HỘI ĐỒNG DÂN TỘC LÀM VIỆC VỚI CÁC BỘ NGÀNH VỀ KẾT QUẢ GIÁM SÁT VIỆC THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT 112/2015/QH13

26/09/2018

Thực hiện chương trình giám sát chuyên đề “Tình hình triển khai và kết quả thực hiện Nghị quyết số 112/2015/QH13 của Quốc hội về tăng cường quản lý đất đai có nguồn gốc từ nông trường, lâm trường quốc doanh do các công ty nông nghiệp, lâm nghiệp, ban quản lý rừng và các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân khác sử dụng”, ngày 26/9, tại Nhà Quốc hội, Hội đồng Dân tộc đã có buổi làm việc với các bộ ngành về nội dung này.

Tham dự buổi làm việc còn có Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Thị Phương Hoa; Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà; đại diện lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban Dân tộc.

Chủ trì, điều hành nội dung buổi làm việc, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Cao Thị Xuân cho biết, buổi làm việc là dịp để tiếp tục trao đổi, thống nhất một số nội dung liên quan đến vấn đề giám sát với các cơ quan hữu quan đồng thời có thêm ý kiến góp ý hoàn thiện báo cáo kết quả giám trong dự thảo báo cáo kết quả giám sát. Qua đó có thêm phân tích, đánh giá, thảo luận thẳng thắn từ thực tiễn triển khai của bộ, ngành địa phương bổ sung cho dự thảo báo cáo, đánh giá đúng kết quả triển khai thực hiện Nghị quyết 112 và những tồn tại, hạn chế, bất cập trong quá trình triển khai thực hiện, nhất là đánh giá 5 mục tiêu nhiệm vụ mà Quốc hội đề ra để tìm ra giải pháp nhằm thực hiện tốt nghị quyết.

Hội đồng Dân tộc làm việc với các bộ, ngành về kết quả giám sát việc thực hiện Nghị quyết số 112/2015/QH13 của Quốc hội 

Thực hiện chương trình giám sát, Hội đồng Dân tộc đã tổ chức 4 đoàn công tác, tiến hành giám sát trực tiếp tại 9 tỉnh, 13 huyện, 5 tập đoàn, tổng công ty và trên 30 công ty nông, lâm nghiệp, đại diện cho các vùng miền trên cả nước. Qua giám sát, Hội đồng Dân tộc nhận thấy, Chính phủ và các bộ, ngành đã triển khai nhiều hoạt động để triển khai thực hiện Nghị quyết 112, như: Tổ chức hội nghị quán triệt chủ trương, hội nghị sơ kết, tổng kết công tác đo đạc, cắm mốc ranh giới; chỉ đạo thực hiện nghĩa vụ tài chính về sử dụng đất đai… Với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và nhiều bộ, ngành, thì các địa phương, doanh nghiệp đã khẩn trương xây dựng phương án tổng thể sắp xếp, đổi mới công ty nông, lâm nghiệp; đến nay Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt 40/41 phương án tổng thể. Các địa phương đã cơ bản hoàn thành việc rà soát đất đai gắn với rà soát, sắp xếp lại tổ chức, chuyển đổi công ty nông, lâm nghiệp và làm cơ sở để xử lý các tồn tại, hạn chế, vướng mắc, vi phạm pháp luật trong quản lý, sử dụng đất. Nhìn chung, việc tăng cường thực hiện quản lý đất đai có nguồn gốc từ nông, lâm trường theo yêu cầu của Nghị quyết 112 đã có những tác động tích cực, bước đầu giúp sử dụng hiệu quả phần diện tích đất này, tạo điều kiện để các công ty nông, lâm nghiệp đổi mới quản trị, phát triển sản xuất, kinh doanh.

Tuy nhiên, theo Báo cáo kết quả giám sát, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương chưa xây dựng và triển khai thực hiện đề án tăng cường quản lý đất đai có nguồn gốc nông lâm trường nhưng không thuộc diện đổi mới, sắp xếp phát triển theo Nghị định 118/2014/NĐ-CP. Trong hơn 9 triệu ha đất có nguồn gốc nông, lâm trường đang được các công ty, tổ chức, gia đình và cá nhân sử dụng mới rà soát, đo đạc, cắm mốc, thiết lập hồ sơ quản lý của các công ty nông, lâm nghiệp, chiếm 25,8% tổng diện tích. Tiến trình xây dựng đề án sắp xếp, đổi mới công ty nông, lâm nghiệp thiếu sự tham gia của chính quyền và người dân, nên có nhiều bất cập, nhất là trong quy hoạch, rà soát đất đai, xác định phần diện tích để lại cho sản xuất, kinh doanh và diện tích giao trả về cho địa phương.

Tại một số công ty nông, lâm nghiệp, ban quản lý rừng nguồn lực đất đai chưa thực sự phát huy hiệu quả, tình trạng sử dụng đất không đúng đối tượng, không đúng mục đích vẫn xảy ra phổ biến. Việc thực hiện pháp luật về nghĩa vụ tài chính về đất đai chưa nghiêm. Trong khi đó, công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát việc chấp hành pháp luật về đất đai đối với đất đai có nguồn gốc từ các nông, lâm trường còn hạn chế, chưa thực hiện thường xuyên, triệt để.

Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Cao Thị Xuân trao đổi về một số kết quả của giám sát 

Qua giám sát, Hội đồng Dân tộc cũng chỉ ra nhiều nguyên nhân khách quan, chủ quan của các tồn tại hạn chế nêu trên, như công tác quản lý nhà nước về đất đai còn bất cập, chưa được thực hiện đầy đủ; sự phối hợp giữa chính quyền địa phương với các công ty nông lâm nghiệp còn chưa chặt chẽ dẫn đến việc phát hiện và ngăn chặn hành vi lấn chiếm đất đai, giải quyết tranh chấp đất đai chưa xử lý một cách triệt để. Việc đầu tư kinh phí ngân sách Trung ương và địa phương cho công tác này trong nhiều năm qua chưa đủ để xác định ranh giới, cắm mốc, đo đạc, lập hồ sơ địa chính đất đai.

Tại buổi làm việc, các thành viên Hội đồng Dân tộc đề nghị các bộ, ngành cần làm  rõ việc thực hiện chính sách pháp luật về tài chính đất đai, việc nộp tiền thuê đất, việc miễn giảm tiền thuê đất trong các công ty nông, lâm nghiệp theo đúng đối tượng và quy định của chính sách, pháp luật. Hướng dẫn, kiểm tra các địa phương giành tối thiểu10% tiền thu được lấy từ đất đai để thực hiện nhiệm vụ quản lý đất đai, đo đạc bản đồ, cắm mốc, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.. một số đại biểu đề nghị cần có chế tài mạnh hơn đối với các đơn vị chây ỳ để đảm bảo công tác thu tài chính được hiệu quả.

Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành cho rằng, liên quan đến chế độ thu tài chính vừa qua còn rất lỏng lẻo, rất nhiều nguồn lực tốt nhưng không thu hoặc thu không đủ dẫn đến thất thoát nguồn lực quốc gia, địa phương cũng không có nguồn lực để thực hiện các nhiệm vụ trong quản lý đất đai như đo đạc, xác định ranh giới, lập bản đồ… Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành đề nghị làm rõ những vấn đề tài chính còn vướng mắc, cần được tháo gỡ ngay trong báo cáo từ đó đề ra được những giải pháp then chốt, tạo ra sự khác biệt nếu không tình hình sẽ không có sự thay đổi.

Bên cạnh đó, một số đại biểu yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện sắp xếp, đổi mới các công ty nông, lâm nghiệp theo quy định; phối hợp với các Bộ, ngành kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc về đất đai, cổ phần hóa…đặc biệt cần chỉ đạo đánh giá chất lượng rừng để làm giá trị tài sản, đối với vùng có quy hoạch là rừng phòng hộ thì cần có 1 cơ chế để chuyển đổi riêng biệt. Đối với Bộ Tài nguyên và Môi trường các đại biểu cũng đề nghị Bộ cần tham mưu cho Chính phủ xây dựng đề án tăng cường quản lý đối với đất đai có nguồn gốc nông, lâm trường quốc doanh không thuộc diện sắp xếp theo quy định tại nghị định 118 của Chính phủ để thực hiện theo yêu cầu của nghị quyết số 112/2015/QH13. Đồng thời kiểm tra, hướng dẫn và chỉ đạo tổ chức thực hiện việc rà soát, đo đạc, lập bản đồ địa chính...kế hoạch quản lý sử dụng đất của các công ty nông, lâm nghiệp khi trả về địa phương.

Lãnh đạo một số bộ, ngành tại buổi làm việc

Trao đổi làm rõ những vấn đề liên quan đến báo cáo kết quả giám sát, đại diện lãnh đạo các Bộ ngành đều đánh giá cao những kết quả giám sát của Hội đồng Dân tộc, tán thành với nhiều nội dung trong báo cáo, các đại biểu cũng đề nghị cần có đánh giá chi tiết tình hình thực hiện triển khai cụ thể Nghị quyết 112 của các bộ ngành, địa phương và các công ty nông, lâm nghiệp, chỉ rõ địa chỉ của đơn vị thực hiện tốt, chưa thực hiện hoặc thực hiện không hiệu quả các yêu cầu trong Nghị quyết của Quốc hội. Cùng với đó, cần làm rõ trách nhiệm của các đơn vị liên quan, bổ sung kiến nghị đối với Thanh tra Chính phủ tăng cường công tác thanh kiểm tra, có giải pháp xử lý triệt để trong thời hạn nhất định, không để kéo dài tình trạng bất cập trong quản lý đất đai có nguồn gốc từ nông, lâm trường quốc doanh như hiện nay.

Kết luận nội dung làm việc, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Cao Thị Xuân cho biết, trên cơ sở ý kiến tại buổi làm việc, Hội đồng Dân tộc cùng với cơ quan giúp việc sẽ nghiên cứu tiếp thu để hoàn thiện báo cáo kết quả giám sát, trong đó chú trọng làm rõ các địa chỉ làm tốt, chưa tốt, trách nhiệm của các cơ quan đơn vị, kiến nghị tăng cường công tác thanh tra kiểm tra, xử lý vi phạm trong quản lý, sử dụng đất đai có nguồn gốc từ các nông, lâm trường quốc doanh.

Bảo Yến