PHÓ CHỦ TỊCH QUỐC HỘI TRẦN QUANG PHƯƠNG DỰ HỘI NGHỊ TỔNG KẾT CÔNG TÁC NĂM 2023 VÀ TRIỂN KHAI NHIỆM VỤ NĂM 2024 CỦA ỦY BAN QUỐC PHÒNG VÀ AN NINH
Toàn cảnh Hội nghị Tổng kết công tác năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024 của Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội
Chiều 17/01 tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024. Thượng tướng Trần Quang Phương - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội dự và chỉ đạo Hội nghị.
Trung tướng Lê Tấn Tới - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh chủ trì Hội nghị. Cùng dự Hội nghị có Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Sơn La Nguyễn Hữu Đông; các đồng chí Thường trực, các thành viên Ủy ban Quốc phòng và An ninh; đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội; đại diện lãnh đạo, các đơn vị thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Giao thông Vận tải…
Phản biện đến cùng nhưng cũng đi đến cùng để tìm phương án giải quyết vấn đề
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương phát biểu chỉ đạo Hội nghị
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương ghi nhận những kết quả đạt được của Ủy ban Quốc phòng và An ninh trong năm 2023, với rất nhiều dự án Luật được trình ra Quốc hội cho ý kiến và thông qua. Chia sẻ những khó khăn, thách thức, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, Ủy ban Quốc phòng và An ninh cần đánh giá kỹ lưỡng, sâu sắc hơn những nguyên nhân chủ quan, chỉ rõ những bài học kinh nghiệm để có giải pháp thực hiện tốt nhất các nhiệm vụ được giao. Phó Chủ tịch Quốc hội gợi mở những bài học kinh nghiệm qua tổng kết của Quốc hội, Lãnh đạo Quốc hội, Đảng đoàn Quốc hội cũng đã nêu khá sâu sắc, trong đó có bài học đoàn kết, phối hợp và giữ vững nguyên tắc.
Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, trong lĩnh vực phụ trách, Ủy ban Quốc phòng và An ninh phải dự báo, đánh giá tình hình sớm và sát thực tế để phương án xử lý các vấn đề tốt hơn; xác định những đặc điểm cụ thể, tác động trực tiếp đến nhiệm vụ lập pháp, giám sát và tham mưu quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, với tinh thần lập pháp chủ động, giám sát hiệu quả và quyết định nhanh, chính xác các vấn đề quan trọng.
Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh: “Nhiệm vụ càng khó khăn, càng phức tạp thì càng phải làm tốt hơn, đi lên chứ không nên đi ngang, mà đứng dậm chân tại chỗ có nghĩa là thụt lùi. Càng khó khăn, phức tạp thì càng phải bình tĩnh, tự tin, giữ vững nguyên tắc, thể hiện đúng bản lĩnh của Ủy ban, phản biện đến cùng nhưng cũng đi đến cùng để tìm phương án giải quyết vấn đề”. Phó Chủ tịch cho rằng, Ủy ban cần tiếp tục rút kinh nghiệm từ chính quá trình hoạt động của Ủy ban; đồng thời, vận dụng những kinh nghiệm từ hoạt động của Quốc hội.
Phó Chủ tịch quốc hội cũng đề nghị, Chính phủ và các cơ quan có liên quan chủ động, tăng cường phối hợp thật tốt với Ủy ban Quốc phòng và An ninh trong thực hiện các nhiệm vụ để đạt hiệu quả cao nhất.
Trân trọng cảm ơn những ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, thay mặt Ủy ban Quốc phòng và An ninh, Chủ nhiệm Lê Tấn Tới xin tiếp thu đầy đủ và quán triệt nghiêm túc các nội dung nhiệm vụ, chỉ đạo của Phó Chủ tịch Quốc hội tại hội nghị. Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới khẳng định sẽ cụ thể hóa bằng chương trình, hành động, kế hoạch cho từng nội dung và phối hợp với chặt chẽ với các cơ quan hữu quan để hoàn thành tốt nhiệm vụ năm 2024 đề ra.
Phát huy tinh thần đoàn kết, khắc phục khó khăn hoàn thành tốt nhiệm vụ nhiệm vụ được giao
Trước đó, báo cáo tại Hội nghị, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Nguyễn Hải Hưng cho biết, năm 2023, mặc dù khối lượng công việc nhiều, nhân lực còn hạn chế, nhưng dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Lãnh đạo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh đã chủ động, tích cực phát huy tinh thần đoàn kết, khắc phục khó khăn hoàn thành tốt nhiệm vụ. Đặc biệt là hoàn thành tốt nhiệm vụ phát sinh khi Chính phủ trình bổ sung 06 dự án luật thuộc lĩnh vực Ủy ban phụ trách để Quốc hội bổ sung vào Chương trình, thảo luận cho ý kiến đối với 06 dự án luật, thông qua 03 luật, 01 nghị quyết tại Kỳ họp thứ 5; cho ý kiến 03 dự án luật và thông qua 03 luật tại Kỳ họp thứ 6.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Nguyễn Hải Hưng báo cáo tại Hội nghị.
