Error

Web Part Error: A Web Part or Web Form Control on this Page cannot be displayed or imported. The type TVPortal.Publishing.Category.wpMenuLeftDaiBieuQuocHoi2, TVPortal.Publishing.Category, Version=1.0.0.0, Culture=neutral, PublicKeyToken=616514c961de576d could not be found or it is not registered as safe. Correlation ID: b82967a1-797a-90f0-c4c5-0cf09a050c97.

Error Details:
[UnsafeControlException: A Web Part or Web Form Control on this Page cannot be displayed or imported. The type TVPortal.Publishing.Category.wpMenuLeftDaiBieuQuocHoi2, TVPortal.Publishing.Category, Version=1.0.0.0, Culture=neutral, PublicKeyToken=616514c961de576d could not be found or it is not registered as safe.]
  at Microsoft.SharePoint.ApplicationRuntime.SafeControls.GetTypeFromGuid(Boolean isAppWeb, Guid guid, Guid solutionId, Nullable`1 solutionWebId, String assemblyFullName, String typeFullName, Boolean throwIfNotSafe)
  at Microsoft.SharePoint.WebPartPages.SPWebPartManager.CreateWebPartsFromRowSetData(Boolean onlyInitializeClosedWebParts)

Cần xử lý tốt mối quan hệ giữa tiêu chuẩn, cơ cấu và chất lượng đại biểu

17/11/2014

Thảo luận về dự án Luật Bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND, nhiều ĐBQH đề nghị, trong luật hợp nhất lần này cần xử lý tốt hơn nữa mối quan hệ giữa tiêu chuẩn, cơ cấu và chất lượng đại biểu. Theo đó, một đại biểu không nên gánh quá nhiều cơ cấu. Hay không nên áp dụng một tiêu chuẩn chung cho ứng cử viên từ HĐND cấp xã tới QH. Và nên quy định trong Luật việc Hội đồng bầu cử quốc gia, thiết chế độc lập mới của Hiến pháp năm 2013, tự giải thể, miễn nhiệm khi hoàn thành nhiệm vụ.

ĐBQH Trịnh Ngọc Phương (Tây Ninh): Nên quy định một chế định là Hội đồng bầu cử quốc gia tự giải thể, miễn nhiệm khi hoàn thành nhiệm vụ

Về quy định thời điểm giải thể của Hội đồng bầu cử quốc gia, thẩm quyền đình chỉnh tư cách thành viên Hội đồng bầu cử quốc gia. Tôi thấy có một số vấn đề đặt ra: sau khi Hội đồng bầu cử quốc gia được thành lập, các chức danh được bầu, được phê chuẩn, các ban phụ trách các lĩnh vực chuyên môn được thành lập thì Hội đồng bầu cử quốc gia bắt đầu thực hiện nhiệm vụ, có thể từ khi được thành lập đến khi Hội đồng bầu cử hoàn thành nhiệm vụ là thời gian tương đối dài. Khi QH không họp mà có thành viên Hội đồng bầu cử quốc gia bị kỷ luật, vi phạm pháp luật thì có bị bãi nhiệm hay đình chỉ tư cách thành viên hay không? Nếu có thì chủ thể nào có thẩm quyền trong vấn đề này? Theo quy định tại khoản 1, Điều 2 hoặc khoản 3, Điều 43 của dự thảo Luật Tổ chức QH (sửa đổi) cũng như Luật Tổ chức QH hiện hành thì nhiệm kỳ của mỗi khóa QH là 5 năm kể từ ngày khai mạc Kỳ họp thứ Nhất của QH khóa mới đến ngày khai mạc Kỳ họp thứ Nhất của QH khóa sau. Nhiệm kỳ của UBTVQH bắt đầu từ khi được QH bầu ra và kết thúc khi QH khóa mới bầu ra UBTVQH. Như vậy, QH sẽ hết nhiệm kỳ trước UBTVQH. UBTVQH do QH khóa trước bầu sẽ kết thúc khi QH mới bầu ra UBTVQH mới. Về việc giải thể, miễn nhiệm phải do QH khóa mới thực hiện.

