THẢO LUẬN TỔ 15: CẦN THIẾT THỰC THÍ ĐIỂM PHÂN CẤP CHO CẤP HUYỆN TRONG QUẢN LÝ, TỔ CHỨC THỰC HIỆN CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA GIAI ĐOẠN 2024-2025

17/01/2024

Tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5, thảo luận tại Tổ 15 gồm các Đoàn ĐBQH các tỉnh Yên Bái, Hòa Bình, Bình Phước, Bình Thuận về Nghị quyết một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, nhiều đại biểu tán thành với đề xuất thực hiện cơ chế thí điểm phân cấp ngay trong quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2024-2025 và cho rằng việc thực hiện thí điểm là cần thiết để có cơ sở xem xét áp dụng cho cả nước và quyết định cho giai đoạn sau.

TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP SÁNG 16/01: CHÍNH PHỦ TRÌNH QUỐC HỘI DỰ THẢO NGHỊ QUYẾT VỀ MỘT SỐ CƠ CHẾ, CHÍNH SÁCH ĐẶC THÙ THỰC HIỆN CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA

Đại biểu Bố Thị Xuân Linh – Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận khẳng định việc ban hành chính sách đặc thù xuất phát từ yêu cầu cấp bách của thực tiễn, với mục đích tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc và đẩy nhanh triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia và đặc biệt là thực hiện Khoản 2, điều 2 Nghị quyết 108/2023/QH15 của Quốc hội.

Đại biểu Bố Thị Xuân Linh – Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận phát biểu

Góp ý về cơ chế thí điểm phân cấp cho cấp huyện trong quản lý tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, đại biểu Bố Thị Xuân Linh đề nghị lựa chọn phương án 2. Theo đó, thực hiện cơ chế thí điểm phân cấp ngay trong quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2024-2025. Theo đại biểu, đây là phương án khả thi, sẽ đảm bảo sự phân cấp triệt để cho cấp huyện có được chủ động, linh hoạt trong việc điều hành, quản lý, triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia; đồng thời qua thực hiện sẽ có căn cứ thực tiễn để quyết định thực hiện hay không thực hiện để áp dụng chính sách này. Ngoài ra, đại biểu cũng đề nghị bổ sung trong dự thảo Nghị quyết một khoản quy định trong quá trình triển khai thực thực hiện xử lý dứt điểm một số kiến nghị của địa phương liên quan đến việc thực hiện kết luận kiểm toán của Đoàn kiểm toán nhà nước trong quá trình triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia trong nghị quyết này cho cụ thể.

Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Yên Bái Đỗ Đức Duy phát biểu

Có cùng phương án lựa chọn, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Yên Bái Đỗ Đức Duy cho rằng nên quy định theo phương án 2, theo đó, quy định Hội đồng nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định, có thể giao thí điểm cho một huyện để thực hiện cơ chế này. Trong trường hợp có thể nhiều hơn một huyện cũng sẽ lựa chọn để bổ sung thêm nhưng không quá 50% số huyện. Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Yên Bái Đỗ Đức Duy cho rằng việc thực hiện thí điểm trong giai đoạn này là rất cần thiết và nếu việc thí điểm này phát huy hiệu quả rõ rệt thì trong giai đoạn 2026-2030 sẽ đưa vào thành quy định để thực hiện thống nhất trên địa bàn cả nước. Nếu như theo phương án 1 mà hiện nay chưa thực hiện thí điểm thì khó có thể đánh giá hiệu quả để làm cơ sở quyết định cho giai đoạn sau.

Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Thị Phú Hà – Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình cho rằng cần cân nhắc khi đề xuất triển khai Nghị quyết cho cả giai đoạn sau từ 2026-2030. Theo đại biểu, thực hiện cơ chế đặc thù mang tính thí điểm chỉ nên thực hiện cho giai đoạn 2021 – 2025. Sau khi thực hiện cơ chế này, nếu thấy có điểm tốt sẽ đưa ngay vào phê duyệt chủ trương đầu tư các chương trình đầu tư quốc gia giai đoạn sau. Như vậy sẽ bảo đảm tính khả thi tốt hơn, đại biểu nêu rõ.

Đại biểu Nguyễn Thị Phú Hà – Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình phát biểu

Liên quan đến cơ chế thí điểm phân cấp cho cấp huyện trong quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia hiện đang được thiết kế theo 2 phương án, đại biểu Nguyễn Thị Phú Hà phân tích, phương án 1 áp dụng cho cơ chế thí điểm phân cấp cho cấp huyện quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2026 - 2030. Tuy nhiên trong nội dung điểm a quy định Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định tiêu chí lựa chọn huyện thực hiện cơ chế thí điểm, trong đó ưu tiên lựa chọn các huyện đã hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ, kế hoạch thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025, trong khi nội dung này lại áp dụng cơ chế thí điểm cho giai đoạn sau 2026-2030.