Ngoài ra, Ủy ban Quốc phòng và An ninh còn thực hiện các chuyên đề giám sát và chủ trì giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội về mặt nội dung chuyên đề giám sát năm 2024 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Tổ chức nhiều cuộc hội thảo, tọa đàm, khảo sát phục vụ công tác thẩm tra, tiếp thu, giải trình, chỉnh lý các dự án luật do Ủy ban chủ trì thẩm tra và tham gia quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Bên cạnh đó, triển khai tốt công tác phối hợp với các Bộ, ngành, đơn vị, địa phương để thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Ủy ban trên tất cả các lĩnh vực công tác như lập pháp, giám sát, hoạt động đối ngoại, công tác dân nguyện cũng như nhiều nhiệm vụ khác do Đảng đoàn Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Lãnh đạo Quốc hội giao.
Về phương hướng nhiệm vụ năm 2024, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Nguyễn Hải Hưng cho biết, Ủy ban sẽ phối hợp với các cơ quan hữu quan tiếp thu, chỉnh lý, giải trình đối với 03 dự án luật trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 7 (bao gồm: Luật Đường bộ, Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ; Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viện công nghiệp).
Đồng thời tổ chức thẩm tra 03 dự án: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ (theo quy trình tại một kỳ họp); Luật Phòng không nhân dân; Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ (sửa đổi). Chủ trì, phối hợp thẩm tra đề nghị bổ sung một số dự án: Luật Tham gia lực lượng giữ gìn hòa bình của Liên hợp quốc; Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; Pháp lệnh Quản lý, bảo vệ khu di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh... vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, 2025 khi Chính phủ trình và phân công của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Về hoạt động giám sát, khảo sát, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Nguyễn Hải Hưng cho biết, năm 2024 Ủy ban Quốc phòng và An ninh sẽ chủ trì, phối hợp các cơ quan hữu quan giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội về nội dung giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông từ năm 2009 đến hết năm 2023". Thẩm tra các báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện công tác quốc phòng, an ninh và ngân sách quốc phòng, an ninh; bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; phòng cháy và chữa cháy năm 2024. Tổ chức các đoàn khảo sát phục vụ thẩm tra các dự án: Luật Phòng không nhân dân; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ; Luật Đường bộ và Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ…..
Ủy ban cũng tham gia Đoàn giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các Đoàn đại biểu Quốc hội. Tổ chức giám sát văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực quốc phòng, an ninh và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội…
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới phát biểu tại hội nghị
Tại Hội nghị, các đại biểu đánh giá cao kết quả hoạt động của Ủy ban Quốc phòng và An ninh trong năm 2023, làm rõ thêm kết quả về công tác phối hợp giữa Ủy ban Quốc phòng và An ninh với các cơ quan; đồng thời đề ra những giải pháp khắc phục khó khăn, hạn chế, những phương pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của Ủy ban Quốc phòng và An ninh trong thời gian tới.
Bày tỏ nhất trí với báo cáo Kết quả hoạt động của Ủy ban Quốc phòng và An ninh năm 2023, phương hướng nhiệm vụ năm 2024, Trung tướng Phạm Trường Sơn - Phó Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam cho biết, năm 2023, Bộ Quốc phòng đã phối hợp rất tốt với Ủy ban Quốc phòng và An ninh trong công tác xây dựng pháp luật, thẩm tra, giám sát và khảo sát các dự án Luật liên quan đến lĩnh vực Quốc phòng đảm bảo tiến độ, chất lượng và tính khả thi cao, góp phần xây dựng quân đội nhân dân Việt Nam tinh nhuệ, hiện đại.
Năm 2024, nhiệm vụ xây dựng pháp luật của Bộ Quốc phòng có khối lượng rất lớn, Trung tướng Phạm Trường Sơn mong rằng Ủy ban Quốc phòng và An ninh tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Quốc phòng trong công tác lập pháp, góp phần hoàn thành nhiệm vụ quân sự, quốc phòng mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó.
Thứ trưởng Bộ Công an Trần Quốc Tỏ cũng bày tỏ thống nhất cao với nội dung báo cáo trung tâm, những kết quả, thành tích mà Ủy ban Quốc phòng và An ninh đã đạt được, cũng như phương hướng công tác mà Uỷ ban đề ra. Trong đó, kết quả nổi bật là chủ trì, phối hợp trong công tác giải trình, tiếp thu, chỉnh lý các dự án luật, các nhiệm vụ của Ủy ban Quốc phòng và An ninh được giao.
Thay mặt Đảng uỷ Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an, Thứ trưởng Trần Quốc Tỏ trân trọng cảm ơn Ủy ban Quốc phòng và An ninh đã luôn phối hợp, đồng hành, chia sẻ với lực lượng công an thời gian qua; mong muốn tiếp tục nhận được sự phối hợp, giúp đỡ hiệu quả hơn nữa thời gian tới...
Cổng Thông tin điện tử Quốc hội trân trọng giới thiệu một số hình ảnh tại hội nghị:
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương dự Hội nghị Tổng kết công tác năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024 của Ủy ban Quốc phòng và An ninh.
Quang cảnh hội nghị
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới phát biểu khai mạc hội nghị.
Các đại biểu tham dự hội nghị
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Nguyễn Hải Hưng trình bày báo cáo tại Hội nghị.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Nguyễn Minh Đức phát biểu.
Trung tướng Phạm Trường Sơn - Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam phát biểu.
Thượng tướng Trần Quốc Tỏ, Thứ trưởng Bộ Công an phát biểu.
Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Duy Lâm phát biểu.
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương phát biểu chỉ đạo tại hội nghị
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới phát biểu kết thúc hội nghị