Error

Web Part Error: A Web Part or Web Form Control on this Page cannot be displayed or imported. The type TVPortal.Publishing.Category.wpMenuLeftDaiBieuQuocHoi2, TVPortal.Publishing.Category, Version=1.0.0.0, Culture=neutral, PublicKeyToken=616514c961de576d could not be found or it is not registered as safe. Correlation ID: 6ade67a1-4920-90f0-c4c5-0e0376f12cce.

Error Details:
[UnsafeControlException: A Web Part or Web Form Control on this Page cannot be displayed or imported. The type TVPortal.Publishing.Category.wpMenuLeftDaiBieuQuocHoi2, TVPortal.Publishing.Category, Version=1.0.0.0, Culture=neutral, PublicKeyToken=616514c961de576d could not be found or it is not registered as safe.]
  at Microsoft.SharePoint.ApplicationRuntime.SafeControls.GetTypeFromGuid(Boolean isAppWeb, Guid guid, Guid solutionId, Nullable`1 solutionWebId, String assemblyFullName, String typeFullName, Boolean throwIfNotSafe)
  at Microsoft.SharePoint.WebPartPages.SPWebPartManager.CreateWebPartsFromRowSetData(Boolean onlyInitializeClosedWebParts)

GÓC NHÌN ĐẠI BIỂU: HIẾN GIỌT MÁU ĐÀO - TRAO ĐỜI SỰ SỐNG

02/03/2019

Trong không khí rộn ràng của hàng nghìn lễ hội đầu năm đang diễn ra trong cả nước, có một lễ hội vô cùng đặc biệt. Đó là Lễ hội Xuân hồng. Đây là sự kiện hiến máu lớn nhất trong năm do Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương khởi xướng từ năm 2008. Với thông điệp “hiến giọt máu đào – trao đời sự sống”, Lễ hội đã góp phần quan trọng đảm bảo lượng máu cho điều trị dịp ngay sau Tết Nguyên đán.

Lễ hội Xuân hồng 2019 thu hút thu hút 12.000 người tham dự, hơn 9.000 người đăng ký hiến máu và tiếp nhận được 7.311 đơn vị máu tại Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương

Khác với hàng nghìn lễ hội đầu xuân, đây có lẽ là lễ hội duy nhất những người tham dự không cầu xin điều gì cho bản thân mà chỉ đến để cho đi. Tham dự lễ hội, anh Nguyễn Văn Thành - trú tại phường Việt Hưng, quận Long Biên, thành phố Hà Nội, chia sẻ: đây là lần thứ ba anh đến hiến máu tại lễ hội Xuân hồng. Không chỉ tham gia thường xuyên vào hoạt động hiến máu anh còn tuyên truyền, động viên bạn bè, người thân tham gia tích cực vào hoạt động thiện nguyện này...

Cùng với mong muốn chia sẻ một phần nào khó khăn cho người bệnh trong điều trị, chị Nguyễn Hải Hà không dấu được tâm trạng hồi hộp khi lần đầu đi hiến máu. Chị Hà cho biết, qua các phương tiện truyền thông chị đã tìm đến lễ hội Xuân hồng để được hiến máu cứu người, được có thể giúp một phần nhỏ bé khắc phục tình trạng thiếu máu cho điều trị ngay sau Tết Nguyên đán.

Chính nhờ những tấm lòng cao đẹp của người hiến máu tình nguyện, vấn đề thiếu máu trong điều trị trong thời gian vừa qua đã được dần khắc phục, giải quyết tới 70-80% lượng máu thiếu.

TS.Bạch Quốc Khánh - Viện trưởng Viện Huyết học -Truyền máu Trung ương, Trưởng Ban tổ chức Lễ hội Xuân hồng, cho biết: Tết là nỗi lo với nhiều người, nhất là với người nghèo, người bệnh, trong đó có những người bệnh cần máu. Máu không thể bảo quản được lâu, cùng với kỳ nghỉ Tết kéo dài, nên lượng máu dự trữ đã không đáp ứng được nhu cầu máu rất cao ngay sau Tết Nguyên đán. Không chỉ người bệnh, mà chính chúng tôi cũng đang chờ đợi Lễ hội Xuân hồng để kịp thời lấp đầy sự thiếu hụt trầm trọng của kho dự trữ máu...

