Error

Web Part Error: A Web Part or Web Form Control on this Page cannot be displayed or imported. The type TVPortal.Publishing.Category.wpMenuLeftDaiBieuQuocHoi2, TVPortal.Publishing.Category, Version=1.0.0.0, Culture=neutral, PublicKeyToken=616514c961de576d could not be found or it is not registered as safe. Correlation ID: 957f68a1-19e0-90f0-c4c5-045698163bff.

Error Details:
[UnsafeControlException: A Web Part or Web Form Control on this Page cannot be displayed or imported. The type TVPortal.Publishing.Category.wpMenuLeftDaiBieuQuocHoi2, TVPortal.Publishing.Category, Version=1.0.0.0, Culture=neutral, PublicKeyToken=616514c961de576d could not be found or it is not registered as safe.]
  at Microsoft.SharePoint.ApplicationRuntime.SafeControls.GetTypeFromGuid(Boolean isAppWeb, Guid guid, Guid solutionId, Nullable`1 solutionWebId, String assemblyFullName, String typeFullName, Boolean throwIfNotSafe)
  at Microsoft.SharePoint.WebPartPages.SPWebPartManager.CreateWebPartsFromRowSetData(Boolean onlyInitializeClosedWebParts)

GÓC NHÌN ĐẠI BIỂU: CẦN TĂNG CƯỜNG ĐƯA NỘI DUNG CHỐNG XÂM HẠI TRẺ EM VÀO TRƯỜNG HỌC

10/07/2020

Đại biểu Hoàng Thị Hoa – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng cần tăng cường đưa nội dung phòng, chống xâm hại trẻ em vào nhà trường. Các trường học phải phối hợp với phụ huynh trong việc giáo dục trẻ các kỹ năng để phòng chống xâm hại...

 

Những năm qua, cùng với sự quan tâm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em nói chung và phòng, chống xâm hại trẻ em nói riêng đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, bảo đảm thực hiện ngày càng tốt hơn các quyền của trẻ em. Tuy nhiên, vẫn xảy ra các vụ xâm hại trẻ em, trong đó nhiều vụ xâm hại nghiêm trọng.

Chính phủ cho biết, giai đoạn từ ngày 01/01/2015 đến ngày 30/6/2019, có 8.442 vụ xâm hại trẻ em được phát hiện, xử lý, với 8.709 trẻ em bị xâm hại. Ngoài ra, còn số lượng khá lớn trẻ em lao động không đúng quy định của pháp luật về lao động, trẻ em bị bỏ rơi, bỏ mặc và trẻ em tảo hôn. Trẻ em bị xâm hại dưới nhiều hình thức khác nhau là vấn đề gây bức xúc trong xã hội nên cần phải có giải pháp hữu hiệu để phòng chống và ngăn chặn. Vấn đề này đã làm “nóng” nghị trường Quốc hội tại kỳ họp thứ 9 vừa qua. Chính vì thế, Quốc hội khóa XIV chính thức thông qua Nghị quyết về tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em với 100% đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành.


Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga.

Giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết về tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga nêu rõ: Quốc hội cơ bản tán thành nội dung Báo cáo số 69/BC-ĐGS ngày 19/5/2020 của Đoàn giám sát của Quốc hội về kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em từ ngày 01/01/2015 đến ngày 30/6/2019.

Thời gian qua, hệ thống chính sách, pháp luật về bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em nói chung và phòng, chống xâm hại trẻ em nói riêng được ban hành tương đối đầy đủ, đồng bộ, kịp thời thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng, bám sát yêu cầu thực tiễn, tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho công tác bảo vệ trẻ em nói chung, phòng, chống xâm hại trẻ em nói riêng. Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em đã đạt được những kết quả tích cực. Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, kiến thức, kỹ năng phòng, chống xâm hại trẻ em được quan tâm hơn, góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của gia đình, nhà trường, cơ quan, tổ chức và toàn xã hội trong việc phòng, chống xâm hại trẻ em, đồng thời giúp trẻ em nâng cao hiểu biết, kiến thức, kỹ năng tự bảo vệ bản thân. Việc áp dụng các biện pháp hỗ trợ, can thiệp đối với trẻ em có nguy cơ bị xâm hại và trẻ em bị xâm hại được chú trọng hơn. Các vụ việc, vụ án xâm hại trẻ em cơ bản được xử lý kịp thời, nghiêm minh, góp phần phòng ngừa vi phạm, tội phạm xâm hại trẻ em.