Căn cứ vào các quy định của pháp luật cho thấy trình tự, thủ tục bầu Chủ tịch và các thành viên Hội đồng bầu cử quốc gia giống như bầu Thủ tướng Chính phủ và thành viên Chính phủ. Hội đồng bầu cử quốc gia có vị trí vai trò rất quan trọng. Chỉ cơ quan quyền lực cao nhất là QH mới có thẩm quyền thành lập, có quyền bổ nhiệm Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia, phê chuẩn, miễn nhiệm chức danh khác. Tuy nhiên, trong dự thảo chỉ quy định thẩm quyền thành lập bầu và miễn nhiệm, không quy định giải thể, miễn nhiệm. Theo tinh thần chung của dự thảo, Hội đồng bầu cử quốc gia được thành lập để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình đến khi kết thúc bầu cử. Thời điểm thành lập Hội đồng bầu cử quốc gia sẽ do QH thành lập vào thời điểm phù hợp. Nhưng khi đã thành lập rồi thì sẽ giải thể, miễn nhiệm như thế nào và vào thời điểm nào?

Theo quy định chung, cơ quan thành lập, bổ nhiệm thì cơ quan đó có thẩm quyền giải thể, miễn nhiệm. Tại khoản 1, Điều 25 của dự thảo, Hội đồng bầu cử quốc gia hết nhiệm vụ sau khi đã trình QH khóa mới xác nhận tư cách ĐBQH, biên bản tổng kết và hồ sơ tài liệu về bầu cử ĐBQH. Như vậy, QH khóa trước là chủ thể thành lập Hội đồng bầu cử quốc gia đã hết nhiệm kỳ. QH khóa mới sẽ có thẩm quyền giải thể, miễn nhiệm.

Về mặt pháp lý, Hội đồng bầu cử quốc gia mặc dù đã hoàn thành nhiệm vụ, nhưng vẫn tồn tại, vì chưa bị giải thể, miễn nhiễm. Vậy có cần thiết phải có một chương trình trong kỳ họp đầu tiên của QH khóa mới để giải thể, miễn nhiệm hay không? Tôi cho rằng không cần thiết. Bởi kỳ họp QH khóa mới có rất nhiều công việc phải làm như bầu các chức danh trong bộ máy nhà nước, phê chuẩn các chức danh trong bộ máy nhà nước và thực hiện nhiệm vụ như các kỳ họp khác trong điều kiện thời gian có hạn là không phù hợp. Mặt khác, theo quy định tại khoản 2, Điều 11 của dự thảo, việc giải thể, bãi nhiễm Hội đồng bầu cử quốc gia thuộc thẩm quyền của QH, phải đưa vào chương trình kỳ họp thì mới thực hiện được. Đây chỉ là thủ tục hành chính mang tính mặc nhiên, mà mới đầu kỳ họp QH khóa mới đã có một thủ tục giải thể một cơ quan và bãi nhiệm là không phù hợp.

Theo quy định của Hiến pháp năm 2013, chỉ quy định thành lập về Hội đồng bầu cử quốc gia và bầu Chủ tịch, không quy định việc giải thể, miễn nhiệm. Vậy trong dự thảo này nên quy định một chế định phù hợp là tự giải thể, miễn nhiệm khi hoàn thành, kết thúc nhiệm vụ. Nhiệm vụ ở đây bao gồm cả nội dung khoản 1, Điều 25 và nội dung thanh quyết toán xong phần kinh phí cho ngân sách nhà nước. Vì vậy, tôi kiến nghị, không nên quy định nội dung miễn nhiệm tại khoản 2, Điều 1 dự thảo.

