GÓC NHÌN: CHUYỂN ĐỔI SỐ NGÀNH CÔNG CHỨNG - BƯỚC ĐI CẦN THIẾT ĐỂ PHỤC VỤ NGƯỜI DÂN TỐT HƠN
Dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn đã được Chính phủ chỉ đạo Bộ Xây dựng, Ban soạn thảo triển khai nghiêm túc nhằm thể chế hoá các Nghị quyết của Đảng, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; các Nghị quyết số 89/2023/QH15 của Quốc hội, Nghị quyết số 793/NQ-UBTVQH15 ngày 07/6/2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh năm 2023. Nhìn chung, dự thảo Luật được chuẩn bị công phu, tiếp thu nhiều ý kiến tham gia đóng góp của các chuyên gia và cử tri, đáp ứng các yêu cầu của thực tiễn, có tính khả thi. Tuy nhiên, để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật, tôi cho rằng Ban soạn thảo cần cân nhắc, nghiên cứu một số vấn đề sau:
Thứ nhất, về quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn và quy hoạch ngành quốc gia được lập, thẩm định, phê duyệt, rà soát và điều chỉnh theo quy định của pháp luật về quy hoạch (tại Điều 3a)
Qua nghiên cứu và căn cứ tình hình thực tiễn về việc triển khai tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch đô thị và nông thôn trên địa bàn thành phố Hải Phòng, tôi nhất trí với Phương án “Không phân loại quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn theo chính quyền địa phương ở đô thị, đơn vị hành chính đô thị, chính quyền địa phương ở nông thôn, đơn vị hành chính nông thôn vì không tương ứng với nội dung quy hoạch. Theo phương án này, quy định trực tiếp các loại quy hoạch đô thị và nông thôn gồm quy hoạch được lập cho thành phố, thị xã, huyện, xã, thị trấn. Việc phân loại quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn theo chính quyền địa phương, đơn vị hành chính chưa phù hợp với nội dung quy hoạch và thực tế có những vùng mặc dù chưa lên quận, thị xã nhưng người dân chủ yếu không phải làm nông nghiệp, hạ tầng còn phát triển hơn nhiều các khu đô thị được định hướng phát triển trong tương lai.”
Theo quy hoạch , Hải Phòng sẽ phát triển từ mô hình “Đô thị trung tâm và các đô thị vệ tinh” thành mô hình “Đô thị đa trung tâm và các đô thị vệ tinh”. Ảnh: Hồng Phong.
Trên thực tế tại nhiều đơn vị hành chính xã thuộc địa bàn các huyện của thành phố Hải Phòng (chưa lên phường của quận hoặc chưa lên phường của thành phố trực thuộc thành phố) đã có hệ thống hạ tầng phát triển, nhiều khu vực người dân hầu như không chủ yếu làm nông nghiệp, hoặc tại một số khu vực đang hướng tới việc quy hoạch theo các chỉ tiêu đô thị chứ không áp dụng các chỉ tiêu của điểm dân cư nông thôn. Do vậy, việc quy định trực tiếp các loại quy hoạch đô thị và nông thôn gồm quy hoạch được lập cho thành phố, thị xã, huyện, xã, thị trấn là phù hợp với xu thế phát triển hiện nay tại các đô thị, thành phố có tốc độ đô thị hóa cao.
Tuy nhiên, trường hợp dự thảo Luật sử dụng phương án trên (Phương án 2) thì cần thiết phải làm rõ và có hướng dẫn cụ thể về các cấp độ quy hoạch đô thị tại các khu vực thuộc nông thôn mà có định hướng phát triển thành đô thị trong tương lai. Cụ thể, theo dự thảo Luật đang quy định tại các khu vực xã thì “nội dung quy hoạch phân khu được tích hợp trong nội dung quy hoạch chung”, như vậy có thể hiểu đối với khu vực thuộc địa bàn xã mà đã có định hướng phát triển lên đô thị theo định hướng Quy hoạch chung thành phố thì có thể triển khai ngay việc lập, thẩm định, phê duyệt Quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 khu đô thị (tức là bỏ qua bước lập quy hoạch phân khu đô thị). Dự thảo Luật cần làm rõ đối với trường hợp này (vẫn còn tồn tại cấp độ Quy hoạch chung xã mà đã được phê duyệt theo quy định tại Luật Xây dựng), có thể phát sinh nội dung trùng lặp hoặc mâu thuẫn giữa các cấp độ quy hoạch.