Bên cạnh những kết quả đạt được nêu trên, việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em còn một số hạn chế, bất cập. Một số quy định của Luật Trẻ em và các luật khác có liên quan chưa được hướng dẫn kịp thời, đầy đủ gây khó khăn trong tổ chức thực hiện; Chế tài quy định trong một số nghị định xử phạt vi phạm hành chính liên quan đến phòng, chống xâm hại trẻ em còn nhẹ, chưa bảo đảm tính răn đe. Bạo lực đối với trẻ em xảy ra trong gia đình ít được phát hiện, xử lý. Việc bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng là yêu cầu bức thiết nhưng pháp luật quy định chưa đầy đủ, kịp thời, tiềm ẩn nhiều nguy cơ trẻ em bị xâm hại.  Nội dung, hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật chậm được đổi mới, chưa phù hợp với một số nhóm đối tượng, đặc điểm địa bàn dân cư, nhất là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Công tác xây dựng môi trường sống an toàn, lành mạnh nhằm phòng, chống xâm hại trẻ em ở nhiều địa phương chưa được quan tâm đúng mức; chưa có biện pháp hiệu quả để phòng ngừa, giảm thiểu việc trẻ em lao động trái quy định của pháp luật; nhiều nơi thiếu các điểm vui chơi, giải trí, hoạt động văn hóa, thể dục, thể thao cho trẻ em. Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý các hành vi xâm hại trẻ em ở một số địa phương chưa được tiến hành thường xuyên, kịp thời, hiệu quả chưa cao. Trong thời gian tới, nếu không có các biện pháp phòng ngừa hiệu quả thì tình hình xâm hại trẻ em sẽ vẫn diễn biến phức tạp và có chiều hướng tăng.


Các đại biểu Quốc hội thông qua Nghị quyết về tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em.

Những tồn tại, hạn chế trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em có nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân chủ quan là chủ yếu. Một số cấp ủy, chính quyền địa phương và cơ quan chức năng chưa nhận thức đầy đủ, chưa thực sự quan tâm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em nói chung, phòng, chống xâm hại trẻ em nói riêng. Công tác quản lý nhà nước về phòng, chống xâm hại trẻ em có mặt còn chưa hiệu quả. Một số cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền chưa làm hết trách nhiệm được giao. Công tác phối hợp giữa chính quyền địa phương, cơ quan, tổ chức và gia đình về phòng, chống xâm hại trẻ em trong nhiều trường hợp chưa thực chất và chưa hiệu quả. Mặt trái của kinh tế thị trường, thiếu việc làm, đời sống khó khăn, tác động mặt trái tiêu cực của internet, mạng xã hội... cũng là những nguyên nhân làm phát sinh các vụ, việc xâm hại trẻ em. Nhân lực làm công tác trẻ em còn thiếu về số lượng, kiêm nhiệm nhiều việc và thường xuyên thay đổi, một bộ phận còn hạn chế về chuyên môn, nghiệp vụ, kinh nghiệm công tác. Ngân sách, cơ sở vật chất dành cho công tác bảo vệ trẻ em, trong đó có phòng, chống xâm hại trẻ em còn thiếu, chưa đáp ứng yêu cầu.

Việc trẻ em bị xâm hại dưới nhiều hình thức khác nhau ngày càng gia tăng là vấn đề gây bức xúc trong xã hội cần phải có giải pháp hữu hiệu để phòng chống và ngăn chặn. Để có thêm giải pháp trong việc phòng chống xâm hại trẻ em, phóng viên Cổng Thông tin điện tử Quốc hội phỏng vấn Đại biểu Hoàng Thị Hoa – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang.


Đại biểu Hoàng Thị Hoa – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội.

Phóng viên: Đại biểu có đánh giá như thế nào đối với kết quả báo cáo của Chính phủ về số lượng trẻ em bị xâm hại từ ngày đầu tháng 01/2015 đến ngày 30/6/2019?

Đại biểu Hoàng Thị Hoa – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội: Số lượng trẻ em bị xâm hại từ năm 2015 cho đến cuối tháng 6/2019 và cho đến nay tiếp tục tăng không phải là bức tranh tổng thể mà chỉ là “bề nổi của tảng băng”. Nhiều trường hợp trẻ em bị xâm hại chưa bị phát hiện vì nhiều yếu tố nhưng chủ yếu vẫn là nguyên nhân chủ quan. Đó là do còn sợ ảnh hưởng đến văn hóa, tên tuổi của gia đình nên những gia đình có con bị xâm hại rất ngại đến cơ quan công an hay bất kỳ cơ quan nào để trình báo.

Hiện nay, nền kinh tế đã có nhiều bước phát triển nhưng cũng tiềm ẩn những mặt trái đã làm băng hoại một số giá trị đạo đức trong xã hội. Thực tế đã chứng minh điều này khi số lượng trẻ em bị xâm hại đang tăng lên có một phần nguyên nhân từ phía người thân, họ hàng của các em thực hiện hành vi xâm hại.

