Error

Web Part Error: A Web Part or Web Form Control on this Page cannot be displayed or imported. The type TVPortal.Publishing.Category.wpMenuLeftDaiBieuQuocHoi2, TVPortal.Publishing.Category, Version=1.0.0.0, Culture=neutral, PublicKeyToken=616514c961de576d could not be found or it is not registered as safe. Correlation ID: aa4c67a1-8983-90f0-c4c5-0d44755f6b8b.

Error Details:
[UnsafeControlException: A Web Part or Web Form Control on this Page cannot be displayed or imported. The type TVPortal.Publishing.Category.wpMenuLeftDaiBieuQuocHoi2, TVPortal.Publishing.Category, Version=1.0.0.0, Culture=neutral, PublicKeyToken=616514c961de576d could not be found or it is not registered as safe.]
  at Microsoft.SharePoint.ApplicationRuntime.SafeControls.GetTypeFromGuid(Boolean isAppWeb, Guid guid, Guid solutionId, Nullable`1 solutionWebId, String assemblyFullName, String typeFullName, Boolean throwIfNotSafe)
  at Microsoft.SharePoint.WebPartPages.SPWebPartManager.CreateWebPartsFromRowSetData(Boolean onlyInitializeClosedWebParts)

GÓC NHÌN ĐẠI BIỂU: GIẢI QUYẾT DỨT ĐIỂM VIỆC CHẬM CHI TRẢ KINH PHÍ KHOÁN BẢO VỆ RỪNG

07/11/2023

Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với lĩnh vực kinh tế ngành, liên quan đến vấn đề chi trả tiền bảo vệ rừng, các đại biểu đề nghị Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan làm rõ nguyên nhân và trách nhiệm của Bộ trưởng trong việc chậm chi trả tiền tiền bảo vệ rừng.

TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP CHIỀU 06/11: TIẾP TỤC PHIÊN CHẤT VẤN VÀ TRẢ LỜI CHẤT VẤN

Toàn cảnh Phiên chất vấn và trả lời chất vấn

Đặt câu hỏi tại phiên chất vấn, Đại biểu Hồ Thị Kim Ngân - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn nêu rõ, từ năm 2021, nhiều địa phương đã thực hiện giao khoán bảo vệ rừng cho cộng đồng dân cư, hộ gia đình các xã khu vực II, khu vực III, trong đó có tỉnh Bắc Kạn. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay, việc thanh toán tiền nhân công khoán bảo vệ rừng năm 2021 vẫn chưa được thực hiện với tỉnh Bắc Kạn là trên 28 tỷ.

Từ thực tế này, đại biểu đề nghị Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ rõ nguyên nhân của việc chậm chi trả đồng thời chỉ rõ thời điểm đến bao giờ người dân ở địa phương có rừng như tỉnh Bắc Kạn được chi trả tiền khoán chăm sóc, bảo vệ rừng?

Đại biểu Hồ Thị Kim Ngân - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn

Trả lời chất vất của Đại biểu Hồ Thị Kim Ngân, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho biết, vấn đề nợ kinh phí khoán bảo vệ rừng cho tỉnh Bắc Kạn cũng như một số tỉnh liên quan tới chương trình phát triển nông nghiệp bền vững do Bộ chịu trách nhiệm.

Theo Bộ trưởng, sau khi có chủ trương xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới, đến năm 2020 vẫn tiến hành cấp ngân sách như bình thường cho các địa phương vùng I, vùng II, vùng III. Khi có Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (Quyết định số 1719/QĐ-TTg), theo chỉ đạo của Chính phủ, chuyển vùng II, vùng III sang Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Tuy nhiên, do việc triển khai chương trình này khởi động sau, nên công tác tổng hợp không kịp thời, vì vậy, hiện tại đang nợ kinh phí của đồng bào trong năm 2021.

