ĐOÀN ĐBQH TP.HÀ NỘI GIÁM SÁT VIỆC QUẢN LÝ, SỬ DỤNG NGUỒN LỰC PHỤC VỤ PHÒNG, CHỐNG COVID-19 TẠI QUẬN HOÀN KIẾM
Lãnh đạo UBND thị xã Sơn Tây phát biểu tại buổi làm việc.
Báo cáo với Đoàn giám sát, Phó Chủ tịch UBND thị xã Sơn Tây Lê Đại Thăng cho biết, hằng năm, UBND thị xã thực hiện thẩm tra quyết toán ngân sách của các đơn vị dự toán trong đó có nội dung kiểm tra, sử dụng kinh phí phòng, chống dịch Covid-19. Nguồn kinh phí được lập dự toán chi tiết, có sự kiểm tra, giám sát chặt chẽ; việc thực hiện thanh quyết toán cho đúng đối tượng thụ hưởng, đúng nhiệm vụ được giao bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả.
Giai đoạn 2020-2022, kinh phí mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, thuốc, sinh phẩm là hơn 6,6 tỷ đồng; kinh phí sàng lọc, thu dung, cách ly y tế là hơn 1,5 tỷ đồng; kinh phí xây dựng mới, sửa chữa, nâng cấp cơ sở điều trị Covid-19, cơ sở cách ly, bệnh viện dã chiến... là hơn 5,8 tỷ đồng; kinh phí thực hiện chế độ, chính sách đối với lực lượng tuyến đầu và các lực lượng khác tham gia chống dịch là hơn 15,1 tỷ đồng. Ngoài ra, thị xã cũng hỗ trợ hơn 2,2 tỷ đồng cho người lao động từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp; hỗ trợ hơn 6,8 tỷ đồng cho người sử dụng lao động tạm dừng đóng bảo hiểm thất nghiệp...
Về y tế cơ sở, y tế dự phòng, mạng lưới y tế trên địa bàn thị xã gồm có Trung tâm Y tế thị xã, 15/15 trạm y tế xã, phường cùng đội ngũ tế thôn, bản và 76 cơ sở khám chữa bệnh, 125 cơ sở hành nghề dược tư nhân. Bên cạnh đó, trên địa bàn thị xã có Bệnh viện Đa khoa Sơn Tây là bệnh viện tuyến thành phố... Đây là điều kiện thuận lợi trong công tác công tác chăm sóc, bảo vệ, nâng cao sức khỏe cho nhân dân trên địa bàn.
Tuy nhiên, UBND thị xã cho rằng mô hình tổ chức quản lý hệ thống y tế tuyến cơ sở chưa phù hợp với thực tế, hiện nay trung tâm y tế chịu sự chỉ đạo trực tiếp của Sở Y tế, do đó trong công tác chỉ đạo, điều hành, triển khai nhiệm vụ, điều phối nguồn nhân lực y tế, kể cả lĩnh vực đầu tư đối với chính quyền các quận, huyện, thị xã đôi khi còn vướng mắc. Trình độ năng lực của một số cán bộ y tế ở cơ sở còn hạn chế. Công tác tuyển dụng chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế, trong khi số lượng cán bộ, bác sĩ có trình độ chuyên môn giỏi thường xin chuyển công tác hoặc xin nghỉ việc chuyển sang hoạt động y tế tư nhân.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Lan phát biểu tại buổi làm việc.
Trên cơ sở những bất cập trên, UBND thị xã Sơn Tây đề xuất bộ, ngành và thành phố xem xét chuyển Trung tâm Y tế về UBND cấp huyện quản lý để phù hợp với công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành, cũng như trong công tác đầu tư; có cơ chế chính sách, tiền lương phù hợp với ngành Y tế vì thời gian đào tạo dài hạn, áp lực công việc cao, môi trường làm việc độc hại… để thu hút cán bộ y tế có trình độ chuyên môn cao công tác tại bệnh viện công lập.
Tại buổi giám sát, các thành viên đoàn giám sát đề nghị UBND thị xã Sơn Tây làm rõ việc chuyển trung tâm y tế từ thuộc Sở Y tế về UBND cấp huyện quản lý thì chức năng quản lý nhà nước về chuyên môn khám, chữa bệnh sẽ được thực hiện ra sao. Bên cạnh đó, thị xã cần làm rõ khó khăn trong thu hút nhân lực về tuyến cơ sở, từ đó đề xuất chính sách để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, có chuyên môn sâu…
Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai kết luận buổi làm việc.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai đánh giá cao các ý kiến, kiến nghị đã nêu bật khó khăn, vướng mắc của thị xã Sơn Tây. Đồng chí Phạm Thị Thanh Mai cho biết, các ý kiến, kiến nghị của thị xã Sơn Tây sẽ được đoàn giám sát tổng hợp, nghiên cứu, chuyển các cơ quan có thẩm quyền nhằm tháo gỡ vướng mắc về công tác y tế cơ sở, y tế dự phòng trên địa bàn thị xã nói riêng và thành phố nói chung; đồng thời bổ sung vào báo cáo giám sát để trình đoàn giám sát của Quốc hội theo quy định.