Đại biểu Quốc hội Nguyễn Quốc Hưng, Đoàn ĐBQH TP. Hà Nội phát biểu tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV
Tham gia đóng góp ý kiến về các nhiệm vụ và giải pháp phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2026, đại biểu Quốc hội Nguyễn Quốc Hưng, Đoàn ĐBQH TP. Hà Nội kiến nghị cần đầu tư phát triển mạnh công nghiệp văn hóa, công nghệ y tế, kinh tế, giáo dục, kinh tế - thể thao và du lịch... Đại biểu đánh giá đó là những ngành mà nước ta có tiềm năng, thế mạnh rất lớn, chưa khai thác và phát huy được nhiều, nhất là nguồn nhân lực với hơn 100 triệu người dân Việt trong và ngoài nước rất cần cù thông minh, nghị lực và yêu nước. Phát triển kinh tế - văn hóa xã hội, chúng ta sẽ đạt được mục tiêu kép vừa chống dịch COVID-19 và các loại virus độc hại khác cho sức khỏe và con người, vừa phát triển kinh tế và cũng thu được lợi ích kép. Không chỉ có con người Việt Nam toàn diện đức, trí, thể, mỹ có một xã hội văn minh, nền nếp, dân trí, văn hóa cao mà còn rất hiệu quả về kinh tế. Đại biểu Quốc hội Nguyễn Quốc Hưng đưa ra minh chứng về văn hóa: Văn Miếu - Quốc Tử Giám được đầu tư xây thêm vào năm 2000 khoảng 18 tỷ đồng, thu ngân sách đã tăng từ 300 triệu/năm lên hơn 40 tỷ vào năm 2019. Lợi ích về giữ gìn di sản văn hóa, quảng bá truyền thống văn hiến đất nước, con người và du lịch Việt Nam là không đo đếm được, nguồn tài chính thu về cũng không ít. Nếu thống kê trên phạm vi toàn quốc và cả các lĩnh vực khác của kinh tế văn hóa, chắc chắn số thu sẽ rất lớn.
Về giáo dục, ước tính học sinh Việt Nam du học nước ngoài chi khoảng 3 tỷ đôla/1 năm. Nếu ta đầu tư phát triển mạnh cho kinh tế, giáo dục nước nhà đạt tầm quốc tế thì không chỉ đáp ứng nhu cầu đào tạo nhân lực chất lượng cao, thu hút nhiều học sinh trong và ngoài nước mà còn giảm chảy máu ngoại tệ, chất xám ra nước ngoài lại tăng thu từ đào tạo sinh viên quốc tế. Cũng như văn hóa, đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển. Bởi vì giáo dục và văn hóa đều nâng cao năng lực, phẩm chất và đạo đức con người, mà nguồn lực con người ngày càng đóng vai trò quan trọng hơn trong hoạt động kinh tế.
Về y tế, ước tính có khoảng 40.000 người Việt Nam ra nước ngoài chữa bệnh, làm đẹp, với chi phí hơn 2 tỷ đô/1 năm. Nếu nửa số người trên điều trị trong nước, chúng ta đã tiết kiệm được gần 1 tỷ USD/1 năm. Trình độ bác sĩ ta ngày càng cao có nhiều thành tựu được thế giới công nhận, các thiết bị kỹ thuật từ nha khoa thẩm mỹ đến phẫu thuật nội soi, ung bướu, ghép tạng tại Việt Nam đều có chất lượng không thua kém, giá dịch vụ thấp hơn nhiều so với các nước phát triển, nhưng người Việt vẫn phải lận đận ra nước ngoài điều trị, kèm theo người nhà chăm sóc. Công nghiệp dược chưa đáp ứng được yêu cầu của xã hội, dù tiềm năng của chúng ta là rất lớn. Sau thắng lợi chống dịch COVID-19, y tế Việt Nam lại càng thêm uy tín trên trường quốc tế. Đại biểu Nguyễn Quốc Hưng bày tỏ niềm tin rằng, với sự quan tâm của Chính phủ, với quyết tâm cao của tân Bộ trưởng Bộ Y tế, ngành công nghiệp y tế và công nghiệp dược sẽ được đầu tư và phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong năm tới để Việt Nam thành cường quốc y tế, vừa phục vụ tốt sức khỏe đồng bào, vừa phát triển kinh tế./.