Error

Web Part Error: A Web Part or Web Form Control on this Page cannot be displayed or imported. The type TVPortal.Publishing.Category.wpMenuLeftDaiBieuQuocHoi2, TVPortal.Publishing.Category, Version=1.0.0.0, Culture=neutral, PublicKeyToken=616514c961de576d could not be found or it is not registered as safe. Correlation ID: 087d67a1-e920-90f0-c4c5-05d6adb64ec0.

Error Details:
[UnsafeControlException: A Web Part or Web Form Control on this Page cannot be displayed or imported. The type TVPortal.Publishing.Category.wpMenuLeftDaiBieuQuocHoi2, TVPortal.Publishing.Category, Version=1.0.0.0, Culture=neutral, PublicKeyToken=616514c961de576d could not be found or it is not registered as safe.]
  at Microsoft.SharePoint.ApplicationRuntime.SafeControls.GetTypeFromGuid(Boolean isAppWeb, Guid guid, Guid solutionId, Nullable`1 solutionWebId, String assemblyFullName, String typeFullName, Boolean throwIfNotSafe)
  at Microsoft.SharePoint.WebPartPages.SPWebPartManager.CreateWebPartsFromRowSetData(Boolean onlyInitializeClosedWebParts)

ĐẠI BIỂU PHẠM TRỌNG NGHĨA: CẦN BỔ SUNG QUY ĐỊNH CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ CHO NGƯỜI MUA, THUÊ MUA NHÀ XÃ HỘI

29/08/2023

Góp ý về dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa - Ủy viên chuyên trách Ủy ban Xã hội, ĐBQH tỉnh Lạng Sơn đề nghị bổ sung thêm 1 điều riêng quy định về chính sách hỗ trợ cho người thuộc đối tượng mua, thuê mua nhà xã hội.

Chiều 29/8, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Hội nghị ĐBQH hoạt động chuyên trách, nhiệm kỳ khoá XV xem xét, cho ý kiến về một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau đối với dự án Luật Nhà ở (sửa đổi).

Hội nghị ĐBQH hoạt động chuyên trách xem xét, cho ý kiến về một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau đối với dự án Luật Nhà ở (sửa đổi).

Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa cho biết, theo thống kê năm 2023, tỷ lệ giá nhà trên thu nhập của Việt Nam đứng thứ 14 trong tổng số 107 quốc gia được khảo sát, đứng thứ 11 trong tổng số 38 quốc gia của khu vực châu Á. Theo đó, tính bình quân, giá nhà ở Việt Nam gấp 23,5 lần thu nhập 1 năm của hộ gia đình. Trong khi đó, chỉ số này sẽ là lý tưởng ở mức xung quanh 5 đến 7 lần.

Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa cho rằng thủ tục đầu tư là một trong các nguyên nhân cơ bản làm tăng chi phí dẫn đến giá nhà tăng cao, nhất là ở khu vực đô thị, khu công nghiệp dẫn đến nhà ở khu vực này vượt khỏi tầm với của đa số người dân.

Dự thảo Luật đã cắt giảm, rút ngắn một số thủ tục so với Luật hiện hành. Tuy nhiên, vẫn còn một số thủ tục hành chính có thể tiếp tục được cắt giảm như:

- Khoản 4 Điều 37 quy định về thông báo đủ hồ sơ bàn giao nhà ở của cơ quan quản lý nhà ở ở trung ương hoặc cơ quan quản lý nhà ở cấp tỉnh theo quy định của Chính phủ. Đây là thủ tục hành chính mới chưa có trong Luật hiện hành và có nhiều điểm trùng với thủ tục quy định về văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu theo Luật Xây dựng quy định tại khoản 3 Điều 23 Nghị định số 06/2021/NĐ-CP ngày 26/1/2021 của Chính phủ.