Theo đó, tôi kiến nghị như sau: sửa đổi khoản 2, Điều 1 là Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia do QH bầu theo đề nghị của UBTVQH. Các Phó chủ tịch và ủy viên Hội đồng bầu cử quốc gia do QH phê chuẩn theo đề nghị của Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia. Bổ sung khoản 4, Điều 11 của dự thảo, UBTVQH đình chỉ tư cách thành viên Hội đồng bầu cử quốc gia khi bị kỷ luật hoặc vi phạm pháp luật. Bổ sung vào khoản 5, Điều 25 của dự thảo là các tổ chức bầu cử quy định tại điều này tự giải thể đến khi kết thúc nhiệm vụ.

ĐBQH  Âu Thị Mai (Tuyên Quang): Một ứng cử viên là nữ không nên gánh quá 2 cơ cấu

Về dự kiến cơ cấu ĐBQH, đại biểu HĐND, tại Điều 7, Điều 8 của dự thảo Luật có quy định bảo đảm số lượng thích đáng đại biểu là nữ. Tuy nhiên, để bảo đảm bình đẳng giới trong bầu cử, tôi đề nghị Ban soạn thảo cần nghiên cứu đưa chỉ tiêu chính thức, cụ thể về tỷ lệ nữ tham gia ĐBQH và HĐND các cấp, theo đó một ứng cử viên nữ không gánh quá 2 cơ cấu. Thực tế trong quá trình bầu cử các nhiệm kỳ vừa qua, ở nhiều địa phương có tình trạng một đại biểu gánh quá nhiều cơ cấu. Ví dụ một đại biểu nữ, trẻ, người dân tộc thiểu số và phải là quần chúng, dẫn đến việc phải tìm đại biểu đáp ứng đủ các tiêu chuẩn theo cơ cấu rất khó khăn, do vậy phần nào cũng đã ảnh hưởng đến chất lượng đại biểu. Hơn nữa, để nâng cao chất lượng hoạt động của ĐBQH, tôi đồng tình với đại biểu Phạm Đức Châu (Quảng Trị) là dự thảo Luật cần bổ sung cơ cấu, thành phần là các ĐBQH tái cử. Bởi lẽ các ĐBQH đã qua một nhiệm kỳ sẽ có kỹ năng, tầm nhận thức, kinh nghiệm trong hoạt động của QH cũng như thảo luận tại các kỳ họp, khảo sát, giám sát mà các đại biểu khóa mới hay nhiệm kỳ đầu tiên không có được.

Về đơn vị bầu cử, tôi thấy nội dung quy định tại Điều 9 của dự thảo Luật còn chung chung. Để bảo đảm tính thống nhất trong bầu cử, tôi đề nghị dự thảo Luật phải quy định rõ các căn cứ, nguyên tắc để giới thiệu, phân bổ người ứng cử để các đơn vị bầu cử cụ thể. Vì thực tế qua các kỳ bầu cử có những đơn vị bầu cử 6 người để lấy 3; có đơn vị bầu cử 5 người lấy 3; có đơn vị bầu 4 người lấy 2.

Về thực hiện việc bầu cử Điều 65, dự thảo Luật quy định các hành vi bị nghiêm cấm khi thực hiện vận động bầu cử như không được lạm dụng uy tín, chức vụ, quyền hạn để sử dụng phương tiện thông tin đại chúng trong vận động bầu cử; không được lợi dụng vận động bầu cử để vận động tài trợ, quyên góp ở trong nước và nước ngoài cho tổ chức, cá nhân mình; không được sử dụng tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất để lôi kéo, mua chuộc cử tri. Tôi cho rằng những quy định này chưa chặt chẽ. Để bảo đảm sự cạnh tranh lành mạnh trong vận động bầu cử, tôi đề nghị dự thảo Luật cần bổ sung quy định: từ khi được công bố làm ứng cử viên vào bầu ĐBQH, đại biểu HĐND, các ứng cử viên không được tham gia bất kỳ chương trình từ thiện nào.

