CHUNG TAY TRONG HOẠCH ĐỊNH CHÍNH SÁCH, PHÁP LUẬT VỀ DÂN SỐ

21/12/2022

Ngày 21/12 tại Tp.Hồ Chí Minh, Ủy ban Xã hội đã phối hợp với Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) tổ chức Hội thảo Đại biểu dân cử với chính sách, pháp luật về dân số - phát triển. Các Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Hoàng Mai, Đặng Thuần Phong và Trưởng đại diện UNFPA Naomi Kitahara đồng chủ trì Hội thảo.

CHỦ NHIỆM ỦY BAN XÃ HỘI NGUYỄN THÚY ANH CHỦ TRÌ LÀM VIỆC VỚI GIÁM ĐỐC QUỸ DÂN SỐ LIÊN HỢP QUỐC KHU VỰC CHÂU Á - THÁI BÌNH DƯƠNG

UỶ BAN XÃ HỘI TỔ CHỨC HỘI THẢO VỀ ĐẠI BIỂU DÂN CỬ VỚI CHÍNH SÁCH, PHÁP LUẬT VỀ DÂN SỐ-PHÁT TRIỂN

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Hoàng Mai cho biết, thời gian qua, Việt Nam đã đạt được nhiều thành quả trong công tác dân số. Tuổi thọ trung bình của người Việt Nam đã tăng lên đáng kể, từ 65,2 tuổi vào năm 1989 lên 73,7 tuổi trong năm 2021. Chất lượng dân số được cải thiện. Việt Nam khống chế thành công tốc độ gia tăng dân số, đạt mức sinh thay thế sớm hơn 10 năm so với mục tiêu Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa VII) đề ra và được tiếp tục duy trì đến nay. Cơ cấu dân số chuyển dịch tích cực, dân số trong độ tuổi lao động tăng mạnh và chính thức bước vào thời kỳ dân số vàng từ năm 2007, dân số đã có sự phân bố hợp lý hơn, gắn với quá trình đô thị hoá, công nghiệp hoá và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Tình trạng suy dinh dưỡng và tử vong mẹ, tử vong trẻ sơ sinh đã giảm.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Hoàng Mai khai mạc Hội thảo

Tuy nhiên, Việt Nam cũng đang phải đối mặt với những vấn đề dân số trong tình hình mới và cần có những điều chỉnh chính sách phù hợp. Trong đó, mất cân bằng giới tính khi sinh tăng nhanh và luôn ở mức cao; cả nước có 33 tỉnh, thành phố có mức sinh cao, 21 tỉnh, thành phố có mức sinh thấp. Cùng với đó là tốc độ già hóa dân số rất nhanh; việc tận dụng thời kỳ cơ cấu dân số vàng chưa thực sự hiệu quả...

Trưởng đại diện UNFPA Naomi Kitahara đánh giá cao sự chuyển đổi chiến lược trong các chính sách dân số của Việt Nam thời gian qua từ kế hoạch hóa gia đình sang hướng tiếp cận toàn diện hơn về dân số và phát triển nhằm đạt được Mục tiêu Phát triển bền vững 2030. UNFPA sẽ tiếp tục tư vấn để Việt Nam đưa ra các giải pháp pháp lý và các chính sách phù hợp với các nguyên tắc của Hội nghị Quốc tế về Dân số và Phát triển (ICPD) mà Việt Nam đã ký cam kết.

Trưởng đại diện UNFPA Naomi Kitahara đánh giá cao sự chuyển đổi chiến lược trong các chính sách dân số của Việt Nam

Trưởng đại diện UNFPA cũng cho biết, kết quả của Tổng điều tra Dân số và Nhà ở năm 2019 và các điều tra dân số khác cũng cho thấy Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn “dân số vàng”. Điều này mang lại tiềm năng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội nếu Việt Nam có các chính sách, chiến lược và kế hoạch phù hợp, đặc biệt là trong giáo dục và chăm sóc sức khỏe, bình đẳng giới, tạo công ăn việc làm và bảo trợ xã hội, di cư.

Các đại biểu thảo luận tại Hội thảo

Tại hội thảo, các chuyên gia trong nước và quốc tế đã chia sẻ nhiều thông tin về thực trạng dân số Việt Nam sau Tổng Điều tra Dân số và Nhà ở năm 2019, đặc biệt là thực trạng mức sinh, tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, nhu cầu chăm sóc người cao tuổi, chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe bà mẹ, trẻ em; việc thực hiện chính sách, pháp luật về dân số trong bối cảnh chuyển trọng tâm công tác dân số từ dân số - kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển tại một số địa phương.

Thông qua Hội thảo, Ủy ban Xã hội mong muốn các đại biểu Quốc hội, Hội đồng Nhân dân các tỉnh, thành phố cùng chung tay với ngành dân số, ngành y tế trong hoạch định chính sách, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về dân số để công tác dân số đạt được kết quả tốt trong thời gian tới.

(Theo Báo Đại biểu nhân dân)