- Khoản 4 Điều 35 quy định: Đối với dự án thuộc trường hợp chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư theo quy định pháp luật về đầu tư, nếu có nhiều nhà đầu tư đề xuất thực hiện dự án xây dựng nhà ở thì sau khi được chấp thuận chủ trương đầu tư, các nhà đầu tư này có thể ủy quyền cho một nhà đầu tư có đủ điều kiện hoặc thành lập doanh nghiệp, hợp tác xã để làm thủ tục công nhận chủ đầu tư. Như vậy, sau khi được chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư thì các nhà đầu tư vẫn còn phải thực hiện 1 bước nữa thì mới trở thành chủ đầu tư.

Do đó, đại biểu đề nghị rà soát, đánh giá lại có bao nhiêu thủ tục hành chính đã được cắt giảm, bao nhiêu thủ tục được bổ sung trong Dự thảo Luật làm cơ sở cho ĐBQH thảo luận tại Kỳ họp thứ 6.

Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa - Ủy viên chuyên trách Ủy ban Xã hội, ĐBQH tỉnh Lạng Sơn

Về Nhà ở xã hội, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa cho biết, tham khảo kinh nghiệm quốc tế, mỗi quốc gia có mô hình cụ thể khác nhau. Nhưng tựu trung lại, có các chính sách dành cho 03 nhóm đối tượng như sau:

- Nhóm 1: Những người không có chỗ ở và không có khả năng tự bảo đảm chỗ ở như Không thể sở hữu nhà, không thể thuê nhà... thì Nhà nước có nghĩa vụ bảo đảm nơi ở hay chỗ ở thông qua hình thức cấp chỗ ở miễn phí hoặc hỗ trợ kinh phí toàn bộ để có chỗ ở thông qua thuê hoặc thuê mua.

- Nhóm 2: Những người đã có chỗ ở nhưng chỗ ở chưa bảo đảm điều kiện sinh hoạt hoặc do di cư nên nơi ở mới chưa có hoặc có nhưng chưa đủ điều kiện thì Nhà nước có nghĩa vụ hỗ trợ kinh phí một phần để có chỗ ở hoặc chỗ ở tốt hơn thông qua mua, thuê hoặc thuê mua.

- Nhóm 3: Những chủ thể khác, Nhà nước tạo hành lang pháp lý để các chủ thể này được sở hữu, thuê nhà theo khả năng tài chính của mình.

Nhóm 1 và nhóm 2 có thể được gom thành Nhà ở xã hội. Tuy nhiên, xét về tiêu chuẩn, chất lượng thì nhà ở của 02 nhóm này không khác gì so với Nhóm 3 - nếu khác thì khác về quy mô diện tích và các giá trị gia tăng. Ở nhiều quốc gia, cùng 01 căn nhà, hôm nay là nhà ở thương mại, nhưng hôm sau có thể được Nhà nước mua lại để chuyển thành nhà ở xã hội.

Theo kết quả của Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, Việt Nam có khoảng 26 triệu hộ gia đình, trong đó, có 1.244 hộ không có nhà ở tương đương 4108 người. Theo đó, về cơ bản công dân Việt Nam đã được bảo đảm về chỗ ở. Khó khăn, vướng mắc chủ yếu là điều kiện chỗ ở tại các đô thị, khu kinh tế, khu công nghiệp tập trung nhiều dân cư. Như vậy, Nhóm đối tượng gặp khó khăn là Nhóm 2 - tức là cần chỗ ở có điều kiện tốt hơn hoặc thuận lợi hơn.

Đối với Nhóm này, Điều 83 Dự thảo Luật đang thúc đẩy sự phát triển của nhà ở xã hội theo cách làm giảm chi phí đầu vào, đưa ra các ưu đãi với nhà đầu tư mà chưa tập trung vào việc tăng cầu - tức là hỗ trợ trực tiếp cho khách hàng - như hỗ trợ tiền mua, tín dụng ưu đãi với lãi suất thấp, dài hạn ... Khi số người có nhu cầu được hỗ trợ tăng, cầu mua sẽ tăng và thị trường sẽ thu hút chủ đầu tư vào phân khúc nhà ở xã hội. Vì vậy, ngoài quy định chung tại Điều 115, đại biểu đề nghị bổ sung thêm 1 điều riêng quy định chính sách hỗ trợ cho người thuộc đối tượng mua, thuê mua nhà xã hội.

