Đại biểu Phạm Văn Hòa đánh giá, nhiệm kỳ qua, mặc dù đất nước gặp rất nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt trong năm 2020, trước diễn biến phức tạp, nghiêm trọng của đại dịch Covid-19, thiên tai, bão lũ nhưng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn chủ động, tích cực phối hợp chặt chẽ với các tổ chức chính trị và các cơ quan tư pháp nhằm phát huy sức mạnh của cả hệ thống trong quản lý, điều hành.
Đại biểu Phạm Văn Hòa – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp phát biểu tại Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV.
“Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm trước Quốc hội, trước nhân dân, thực hiện đầy đủ nhiệm vụ, quyền hạn và giải quyết công việc đúng thẩm quyền, đúng theo quy định của pháp luật, đoàn kết thống nhất, nỗ lực vừa vượt qua mọi khó khăn, thách thức với tinh thần đột phá, dám nghĩ, dám làm, năng động, đổi mới, quyết tâm hoàn thành các nhiệm vụ đã đề ra”, đại biểu Phạm Văn Hòa đánh giá.
Bên cạnh đó, trong quản lý, điều hành, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn sâu sát thực tiễn, nhận diện đúng tình hình, tranh thủ thời cơ, chủ động biến thách thức thành cơ hội, tăng cường đối thoại, lắng nghe ý kiến của người dân, doanh nghiệp. Chính phủ đã chỉ đạo các bộ ngành chủ động rà soát, tháo gỡ các điểm nghẽn thể chế, chủ động kiến thiết các cơ chế, chính sách, pháp luật; khơi thông, thúc đẩy các động lực tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, dự trữ ngoại hối không lúc nào tăng như hiện nay.
An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, phòng, chống tham nhũng quyết liệt, chỉ đạo xử lý kịp thời, hiệu quả nhiều vấn đề phát sinh, vừa tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trung và dài hạn, vừa chỉ đạo cải cách hành chính gắn với đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số, góp phần nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước, giảm chi phí, giảm phiền hà cho người dân và doanh nghiệp.
Đặc biệt, Chính phủ đã thực hiện thành công mục tiêu kép trong năm 2020, vừa kiểm soát chặt chẽ dịch Covid-19, vừa phục hồi phát triển kinh tế - xã hội, đất nước.
“Thành tựu trong nhiệm kỳ của Chính phủ rất ấn tượng, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, được nhân dân cả nước ghi nhận và tín nhiệm cao”, đại biểu Phạm Văn Hòa nhấn mạnh.
Tuy nhiên ngoài những thành quả đạt được, đại biểu đoàn Đồng Tháp còn cho rằng, trong nhiệm kỳ qua, tình trạng xin điều chỉnh xây dựng luật, pháp lệnh của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và một số vướng mắc, bất cập về chính sách pháp luật đã được phát hiện nhưng chưa được xử lý, bổ sung.
Về phát triển nông nghiệp, nông thôn vẫn còn yếu tố thiếu bền vững. Hằng năm đều có giải cứu nông sản; tăng trưởng chủ yếu theo chiều rộng, chiều sâu chưa vững chắc. Việc đổi mới các mô hình tổ chức sản xuất nông nghiệp có nơi chưa hiệu quả; phát triển công nghiệp hỗ trợ thiếu bền vững; công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản còn hạn chế, nhất là khâu bảo quản.
Việc sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn các doanh nghiệp nhà nước chưa đạt được mục tiêu đề ra, vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc chưa kịp tháo gỡ. Phát triển kinh tế vùng chưa thật sự tương xứng với tiềm năng, tác động lan tỏa và liên kết các vùng kinh tế trọng điểm với các vùng lân cận còn thấp. Các liên kết nội vùng còn bất cập, có nơi mạnh ai nấy làm, mang tính cục bộ. Tiến độ thực hiện một số dự án trọng điểm quốc gia còn chậm. Hạ tầng giao thông, nhất là ở vùng miền núi phía Bắc, Đồng bằng sông Cửu Long chưa đáp ứng yêu cầu phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Chất lượng công tác lập, phê duyệt quy hoạch đô thị chưa được đáp ứng yêu cầu phát triển. Cơ cấu hàng hóa, bất động sản, nhất là nhà ở tại các thành phố lớn, nhà ở xã hội chưa đáp ứng được nhu cầu thị trường. Kỷ luật, kỷ cương quản lý tài nguyên, đất đai, công sản, đầu tư xây dựng cơ bản còn bị buông lỏng. Ô nhiễm môi trường tại các đô thị, các khu, cụm công nghiệp, làng nghề, khu dân cư vẫn còn tiếp diễn. Hiện tượng xâm nhập mặn, sạt lở bờ sông, bờ biển diễn ra nghiêm trọng ở một số địa phương gây tâm trạng lo lắng cho người dân. Tệ nạn phá rừng còn nhiều nguyên nhân vẫn tiếp tục diễn ra, nhiều nơi chưa được khắc phục. Trồng cây gây rừng còn nhiều bất cập và chưa có hiệu quả.
