Cơ bản đồng tình với nhiều nội dung trong Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016-2021 của Kiểm toán nhà nước cũng như các kiến nghị trong Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính, Ngân sách, đại biểu Nguyễn Trường Giang đánh giá, với sự cố gắng, nỗ lực, Kiểm toán nhà nước đã từng bước khẳng định vị thế là cơ quan kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công do Quốc hội thành lập, là công cụ quan trọng của nhà nước trong việc kiểm tra, giám sát việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công.
Đại biểu Nguyễn Trường Giang – Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông phát biểu tại Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV.
Kiểm toán nhà nước đã quán triệt, chỉ đạo thực hiện nghiêm các nghị quyết của Đảng, pháp luật của nhà nước, đặc biệt là triển khai các nghị quyết, các chương trình giám sát theo chương trình giám sát của Quốc hội. Từ việc xây dựng đến quyết định kế hoạch kiểm toán đã căn cứ và bám sát vào chủ trương của Đảng, các nghị quyết của Quốc hội, tập trung vào các vấn đề được dư luận xã hội quan tâm. Chủ động phối hợp với cơ quan thanh tra, kiểm tra trong quá trình xây dựng và ban hành kế hoạch kiểm toán và từng bước khắc phục được sự chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động của các cơ quan.
Việc thực hiện kế hoạch kiểm toán được triển khai một cách khoa học, hợp lý hơn và cơ bản hoàn thành các cuộc kiểm toán theo kế hoạch, bảo đảm thực hiện kiểm toán theo yêu cầu của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội với nhiều giải pháp đổi mới trong hoạt động của kiểm toán và chú trọng đánh giá tính kinh tế, hiệu quả, tính hiệu lực trong sử dụng tài chính công, tài sản công.
Kiểm toán nhà nước đã tích cực trong việc triển khai thực hiện các giải pháp để nâng cao chất lượng kiểm toán và chất lượng của công tác kiểm tra, thực hiện kiến nghị của kiểm toán; phối hợp với các cơ quan, đơn vị trong việc đôn đốc thực hiện các kiến nghị của kiểm toán.
Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Trường Giang cũng bày tỏ băn khoăn về việc xử lý các kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước. Ông nêu rõ, theo quy định của Luật Kiểm toán, báo cáo kiểm toán của Kiểm toán nhà nước sau khi phát hành và công khai có giá trị bắt buộc phải thực hiện đối với đơn vị được kiểm toán về sai phạm trong việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công.
Trong nhiệm kỳ vừa qua, Kiểm toán đã kiến nghị xử lý tài chính tới hơn 3.500 tỷ, bằng 3,5 lần so với giai đoạn 2011-2015 và kiến nghị sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ thay thế 786 văn bản, bằng 2,18 lần nhiệm kỳ trước.
Tuy nhiên, cũng theo báo cáo của kiểm toán, số kiến nghị về tài chính hằng năm đạt bình quân khoảng 73,6%. Như vậy trong 5 năm vừa qua, mỗi một năm còn tồn tại khoảng hơn 25% số kiến nghị của kiểm toán đối với xử lý vấn đề tài chính chưa được thực hiện, như vậy, sẽ vượt con số hơn 100% so với một năm. Đồng thời với đó, số văn bản kiến nghị sửa đổi, bổ sung mới chỉ đạt được 136/786 văn bản. Theo đại biểu Nguyễn Trường Giang, đây là một tồn tại cần phải có các giải pháp khắc phục trong nhiệm kỳ tới.
Đại biểu Nguyễn Trường Giang cho rằng, kiến nghị của kiểm toán theo quy định của Luật Kiểm toán có giá trị bắt buộc thi hành khi đã công khai. Đại biểu đề nghị, các đơn vị được kiểm toán khi bị kiến nghị về xử lý vấn đề tài chính cũng như xử lý liên quan đến các quy định của văn bản thì Kiểm toán nhà nước cần tổng hợp lại, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội. Các đơn vị được kiểm toán đã bị chỉ ra các sai phạm về xử lý tài chính mà không thực hiện cũng phải có giải trình rõ ràng về việc tại sao không thực hiện các kiến nghị kiểm toán.
“Đây là luật định, mà luật đã định rồi nhưng không thực hiện thì tôi cho rằng kỷ cương chấp hành của các cơ quan có vấn đề”, đại biểu Nguyễn Trường Giang nêu ý kiến, đồng thời đề nghị trong nhiệm kỳ tới, báo cáo hằng năm của kiểm toán cần nêu rõ hơn về những ý kiến, kiến nghị đối với từng đơn vị cụ thể để báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội để có các giải pháp thực hiện đúng quy định của Luật Kiểm toán nhà nước.