dụng để rác thải, chất thải trở thành tài nguyên thứ cấp trong hệ thống vòng kín của chu trình sản xuất mới.
Về quan điểm các doanh nghiệp sử dụng nhiều sản phẩm từ nhựa nhưng tỷ lệ tái chế không cao cần phải đánh thuế cao, đại biểu Trương Xuân Cừ cho rằng, cũng cần có lộ trình, bởi nâng mức thuế cao, ảnh hưởng đến lợi nhuận của doanh nghiệp, sẽ tác động gián tiếp tới người lao động, khiến lao động thất nghiệp. Do vậy, cần có các biện pháp phù hợp để nâng cao ý thức, trách nhiệm của doanh nghiệp trong công tác bảo vệ môi trường.