Do đó, đại biểu đề nghị cân nhắc thêm nếu trong trường hợp đưa ra những nội dung hiện chưa rõ việc triển khai thực hiện, kết quả thực hiện chương trình như thế nào. Theo đại biểu, nên để lại sau khi phê duyệt chương trình mục tiêu quốc gia cho các giai đoạn sau, cần thiết cho nội dung nào thì sẽ nêu ngay trong nghị quyết của Quốc hội về phê duyệt chủ trương đầu tư các nội dung này.

Các đại biểu tại phiên thảo luận Tổ 15

Đại biểu Nguyễn Thị Phú Hà cũng cho biết, phương án 2 hiện quy định cũng chưa rõ điều kiện thực tiễn được quyết định lựa chọn một huyện thực hiện thí điểm. Liệu có phải tỉnh nào cũng phải lựa chọn một huyện hay không? Hay là tùy theo từng tỉnh, tỉnh nào thấy có thể áp dụng được thì lựa chọn. Đại biểu cho rằng phương án phân cấp, tăng quyền tự chủ nhưng trong triển khai thực hiện cũng rất khó tổ chức triển khai thực hiện. Bởi Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định ra mục tiêu, nhiệm vụ nhưng Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện thì được quyết định điều chỉnh tất cả các phương án phân bổ, kể cả đầu tư công, cả chi thường xuyên. Do đó, đại biểu đề nghị xem cân nhắc tính khả thi của việc triển khai thực hiện nội dung này.

Góp ý vào khoản 4, Điều 5 dự thảo nghị quyết về quản lý, sử dụng tài sản hình thành từ dự án hỗ trợ phát triển sản xuất hiện còn 2 phương án, đại biểu Nguyễn Thành Trung – Đoàn ĐBQH tỉnh Yên Bái bày tỏ tán thành với phương án 1 như đa số ý kiến của Hội đồng Dân tộc. Đại biểu lý giải, nếu theo phương án 2 “quy định trách nhiệm của cơ quan quản lý dự án, theo dõi, giám sát quá trình quản lý, sử dụng tài sản trong thời gian thực hiện dự án. Đồng thời quy định sau thời điểm kết thúc dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, cơ quan quản lý dự án hỗ trợ phát triển sản xuất và chủ dự án phát triển sản xuất tổ chức kiểm kê, đánh giá và xử lý tài sản hình thành từ nguồn vốn hỗ trợ của ngân sách nhà nước” là không khả thi.

Đại biểu Nguyễn Thành Trung – Đoàn ĐBQH tỉnh Yên Bái phát biểu

Đại biểu làm rõ, pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công như Luật Quản lý sử dụng tài sản công năm 2017, hay Nghị định số 151/2017/NĐ-CP của Chính phủ chỉ quy định việc quản lý, sử dụng tài sản dự án sử dụng vốn nhà nước mà không có quy định về việc xử lý tài sản của dự án hỗn hợp, trong đó có một phần của ngân sách được hỗ trợ cho dự án. Trong trường hợp kết thúc dự án mà chủ dự án phát triển sản xuất liên kết hoặc người dân tham gia dự án hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng không có nhu cầu sử dụng thì xử lý tài sản này như thế nào? Ở đây cũng chưa làm rõ được phương án trong trường hợp người dân không có nhu cầu tiếp tục sử dụng tài sản này nữa thì kiểm kê, định đánh giá lại tài sản để làm gì?

Do đó đại biểu Nguyễn Thành Trung đề nghị không áp dụng quy định quản lý tài sản công đối với tài sản có vốn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước dưới 500 triệu đồng hoặc tài sản hỗ trợ cho cộng đồng người dân tham gia thực hiện dự án phát triển sản xuất. Việc xác định từng loại tài sản cụ thể cho từng đối tượng cụ thể do cấp có thẩm quyền phê duyệt dự án quyết định khi phê duyệt dự án hỗ trợ phát triển sản xuất.

Một số hình ảnh tại phiên thảo luận Tổ 15:

Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Yên Bái Đỗ Đức Duy điều hành phiên thảo luận tại Tổ 15

Đại biểu Nguyễn Hữu Thông - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận phát biểu

Các đại biểu tại phiên thảo luận Tổ 15.

Bảo Yến

Các bài viết khác