Nền kinh tế thị trường cũng khiến nhiều phụ huynh chú trọng, mải mê lo làm giàu, phát triển kinh tế nhưng sao nhãng quan tâm đến con em mình. Nhiều ông bố, bà mẹ dành ít thời gian tâm sự, lắng nghe chia sẻ để hiểu con đang suy nghĩ, gặp khúc mắc gì trong cuộc sống hay hướng dẫn các cháu biết cách chăm sóc, bảo vệ mình để tránh bị xâm hại. Thực tế, có nhiều trẻ ít được sự quan tâm từ gia đình đã rơi vào trạng thái cô đơn nên dễ dàng bị xâm hại.

Bên cạnh những gia đình khá giả, kinh tế phát triển có con bị xâm hại thì còn những gia đình nghèo khó, cha mẹ ly hôn cũng có con rơi vào tình huống xấu này. Thực tế có các cháu rất nghèo, cha mẹ phải lên các thành phố lớn lao động nên không có thời gian chăm sóc con. Còn trường hợp các cháu có cha mẹ ly hôn nhưng lại không ở với một trong hai người này mà lại ở với ông bà, người thân nên cũng dễ bị xâm hại. Mặt khác, những người nghiện rượu, bia, ma túy và các chất kích thích khác không biết kiềm chế bản thân đã thực hiện hành vi xâm hại tình dục trẻ em.

Ngoài những nguyên nhân trên, công tác thông tin tuyên truyền cách thức cho các gia đình, trẻ em hiểu biết về việc phòng chống xâm hại trẻ em còn hạn chế. Ví dụ như nhiều gia đình còn hiểu một cách mơ hồ về việc xâm hại trẻ em từ môi trường mạng Internet. Hiện nay, các phụ huynh băn khoăn là có nên cho trẻ truy cập Internet, sử dụng mạng xã hội hay không. Nếu cho trẻ sử dụng thì cần có biện pháp hướng dẫn trẻ sử dụng như thế nào một cách hiệu quả, không bị lợi dụng là vấn đề còn gây nhiều tranh luận.

Phóng viên: Thưa đại biểu, ngoài việc tuyên truyền tới các gia đình về việc quan tâm hơn tới con mình thì việc đưa nội dung chống xâm hại trẻ em rất quan trọng, cần được tăng cường ở các trường học như thế nào?

Đại biểu Hoàng Thị Hoa – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội: Để phòng chống xâm hại trẻ em, chúng ta cần có sự tuyên truyền tới các gia đình lưu ý tới việc chăm sóc, quan tâm tới trẻ hơn. Ngoài ra, cần tăng cường đưa nội dung phòng chống xâm hại trẻ em vào nhà trường. Theo đó, các trường học phải phối hợp với phụ huynh trong việc giáo dục trẻ các kỹ năng để phòng chống xâm hại và nếu khi bị xâm hại thì phải làm gì... Mặt khác, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có sự phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông để đưa ra những quy định quản lý, bảo vệ trẻ em từ môi trường học tập, sinh sống hàng ngày đến môi trường mạng Internet.

Phóng viên: Để trẻ em được học tập và sống an toàn, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội sẽ phối hợp với các cơ quan khác thực hiện giám sát, tăng cường các biện pháp phòng chống xâm hại trẻ em trong thời gian tới như thế nào, thưa đại biểu?

Đại biểu Hoàng Thị Hoa – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội: Với những kiến nghị của đoàn giám sát của Quốc hội đối với công tác bảo vệ trẻ em, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng phải có những đề xuất giải pháp tăng cường phòng chống xâm hại trẻ em tới Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cũng như những cơ quan quản lý Nhà nước khác. Những văn bản nào thiếu, cần phải hướng dẫn và có những đánh giá sơ kết, tổng kết về công tác phòng chống xâm hại trẻ em cũng được Ủy ban đề xất với các thành viên của Chính phủ và cơ quan chức năng thực hiện dưới sự đôn đốc, giám sát. Những kiến nghị của đoàn giám sát của Quốc hội cần phải được thực hiện trong thời gian tới đây để công tác phòng chống xâm hại trẻ em đạt hiệu quả cao nhất.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn đại biểu!

Về cơ bản, đại biểu Hoàng Thị Hoa cho rằng: Những vụ xâm hại trẻ em dưới nhiều hình thức khác nhau gia tăng là vấn đề nhức nhối cần có giải pháp để phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý kịp thời. Bên cạnh việc kêu gọi các gia đình thường xuyên quan tâm đến con em thì từ phía nhà trường và các cơ quan, ban ngành cần có những giải pháp hữu hiệu hơn đối với việc này. Ngoài ra, công tác giáo dục trẻ em biết cách thức chăm sóc, tự bảo vệ mình trước những hành vi xâm hại cũng hết sức quan trọng./.

Bích Lan