Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành phát biểu tại buổi làm việc
Báo cáo của Uỷ ban nhân dân tỉnh Thanh Hoá cho biết giai đoạn 2011-2020, có 19 nhiệm vụ khoa học công nghệ cấp quốc gia và 132 nhiệm vụ khoa học công nghệ cấp tỉnh được triển khai trên địa bàn các huyện miền núi. Tổng kinh phí gần 419 tỷ đồng, trong đó có nguồn huy động từ doanh nghiệp khá lớn.
Đặc biệt giai đoạn này đã hình thành và phát triển hệ thống doanh nghiệp khoa học công nghệ trên địa bàn tỉnh. Hiện đã có 27 doanh nghiệp khoa học công nghệ tuy nhiên vẫn chưa có doanh nghiệp nào xuất phát từ chính vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Ngành khoa học công nghệ của tỉnh cũng đã có hợp tác nghiên cứu khoa học và chuyển giao với các đơn vị trong nước và nhiều quốc gia như Hunggary, Trung Quốc, Ấn Độ, tập trung vào các công nghệ về giống cây trồng và vậy nuôi.
Tuy nhiên, ngân sách nhà nước chi cho khoa học công nghệ chỉ mới đạt trung bình 0,56% tổng chi ngân sách địa phương còn một khoảng cách khá xa so với quy định là 2%. Đồng bào dân tộc thiểu số phân bố rải rác và rrình độ khoa học công nghệ rất không đồng đều giữa các vùng khác nhau. Ông Nguyễn Đức Quyền - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thanh Hoá phân tích là trình độ của đồng bào dân tộc thiểu số miền núi từ 0.0 đến 4.0 . 0.0 và vì hiện vẫn còn một số nơi vẫn canh tác lạc hậu, cứ có đất là gieo hạt và để phụ thuộc thời tiết, có thể bị sâu và chuột hại, trong khi một số nơi có các máy móc hiện đại đạt công nghệ 4.0 như vùng miền núi Như Thanh.
Các đại biểu cho rằng kết vấn đề tuyên truyền cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số đóng vai trò rất quan trọng. Bà Trần Thị Hoa Ry Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, cho rằng việc triển khai thực hiện khoa học công nghệ ở các vùng trên cả nước nhìn chung đã khó khăn nhưng ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số càng khó khăn hơn. Vì vậy, để đồng bào nhận thức đúng và cùng chung tay với nhà nước để triển khai thực hiện là vô cùng khó khăn vì vậy đội ngũ nhân lực để thực hiện công việc này cũng phải cần quan tâm chú trọng.
PGS.TS Lưu Thế Anh cũng cho rằng thông thường các dự án đề tài quy định cần đào tạo bao nhiêu cán bộ đai học hoặc thạc sỹ về nội dung liên quan của đề tài hoặc cũng có thể có phần nội dung tập huấn chuyển giao cho đồng bào triển khai thực hiện, công tác đào tạo nhân lực, tập huấn chuyển giao cần phải được quan tâm
Phát biểu làm rõ những nội dung quan tâm của các đại biểu trong Đoàn giám sát, đại diện địa phương cho biết giai đoạn 2011-2020, tỉnh Thanh Hoá đã tập trung đầu tư phát triển khoa học công nghệ với nhiều nghị quyết, quyết định quan trọng và là một trong 4 khâu đột phá trong phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2016-2020. Rất nhiều kết quả nghiên cứu khoa học được ứng dụng chuyển giao vào sản xuất. Tuy nhiên các đại biểu vẫn còn băn khoăn vào hiệu quả thực sự đến với đồng bào dân tộc thiểu số.
Ông Quàng Văn Hương - Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội thừa nhận rằng theo báo cáo thì thấy Thanh Hoá đã có rất nhiều chương trình ứng dụng nhưng phân tích cụ thể con số thì hiệu quả chưa thực sự cao và chưa tác động được đến với nhiều hộ đồng bào
Ông Lưu Văn Đức - Uỷ viên Thường trực Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, rất ấn tượng với con số 27 doanh nghiệp khoa học công nghệ trên địa bàn tỉnh tuy nhiên ông cho rất tiếc rằng trong này chưa có doanh nghiệp nào xuất phát từ địa bàn dân tộc thiểu số và vấn đề cần quan tâm là hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp này trên địa bàn vùng khó khăn này như thế nào.
Phát biểu kết luận hội nghị, Trưởng đoàn Giám sát, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành đánh giá cao những thành tựu mà Thanh Hoá đã đạt được trong giai đoạn 2011-2020 trong lĩnh vực khoa học công nghệ. Tuy nhiên với những tiềm lực rât lớn về khoa học công nghệ như đội ngũ nhân lực làm khoa học công nghệ là hơn 2000 người, 150 tiến sĩ, 15 tổ chức khoa học, 36 phòng thí nghiệm, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc mong muốn cần phải được phát huy được nguồn lực này và tạo sự kết nối để có quy trình khép kín từ nghiên cứu, chuyển giao ứng dụng và tổ chức sản xuất gắn với doanh nghiệp. Muốn thế, khoa học phải đi trước một bước so với việc xây dựng chuỗi hàng hoá nông nghiệp.
Trưởng Đoàn giám sát cũng cho rằng cần phải đổi mới về cơ chế chính sách nếu không rất khó để phát triển khoa học công nghệ ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Và nếu chỉ tập trung đầu tư nguồn lực cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi mà không chú trọng khoa học công nghệ thì không tạo nền tảng để phát triển, ngân sách nhà nước đầu tư kém hiệu quả. Với vai trò đại diện cho cử tri đồng bào dân tộc thiểu số, các đại biểu của Hội đồng dân tộc luôn trông chờ vào vai trò của Khoa học công nghệ để làm chuyển biến căn bản đời sống của người dân vùng lõi nghèo của cả nước.