Thứ hai, cần phải làm rõ, xử lý mối quan hệ hoặc mâu thuẫn giữa các loại và cấp độ quy hoạch đô thị và nông thôn (Điều 5 và Điều 7)
Đây là nội dung mà nhiều địa phương thường xuyên gặp phải và có thể coi là một chủ đề “nóng” khi thực hiện công tác lập, thẩm định, phê duyệt, triển khai dự án theo các loại và cấp độ quy hoạch.
Dự thảo Luật cần phải làm rõ tính “tuân thủ”, “phù hợp” với các loại quy hoạch được luận giải như thế nào, nội dung nào của quy hoạch cần tuân thủ tuyệt đối, nội dung nào chỉ cần xem xét tính phù hợp và việc phù hợp là phù hợp ở mức độ như thế nào, rất cần làm rõ đối với từng cấp độ quy hoạch: quy hoạch chung cần có nội dung mang tính định hướng là như thế nào, không đưa các nội dung, thông số, thông tin quá cụ thể, quá chi tiết về các các dự án đầu tư, dẫn đến sự thiếu linh hoạt và gây khó khăn trong quá trình triển khai; mức độ cụ thể, chi tiết của quy hoạch phân khu như thế nào; quy hoạch chi tiết do nhà đầu tư lập, gắn với với dự án đầu tư cụ thể nhưng phải được cơ quan quản lý nhà nước phê duyệt, cần “tuân thủ”, “phù hợp” ra sao để bảo đảm được tính linh hoạt trong quá trình triển khai dự án đầu tư.
Cần phải làm rõ, xử lý mối quan hệ hoặc mâu thuẫn giữa các loại và cấp độ quy hoạch đô thị và nông thôn. (ảnh minh họa)
Theo đó, tại cấp độ quy hoạch chung, Ban soạn thảo có thể xem xét theo hướng là cần phải xây dựng khái niệm, định nghĩa của từ “định hướng”. Đồng thời cũng cần thiết phải làm rõ về cách thể hiện các loại bản vẽ, sơ đồ định hướng... của Đồ án quy hoạch chung (Ví dụ: các đường nét vẽ đối với các công trình theo tuyến hoặc vị trí đường nét thể hiện một khu vực trong Đồ án quy hoạch chung thì có cần phải chính xác tuyệt đối khi triển khai các cấp độ quy hoạch phân khu và quy hoạch chi tiết hay không? Hay chỉ hiểu một cách đơn giản là trong Đồ án quy hoạch chung thì định hướng tuyến sẽ bắt đầu từ điểm A và kết thúc tại điểm B; còn về hình dáng hoặc việc bổ sung các đoạn góc quay, việc mở rộng hoặc thu nhỏ lộ giới sẽ được xác định cụ thể theo các cấp độ Đồ án quy hoạch phân khu và chi tiết...). Tương tự, tại các cấp độ quy hoạch phân khu và quy hoạch chi tiết thì cần thiết có khái niệm, định nghĩa đối với sự “tuân thủ”, “phù hợp” gắn với việc thể hiện bản vẽ, sơ đồ hoặc trong thuyết minh kèm theo Đồ án quy hoạch đối với từng trường hợp cụ thể.
Thứ ba, về thẩm quyền phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch, quy hoạch đô thị và nông thôn của Thủ tướng Chính phủ:
Theo dự thảo Luật, Quy hoạch không gian ngầm, quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật của đô thị loại đặc biệt, quy hoạch chung thành phố thuộc tỉnh là đô thị loại I, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết có ý nghĩa quan trọng về chính trị, văn hóa, lịch sử, an ninh, quốc phòng thuộc thẩm quyền phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, các quy hoạch này là quy hoạch cụ thể hóa Quy hoạch tỉnh và Quy hoạch chung đô thị thành phố trực thuộc Trung ương là đô thị đặc biệt đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, liệu có cần thiết không Thủ tướng Chính phủ phê duyệt các quy hoạch này, hay phân cấp cho Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt các quy hoạch này để bảo đảm tính chủ động trong triển khai thực hiện của các địa phương?
Đối với nội dung này, đề nghị nghiên cứu, xem xét theo hướng phân cấp cho Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt các quy hoạch này để bảo đảm tính chủ động trong triển khai thực hiện của các địa phương.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trao Quyết định phê duyệt Quy hoạch cho lãnh đạo tỉnh Hưng Yên.