TS.Bạch Quốc Khánh - Viện trưởng Viện Huyết học -Truyền máu Trung ương, Trưởng Ban tổ chức Lễ hội Xuân hồng

Sau 11 kỳ tổ chức, Lễ hội Xuân hồng đã thu hút hơn 190.000 lượt người tham dự và 67.000 đơn vị máu được hiến tặng. Năm 2019, Lễ hội Xuân hồng lần thứ XII tiếp tục được Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương, Hội Thanh niên Vận động hiến máu Hà Nội và Ban Chỉ đạo Vận động hiến máu tình nguyện thành phố Hà Nội tổ chức tại Hà Nội. Lễ hội diễn ra liên tục trong 3 ngày từ 22 đến 24/02/2019. Với sự tham gia đông đảo, nhiệt tình của những tấm lòng thiện nguyện, Lễ hội năm nay đã thu hút 12.000 người tham dự, hơn 9.000 người đăng ký hiến máu và tiếp nhận được 7.311 đơn vị máu tại Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương. Bên cạnh đó, 37 điểm hiến máu hưởng ứng đã tiếp nhận được 3.994 đơn vị máu. Như vậy, cả kỳ Lễ hội Xuân hồng lần thứ XII - năm 2019 tại Hà Nội đã tiếp nhận được 11.305 đơn vị máu, giải quyết tình trạng thiếu máu khẩn cấp cho các cơ sở điều trị.

Lễ hội Xuân hồng chỉ là một trong số hàng loạt các chiến dịch hiến máu tình nguyện được Ban chỉ đạo quốc gia vận động hiến máu tình nguyện và các địa phương, đơn vị tích cực triển khai nhằm từng bước khắc phục tình trạng khan hiếm máu. Nhờ các giải pháp cụ thể, số đơn vị máu tiếp nhận qua các chương trình hiến máu tăng liên tục, năm sau cao hơn năm trước. Ðến năm 2012 tăng gấp gần hai lần và đến năm 2017 tăng gần ba lần so với năm 2008. Ðồng thời, số đơn vị máu của người hiến máu tự nguyện ngày càng chiếm ưu thế và số đơn vị máu của người hiến máu lấy tiền và người nhà cho máu ngày càng giảm mạnh. Theo báo cáo của Ban chỉ đạo các tỉnh, thành phố và ba cơ quan thành viên Ban chỉ đạo quốc gia là Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và Viện Huyết học - Truyền máu T.Ư, giai đoạn 2008 - 2017, cả nước đã vận động và tiếp nhận được 10.175.048 đơn vị máu (tương đương với 2.543.762 lít máu).

Kết quả vận động và tiếp nhận máu trong những năm qua tuy đã đạt được những thành tích đáng khích lệ, nhưng lượng máu thu được hằng năm theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới mới đáp ứng từ 70 đến 80% nhu cầu cấp cứu và điều trị; còn nhiều địa phương tỷ lệ dân số hiến máu thấp dưới 1%; tỷ lệ đơn vị máu hiến thể tích hơn 250 ml còn thấp... Ở một số địa phương, đối tượng hiến máu vẫn dựa chủ yếu vào lực lượng thanh niên, học sinh, sinh viên, chưa tích cực mở rộng ra các đối tượng khác…Vậy cần có giải pháp gì để tiếp tục nhân rộng, lan tỏa hoạt động thiện nguyện cao cả này trong xã hội? Phóng viên Truyền hình Quốc hội đã có cuộc trao đổi với GS.TS Nguyễn Anh Trí - đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội, về nội dung này:

Đại biểu Nguyễn Anh Trí, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội

Phóng viên: Cảm ơn  đại biểu đã dành thời gian trả lời phỏng vấn của Truyền hình Quốc hội Việt Nam. Thưa đại biểu, bên cạnh những lễ hội truyền thống, có một lễ hội rất đặc biệt đó là Lễ hội Xuân hồng. Là một đại biểu Quốc hội nhưng cũng là người có nhiều năm công tác trong lĩnh vực huyết học, người trực tiếp găn bó với lễ hội này, đại biểu có thể chia sẻ đôi điều về lễ hội đặc biệt này?

