Dự buổi làm việc, còn có: Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Nguyễn Văn Hòa; Tỉnh Uỷ viên, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Trần Thị Nga và lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan.
Toàn cảnh buổi làm việc
Thời gian qua, công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật hỗ trợ phát triển giáo dục vùng dân tộc thiểu số, miền núi được thực hiện đầy đủ, kịp thời. Với sự quan tâm đầu tư của các cấp, huy động từ nhiều nguồn nên mạng lưới trường lớp học trên toàn tỉnh đã được mở rộng, nâng cấp, cơ bản đáp ứng được nhu cầu học tập của nhân dân. Quy mô và tỷ lệ học sinh đi học trong độ tuổi so với dân số trong độ tuổi mầm non, tiểu học, trung học cơ sở ngày càng tăng.
Về chính sách đầu tư, hỗ trợ phát triển giáo dục vùng dân tộc thiểu số, miền núi đã được tỉnh Kon Tum triển khai đúng mục tiêu, đầy đủ, kịp thời các chính sách về học phí, học bổng chính sách và các chính sách hỗ trợ khác. Các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục vùng dân tộc thiểu số được thực hiện thường xuyên và có kết quả. Công tác phổ cập giáo dục miền núi cho trẻ 5 tuổi được quan tâm. Kon Tum đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi...
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện, Kon Tum cũng gặp một số khó khăn, như: Đề án củng cố và phát triển hệ thống trường Phổ thông Dân tộc nội trú giai đoạn 2011-2015 theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ chưa có sự tác động đến sự phát triển của trường ở địa phương do kinh phí thực hiện quá ít; việc trang cấp bằng hiện vật theo Thông tư liên tịch số 109/TTLT/BGD-BTC cho học sinh khi nhập trường vào đầu năm lớp 10 không bảo đảm sử dụng suốt 3 năm học... Tỉnh Kon Tum kiến nghị Trung ương tiếp tục duy trì chính sách hỗ trợ phát triển giáo dục miền núi, quan tâm hỗ trợ các tỉnh miền núi khó khăn như Kon Tum về điều kiện, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học...
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum Nguyễn Văn Hòa báo cáo tại buổi làm việc
Tại buổi làm việc, lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh và các cơ liên quan đã làm rõ một số khó khăn, hạn chế trong lĩnh vực giáo dục ở địa phương, như: Quy mô, mạng lưới trường lớp đã được quan tâm mở rộng, song nhiều trường học chưa có phòng học bộ môn, thư viện; một số trường ở vùng sâu, vùng xa còn thiếu công trình vệ sinh, thiếu nguồn nước nhất là về mùa khô; số phòng học tạm vẫn còn nhiều; phân luồng học sinh sau tốt nghiệp Trung học cơ sở còn nhiều khó khăn do vấn đề nhận thức, sự chưa hoàn thiện của hệ thống trường trung cấp chuyên nghiệp và dạy nghề, việc làm đầu ra chưa đáp ứng yêu cầu sinh kế thiết thực của người học...
Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Cao Thị Xuân phát biểu tại buổi làm việc
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội đánh giá cao tinh thần nghiêm túc và trách nhiệm của địa phương trong việc chuẩn bị báo cáo, lựa chọn địa bàn để Đoàn giám sát khảo sát thực tế; ghi nhận những kết quả đạt được của tỉnh trong triển khai thực hiện các chính sách, pháp luật về hỗ trợ phát triển giáo dục miền núi vùng dân tộc thiểu số, miền núi trên địa bàn.
Chia sẻ một số khó khăn, tồn tại trong triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ, phát triển giáo dục trên địa bàn Kon Tum, Đoàn giám sát cho biết, sẽ tổng hợp đầy đủ các kiến nghị, nghiên cứu, chắt lọc đưa vào Báo cáo kết quả giám sát trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội; chuyển tới Chính phủ và các bộ, ngành liên quan để có sự xem xét điều chỉnh kịp thời, thiết thực đóng góp vào việc sửa đổi, bổ sung Luật giáo dục và Luật giáo dục đại học trong thời gian tới.
Trước đó, Đoàn công tác đã đi khảo sát thực tế ở 02 trường trên địa bàn huyện Kon Plông và trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh./.