Thứ tư, về thẩm quyền của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt các nhiệm vụ quy hoạch và quy hoạch đô thị và nông thôn (khoản 2 Điều 41)
Theo dự thảo Luật, trong quá trình thẩm định của Hội đồng thẩm định đối với nhiệm quy hoạch và quy hoạch thuộc thẩm quyền phê duyệt của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phải gửi hồ sơ quy hoạch lấy ý kiến bằng văn bản của Bộ Xây dựng về sự tuân thủ quy định pháp luật, bảo đảm phù hợp với yêu cầu về phát triển, kết nối hạ tầng kỹ thuật vùng, tỉnh và việc tuân thủ quy chuẩn, tiêu chuẩn áp dụng trong nội dung quy hoạch.
Theo đó, tôi cho rằng cần làm rõ vị trí, vai trò, ý nghĩa của ý kiến của Bộ Xây dựng tại bước này, nên là trước, trong hay sau quá trình thẩm định và cần làm rõ hơn trách nhiệm của Ủy ban nhân dân tỉnh và Bộ Xây dựng đối với ý kiến tại bước này theo hướng nào. Vì vậy, tôi đề nghị nghiên cứu theo hướng Ủy ban nhân dân cấp tỉnh gửi hồ sơ quy hoạch lấy ý kiến bằng văn bản của Bộ Xây dựng tại thời điểm sau khi kết thúc quá trình thẩm định và nội dung này tương đương với việc lấy ý kiến thống nhất về nhiệm vụ và đồ án quy hoạch trước khi Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt.
Thứ năm, về các điều kiện điều chỉnh quy hoạch đô thị và nông thôn theo dự thảo Luật và trên thực tiễn:
Việc xem xét, quyết định điều chỉnh cục bộ (hoặc tổng thể) các đồ án quy hoạch là một trong nhưng nội dung rất quan trọng gắn với thực tiễn triển khai các dự án đầu tư xây dựng trên địa bàn thành phố Hải Phòng trong các năm qua. Theo dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn kỳ này chỉ quy định những điều kiện điều chỉnh mang tính chất vĩ mô với 6 trường hợp (Điều 45). Tuy nhiên trong thực tế triển khai, có một số trường hợp khác cần điều chỉnh quy hoạch là: nhằm khắc phục những hạn chế, thiếu sót của đồ án quy hoạch đã được phê duyệt; điều chỉnh quy hoạch để đảm bảo tính khả thi, phù hợp với tình hình mới để phát triển kinh tế - xã hội hoặc để triển khai dự án phù hợp với điều kiện thực tế hiện tại của địa phương, đảm bảo tính khả thi khi triển khai công tác thu hồi đất.
Bên cạnh đó, tôi cũng cho rằng cần thiết nghiên cứu tách riêng 1 khoản quy định về điều kiện điều chỉnh quy hoạch cho trường hợp điều chỉnh quy hoạch của các dự án đầu tư. Điều này vừa đảm bảo tính chặt chẽ của quy định về công tác quy hoạch, vừa đảm bảo tính mềm dẻo, linh hoạt của quy định trong thực tiễn, góp phần tháo gỡ khó khăn khi dự án thực sự cần thiết điều chỉnh quy hoạch (do thay đổi dây chuyền công nghệ yêu cầu về quy chuẩn mới như đánh giá tác động môi trường, phòng cháy chữa cháy dẫn đến thay đổi mặt bằng công năng, hoặc bổ sung một số trường hợp điều chỉnh quy hoạch để thống nhất với Luật đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản...).
