Thường trực Hội đồng Dân tộc của Quốc hội làm việc với các Bộ, ngành
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến năm 2017, trên địa bàn miền Trung và Tây Nguyên đã xây dựng 81 dự án thủy lợi, thủy điện (48 dự án thủy điện, trong đó có 39 dự án thủy điện có công suất từ 100-1.050MW và 33 dự án thủy lợi có quy mô vừa và lớn) thuộc 15/19 tỉnh. Chỉ tính riêng 3 tỉnh Gia Lai, Đăk Nông và Kon Tum đã có 11 nhà máy thủy điện lớn đã đưa vào vận hành, với công suất trên 5.000 MW, chiếm 25% công suất nguồn thủy điện cả nước (theo quy hoạch 3 tỉnh có tới trên 250 dự án thủy điện vừa và nhỏ). Các dự án này đều phải thực hiện giải phóng mặt bằng, đền bù, di rời, tái định cư. Tổng só dân phải di rời, tái định cư gần 30.000 hộ/gần 130.000 khẩu.
Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành chủ trì buổi làm việc
Qua thực tiễn khảo sát, Hội đồng Dân tộc đã xây dựng dự thảo Báo cáo kết quả khảo sát việc thực hiện chính sách di dân, tái định cư các công trình thủy lợi, thủy điện khu vực miền Trung, Tây Nguyên. Báo cáo nêu rõ, Ủy ban nhân dân các tỉnh đã chỉ đạo sát sao các ngành, các cấp nghiêm túc thực hiện các chính sách bồi thường, hỗ trợ tái định cư đối với các hộ dân ảnh hưởng, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số trong suốt quá trình từ khi bắt đầu các khởi công các công trình thủy lợi, thủy điện thực hiện xử lý các vấn đề liên quan đến bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.
Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Đinh Công Sỹ phát biểu tại buổi làm việc
Các tỉnh đã thành lập ban chỉ đạo xây dựng các công trình thủy điện, thủy lợi trên địa bàn. Về việc ban hành các văn bán chỉ đạo, điều hành, ngay sau khi có Quyết định đầu tư các dự án thủy điện, thủy lợi, Ủy ban nhân dân các tỉnh đã kịp thời cụ thể hóa bằng việc ban hành các văn bản chỉ đạo, điều hành của tỉnh tập trung cho công tác di dân, tái định cư; phân công phụ trách từng công việc cụ thể; thành lập Hội đồng bồi thường, di dân tái định cư…Khẩn trương triển khai các quy định về trình tự về đầu tư, xây dựng, thống kê, đền bù giải phóng mặt bằng, tái định cư…
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Vũ Hồng Nam phát biểu tại buổi làm việc
Tuy nhiên, báo cáo của Hội đồng dân tộc cũng chỉ rõ một số khó khăn, tác động tiêu cực trong quá trình xây dựng, sử dụng công trình thủy lợi, thủy điện như: một số chính sách tái định cư cho những hộ dân bị ảnh hưởng do thu hồi đất để xây dựng các công trình thủy điện chưa thống nhất; mức bồi thường, hỗ trợ khác nhau giữa các dự án, công trình; chưa công bằng trong việc bồi thường và hỗ trợ. Bên cạnh đó, việc xả lũ các hồ chứa trong mùa mưa gây nguy hiểm, ngập lụt cho hạ lưu. Việc giải phóng mặt bằng, di dời, tái định cư để xây dựng các công trình thủy điện, thủy lợi, ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân. Các khu tái định cư tuy được đầu tư hạ tầng, các hộ di rời được hỗ trợ sản xuất, đời sống, sinh hoạt…nhưng đa số người dân sau di rời, tái định cư vẫn có cuộc sống khó khăn, thiếu đất sản xuất, thiếu việc làm, thu nhập không ổn định.
Thứ trưởng Ủy ban Dân tộc Lê Sơn Hải phát biểu tại buổi làm việc
Cho ý kiến tại buổi làm việc, một số đại biểu nhất trí với đề xuất của Hội đồng Dân tộc, kiến nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tăng cường công tác giám sát và khảo sát việc thực hiện chính sách, pháp luật của Nhà nước về quy hoạch, bồi thường, di dân và tái định cư đối với các công trình thủy điện, thủy lợi trên cả nước.
Đối với Chính phủ, cần đánh giá tổng thể, toàn diện về lợi ích của việc xây dựng các công trình thủy điện đem lại so với sự thiệt hại về xã hội, môi trường, đất đai, tài sản, điều kiện sống lâu dài của dân cư, nhất là dân cư đồng bào dân tộc thiểu số. Từ đó có giải pháp nhằm đảm bảo được phát triển kinh tế gắn với đảm bảo môi trường và đời sống của nhân dân vùng dự án./.