Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Hà Ngọc Chiến phát biểu tại buổi làm việc.
Cùng tham dự buổi làm việc có các Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành, Cao Thị Xuân và Trần Thị Hoa Ry. Về phía Đại học Quốc gia Hà Nội có PGS.TS Nguyễn Kim Sơn - Giám đốc Đại học Quốc gia, các phó giám đốc và lãnh đạo các đơn vị liên quan.
Báo cáo tại Hội nghị, đại diện Đại học Quốc gia Hà Nội, trong giai đoạn 2011-2020 cho biết trường đã chủ trì, phối hợp thực hiện nhiều nhiệm vụ khoa học lớn được Đảng, Nhà nước giao, trong đó có nhiều chương trình, nhiệm vụ liên quan đến vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Đặc biệt là được Nhà nước giao chủ trì Chương trình "Khoa học công nghệ phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Bắc". Chương trình đã triển khai 58 nhiệm vụ bao gồm 55 đề tài và 3 dự án sản xuất thử nghiệm trong đó có 57 đề tài, dự án nghiên cứu liên quan đến dân tộc thiểu số và miền núi. Đây là chương trình có tính liên ngành, liên lĩnh vực, có tính ứng dụng và đã cung cấp các luận cứ khoa học cho việc giải quyết các vấn đề cơ bản đặt ra trong thực tiễn nhằm phát triển bền vững vùng Tây Bắc.
Cũng theo đại diện TRường Đại học Quốc gia Hà Nội, sau 7 năm triển khai đến nay có 100% đề tài có kết quả được công bố trên các tạp chí khoa học công nghệ có uy tín của quốc gia hoặc quốc tế, ít nhất 30% số đề tài có kết quả được chấp nhận đơn yêu cầu bảo hộ sở hữu trí tuệ, đăng ký quyền tác giả. Đánh giá cao những kết quả đã đạt được, tuy nhiên các đại biểu trong đoàn giám sát cũng cho rằng hiện tại chỉ có 20 mô hình được triển khai nhân rộng là không nhiều. Mặc dù mục tiêu của chương trình là lấy doanh nghiệp làm trung tâm để thực hiện các chương trình theo chuỗi khép kín từ nghiên cứu đến lúc đưa sản phẩm ra thị trường nhưng hiện việc huy động sự tham gia của doanh nghiệp còn hạn chế, người dân chưa được hưởng thụ thành quả từ nghiên cứu khoa học.
Thừa nhận là vẫn còn nhiều đề tài thiếu tính thực tiễn, các nhà khoa học cho rằng một trong những nguyên nhân là do cơ chế còn có những bất cập. PGS.TS Trương Vũ Bằng Giang - Phó Trưởng ban Khoa học công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội, việc chuyển giao khoa học cho doanh nghiệp hiện còn rất nhiều khó khăn do các thủ tục, cơ chế chính sách để có được 20 mô hình được chuyển giao là sự nỗ lực rất lớn. Số còn lại đã có kết quả và các tài sản vẫn ở đó, các địa phương vẫn khai thác bình thường nhưng chưa thuộc tài sản của địa phương do vướng cả về luật Chuyển giao công nghệ và văn bản dưới luật.
Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội PGS.TS Phạm Bảo Sơn cũng cho biết, bên cạnh khó khăn về thuế thì còn khó khăn trong chuyển giao tài sản, các doanh nghiệp đều mong muốn được sử dụng kết quả của các đề tài, nhưng kết quả của các đề tài sử dụng kinh phí nhà nước là tài sản công, không thể chuyển cho doanh nghiệp để triển khai vì vậy luật cần phải tháo gỡ bất cập này. Đại học Quốc gia Hà Nội cũng khuyến khích đẩy mạnh phát triển khoa học công nghệ nhưng không định giá tài sản công được, vì vậy thay vì việc định giá tài sản công để góp vốn cùng doanh nghiệp, thì các nhà khoa học đăng ký sở hữu trí tuệ và trở thành tài sản của đơn vị, sau đó đơn vị có thể nhượng quyền cho doanh nghiệp để cùng với doanh nghiệp triển khai tại địa phương. Tuy nhiên thời gian từ đăng ký sở hữu trí tuệ đến khi cấp bằng kéo dài trong khi hiệu lực các sở hữu trí tuệ lại ngắn, giá trị của sở hữu để triển khai trong thực tiễn không còn nhiều bên cạnh đó các nhà khoa học khi thành lập doanh nghiệp còn vướng vào luật Viên chức và Luật Cán bộ, công chức.
Ở mỗi khâu trong chuỗi khép kín thực hiện các nhiệm vụ khoa học đều có những khó khăn về mặt cơ chế cũng như quá trình triển khai, cụ thể trong Chương trình "Khoa học và công nghệ phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Bắc dù có tới hơn 2000 nhiệm vụ được đề xuất nhưng chỉ xét duyệt được 58 nhiệm vụ một phần do thủ tục xét duyệt còn nhiều bước mặt khác đề tài cũng còn chưa gặp nhau giữa nghiên cứu và thực tiễn tại địa phương.
Vì vậy PGS.TS Nguyễn Kim Sơn - Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, cho rằng thời gia tới cần coi trong đề xuất yêu cầu từ địa phương, từ người làm thực tiễn, tuy nhiên ngay từ lúc có ý tưởng đã phải nhà khoa học, doanh nghiệp, địa phương và các đơn vị liên quan đã phải cùng phối hợp, nếu các phương án đưa ra chưa phù hợp thì phải điều chỉnh có như vậy thì mới giải quyết được bài toán triển khai các nhiệm vụ khoa học theo chuỗi khép kín
Thảo luận tại buổi làm việc, các đại biểu cho rằng, mặc dù có khó khăn về chính sách cần được tháo gỡ, nhưng đại học quốc gia phải đổi mới tư duy, thay đổi cách tiếp cận về nghiên cứu khoa học, đề nghị Đại học Quốc gia Hà Nội có sự quan tâm đánh giá và nghiên cứu để cùng với Hội đồng Dân tộc của Quốc hội kiến nghị các giải pháp cụ thể để huy động sự tham gia của doanh nghiệp trong triển khai các nhiệm vụ khoa học nói riêng và nhiều giải pháp khác nhằm phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi nói chung.
Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội cho rằng Chương trình "Khoa học công nghệ phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Bắc" cần tiếp tục triển khai trong giai đoạn tới nhưng cần có sự điều chỉnh về mục tiêu, nhiệm vụ và ách làm cụ thể để phát huy được thành quả cũng như ưu điểm, khắc phục hạn chế để góp phần thực hiện thắng lợi chương trình mục tiêu phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 và làm chuyển biến đời sống đồng bào dân tộc thiểu số vùng Tây Bắc nói riêng và trên cả nước nói chung./.