Ngoài ra, tôi cho rằng cần nghiên cứu, xem xét thêm về một số nội dung khác, cụ thể như sau:
(1) Một trong những mục tiêu khi xây dựng dự thảo Luật là bảo đảm thống nhất về định hướng chung trong kiểm soát, quản lý, phát triển đô thị và nông thôn, phát triển hài hòa và gắn kết giữa không gian đô thị và nông thôn trong việc lập quy hoạch, đặc biệt đối với các khu vực nông thôn đang được định hướng đô thị hoá. Tuy nhiên, dự thảo chưa thể hiện được đầy đủ, cụ thể mục tiêu này. Thực tế cho thấy hiện nay, tại khu vực nông thôn định hướng phát triển đô thị mới, khi triển khai các dự án đầu tư để đáp ứng tiêu chí đô thị, vướng mắc nhất vẫn là sự không theo kịp về tính kết nối của các hạ tầng kỹ thuật (thoát nước mưa, xử lý và thoát nước thải, quản lý và xử lý chất thải rắn...); đồng thời việc lập kế hoạch thực hiện quy hoạch và nguồn lực thực hiện kế hoạch đang thiếu một khung luật pháp hướng dẫn một cách đồng bộ, có trình tự hợp lý; việc không đủ nguồn lực dẫn đến việc triển khai dự án đầu tư xây dựng với “phương án tạm” về hạ tầng kỹ thuật, có thể kéo theo hệ luỵ rất lớn phải điều chỉnh, bổ sung quy hoạch hạ tầng kỹ thuật hoặc xử lý những bất cập của quá trình xây dựng thiếu đồng bộ các công trình. Đề nghị Ban soạn thảo quan tâm, nghiên cứu kỹ hơn đến khía cạnh này và bổ sung quy định phù hợp hơn.
(2) Về Lập Quy hoạch nông thôn (Mục 3 Chương II): Các nội dung về Quy hoạch huyện và Quy hoạch xã (từ quy hoạch chung đến quy hoạch chi tiết) trong dự thảo có vẻ như chưa bao hàm hết đặc thù vùng miền của các khu vực nông thôn Việt Nam, mới đưa các lĩnh vực sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, làng nghề, nông nghiệp vào phạm vi quy hoạch, chưa rõ đối với khu vực nông thôn ven biển (nơi kinh tế và tổ chức không gian nông thôn có gắn với hoạt động nuôi trồng, khai thác thuỷ hải sản); hoặc khu vực miền núi, vùng cao (nơi kinh tế và tổ chức không gian nông thôn gắn với hoạt động bảo vệ và phát triển rừng, kinh tế lâm nghiệp). Đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục rà soát, bổ sung các yếu tố đặc thù của nông thôn theo vùng, miền.
Một trong những điểm rất đáng lưu ý trong Quy hoạch nông thôn là định hướng không gian cảnh quan. (hình minh họa)
(3) Một trong những điểm rất đáng lưu ý trong Quy hoạch nông thôn là định hướng không gian cảnh quan, quản lý kiến trúc đảm bảo giữ lại được những nét đặc thù độc đáo của nông thôn Việt Nam, nhưng vẫn tiếp cận được với nét hiện đại. Hiện nay, khi triển khai xây dựng nông thôn mới, chúng ta đang tập trung xây dựng hạ tầng nông thôn theo hướng bê tông hoá, kiên cố hoá theo kiểu đô thị, nhưng chưa có giải pháp phù hợp để giữ gìn cảnh quan; các mảng xanh nông thôn (vườn cây, không gian mặt nước) càng ngày càng bị thu hẹp để nhường chỗ cho các công trình nhà ở, trụ sở với các mảng tường xám theo kiểu đô thị; nông thôn Việt Nam đang dần bị bê tông hoá, mất dần cảnh quan đặc trưng nông thôn. Bên cạnh đó, tại khu vực nông thôn, đặc biệt là các khu vực đang định hướng đô thị hoá, điểm bất cập lớn hiện nay là việc quy hoạch hạ tầng kỹ thuật thoát nước, xử lý nước thải sinh hoạt. Sự khác biệt giữa nông thôn và đô thị thể hiện rõ ở tính phân tán của dân cư nông thôn, ranh giới không rõ ràng giữa các hạ tầng thoát nước thải sinh hoạt tại các khu, điểm dân cư với hạ tầng tưới, tiêu thuỷ lợi. Nếu không xử lý tốt vấn đề này ngay từ khâu quy hoạch, nguy cơ ô nhiễm nguồn nước nông thôn ngày càng rõ nét và khó kiểm soát.
Trong dự thảo Luật, những quy định liên quan đến lĩnh vực này còn hạn chế và khiêm tốn, đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, bổ sung để khắc phục thực tế này.
Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn liên quan đến rất nhiều Luật. Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục rà soát để đảm bảo tính thống nhất với hệ thống pháp luật hiện hành, cũng như dự thảo Luật Quản lý, phát triển đô thị đang được xây dựng./.
|
Đại biểu Quốc hội Lã Thanh Tân
Phó Trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách thành phố Hải Phòng
|