“Với trách nhiệm là thành viên Chính phủ, Bộ trưởng xin nhận trách nhiệm và phối hợp với các bộ, ngành trình Chính phủ cấp bù số kinh phí này.”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan

Tranh luận về nội dung này, đại biểu Nguyễn Lâm Thành - Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên cho rằng,  tình trạng nợ tiền khoán bảo vệ rừng không chỉ xảy ra ở Bắc Kạn mà diễn ra ở tất cả các tỉnh có rừng. Theo đại biểu, đây là nợ của Chính phủ và Nhà nước với công tác bảo vệ rừng của người dân, nên vấn đề này cần được giải quyết.

Cũng theo đại biểu, công tác bảo vệ rừng vừa qua cần xem xét lại, nhất là khi thực hiện Nghị quyết  số: 100/2007/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 661/QĐ-TTg ngày 29 tháng 07 năm 1998 về mục tiêu, nhiệm vụ, chính sách và tổ chức thực hiện Dự án trồng mới 5 triệu ha rừng, trong đó tiền bảo vệ rừng được ghi là vốn sự nghiệp và chi hàng năm. Nhưng hiện nay, nội dung này lại đưa vào chương trình mục tiêu quốc gia và đưa vào nội dung chương trình dân tộc.

Liên quan đến định mức, việc sửa các Nghị định rất chậm. "Nguồn chi cho công tác này không thống nhất, định mức cần nâng lên, kể cả nâng lên 400.000-600.000 đồng/ha/năm cũng là rất ít, nhất là người dân phải qua khâu thuê khoán lại từ các vườn quốc gia, khu bảo tồn nên nguồn định mức đến người dân rất ít. Do đó, việc này cần phải được làm rõ", đại biểu kiến nghị.

Đại biểu Nguyễn Lâm Thành - Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên 

Trả lời ý kiến tranh luận của đại biểu, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, khi xây dựng dự thảo nâng mức khoán bảo vệ rừng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã trình Chính phủ mức là 1,1 -1,3 triệu đồng/ha, căn cứ trên đơn giá định mức. Nhưng trong vấn đề này nguồn lực lại hạn chế, nên con số dừng lại thống nhất ở các Bộ ngành là từ 400.000 – 600.000 đồng/ha.

Bộ trưởng cũng cho rằng, nên tiếp cận vấn đề này ở một khía cạnh khác, ngoài kinh phí bảo vệ rừng, cần tạo ra sinh kế dưới tán rừng để cộng đồng bảo vệ rừng, ban quản lý rừng, lực lượng kiểm lâm có nhiều việc làm.

Vì  vậy, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang chuẩn bị trình Chính phủ việc sửa đổi Nghị định liên quan đến lâm nghiệp, đầu tư trong lĩnh vực lâm nghiệp. Trong đó, nhấn mạnh vào phát triển dược liệu, du lịch dưới tán rừng, chi trả dịch vụ môi trường rừng,…

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Thủy – Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định 

Cũng tại phiên chất vấn, trao đổi lại với Bộ trưởng về các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới, trong đó có những vấn đề liên quan với kinh phí công tác bảo vệ rừng và các tiêu chí chuyển tiếp thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đại biểu Nguyễn Thị Thu Thủy – Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định cho biết, trong quá trình thực hiện, nhiều vùng xã miền núi đã đạt chuẩn nông thôn mới.  Tuy nhiên, đặc thù về địa lý, đời sống của vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn rất nhiều khó khăn và các tiêu chí đạt được chưa thực sự bền vững. Người dân, đặc biệt là các hộ mới thoát nghèo và khả năng tái nghèo rất dễ xảy ra.

Nhấn mạnh theo quy định hiện hành những xã đạt chuẩn nông thôn mới không được tiếp tục hưởng các chính sách an sinh xã hội, đại biểu đặt vấn đề “Vậy theo Bộ trưởng có cần quy định một lộ trình kéo dài thời gian được hưởng và giảm dần việc thụ hưởng các chính sách an sinh xã hội đối với các xã miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số đạt chuẩn nông thôn mới hay không?”