Về hình thức vận động bầu cử, Điều 66 dự thảo Luật quy định có 2 hình thức là: gặp gỡ, tiếp xúc với cử tri tại Hội nghị tiếp xúc cử tri do Ủy ban MTTQ các cấp ở địa phương, nơi mình ứng cử tổ chức; và thông qua các phương tiện thông tin đại chúng. Tôi thấy quy định như dự thảo Luật còn cứng nhắc. Đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung các hình thức vận động bầu cử khác, tạo điều kiện để cho người ứng cử sử dụng được một cách tốt nhất các cơ hội giới thiệu về bản thân. Song vẫn cần chặt chẽ để bảo đảm tính công bằng, dân chủ, khách quan trong quá trình vận động bầu cử của các ứng cử viên.

ĐBQH Nguyễn Thị Phúc (Bình Thuận): Cần xử lý tốt mối quan hệ giữa tiêu chuẩn, cơ cấu và chất lượng đại biểu

Về tiêu chuẩn, số lượng ĐBQH, đại biểu HĐND, tôi cho rằng, tiêu chuẩn và số lượng ĐBQH và HĐND là những nội dung quan trọng liên quan đến cơ cấu tổ chức bộ máy của QH, HĐND các cấp. Theo tôi Luật Bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND không nên quy định cụ thể tiêu chuẩn, số lượng ĐBQH, đại biểu HĐND các cấp, mà các nội dung này cần được quy định cụ thể trong Luật Tổ chức QH và Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Tuy nhiên, để cử tri lựa chọn đúng những đại biểu ưu tú, xứng đáng là người đại diện cơ quan quyền lực nhà nước, đồng thời bầu đủ số lượng đại biểu theo quy định, tôi đồng tình dự thảo Luật chỉ cần viện dẫn tiêu chuẩn của người ứng cử đại biểu như đã thể hiện ở Điều 3 là đầy đủ và phù hợp.

Về dự kiến cơ cấu, thành phần và phân bổ ĐBQH như đã thể hiện tại khoản 1, Điều 7 dự thảo Luật là bảo đảm tỷ lệ đại diện hợp lý của các tầng lớp nhân dân trong QH. Theo tôi quy định như thế là chưa cụ thể, chưa rõ, dẫn đến việc hiểu và triển khai Luật sẽ không thống nhất, không đồng bộ. Để nội dung này của Luật thể hiện cụ thể, thống nhất và đề phòng việc xem nhẹ tiêu chuẩn mà nặng về cơ cấu đại diện, tôi đề nghị dự thảo Luật cần bổ sung quy định rõ hơn ở cuối khoản 1, Điều 7 như sau: phải bảo đảm tương ứng về tiêu chuẩn của đại biểu và bảo đảm tỷ lệ đại diện hợp lý của các tầng lớp nhân dân trong QH.

Mặt khác, đất nước ta với nhiều thành phần, nhiều dân tộc, nhiều địa bàn thì cơ cấu là một trong những vấn đề cần quan tâm. Theo tôi cần xử lý tốt mối quan hệ giữa tiêu chuẩn, cơ cấu và chất lượng đại biểu. Trong một cơ cấu hợp lý phải bao gồm những người tiêu biểu nhất, có năng lực thực sự, đại diện cho ý chí, nguyện vọng chính đáng của cử tri - như vậy mới đáp ứng được mong muốn của cử tri. Thực tế trong quá trình bầu cử ở nhiều địa phương có tình trạng: một đại biểu phải gánh quá nhiều cơ cấu như: nữ, trẻ, ngoài Đảng, trí thức. Nên ngay khi lựa chọn để giới thiệu ứng cử viên đã khó, chưa nói đến một ứng cử viên gánh quá nhiều cơ cấu như thế thì chất lượng như thế nào? Để QH, HĐND hoạt động hiệu quả, có chất lượng thì việc chú trọng nâng cao chất lượng đại biểu là hết sức quan trọng. Tôi đề nghị Luật nên quy định một ứng cử viên không được gánh quá hai cơ cấu. Có như thế mới bảo đảm quyền bình đẳng giữa các ứng cử viên khi ra ứng cử.

