Thực hiện Nghị quyết số 296/NQ-HĐDT14, ngày 30/6/2017 của Hội đồng Dân tộc, từ ngày 20/8 đến 27/8/2017, Đoàn giám sát do đồng chí Nguyễn Lâm Thành - Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc làm Trưởng đoàn tiến hành giám sát chuyên đề“Tình hình, kết quả thực hiện chính sách, pháp luật về giao đất, giao rừng cho cộng đồng dân cư và hộ gia đình vùng dân tộc thiểu số, miền núi giai đoạn 2006-2016” tại hai tỉnh Hòa Bình và Điện Biên. Tham gia đoàn giám sát có các đại biểu Quốc hội là Thành viên Hội đồng Dân tộc ở các tỉnh Bắc Kạn, Phú Thọ, Nghệ An, Gia Lai, Đắk Lăk. Đoàn đã đến thị sát trực tiếp, gặp gỡ các hộ dân được giao đất, giao rừng và làm việc tại xã Khoan Dụ, huyện Lạc Thủy, xã Kim Tiến, huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình; xã Na Son, huyện Điện Biên Đông, xã Sa Lông, huyện Mường Chà, tỉnh Điện Biên.
Đồng chí Nguyễn Lâm Thành, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc giám sát thực hiện chính sách giao đất, giao rừng tại huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên.
Qua làm việc tại các địa phương, đồng chí Nguyễn Lâm Thành đã phát biểu đánh giá về kết quả thực hiện việc giao đất, giao rừng cho cộng đồng, hộ gia đình dân tộc thiểu số và miền núi. Giai đoạn 2006-2016, tỉnh Hòa Bình đã giao 48.771,2 ha (trong đó, rừng tự nhiên 34.687,80 ha; rừng trồng 6.195,31; đất trống 7.888,08 ha) cho 713 cộng đồng; Tổng diện tích đã giao cho hộ gia đình là 104.964,7 ha cho 51.107 hộ; 100% số hộ và diện tích đã được cấp quyền sử dụng đất; Diện tích rừng được các hộ gia đình trồng mới qua các năm từ 2006-2016 là 55.000 ha. Tỉnh Điện Biên đã giao 262.249,45 ha cho 1.135 cộng đồng, đã cấp quyền sử dụng đất cho 1.124 hộ, với diện tích 261.717 ha, đạt trên 99%; diện tích đã giao cho hộ gia đình người dân tộc thiểu số là 8.610,39 ha, số hộ được giao là 3.372 hộ, số hộ đã được cấp quyền sử dụng là 2.939 hộ, với diện tích 7.485,04 ha.
Sau khi được giao rừng và đất rừng, các cộng đồng và hộ gia đình được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận quyền sử dụng rừng ổn định, lâu dài phù hợp với thời hạn giao rừng. Được hưởng thành quả lao động, kết quả đầu tư trên diện tích rừng và đất rừng được giao; được hướng dẫn kỹ thuật, hỗ trợ về vốn theo chính sách của Nhà nước và các dự án để bảo vệ và phát triển rừng và được hưởng lợi ích do các công trình công cộng bảo vệ, cải tạo rừng mang lại. Được hưởng lợi từ chi trả dịch vụ môi trường theo Nghị định 99/2010/NĐ-CP ngày 24/9/2010 của Chính phủ, thời gian được hưởng từ năm 2011 đến năm 2016. Tổng kinh phí thực hiện giao rừng cho cộng đồng và hộ gia đình là 432.246 triệu đồng.
Việc giao đất, giao rừng là một chủ trương lớn, đúng đắn và đã được thể hiện rõ trong Luật Đất đai và Luật Bảo vệ và phát triển rừng; các chủ rừng sau được giao đất, giao rừng đã phát huy quyền và nghĩa vụ được quy định, nhiều diện tích rừng được bảo vệ tốt, diện tích đất trống đã được phủ xanh, góp phần lớn nâng độ che phủ rừng qua các năm.
Qua quá trình thực hiện cho thấy, chủ rừng đã có ý thức trong việc bảo vệ rừng, giữ rừng, đầu tư chăm sóc rừng. Hiện tượng phá rừng, khai thác rừng, lâm sản, lấn chiếm, chuyển đổi mục đích rừng và đất lâm nghiệp giảm. Nhiều khu rừng được giao cho cộng đồng quản lý đã phát huy được tính làng, xã từ lâu đời, rừng được bảo vệ rất tốt. Nhiều diện tích đã có chủ quản lý, nên hạn chế xâm phạm tài nguyên rừng, tài nguyên đất, nên môi trường khu vực được đảm bảo. Đóng góp vào duy trì, phát huy tính cộng đồng, làng xã; đáp ứng, phục vụ nhu cầu bảo vệ nguồn nước của cộng đồng.