Thừa nhận đây là khoảng trống cần có giải pháp xử lý phù hợp để khắc phục, Bộ trưởng cho biết, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ nghiêm túc xem xét lại vấn đề này để cùng với Ban chỉ đạo tháo gỡ, không để hụt hẫng khi đạt được tiêu chí nông thôn mới, không tạo ra tâm lý ỷ lại để tăng cường năng lực của cộng đồng dân cư, tạo ra nhiều mô hình khác để tự cộng đồng có thể vượt qua.

Từ thực tế khảo sát tại nhiều địa phương, Bộ trưởng cũng cho biết, có rất nhiều xã khi vượt nông thôn mới, mặc dù điều kiện khó khăn nhưng có những liên kết với doanh nghiệp để xây dựng được những mô hình du lịch cộng đồng, tạo ra được một nguồn ngân sách để bù vào khoản các chính sách hỗ trợ trong chương trình nông thôn mới. Do đó, Bộ sẽ nghiên cứu để trình với Ban Chỉ đạo đối với những xã đặc thù nông thôn mới khi đạt chuẩn nông thôn mới thì chính sách hỗ trợ áp dụng cụ thể như thế nào, nằm ở trong chương trình mục tiêu quốc gia hay là một chính sách khác...

Đại biểu Cao Thị Xuân - Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa 

Cũng liên quan tới lĩnh vực nông nghiệp, tại phiên chất vấn, đại biểu Cao Thị Xuân - Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa cho biết, tại Nghị quyết 134 của Quốc hội có yêu cầu Chính phủ xây dựng, triển khai Đề án tổng thể về sắp xếp, di dời, bố trí lại dân cư vùng có nguy cơ hoặc vùng chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của thiên tai. Tiếp đó, tại Quyết định 590 của Thủ tướng Chính phủ đề ra mục tiêu giai đoạn 2021 - 2025 bố trí ổn định cho 47.159 hộ vùng thiên tai. Tuy nhiên, giai đoạn 2021 - 2022 mới bố trí ổn định được cho hơn 5.000 hộ. Như vậy, so với mục tiêu đề ra của Thủ tướng đến năm 2025 thì cả nước cần bố trí ổn định cho 42.000 hộ vùng có nguy cơ thiên tai. Đây là nhiệm vụ hết sức khó khăn.

Từ thực tế này, đại biểu đề nghị Bộ trưởng chỉ rõ nguyên nhân của sự chậm trễ trên, trách nhiệm thuộc về ai và nếu không thực hiện được mục tiêu bố trí cho 47.150 hộ này việc chịu trách nhiệm trước Quốc hội?

Trả lời vấn đề đại biểu nêu, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, vấn đề di dân khỏi khu vực phòng chống thiên tai, tiến độ thực hiện công việc của Bộ đang chậm. Công việc này đòi hỏi phải có sự phối hợp giữa Trung ương với địa phương. Khi các địa phương bố trí các dự án tái định cư, khi được phê duyệt, vì nhiều lý do, không còn quỹ đất, nên phải điều chuyển, di dời, đây là một vấn đề lớn. Cùng với đó, các dự án bố trí tái định cư thường kèm theo điều kiện về đất sản xuất của người dân, việc bố trí đất sản xuất này tương đối khó khăn, kéo lùi tiến độ bố trí dân cư.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan nêu rõ, có trường hợp, các dự án đã bố trí tái định cư cho dân cư rồi, nhưng vẫn không phát huy được hiệu quả, bà con đến ở một thời gian, nhưng do thiếu sinh kế, không phù hợp tập quán, bà con vẫn bỏ ra ngoài. Do đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang đánh giá lại, thảo luận với các địa phương, trình Chính phủ để các khu tái định cư không chỉ đạt hiệu quả về tái định cư, mà còn hình thành được cộng đồng phát triển bền vững./.

Lê Anh