Đại biểu Nguyễn Anh Trí, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội: Như chúng ta đã biết, thông thường ở các lễ hội khác mọi người đến để cầu xin điều may mắn đầu xuân hoặc để vui chơi, làm những việc mang tính tâm linh. Tuy nhiên, riêng Lễ hội Xuân hồng thì mọi người lại đến để làm việc thiện, để cho đi, cứu giúp những người không may bị bệnh cần đến máu để điều trị. Nhìn lại thời gian cách đây hơn 15 năm, khi ấy quan niệm đi hiến máu vào dịp tết là hết sức nặng nề do quan niệm có thể nói là trường cửu gắn liền với tư duy của người dân việt cho rằng: đầu xuân năm mới đi hiến máu là cho đi may mắn. Tuy nhiên, bằng lễ hội Xuân, chúng ta đã dần thay đổi được quan niệm đó thậm chí mỗi kỳ Lễ hội Xuân hồng thì đó là một ngày vui, ngày mà đông đảo người dân đặc biệt là các bạn trẻ đến làm công tác thiện nguyện hiến máu cứu người.

Phóng viên: Nhiều năm, Lễ hội Xuân hồng cũng như các hoạt động hiến máu tình nguyện khác đã có những đóng góp tích cực như thế nào đối với việc điều trị người bệnh, thưa đại biểu?

Đại biểu Nguyễn Anh Trí, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội: Trước năm 2008, cứ sau 1 kỳ nghỉ Tết âm lịch tình trạng thiếu máu lại xảy ra ở mức độ hết sức trầm trọng. Tuy nhiên, với việc tổ chức Lễ hội Xuân hồng do Viện huyết học truyền máu Trung ương khởi xướng tổ chức đã giúp có lượng máu cần thiết giải quyết được tình trạng thiếu máu sau tết. Trên thực tế, kết quả tổ chức cho thấy, đến khoảng kỳ thứ 6 trở đi thì Lễ hội Xuân hồng đã giải quyết được cơ bản tình trạng thiếu máu nói chung trên bình diện cả nước. Đây là thành công hết sức to lớn, đóng góp trực tiếp và kịp thời vào công tác cứu chữa, điều trị cho bệnh nhân.

Phóng viên: Với những đóng góp tích cực của hoạt động hiến máu tình nguyện đối với công tác cứu chữa người bệnh thì việc tiếp tục nhân rộng hoạt động thiện nguyện này là vô cùng cần thiết. Đại biểu có đề xuất giải pháp gì để tiếp tục thúc đẩy hoạt động này mạnh mẽ hơn nữa?

Đại biểu Nguyễn Anh Trí, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội: Để tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa hoạt động hiến máu tình nguyện, tôi cho rằng cần phải thực hiện một số việc cơ bản như sau: Thứ nhất, cả xã hội cần tiếp tục vào cuộc nhưng tất nhiên Ban Chỉ đạo vận động Quốc gia hiến máu tình nguyện rồi hệ thống truyền máu trong cả nước phải đóng vai trò chủ lực, nòng cốt. Bên cạnh đó, các cấp chính quyền cũng phải vào cuộc để hưởng ứng cho Lễ hội này. Đây là lễ hội hết sức đặc biệt, riêng có của nước ta trên thế giới không đâu có lễ hội này. Thứ hai, phải tổ chức thật tốt công tác truyền thông, tuyên truyền vận dộng nói chung để người dân hiểu và tham gia hưởng ứng Lễ hội Xuân hồng nói riêng và phong trào hiến máu nói chung. Thứ ba, tiếp tục hoàn thiện chế độ chính sách, quyền lợi, kể cả việc tôn vinh hoạt động hiến máu đặc biệt trong dịp Lễ hội Xuân hồng. Thứ tư, rất mong Bộ Y tế, Ban Chỉ đạo Quốc gia hiến máu tình nguyện tiếp tục nhanh chóng hoàn thiện các thủ tục cần thiết trình Thủ tướng để Lễ hội Xuân hồng được công nhận là Lễ hội Quốc gia.

Phóng viên: Đại biểu có thông điệp gì muốn nhắn đến mọi người, đặc biệt là các bạn trẻ, để hoạt động thiện nguyện này được thực sự lan toả mạnh mẽ trong cộng đồng?

Đại biểu Nguyễn Anh Trí, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội: Cho phép tôi được gửi đến các quý vị và nhất là các bạn trẻ một thông điệp về hiến máu nhân đạo. Đó là: "Máu thường xuyên cần và rất cần để điều trị cho bệnh nhân và máu  không lấy ồ ạt dồn dập 1 ngày được, 1 thời gian ngắn được vì khoảng thời gian để lưu giữ máu không thể kéo dài. Do đó, việc hiến máu xin hãy hiến đều đặn trong năm và đặc biệt vào dịp Lễ hội Xuân hồng, Hành trình đỏ bởi đây là những thời điểm mấu chốt thiếu máu nhất".

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Đại biểu!

Lê Anh