Về quy định cơ cấu đại biểu nữ tại Điều 7 và Điều 8 dự thảo Luật có nêu bảo đảm số lượng thích đáng là phụ nữ. Thế nào là thích đáng? 5% - 15% - 50%? Theo tôi quy định này còn chung chung, chưa có ràng buộc pháp lý, cần được xem xét thêm. Bởi lẽ, trong những nhiệm kỳ qua, cũng với những quy định bảo đảm số lượng thích đáng là phụ nữ, các cấp, các ngành đã cố gắng phấn đấu đạt mục tiêu tăng tỷ lệ phụ nữ tham gia trong QH và HĐND các cấp. Nhưng thực tế tỷ lệ nữ tham gia QH và HĐND các cấp nhiệm kỳ sau so với nhiệm kỳ trước có xu hướng giảm. Đó là một điểm yếu trong công tác bầu cử hiện nay phải được xem xét để thực hiện tốt theo Nghị quyết 11 của Bộ Chính trị về công tác phụ nữ, mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới và khắc phục những tồn tại, yếu kém trong triển khai Luật. Tôi đề nghị bỏ cụm từ bảo đảm số lượng thích đáng đại biểu là phụ nữ ở Điều 7, Điều 8. Dự thảo Luật nên quy định chỉ tiêu cụ thể theo hướng tỷ lệ đại biểu mỗi giới không vượt quá 70%, để căn cứ vào đó cơ quan hữu quan, các địa phương, đơn vị liên quan có định hướng thực hiện tốt, bảo đảm tỷ lệ tham gia của mỗi giới – như vậy công tác bầu cử cũng sẽ hoàn thành mục tiêu, yêu cầu đề ra.

ĐBQH Nguyễn Anh Sơn (Nam Định): So với Hội đồng bầu cử theo luật hiện hành thì Hội đồng bầu cử quốc gia chưa có nhiều khác biệt rõ ràng

Qua nghiên cứu dự thảo Luật và các báo cáo thẩm tra, tôi nhận thấy Ban soạn thảo đã có nhiều cố gắng để quán triệt nội dung tinh thần Điều 117, Hiến pháp năm 2013 quy định về Hội đồng bầu cử quốc gia ở Mục 1, Chương II với 8 điều, từ Điều 11 đến Điều 18. Những vấn đề khá cơ bản về Hội đồng bầu cử quốc gia đã quy định trong các điều này từ việc thành lập, cơ cấu tổ chức, nguyên tắc hoạt động, nhiệm vụ, quyền hạn chung và nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể đến các mối quan hệ và bộ máy giúp việc.

Tuy nhiên, tôi nhận thấy Hội đồng bầu cử quốc gia với tư cách là một chế định mới của Hiến pháp so với Hội đồng bầu cử ĐBQH và HĐND các cấp theo luật hiện hành, thực ra chưa có nhiều khác biệt rõ ràng. Về cơ bản, các nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng bầu cử hiện hành được viết lại, sắp xếp lại, bổ sung không nhiều để trở thành nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng bầu cử quốc gia. Một số điều được coi là mới trong dự thảo Luật này, ví dụ Điều 12 nguyên tắc hoạt động; Điều 15 nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng bầu cử quốc gia đối với bầu cử HĐND các cấp; Điều 16 nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch, Phó chủ tịch, Tổng thư ký Hội đồng bầu cử quốc gia; Điều 17 các mối quan hệ công tác - thực ra vẫn đang được Hội đồng bầu cử ĐBQH và HĐND các cấp thực hiện.

Nếu tìm được điểm mới thực sự thì chỉ có 2 điểm. Hội đồng bầu cử quốc gia do QH thành lập Điều 11, thay vì do UBTVQH thành lập như hiện hành. Quy định về bộ máy giúp việc và kinh phí hoạt động của Hội đồng bầu cử quốc gia do UBTVQH quy định. Ngay trong các quy định mới này vẫn còn rất chung chung, chưa giải quyết hết những vấn đề đặt ra về hình thành chức năng, nhiệm vụ của Hội đồng bầu cử quốc gia, tính chất cũng như cơ cấu tổ chức cơ bản của bộ máy giúp việc của Hội đồng bầu cử quốc gia.