Bên cạnh những kế quả đã đạt được, quá trình thực hiện chính sách giao đất, giao rừng cho cộng đồng, hộ gia đình dân tộc thiểu số còn bộc lộ một số hạn chế, bất cập: Quyền sử dụng rừng tự nhiên của hộ gia đình quy định trong Luật Bảo vệ và phát triển rừng (Điều 70) chưa tạo được động lực cho hộ gia đình quản lý, sử dụng rừng tự nhiên; Chính sách đầu tư hỗ trợ đối với rừng tự nhiên được giao cho cộng đồng dân cư, hộ gia đình chưa tương xứng, do không thuộc đối tượng hưởng chế độ khoán bảo vệ rừng, không được hỗ trợ vốn sản xuất cho rừng tự nhiên; Mức thuế suất thuế tài nguyên với gỗ, lâm sản rừng tự nhiên còn cao, chưa hợp lý, chưa phù hợp với chủ trương và quá trình xã hội hóa nghề rừng và chính sách xóa đói giảm nghèo đối với vùng miền núi và dân tộc thiểu số. Trong tổ chức thực hiện, các cấp, các ngành liên quan chưa thực sự quan tâm tổ chức công tác giao đất, giao rừng, đặc biệt là đối với một số hộ gia đình và cộng đồng dân cư; Công tác giao đất, giao rừng thiếu nguyên tắc nhất quán và không theo một hệ thống qua các thời kỳ, chưa có sự phối hợp hiệu quả giữa các ngành; Việc giao đất, giao rừng còn thiếu sự tham gia của người dân địa phương, dẫn tới có sự chồng lấn, tranh chấp giữa các chủ hộ, các chủ rừng; Thiếu kinh phí để tiến hành các bước giao rừng nên công tác giao đất, giao rừng đôi khi còn chậm tiến độ. Việc tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách, thanh tra, kiểm tra, sơ kết, tổng kết ở một số địa phương nhất là vùng sâu, vùng xa chưa được thường xuyên và đồng bộ.
Đồng chí Nguyễn Lâm Thành, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc phát biểu tại buổi làm việc với UBND huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình.
Đoàn giám sát thống nhất với các địa phương đề nghị, Quốc hội nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật Bảo vệ và phát triển rừng theo hướng: Bổ sung nguyên tắc giao rừng, cho thuê, thu hồi, chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, đồng thời với việc gia đất, cho thuê đất phải công khai, minh bạch, có sự tham gia và đồng thuận của người dân sở tại; tuân theo quy hoạch, kế hoạch bảo vệ, phát triển rừng đã được phê duyệt; Quy định cụ thể đối với các hộ gia đình, cá nhân thực hiện quyền thế chấp, góp vốn bằng giá trị đất, rừng; Quy định giao rừng cho cộng đồng không thuộc phạm vi địa bàn cấp xã, thôn (phù hợp hực tế do lịc sử để lại); công nhận cộng đồng dân cư là chủ rừng hực sự, quy định việc xây dựng quy ước quản lý rừng cộng đồng và có chính sách hỗ trợ quản lý rừng cộng đồng, đồng thời với việc mở rộng một số quyền hiện nay.
Chính phủ và các Bộ, ngành khẩn trương bố trí kinh phí để tổ chức thực hiện kiểm kê, đo đạc, phân giới, cắm mốc đất, rừng trên hực địa làm cơ sở để tỉnh tiến hành giao rừng, cho thuê rừng. Xây dựng chính sách hưởng lợi và cơ chế hưởng lợi để đảm bảo cho đối tượng nhận rừng yên tâm quản lý, bảo vệ và tăng cường đầu tư để phát triển rừng. Đặc biệt, đối với rừng nghèo kiệt thì việc hưởng lợi cho người nhận rừng cần được nâng cao hơn để tạo động lực quản lý bảo vệ rừng được tốt. Cần có sự thống nhất các tiêu chí phân loại rừng và đất đai giữa hai ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Tài nguyên và Môi trường và thống nhất, quy định về trình tự thủ tục để lập hồ sơ gắn giao rừng, cho thuê rừng với giao đất, cho thuê đất./.