Bên cạnh đó, việc quy định chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở thương mại phải dành một phần diện tích đất để xây dựng nhà ở xã hội trong dự án thương mại hoặc đóng tiền là chưa phù hợp với quy luật thị trường, tạo gánh nặng cho chủ đầu tư, chưa giải quyết tốt mối quan hệ giữa Nhà nước - Thị trường và Xã hội. Do đó, đề nghị theo Phương án 2 tức là không có khoản 2, khoản 3 tại Điều 81 của Dự thảo.

Các đại biểu dự Hội nghị.

Góp ý về Nhà lưu trú cho công nhân, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa nhấn mạnh, hiện cả nước có khoảng 7 triệu lao động đang làm việc tại gần 400 khu công nghiệp. Tỷ lệ nhà ở phục vụ công nhân làm việc tại các khu công nghiệp, khu chế xuất hiện nay mới chỉ đáp ứng được khoảng hơn 30% nhu cầu. Theo khảo sát đầu năm 2023 của Viện Công nhân - Công đoàn, có tới khoảng 90% công nhân di cư phải thuê trọ tại khu dân cư với điều kiện chật hẹp, ẩm thấp, không đảm bảo tái tạo sức lao động, sinh hoạt lâu dài.

Nghị quyết số 02-NQ/TW, ngày 12/6/2021 của Bộ Chính trị về đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới yêu cầu: Nhà nước, chính quyền các cấp có cơ chế huy động, bố trí nguồn lực tài chính thoả đáng để nâng cao phúc lợi xã hội, chăm lo, giải quyết những vấn đề khó khăn, bức xúc của người lao động, nhất là nhà ở, trường học, bệnh viện, nơi vui chơi, giải trí.

Trong bối cảnh nguồn lực công còn hạn chế thì việc huy động nguồn lực ngoài ngân sách nhà nước để đầu tư xây dựng nhà ở cho người lao động là hết sức cần thiết. Tuy nhiên, Điều 89, 90 và 95 của Dự thảo Luật lần này đã bỏ quy định cho phép Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam tham gia xây dựng nhà lưu trú. Đồng thời, tại khoản 3 Điều 78 đưa ra 02 phương án về việc Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho công đoàn viên: PA1 là cho phép và PA2 là không cho phép.

Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa cho rằng, ở nước ta, Công đoàn là chủ thể đặc biệt vừa là tổ chức đại diện người lao động - vừa là tổ chức chính trị - xã hội. Công đoàn đang đứng trước thách thức và cạnh tranh lớn. Nhất là trong bối cảnh phải thực hiện các cam kết về lao động trong các FTA thế hệ mới cũng như chuẩn bị cho việc tham gia các mô hình hội nhập, hợp tác mới.

Đại biểu đề nghị giữ quy định Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam là một trong các chủ thể đầu tư xây dựng nhà lưu trú cho công nhân và coi đây là trách nhiệm của Công đoàn. Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam có thể thành lập pháp nhân phi lợi nhuận để đầu tư, quản lý hệ thống nhà lưu trú công nhân. Nhà lưu trú chỉ cho thuê với giá ưu đãi cho đối tượng là thành viên công đoàn đang có quan hệ lao động với những tiêu chuẩn, điều kiện cụ thể. Trong giai đoạn trước mắt, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam ưu tiên nguồn lực để xây dựng nhà lưu trú. Đối với việc đầu tư xây dựng Nhà xã hội để bán, đề nghị tiếp tục lấy ý kiến và đánh giá tác động kỹ hơn và có thể thực hiện trong tương lai./.

Trọng Quỳnh