Khoản 1, Điều 117 Hiến pháp năm 2013 quy định Hội đồng bầu cử quốc gia là cơ quan do QH thành lập. Theo quy định của dự thảo Luật này Hội đồng bầu cử quốc gia sẽ là cơ quan khá đặc biệt, một cơ quan không giống bất cứ một cơ quan nào hiện có của QH do QH thành lập. Đó là một cơ quan không biết có hoạt động thường xuyên hay không, một cơ quan mà từ người đứng đầu (Chủ tịch) đến các thành viên và thậm chí cả bộ máy giúp việc đều hoạt động kiêm nhiệm không có dấu hiệu nào cho thấy đây là cơ quan chuyên trách.

Khoản 2, Điều 117 Hiến pháp năm 2013 quy định tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng bầu cử quốc gia do luật định. Rõ ràng nếu quy định như dự thảo Luật trình QH lần này thì chưa thể hiện đầy đủ được tinh thần Hiến pháp về chế định mới là Hội đồng bầu cử quốc gia. Tôi đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu đưa vào dự thảo thêm một số điều quy định cụ thể để giải đáp một loạt vấn đề đặt ra đối với Hội đồng bầu cử quốc gia mà đã được thảo luận rất kỹ trong quá trình thảo luận sửa đổi Hiến pháp vừa qua. Một số vấn đề cụ thể như Hội đồng bầu cử quốc gia được thành lập vào thời điểm nào, vào đầu nhiệm kỳ mỗi khóa QH hay vào cuối nhiệm kỳ QH khóa trước để chuẩn bị cho việc bầu cử QH khóa sau? Sẽ có một tình huống khi thông qua dự thảo Luật này thì lập tức phải thành lập luôn Hội đồng bầu cử quốc gia để chuẩn bị cho việc bầu cử ĐBQH, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ kế tiếp. Như vậy Hội đồng bầu cử quốc gia của khóa QH này sẽ làm nhiệm vụ cho khóa QH tiếp theo.

Nhiệm kỳ của Hội đồng bầu cử quốc gia bao nhiêu năm? Theo nhiệm kỳ của QH hay 7 năm hoặc khác với nhiệm kỳ của QH? Ngoài chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn chủ yếu là tổ chức về bầu cử ĐBQH và hướng dẫn, chỉ đạo việc bầu cử HĐND các cấp thì Hội đồng bầu cử quốc gia còn có thêm chức năng, nhiệm vụ gì khác không? Nếu là cơ quan hoạt động thường xuyên, đồng hành cùng với cả nhiệm kỳ QH, thì khi không làm nhiệm vụ bầu cử, Hội đồng bầu cử này làm việc gì? Có cần quy định thêm trong Luật nhiệm vụ của Hội đồng bầu cử quốc gia đối với các tình huống liên quan đến việc bầu cử bổ sung ĐBQH, bầu cử bổ sung đại biểu HĐND các cấp giữa nhiệm kỳ hay không? Hoặc nhiệm vụ của Hội đồng bầu cử quốc gia đối với tổ chức hoạt động miễn nhiệm ĐBQH ở các đơn vị bầu cử hay không? Cũng tính tới kinh nghiệm của một số Hội đồng bầu cử quốc gia của các quốc gia khác thì họ có thể làm thêm chức năng giúp QH trưng cầu dân ý. Ở Hiến pháp của ta đã có ý về trưng cầu dân ý thì có nên giao nhiệm vụ này cho Hội đồng bầu cử quốc gia hay không? Về bộ máy giúp việc của Hội đồng bầu cử quốc gia thì sẽ là cơ quan chuyên trách hay do VPQH đảm nhiệm. Đó là những câu hỏi đặt ra chúng tôi cho rằng Ban soạn thảo cần nghiên cứu để có những quy định cụ thể giải đáp.

(Theo Đại biểu Nhân dân)