Bộ máy hành chính nhà nước chưa thật sự tinh gọn. Việc sắp xếp, tổ chức lại bộ máy, cơ quan chuyên môn ở một số địa phương thực hiện thí điểm còn chưa đồng bộ, chưa mang tính thống nhất. Công tác đề bạt, bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ, công chức ở một số bộ, ngành, địa phương chưa đúng tiêu chuẩn, chưa đúng quy định, quy trình, còn hiện tượng nể nang, ưu ái người nhà, người thân còn xảy ra gây dư luận không tốt.
Từ thực trạng trên, đại biểu Phạm Văn Hòa đề nghị Quốc hội, Chính phủ tiếp tục quan tâm nghiên cứu, phân định rõ chức năng, nhiệm vụ của các bộ, cơ quan ngang bộ, khắc phục tình trạng chồng chéo, trùng lắp, đảm bảo hiệu quả quản lý nhà nước đối với ngành, lĩnh vực. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, phát huy tính chủ động, sáng tạo, đề cao tinh thần trách nhiệm của từng cấp, từng ngành, gắn với cơ chế kiểm soát quyền lực. Nâng cao vai trò, năng lực gương mẫu của người đứng đầu. Nghiên cứu kỹ các trường hợp thực hiện mô hình thí điểm tổ chức sao cho hiệu quả và nhân rộng được, tránh tình trạng chỉ đạo thực hiện rồi bỏ qua sẽ khó cho địa phương sắp xếp lại tổ chức. Không thí điểm mà phải quy định rạch ròi thi tuyển chức vụ lãnh đạo, quản lý cấp vụ, cấp sở trong toàn quốc để tránh tình trạng tiêu cực và công bằng, khách quan hơn.
Về xây dựng quy hoạch vùng theo hướng tích hợp đa ngành, hình thành chuỗi giá trị và xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù nhằm thúc đẩy phát triển vùng, liên kết vùng và cơ chế điều phối đủ mạnh cho phát triển vùng. Quan tâm nhiều hơn trên các lĩnh vực cho vùng miền núi, biên giới, đất liền. Riêng vùng Đồng bằng sông Cửu Long tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 120 của Chính phủ về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu. Quan tâm đầu tư xây dựng các tuyến giao thông đường bộ huyết mạch, kết nối các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long với vùng kinh tế trọng điểm Thành phố Hồ Chí Minh, Đông Nam Bộ. Thực hiện các dự án phát triển hạ tầng đa mục tiêu, như giao thông, đập kè, thủy lợi, nông nghiệp, nông thôn v.v... có tính chất liên vùng để tác động tích cực đến phát triển kinh tế - xã hội cho các vùng và cả nước.
Đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng bền vững. Liên kết, hợp tác quy mô, nâng cao giá trị hàng hóa nông nghiệp, tăng cường xuất khẩu nông sản để tránh nông dân được mùa, mất giá, giải cứu hàng năm cũng như nhằm khuyến khích nông dân duy trì sản xuất nông nghiệp, đảm bảo an ninh lương thực. Quy hoạch vùng trữ nước ngọt cho các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long thường xuyên bị xâm nhập mặn. Đầu tư kè, ven biển, bờ sông, phòng tránh sạt lở. Trồng cây gây rừng sao cho hiệu quả, tránh hình thức, đúng thực chất, không lãng phí tài nguyên thiên nhiên. Đẩy mạnh phát triển nguồn năng lượng tái tạo, như điện mặt trời, điện gió, sóng biển để thân thiện với môi trường; lâu dài, có thể nghiên cứu kỹ để phát triển điện hạt nhân, nếu có yêu cầu và có điều kiện. Kế hoạch phát triển thủy điện, nhiệt điện và Thủy điện Cốc, hiện tại cũng cần phải xem xét lại cho phù hợp thực tiễn. Nếu năng lượng tái tạo đảm bảo nguồn cung cho nhu cầu sử dụng điện cả nước thì Thủy điện Cốc, nhiệt điện không cần thiết nữa. Có giải pháp căn cơ, giải quyết tốt vấn đề khiếu nại, khiếu kiện đông người, phức tạp, tập trung tại các sự kiện lớn của đất nước.